Thứ Ba, 12/05/2020 11:01

Nhà văn đưa khoa học viễn tưởng Hàn Quốc đến phương Tây

Những năm gần đây, khoa học viễn tưởng trở thành một thể loại văn học phổ biến tại Hàn Quốc với lượng đầu sách khoa học viễn tưởng tăng nhanh chóng. Các nhà văn trẻ tài năng đã đưa thể loại văn học không mấy được yêu thích trước đó trở thành dòng văn chủ đạo tại Hàn Quốc và tiến gần độc giả quốc tế.

Những năm gần đây, khoa học viễn tưởng trở thành một thể loại văn học phổ biến tại Hàn Quốc với lượng đầu sách khoa học viễn tưởng tăng nhanh chóng. Các nhà văn trẻ tài năng đã đưa thể loại văn học không mấy được yêu thích trước đó trở thành dòng văn chủ đạo tại Hàn Quốc và tiến gần độc giả quốc tế.

Theo dữ liệu từ Trung tâm sách Kyobo, Hàn Quốc, năm 2005 có khoảng 30 cuốn sách khoa học viễn tưởng xuất bản, đến năm 2019 con số tăng lên là 105. Tác giả Bae Myung-hoon, 42 tuổi, một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất “xứ sở kim chi” đã chứng kiến sự biến chuyển rõ nét về vị thế của dòng văn học này kể từ khi ra mắt tác phẩm vào năm 2005.

“Trong vài năm qua, có rất nhiều nhà văn khoa học viễn tưởng trở nên tham vọng hơn. Khi những cuốn sách đó được xuất bản, chúng ta thấy rõ sự thay đổi sâu sắc trong thế giới văn chương Hàn Quốc. Khoa học viễn tưởng trước đây được xếp vào văn học hạng B (hạng trung bình) với lượng người hâm mộ ít ỏi đã tìm cách xâm nhập trở thành thể loại chính”, Bae Myung-hoon chia sẻ với Thời báo Hàn Quốc.

Tác giả khoa học viễn tưởng Bae Myung-hoon.

Ở các nước phương Tây, hiện đại hóa và sự xuất hiện của khoa học viễn tưởng diễn ra đồng nhất. Nhưng ở Hàn Quốc đương đại, nơi tốc độ kinh tế phát triển nhanh chóng nhưng xã hội không hiểu được nhiều về quá trình hiện đại hóa đó.

“So với trước đây, người Hàn Quốc đã ý thức hơn về những thách thức nhân loại đang đối mặt”, Bae Myung-hoon cho biết. Khi anh nghiên cứu về Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul, anh quan tâm đặc biệt tới khoa học viễn tưởng. “Từ năm 20 tuổi, tôi đã viết tiểu thuyết về thế giới sống của chúng ta và đưa ra các câu hỏi giúp con người đối mặt với các tình huống khó xử trong thế giới thực. Những điều đó đã đưa tôi đến với dòng văn học này”.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ Quan hệ quốc tế, anh làm nhiệm vụ nghiên cứu tại Viện Phát triển Xã hội Thông tin Hàn Quốc. Anh nghiên cứu về tương lai và cách con người phản ứng với công nghệ như trí tuệ nhân tạo ra sao. Anh cho biết mình đã tiếp tục phát triển kiến ​​thức khoa học của mình thông qua việc đọc sách, nghiên cứu trên internet và trò chuyện với các nhà khoa học.

Bae Myung-hoon quyết định theo đuổi sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp sau khi giành giải thưởng Văn học sáng tạo Công nghệ Khoa học năm 2005 cho truyện ngắn Smart D. Tác phẩm của anh được thể hiện ở nhiều thể loại như văn học viễn tưởng giả tưởng, văn học thiếu nhi và tiểu thuyết trinh thám, nhưng những cuốn sách nhận được nhiều sự chú ý nhất là khoa học viễn tưởng.

Tuy nhiên, sách của nhà văn không nhận được sự chú ý bởi vào thời điểm đó, nền văn học của Hàn Quốc tập trung ngợi ca những câu chuyện tình cảm, đi sâu vào các nhân vật, cảm xúc và bản ngã.

Có ít người, trong đó Bae Myung-hoon được biết đến với những tác phẩm giàu trí tưởng tượng, sự rõ ràng về ngôn ngữ và óc hài hước. Sau đó vào năm 2009, anh trở nên nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Tower (tạm dịch: Tháp), tác phẩm đề cập đến sự bất bình đẳng được duy trì bởi hệ thống kinh tế và xã hội Hàn Quốc.

Ngay lập tức Tower được độc giả khoa học viễn tưởng và cộng đồng văn học Hàn Quốc ngợi ca. Bae Myung-hoon trở thành người đầu tiên giành giải thưởng Nhà văn trẻ vào năm 2010 cho dòng văn học này.

Tower – tác phẩm tạo nên tên tuổi của Bae Myung-hoon.

"Cuốn sách của tôi nổi tiếng ngay khi xuất bản, khiến tôi chuyên tâm và dành toàn thời gian cho sự nghiệp văn chương", nhà văn Bae Myung-hoon cho biết. Tower gồm sáu phần ngắn lấy bối cảnh một thế giới hư cấu trong tòa Beanstalk, một tòa nhà chọc trời 674 tầng, ví như một thành phố thu nhỏ. Với 500.000 cư dân, rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong tòa nhà. Từ các cuộc chiến tranh nhà nước đến các cuộc xung đột xã hội, tác giả cho biết việc giải quyết các vấn đề xã hội thông qua khoa học viễn tưởng dễ dàng hơn vì không bị giới hạn vào thực tế và đơn giản hóa việc lí giải các vấn đề phức tạp.

Tower đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Anh vào tháng 10 tới. Trước đó, tác phẩm Taklamakan Misdelivery, câu chuyện kể về một phi công gặp nạn trên sa mạc và hơn hai triệu người đến tìm anh ta bằng công nghệ bản đồ vệ tinh đã được đăng trên Tạp chí Asymptote.

"Tôi hi vọng đến một ngày tôi có thể giới thiệu các tác phẩm của mình cho độc giả nước ngoài. Tôi biết ơn những người chuyển ngữ, đặc biệt là dịch giả Sung Ryu. Tôi cảm thấy như mình được ra mắt sách lần nữa", Bae Myung-hoon nói.

Nhà văn Bae Myung-hoon chia sẻ, trong các câu chuyện của anh, khoa học viễn tưởng Hàn Quốc tích hợp triết học Hàn Quốc tạo nên sự khác biệt, thu hút người hâm mộ toàn cầu vì tác phẩm thể hiện quan điểm của người Hàn Quốc về thế giới và chính họ. Nó phản ánh cách người dân Hàn Quốc tưởng tượng về tương lai, đó là điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Bae Myung-hoon muốn người hâm mộ toàn cầu chú ý đến cách anh ấy định hình tương lai và giải quyết các mối quan hệ con người thay vì tập trung vào những tiến bộ trong khoa học hoặc thám hiểm không gian.

"Chúng ta đã từng chia sẻ các vấn đề toàn cầu, nhưng cách mỗi quốc gia tiếp cận chúng có thể khác nhau. Tôi hi vọng độc giả nước ngoài thấy cuốn sách của tôi có sự đặc biệt. Nếu Kí sinh trùng có thể gây được tiếng vang với khán giả trên toàn thế giới, thì tại sao Tower không thể?”, nhà văn cho biết th.

Tác giả cũng đề cập đến cuối tiểu thuyết mới nhất của mình với tựa đề Swirling Space Force (tạm dịch: Lực không gian xoáy) đã phát hành độc quyền bản điện tử vào 26/3. Đó là câu chuyện hài hước xoay quanh cuộc sống hàng ngày của các thành viên lực lượng không gian có các yếu tố khoa học viễn tưởng.

Bae Myung-hoon sinh ra ở Busan, Hàn Quốc vào năm 1978, nhận bằng cử nhân và thạc sĩ quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul. Trong ít năm cầm bút, anh viết nhiều tựa sách viễn tưởng dưới quan điểm của khoa học xã hội, chính trị và quyền lực, sở hữu 10 cuốn tiểu thuyết, hơn 50 truyện ngắn và bài tiểu luận. Trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Hello, The Artificial Being!(2010), Divine Orbit (2011), Sir Chancellor (2012). Anh từng giành Giải thưởng Nhà văn trẻ Munhakdongne (2010), Cuộc thi viết sáng tạo SF cho truyện ngắn hay nhất (2005), Giải thưởng văn học báo chí SNU (2004).

ĐÌNH PHƯƠNG theo Thời báo Hàn Quốc