Thứ Năm, 10/09/2020 09:23

Nhà văn Vũ Tú Nam qua đời

Ông nguyên là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam và nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001.

"Túc tắc sống/ Ngày nối ngày/ Túc tắc say từng phút giây/ Tới khi nào buông tay bút/ Trời xanh ngút túc tắc bay..." - là những dòng thơ của con trai nhà văn Vũ Tú Nam mới đăng để tiễn biệt cha về cõi vĩnh hằng.

Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam qua đời ngày 9/9, thọ 92 tuổi.

Ông tên thật là Vũ Tiến Nam, sinh ngày 5/10/1929, quê tại thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông là em trai nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà thơ Vũ Cao.

Nhà văn Vũ Tú Nam

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, lúc nhỏ ông theo học trường tiểu học Pháp - Việt ở Hòa Bình, sau lên Hà Nội tiếp tục học bậc trung học. Năm 1947, ông nhập ngũ. Nhờ khả năng viết văn, ông được phân công công tác tại báo Chiến sĩ (Liên khu 4). Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1950, ông về công tác tại báo Quân đội Nhân dân, đồng thời cũng là một trong những biên tập viên đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957, cán bộ văn nghệ thuộc Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam, cấp bậc chính trị viên tiểu đoàn.

Tháng 6/1958, ông công tác tại báo Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, và tiếp đó làm việc ở các vị trí: Thư ký tòa soạn báo Văn học (nay là Văn Nghệ), Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, Giám đốc NXB Tác phẩm Mới (nay là NXB Hội Nhà Văn). Ông cũng được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV; Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IX và nghỉ hưu năm 1994. Ông từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001.

Vũ Tú Nam là một trong những thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội cũng như sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung. 

Câu chuyện tình cảm thời chiến tranh của vợ chồng nhà văn được nhiều người ngưỡng mộ,

Những tác phẩm văn học tiêu biểu của nhà văn Vũ Tú Nam phải kể đến: Bên đường 12 (truyện vừa, 1950, Giải nhất văn xuôi Văn nghệ liên khu 4), Quê hương (tập truyện ngắn, 1950), Nhân dân tiến lên (truyện, 1951), Sau trận núi Đanh (truyện, 1951), Ngày xuân (tập truyện ngắn, 1953), Giành lấy tương lai (truyện, 1954), Kể chuyện quê nhà (tập truyện - ký, 1954), Thử thách thầm lặng (truyện, 1971), Sống với thời gian hai chiều (tập truyện - ký, 1983), Mùa xuân tiếng chim (truyện ngắn, 1985), 20 truyện ngắn (1994), Mây hồng (1998), Có và không có (tuyển thơ dịch, 2003), Hồi ức tình yêu (tuyển thư tình, cùng Thanh Hương, 2017).

Về đề tài thiếu nhi, năm 1963, ông phát hành truyện Văn Ngan tướng công được nhiều người đón nhận và được nhà văn Liên Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga và xuất bản ở Liên Xô. Cũng từ tác phẩm này mà ông được mọi người đặt biệt danh "Văn Ngan tướng công".

Lễ viếng nhà văn Vũ Tú Nam bắt đầu lúc 7 giờ 30 ngày 12/9 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra cùng ngày, an táng tại nghĩa trang quê nhà (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

PV