Thứ Ba, 08/12/2020 15:43

Những câu chuyện cá nhân thể hiện một góc nhìn mới mẻ về Nhật Bản

Trong phần lớn lịch sử, các nhà văn thường tập trung vào “những người vĩ đại” - luôn là đàn ông, và một số phụ nữ dị thường để định hình thời đại của họ.

Trong phần lớn lịch sử, các nhà văn thường tập trung vào “những người vĩ đại” - luôn là đàn ông, và một số phụ nữ dị thường để định hình thời đại của họ.

Cuốn sách mới của Christopher Harding.

Thế kỉ 20 chứng kiến ​​một sự thay đổi sâu sắc khi nhấn mạnh đến lịch sử xã hội, lịch sử con người và sau đó là lịch sử của những người bị đẩy sang lề - phụ nữ, người da màu và tầng lớp lao động. Đôi khi sự thay đổi này giống như một cuộc đấu tranh biện chứng, một sự lựa chọn chính trị hơn là một sự lựa chọn học thuật: tập trung vào các lãnh chúa hoặc quân dân, các tướng lĩnh hoặc mặt trận quê hương. Trong cuốn sách thứ hai về lịch sử Nhật Bản, nhà sử học văn hóa Christopher Harding đã tìm ra hướng đi tổng hợp cả hai lối tiếp cận.

Tiếp nối cuốn sách phát hành năm 2018 Japan story (tạm dịch: Câu chuyện Nhật Bản) kể về các sự kiện quan trọng về đất nước và xã hội Nhật Bản theo trình tự và lối truyền thống hơn, thì tác phẩm mới này của Harding đã thu nhỏ những câu chuyện lớn ở góc độ của nhiều cá nhân. The Japanese: A History in Twenty Lives là câu chuyện của hai mươi nhân vật, đại diện cho các thời đại, thời kì, khoảnh khắc hoặc những thời điểm xác định trong quá khứ của Nhật Bản, và nhờ đó, bức tranh toàn cảnh được chiếu sáng với những điểm nhìn mới mẻ và hấp dẫn.

Những bức chân dung sống động và thú vị trong cuốn sách của Chris Harding đưa người đọc tiếp cận các câu chuyện được viết sớm nhất về Nhật Bản cho đến cuộc đời của nữ hoàng hiện tại, Masako. Chúng ta bắt gặp những pháp sư và lãnh chúa, nhà thơ và nhà cách mạng, nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà thám hiểm - mỗi người đều cung cấp những hiểu biết của riêng họ về xứ sở đặc biệt này.

Đối với bất kì ai mới đến Nhật Bản, cuốn sách này là những giới thiệu, hướng dẫn lí tưởng, thú vị. Đối với ai đã gắn bó và hiểu sâu về đất nước đó, thì đây là một cuốn sách chứa đầy những điều bất ngờ và thú vị.

Một số nhân vật trong cuốn sách mới này rất vĩ đại và lỗi lạc. Đó là Oda Nobunaga và Sakamoto Ryoma, hai người đàn ông mà chúng ta không thể bỏ qua trong lịch sử Nhật Bản. Đó là Hoàng đế Kanmu, người thành lập Kyoto, đại diện cho dòng dõi hoàng gia. Trong khi đó, Murasaki Shikibu, tác giả của Truyện Genji và Osamu Tezuka, tác giả của bộ truyện tranh manga Atom Boy nổi tiếng là những nhân vật đại diện cho sáng tạo nghệ thuật.

Một số nhân vật khác tuy ít được biết đến hơn nhưng lại được tập trung khắc họa trong cuốn sách. Đó là nhà sư Shinran với các câu chuyện xung quanh ông để người đọc hiểu rõ hơn về những cuộc tranh giành quyền lực trong tôn giáo, tâm linh rất phức tạp và có tổ chức tại Nhật Bản; hay câu chuyện về chuyến đi sứ của nhà ngoại giao, võ sĩ samurai - Hasekura Tsunenaga. Ông đã dẫn một sứ bộ từ Nhật tới Vatican ở Roma để tiếp kiến Giáo hoàng năm 1613, đến Tây Ban Nha để đàm phán hiệp định thương mại với triều đình Tây Ban Nha, ghé thăm nhiều địa điểm tại châu Âu... Đây dường như là một câu chuyện đi lạc giữa muôn vàn “cuộc càn quét” rộng lớn của lịch sử Nhật Bản thời kì đó. Trong cuốn sách mới này, những câu chuyện như vậy được làm nổi bật.

Lựa chọn của Harding đưa Masako Owada, nữ hoàng hiện tại của Nhật Bản vào cuốn sách, có lẽ thể hiện rõ nhất những mong muốn, suy nghĩ của nhà sử học về cuốn tiểu sử này.

Đối với một số người, Hoàng hậu Masako đại diện cho giấc mơ cổ tích của một thường dân kết hôn với hoàng tử của mình. Đối với những người khác, cô nhân cách hóa những mâu thuẫn căng thẳng của một Nhật Bản hiện đại: người phụ nữ thông thuộc đa ngôn ngữ, có sự nghiệp vươn xa bị trói buộc trong hôn nhân với một hệ thống chủ nghĩa sai lầm, không đòi hỏi gì ở cô ngoài sự im lặng, nhẫn nhịn và áp lực phải sinh hoàng nam, đồng thời loại trừ con gái của cô – Nội thân vương Aiko khỏi dòng dõi kế vị. Trong không gian khoảng 30 trang sách, Harding miêu tả một người phụ nữ thực sự có thể chạm đến những hy vọng và đấu tranh, sau đó khéo léo kết nối cô với một Nhật Bản đang vật lộn với vai trò khẳng định mình trên thế giới và giữ gìn phát huy bản sắc tại quê hương, xứ sở. Hiện đại và truyền thống là hai cực trong cuộc sống của Masako, giống như Nhật Bản vậy.

Bằng cách chuyển đổi trọng tâm mà không ngó lơ đi những nhân vật nổi tiếng hoặc các xu hướng sâu rộng của lịch sử mà chú trọng vào các câu chuyện khi các nhân vật khi chưa thành danh, Harding có thể nói những điều mới mẻ của lịch sử Nhật Bản và khơi gợi những câu chuyện cũ. Do đó, cuốn sách này có thể đóng vai trò như một phần mở đầu cho câu chuyện dài và phức tạp về đất nước mặt trời mọc; hoặc góc nhìn mới mẻ ở các giai đoạn lịch sử quen thuộc mà nhiều người đã am tường về triều đại, các vị vua, tướng lĩnh và chiến tranh, chiến trường...

HỮU BẮC theo bài đánh giá của tác giả Iain Maloney, tờ Japantimes