Thứ Hai, 04/03/2019 13:06

Biển và người phụ nữ qua những cuốn sách

Trong những thế kỉ sau, phụ nữ có những câu chuyện về biển của riêng họ. Ở họ chứa đựng những điều khó khăn, thần bí và kết nối những điều sâu kín nội tại với thế giới tự nhiên. Nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta.

 

“Từ xa xưa, trong lịch sử, hình ảnh người đàn ông luôn gắn liền quá trình chinh phục biển cả; họ là những thủy thủ, cướp biển, ngư dân. Còn người phụ nữ trong gia đình thường không được chú trọng; song thực tế cuộc sống của những người phụ nữ đó cũng được định hình bởi biển.

Khi viết về biển, một mặt những tuyệt đẹp lấp lánh của biển mời gọi tôi. Nhưng mặt khác chính những người phụ nữ nơi biển cả mê hoặc tôi nhất. Phụ nữ biển trong tiểu thuyết, văn hóa dân gian và các bài hát thường quyến rũ, mạnh mẽ và thậm chí là siêu nhiên. Trong Odyssey hay Beowulf, phụ nữ của biển có thể là phù thủy và nữ thần, là nàng tiên cá dụ dỗ những người đàn ông họ yêu hoặc bảo vệ con người…

Trong những thế kỉ sau, phụ nữ có những câu chuyện về biển của riêng họ. Ở họ chứa đựng những điều khó khăn, thần bí và kết nối những điều sâu kín nội tại với thế giới tự nhiên. Nó có sức hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta.” - trích dẫn của nhà văn Charlotte Runcie phần nào hé lộ những hấp dẫn của các tác phẩm về phụ nữ và biển cả.

Female Tars: Women Aboard Ship in the Age of Sail (Nữ thủy thủ: Những người phụ nữ trên biển)

Nhà văn Suzanne Stark đã tiết lộ câu chuyện chưa từng được kể về những người đi biển từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, trong đó chứa câu chuyện li kì về thân phận phụ nữ sau tấm màn khuất lấp. Tác phẩm là một nghiên cứu hiếm hoi về phụ nữ trên biển. Từ khi được xuất bản năm 1996 đến nay, Female Tars đã trở thành một văn bản lịch sử quan trọng cung cấp thông tin về số phận của những người phụ nữ trong thời kì lịch sử ấy. Họ có thể là người vợ hải quân, y tá, những phụ nữ ăn mặc như đàn ông để trở thành thủy thủ, người hầu, thậm chí là gái mại dâm.

The Cure Water (Phương thuốc từ nước)

Cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa xuất bản năm 2018 của Sophie Mackintosh lọt vào danh sách dài cho giải Booker là một điều xứng đáng. Tác phẩm với lối kể chuyện chậm rãi, điềm tĩnh và lạnh lùng, miêu tả cuộc sống của một gia đình sống độc lập trên một hòn đảo bao quanh là biển. Ngôi nhà đó có ba chị em gái, họ như những công chúa đầy xinh đẹp tự tin trong vương quốc của mình, nhưng tất cả đã thay đổi khi ba người đàn ông dạt vào bờ, diễn biến câu chuyện đầy bất ngờ, khiến người đọc run rẩy…

The Waves (Những đợt sóng)

Thiếu The Waves (1931) của Virginia Woolf, danh sách những cuốn sách hay nhất về phụ nữ và biển sẽ không hoàn chỉnh. Cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm mang đầy tính thể nghiệm, giàu chất thơ và theo đuổi trường phái ấn tượng. Nếu so sánh với hội họa, cuốn sách như thể một bức tranh trừu tượng bí ẩn.

Ở đó, tác giả xây dựng cấu trúc tác phẩm thông qua tiến trình của một ngày, từ bình minh tới đêm khuya, đặt vào đó những đợt sóng và biển cả, thêm vào sáu nhân vật với sáu tiếng nói nội tâm phản ánh những cách nhìn nhận về chung - riêng, tôi - chúng ta… Tác phẩm được ví như một áng văn viết bằng thơ, với những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và giá trị sống.

The Summer Book (Cuốn sách mùa hè)

Chúng ta đã quá quen thuộc với tên tuổi nhà văn Phần Lan - Tove Jansson - một trong những cây bút thiếu nhi được đánh giá thành công nhất, tác giả của loạt truyện về nhân vật Mumi. Với tiểu thuyết dành cho người lớn như Cuốn sách mùa hè, ngòi bút của bà dường càng khéo léo khi đi sâu vào nội tâm và hé lộ những điều bí ẩn. Văn phong nhẹ nhàng, đơn giản nhưng lại chú trọng đến những khoảnh khắc, tác phẩm đã kiến tạo hòn đảo thân mật của một đứa trẻ và bà ngoại của bé nơi biển cả trong mùa hè tuyệt đẹp đầy nắng. Ngòi bút Jansson miêu tả tài tình sự đối lập giữa tuổi già với tuổi trẻ; sự khôn ngoan, kiên định với sự thay đổi, mất cân bằng; sự cân bằng và mối đe dọa tuyệt chủng…

Nhà văn, nhà phê bình Philip Pullman từng nhận xét: “Cuốn sách mùa hè là một thế giới riêng biệt, ta đọc nó như nhìn qua một làn nước trong vắt và đột nhiên nhận thấy chiều sâu của nó. Tove Jansson là một thiên tài”.

Sea Journal (Nhật kí biển cả)

Đường bờ biển nước Anh dường như gói gọn trong cuốn sách của tác giả Lisa Woollett. Nhà văn và nhiếp ảnh gia Woollett đã tập hợp những hình ảnh và nhật kí tỉ mỉ của mình trong hành trình đi bộ trên các bãi biển nước Anh suốt hơn một năm trong tất cả các thời tiết. Những bức ảnh và nhật kí ấy như một kho báu đầy giá trị với hình ảnh tuyệt đẹp về con sóng, những vỏ sò, những dấu tích của nàng tiên cá…

The Gracekeepers (Những ân sủng)

Cuốn tiểu thuyết của Kirsty Logan lấy bối cảnh trong tương lai gần, khi mực nước biển dâng cao và nhấn chìm hầu hết các vùng đất. Một chiếc thuyền xiếc đi qua những vùng đất ngập trong nước, lướt trên những con sóng để trình diễn những tiết mục hấp dẫn. Trong chiếc thuyền xiếc ấy có một nữ nghệ sĩ trẻ và chú gấu của cô giữ một bí mật. Họ đã gặp một người phụ nữ trẻ khác sống một mình trên đại dương, chăm sóc những ngôi mộ nước của những người đã chết trên biển. Tiểu thuyết như một câu chuyện cổ tích hiện đại, người đọc tìm thấy ở đó sự tự do vô tận và sự giam cầm của biển; những ủi an và sự hoang vắng mà biển mang lại.

The Salt Path (Con đường muối)

Raynor Winn là bậc thầy viết về thiên nhiên và nỗi buồn. Bờ biển là sợi chỉ đỏ trong cuốn hồi kí của cô trên con đường dài 630 dặm từ Somerset đến Dorset sau khi biết rằng người chồng 32 tuổi của mình bị mắc bệnh nan y và họ mất nhà. Họ cùng nhau trải qua hành trình kiếm tìm ngôi nhà với vô vàn những cảm xúc, sự mạnh mẽ, kiên cường. Trong thời gian đó, họ luôn trò chuyện với biển – biển như người bạn, như người đồng hành trong hành trình của họ.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian