Thứ Tư, 04/12/2019 15:29

“Khác mà giống, giống mà khác” trong mỹ thuật hiện đại Việt Nam và Hàn Quốc

Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hàn – ASEAN năm 2019, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức triển lãm và tọa đàm giao lưu Mỹ thuật đương đại Việt – Hàn mang tên "Khác mà giống, giống mà khác" từ ngày 3 đến 14/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.

Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hàn – ASEAN năm 2019, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức triển lãm và tọa đàm giao lưu Mỹ thuật đương đại Việt – Hàn mang tên "Khác mà giống, giống mà khác" từ ngày 3 đến 14/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.

Một không gian của tọa đàm.

Cùng ảnh hưởng của Nho giáo, cùng trải qua chiến tranh nên cả hai nước có rất nhiều nét tương đồng về văn hóa và lịch sử. Triển lãm được tổ chức quy mô với sự hợp tác của Giám tuyển Hàn Quốc Chung Joon Mo (Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn học Nghệ thuật, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia Hàn Quốc) và Giám tuyển Việt Nam Trịnh Tuân (Giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

12 họa sĩ tham gia triển lãm là: Khang Youngsoon, Kim Keun Tai, Kim Chun Soo, Kim Taek Sang, Yoon Sang-Yuel, Jin Young Lee, Lee Jin Woo (Hàn Quốc) và Nguyễn Quốc Huy, Doãn Hoàng Lâm, Công Kim Hoa, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Linh (Việt Nam).

Họa sĩ hai nước đã giới thiệu tới công chúng yêu mỹ thuật những góc nhìn đẹp đẽ, đa chiều nhất về mảng tranh đơn sắc độc đáo. Trong khuôn khổ triển lãm, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cũng tổ chức chương trình giao lưu họa sĩ (Artist Talk) giữa các họa sĩ.

Ông Chung Joon Mo (giữa), họa sĩ Trịnh Tuân và phiên dịch viên.

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đóng góp cho buổi tọa đàm bằng phần giới thiệu sơ lược, tổng quát lịch sử mỹ thuật Việt Nam và tình hình mỹ thuật đương đại Việt Nam. Đại diện Hàn Quốc, ông Chung Joon Mo cũng thuyết trình về những giai đoạn phát triển của mỹ thuật Hàn Quốc từ sơ khai đến đương đại. Qua phần trình bày của các chuyên gia mỹ thuật, người nghe sẽ nắm bắt và hiểu phần nào về lịch sử mỹ thuật của hai nước, cũng như những nét tương đồng và khác biệt của hội họa đương đại Việt Nam và Hàn Quốc.

Mỹ thuật đương đại Việt Nam có những đặc trưng riêng. Với sự tiếp thu từ nền tảng, kiến thức hội họa châu Âu, kết hợp với những điều bình dị của cuộc sống và đặc tính độc đáo của nghệ thuật dân gian dân tộc, các họa sĩ Việt Nam đã tạo nên bản sắc riêng cho hội họa của đất nước. Cùng với đó, họ cũng cởi mở, học hỏi sự khác biệt, tiếp thu các trường phái, phong cách khác nhau, trong đó có trường phái đơn sắc, song thói quen thưởng lãm mỹ thuật của người Việt với trường phái này chưa thay đổi nhiều.

Ngược lại, hội họa đơn sắc là thế mạnh của hội họa Hàn Quốc, minh chứng qua rất nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật đơn sắc quốc tế quy tụ nhiều tác giả tên tuổi, hàng đầu của quốc gia này. Các họa sĩ Hàn Quốc cho rằng, hội họa đơn sắc thể hiện rõ nhất tâm tư của người dân nước này, đặt lý luận mang tính trung tính là nền tảng để đưa vật chất thăng hoa vào thế giới tinh thần rồi về với tự nhiên. Vì vậy, màu sắc không phải yếu tố tạo hình quan trọng nhất, mà các họa sĩ chú trọng những khoảnh khắc của mặt phẳng tích tụ nhiều vết tích của thời gian, những gam màu nhạt, mờ, đạm cùng những thủ pháp rất riêng đậm nét hội họa đương đại Hàn Quốc nhằm tạo ra những ấn tượng kích thích thị giác đối với người xem. Khi đó, cái quan trọng chính là “xúc giác được cảm nhận bằng thị giác”…

Ông Chung Joon Mo hi vọng triển lãm là cầu nối để người Việt Nam và Hàn Quốc mở lòng và nhìn thấu những góc khuất tâm hồn chưa từng hé mở. Ông chia sẻ: “Mỗi cá nhân đều mang đặc điểm tính cách và hành động khác nhau. Dân tộc cũng vậy. Người Việt Nam và Hàn Quốc dù ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lịch sử có khác nhau nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm tương đồng. Xét trên phạm vi “mỹ thuật đương đại”, chỉ cần lắng nhịp hơi thở cho thời gian lặng trôi và suy ngẫm, ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt, đó là những tương đồng về thái độ trung tính trong cách xử lí màu, thuộc tính sự vật trước khi ra đời tranh sơn mài, thái độ nghiêm túc đối với tác phẩm cũng như thái độ coi trọng quá trình tạo nên tác phẩm nghệ thuật… Tôi hi vọng chúng ta có thể mở lòng và nhìn thấu những góc khuất tâm hồn mà ta chưa từng hé mở với nhau”.

Họa sĩ Trịnh Tuân bày tỏ: “Với triển lãm Khác và giống, giống mà khác, chúng tôi muốn đưa tới công chúng cái nhìn rõ nét về sự tiếp cận, nét đặc trưng và cả sự khác biệt trong các tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam – Hàn Quốc với trường phái đơn sắc và mong muốn đặt nền tảng để tổ chức nhiều hơn những hoạt động mang tính nghề nghiệp chuyên sâu cho tương lai”.

Một số hình ảnh trong triển lãm:

THỤC QUYÊN