Thứ Tư, 06/05/2020 10:19

Những mảnh ghép còn thiếu

Có hay không một thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đóng góp giá trị xứng tầm cho ngành công nghiệp văn hóa? Đó là câu hỏi cần được nghiên cứu, để tìm ra lối đi khả thi cho nghệ thuật nước nhà...

Không phải đến thời kỳ suy thoái kinh tế do tác động của dịch bệnh như hiện nay mới ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề, mà từ lâu hoạt động của thị trường nghệ thuật Việt Nam đã trong tình trạng trầm lắng. Nhìn thẳng vào thực tế, “bức tranh” thị trường nghệ thuật nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống.

Thanh thế thăng tiến

Thanh thế thăng tiến” là từ mà Wang Zineng - một trong những chuyên gia hàng đầu về thị trường nghệ thuật Đông Nam Á dùng để nói về mỹ thuật Việt Nam mấy năm trở lại đây. Có thể kể đến một vài mốc thời gian, như cuối năm 2014, nhà đấu giá Christie's Hong Kong đã bán bức sơn dầu “Nhìn từ đỉnh đồi” (113cm x 192cm, sáng tác năm 1937) của Lê Phổ với giá 844.697 USD, cao giá nhất thời điểm đó. Kỷ lục này phá vỡ cột mốc mà Nguyễn Phan Chánh đạt đến trước đó, trong cùng phiên đấu giá, khi bức lụa “Người bán trầu cau” (67cm x 55cm, sáng tác năm 1931) được bán giá tương đương 409.393 USD. Vài năm sau, năm 2017, Sotheby's Hong Kong bán bức “Đời sống gia đình”, chất liệu mực và gouache trên bố (82cm x 66cm, sáng tác khoảng 1937 - 1939) của Lê Phổ với 1.172.080 USD. Đây được coi là “cú sốc đáng mừng” cho nghệ thuật hội họa Việt Nam. Tiếp theo, năm 2019, tác phẩm sơn dầu “Khỏa thân” (90,5cm x 180,5cm, sáng tác năm 1931) của Lê Phổ được bán khoảng 1,4 triệu USD. Đến giờ, đây là tác phẩm bán công khai cao giá nhất của mỹ thuật Việt Nam.

Vị thế của hội họa thời kỳ mỹ thuật Ðông Dương trên thị trường quốc tế đã được khẳng định. Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ đương đại cũng thể hiện bản lĩnh, tuy chưa ấn tượng bằng các bậc tiền bối. Có thể kể đến lứa họa sĩ tên tuổi bán được tranh ở nước ngoài như Hồng Việt Dũng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Ðỗ Quang Em, Ðặng Xuân Hòa, Thành Chương, Phạm Luận... Gần đây có Nguyễn Trường Linh, Nguyễn Phúc Lợi, Vũ Ðình Tuấn... Ðiển hình, tại phiên đấu tháng 5.2018 của Christie's Hong Kong, tác phẩm “165°W” (chất liệu vàng lá trên thùng giấy) của Danh Võ đã gây bất ngờ khi được bán với giá tương đương hơn 207 nghìn USD. Với sàn đấu giá công khai trong nước, những cái tên Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng, Bùi Công Khánh, Phạm An Hải, Hoàng Hồng Cẩm, Nguyễn Trung... đã bán được những tác phẩm giá cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.


Nghệ thuật Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn lớn
Ảnh: Thái Minh

Những dẫn chứng trên cho thấy bước đà của thị trường nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trong suốt bao năm qua, câu chuyện phát triển thị trường nghệ thuật ấy vẫn chỉ được đề cập đến như một triển vọng tương lai. Theo các phân tích, cấu trúc giản lược của thị trường nghệ thuật gồm 3 thành tố: Người bán, người mua và các tổ chức trung gian. Từ năm 1986 - 1996, thị trường nghệ thuật Việt Nam gần như chỉ có người bán và người mua. Mãi về sau, thành tố trung gian mới xuất hiện, chủ yếu là các nhà đấu giá danh tiếng thế giới, kết quả đem đến sự thăng tiến thanh thế của mỹ thuật Việt Nam như Wang Zineng đánh giá. Có điều, câu chuyện nghệ thuật, sự phát triển thị trường nghệ thuật ở một quốc gia không thể cứ đi đường vòng, dựa dẫm vào tổ chức trung gian bên ngoài, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam ngày càng tỏ ra có sức hấp dẫn lớn trên thị trường quốc tế.

Giá trị song hành

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Việt Nam đang rất thiếu cơ quan trung gian giữa nghệ sĩ và công chúng, nhà sưu tầm. Nếu nghệ sĩ tiếp tục giao dịch mua - bán tác phẩm trực tiếp thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính chất sáng tác chiều theo ý muốn của người mua. Vấn đề chính cần quan tâm là chất lượng sáng tác và khả năng thương mại đến đâu, nhưng hai vấn đề này nhiều khi không song hành với nhau”.

Nhìn lại thị trường nghệ thuật ở Việt Nam từ sau thời mở cửa đến nay đã ra đời nhiều gallery ở các thành phố lớn, cùng với rất nhiều họa sĩ cung cấp cho thị trường nghệ thuật số lượng lớn tác phẩm hội họa và điêu khắc (chủ yếu là hội họa). Một số người cho rằng, chỉ cần có người bán và người mua tác phẩm nghĩa là hình thành một thị trường nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện, trong trường hợp như vậy giá trị tác phẩm thường không cao, thậm chí kéo theo hệ lụy là tác giả nào muốn sống được bằng nghề phải phụ thuộc vào thỏa thuận thị trường. Điều này dẫn đến hoạt động sáng tác bị mất đi chỗ dựa bền vững, nhiều tác phẩm chất lượng không được khẳng định.

Có thể thấy rằng, mặc dù hoạt động buôn bán, trao đổi tác phẩm mỹ thuật diễn ra trong nhiều năm qua chủ yếu thông qua các nhà sưu tập, gallery, nhưng thực chất ở nước ta chưa có một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa. Trên thực tế, các thiết chế hiện có như các hội nghề nghiệp: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp Hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam...; các nhà triển lãm, Gallery Quỳnh, Sàn Art, Apricot Gallery...; các nhóm nghệ sĩ tự đứng ra tập hợp để hoạt động nghệ thuật và thương mại như Viet Art Now...; hay một vài nhà đấu giá thương mại đang trên đường hoàn thiện như Lý Thị Auction tại TP Hồ Chí Minh hay Chọn Auction House ở Hà Nội. Tuy có đóng góp nhưng chưa thể nói đó là những thiết chế đại diện cho một thị trường nghệ thuật thực thụ.

Theo nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Như Huy, để có thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, hòa nhập được vào hệ thống thị trường nghệ thuật toàn cầu, vấn đề còn nằm ở hệ thống tài chính, cũng như cơ sở pháp lý ở tầm quốc gia. Hơn nữa, nhìn ở khía cạnh rộng hơn, thị trường nghệ thuật không chỉ là giá trị kinh tế trực tiếp mà còn gián tiếp tạo ra các giá trị văn hóa. Đó là những giá trị song hành trong một “sân chơi” đúng nghĩa, được thiết lập từ những yếu tố căn bản như: Có luật lệ, người mua, người bán, người thẩm định, nhà đầu tư, nhà sưu tập, nhà đấu giá... Mỗi yếu tố đóng một vai trò như bánh răng cho cỗ máy thị trường vận hành, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

 

Nguồn: Người đại biểu nhân dân (Thái Minh)