Thứ Tư, 22/01/2020 16:58

Những người Mĩ gốc Á "nổi loạn"

Tự hào là những người sống ở lề ngoài, một nhóm những nhà văn kiêm nhà hoạt động xã hội đã bắt đầu tự kiến tạo nên một bản sắc văn hóa – và một nền văn học – của riêng mình.

Tự hào là những người sống ở lề ngoài, một nhóm những nhà văn kiêm nhà hoạt động xã hội đã bắt đầu tự kiến tạo nên một bản sắc văn hóa – và một nền văn học – của riêng mình.

 

Jeffery Paul Chan, Frank Chin, Lawson Fusao Inada, Shawn Wong, và con gái của Chan, Jennifer, được chụp gần San Quentin State Prison, tại Marin County.

 

Vào tháng Tám năm 1972, phóng viên Thời báo Ralph Blumenthal đã thực hiện một bài về nhà hát ở Chinatown, khu phố Tàu ở thành phố New York. Ông muốn tập trung vào những khó khăn và thách thức mà những diễn viên người Hong Kong hay Đài Loan di cư sang Mỹ thời gian gần đây đang phải đối mặt. Họ là những nghệ sĩ bị gạt ra khỏi thị trường chính thống và sân khấu của những nhà hát gạo cội nhất thì đều đã mãn hạn. Người biên tập của Blumenthal đã hỏi han thêm một anh bạn đồng nghiệp tên Frank Ching, người có vẻ như sẽ tường tận hơn một chút về khu vực này. Ching những tưởng rằng Blumenthal đang tìm kiếm ai đó trong bộ phận người Mỹ gốc Hoa cho một vai người nước ngoài. Anh ngay lập tức đề xuất cho Blumenthal một nghệ sĩ thú vị có tên Frank Chin và không quên chú thích thêm rằng,đây là một nhà viết kịch “sắp nổi” đầy tiềm năng. Ching đinh ninh rằng mình vừa tạo ra một ân huệ đối với Chin – người có vởChickencoop Chinaman vừa được công diễn vài tháng trước tại Nhà hát American Place. Hoặc chí ít thì Ching cũng tự đắc rằng mình vừa có công phát hiện và giới thiệu một cái tên đắt giá cho “công trình nghiên cứu” nhàm tẻ của Blumenthal. Nhưng trái lại, Chin đã rất giận dữ về việc này.

Chin, người luôn nhận mình là một người Mỹ gốc Hoa thuộc thế hệ thứ năm, đã gửi cho Ching một lá thư phàn nàn về việc nhìn thấy tên của anh ta trên bài viết của Blumenthal với lời giới thiệu đính kèm - “một người Trung Quốc đến từ Trung Quốc”. Ching đã không thể hiểu nổi tại sao Chin lại tỏ ra bất mãn như vậy, anh phân trần rằng sự nhầm lẫn của “những người bình thường” giữa những người nhập cư mới và những người đã sống lâu năm ở Mỹ là hoàn toàn “có thể hiểu được”, đó có thể là một biểu hiện của việc thiếu hiểu biết, nhưng nhất định không phải một hành vi có ý phân biệt chủng tộc. Sự quan tâm của người Mỹ đến Chinatown mới là điều đáng kể. Nhưng Chin hoàn toàn không đồng ý và phản pháo rằng: “Theo tất cả những gì tôi quan sát được thì những người Hoa chuyển tới Mỹ khi họ ở tuổi thanh thiếu niên, sau đó định cư lại đây và những người Hoa được sinh ra tại Mỹ không hề có điểm chung nào về cả văn hóa, trí tuệ hay xúc cảm.” Ching đã cho đăng tải đoạn đối thoại qua lại giữa anh và Chin trên tờ Brigge (Cây cầu) – một tạp chí đặt trụ sở tại Chinatown anh hỗ trợ giám sát. Và đúng như ý nghĩa trong cái tên Cây cầu gợi ra, nội dung của tạp chí là tìm đến những mối liên kết chặt chẽ của cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại Mỹ. Mặc dù Chin đã khai thác về khu phố Tàu trong các vở kịch và bộ phim tài liệu của mình, anh vẫn muốn cộng đồng này phải được nhìn nhận khác đi theo một cách nào đó. Anh cùng những người bạn của mình đã phác thảo những nét vẽ đầu tiên để xây dựng một căn tính mới (rồi sẽ được hình thành vào nửa sau của thập niên 60): bản sắc của những người Mỹ gốc Á.

Chính trị căn tính [1] trao cho người ta những phản ứng rất tự nhiên trong những tình huống không hề tự nhiên. Những thiết chế quyền lực bên trên quyền hạn của chúng ta sẽ phân loại chúng ta vào những thư mục khác nhau không theo cách mà chúng ta tự chọn, quy địch cách mà chúng ta được dán nhãn dưới con mắt của “những người bình thường” (theo từ dùng của Ching). Chọn định nghĩa bản thân là một người Mỹ gốc Á thay vì gắn mình với hình ảnh của một người phương Đông chính là một cách để tái nhận diện về mình. Điều này trao cho một số người cảm giác rõ ràng về tính mục đích, phần nào co rút được sức mạnh của quyền lực áp chế lên căn tính của mỗi cá nhân. Học sinh và những nhà hoạt động xã hội trú tại California vào nửa sau của thập kỉ 60 là những người khởi phát ra ý tưởng này nhờ được truyền cảm hứng từ phong trào đấu tranh của những người da đen Black Power và những phong trào tương tự khác trong mối quan hệ giữa người Mỹ bản địa và người Chicano hay phong trào Giải phóng Thế giới thứ ba tại Mỹ. Họ tập trung nhấn mạnh vào sợi dây liên kết giữa cộng động những người nhập cư châu Á và những khó khăn họ phải đương đầu: những chiến dịch để xóa đói giảm nghèo hay chống lại quá trình gentrification đầy những phân biệt giai tầng, những phong trào phản chiến, những định kiến bám rễ về những người châu Á thụ động và mãi mãi là những kẻ ngoại quốc lạc loài. Họ bày ra trước mắt tất cả một bức tranh thực tiễn xã hội cần được cùng tham dự. Câu hỏi mở ra là chúng ta cần làm gì tiếp theo.

Hình ảnh khu phố Tàu tại New York.

Chin và Ching không phải những người đầu tiên tranh luận về những ý nghĩa ẩn tàng đằng sau câu chuyện lẫn lộn hay đồng nhất về những người Mỹ gốc Á, mặc dù rất có thể Chin là người đầu tiên khiến cho câu chuyện này trở nên hay ho và đầy màu sắc. Anh cảm thấy rất nhiều những nhà văn người Mỹ gốc Hoa hình như thích thú với việc trở thành một “chú chó poodle vô địch” về khoản tuân lệnh, nghe lời trong một “cuộc thi của những ông chủ”. Thêm nữa, anh cho rằng những thứ văn chương mà tạp chí Bridge thường cho xuất bản là đồ vứt đi. Chin viết: “Nếu mục đích của tờ BRIDGE là ràng buộc tôi vào với bộ phận của những người nhập cư, thì tôi hoàn toàn không có hứng thú gì với việc bị buộc.”

Thay vào đó, Chin lại thấy bản thân được “buộc” với những nhà văn cùng mưu cầu được tìm kiếm một căn tính mới cho văn chương của họ. Một trong những cộng sự đầu tiên của Chin là nhà văn người da màu Ishmael Reed. Chin cũng đã làm bạn với Jeffery Paul Chan, Shawn Wong, và vào năm 1970, cả ba người học đã gặp gỡ Lawson Fusao Inada tại một bữa tiệc của Reed. Chan và Wong viết tiểu thuyết trong khi Inada là một nhà thơ. Bên cạnh những trang viết của mình, họ lần lại những tác phẩm cũ, lùng kiếm trong thư viện và những hiệu sách cũ sáng tác của những bậc tiền bối. Họ có cảm giác văn hóa Mỹ đã xâm thực và phá hủy não trạng họ, khiến cho rất nhiều những nhà văn đồng nghiệp rơi vào một tình trạng tự miệt thị bản thân. Trong quá trình khảo cứu và sáng tạo, họ liên tục thử nghiệm những giả thuyết khác nhau để xác định cái mà một căn tính mới có thể là. Reed gọi họ là “Tứ Kị Sĩ” [2] của nền văn học Mỹ-Á. Chin, Chan, Inada và Wong đã thành lập một dự án về những tài nguyên văn học Mỹ-Á có tên Combined Asian American Resources Project để bảo tồn những mảnh lịch sử mà họ đã tổng hợp, lắp ráp lại và họ cảm thấy mình đã tìm kiếm đủ nhiều và “giàu có” hơn bất cứ ai.

Bên cạnh đó, “Tứ Kị Sĩ” cũng tỏ ra hào hứng với việc khởi sự một điều gì đó mới mẻ hơn là bóc tách những lớp màng lịch sử sẵn có. Vào những năm 50, 60 của thế kỉ trước, những nhà văn như C. Y. Lee và Betty Lee Sung đã từng có tiếng tăm tại Mỹ với hình dung là những cây viết người Mỹ gốc Á mẫu mực và bền bỉ trong công cuộc đối phó với những khủng hoảng căn tính. Nhưng có vẻ như họ mặc định những hiện tượng “gom” căn tính là hiển nhiên mà không có ý định đặt câu hỏi ngược lại là “tại sao” hay “do ai”. Nhà văn người Trung Quốc Lin Yutang, người đầu tiên sống với tư cách của một sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard tại Mỹ, đã gặt hái được thành công ở tuổi ba mươi khi trở thành người phát ngôn cho nền văn minh và những phong tục tập quán của dân tộc Trung Hoa. Năm 1948, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết “Một gia đình Chinatown”, một trong những tác phẩm đầu tiên viết về khu phố Tàu bởi một người Hoa gốc. Nhưng thực tế, Lin Yutang có rất ít những hiểu biết về những trải nghiệm của một người Mỹ gốc Hoa. Biên tập viên của ông, một người đài ông da trắng, lại chính là người cung cấp thêm cho ông những chi tiết để làm dày dặn một ấn phẩm drama có tính chất dân tộc này. Tất cả những tấm gương có vẻ như đã thành công trên đất Mỹ nêu trên sẽ tham chiếu được một khái niệm mà Chan và Chin đưa ra - “những tình yêu đậm vị kì thị”, là những khuôn đúc sống động dựng nên một huyền thoại kiểu mẫu về cộng đồng thiểu sốtrong một xã hội. Chan và Chin lập luận rằng, những tác giả châu Á sẽ được độc giả Mỹ thừa nhận với điều kiện họ tuân thủ và không có ý đồ chất vấn lại những định kiến xã hội sẵn có.

“Tứ Kị Sĩ” không thích thú gì với việc được “yêu”, nhất là bởi những người da trắng. Chin đặc biệt nhạy cảm với ngữ pháp và motif lời phê “tiếng Anh tốt” của những người làm công tác thẩm định văn bản. Khi một biên tập yêu cầu chữa lại những lỗi về ngữ pháp, anh thường gọi cô ta là “vị nữ thần da trắng thánh thiện chết tiệt với cái miệng cũng màu trắng nốt.” Phục tùng những nguyên tắc giáo điều của thứ văn hóa Mỹ chính dòng, theo Chin chính là con đường ngắn nhất để học cách tự trả thù chính mình. Anh mưu cầu sự tự do tuyệt đối trong việc viết lách, kể cả theo những cách vô lối và khó chịu nhất, đầm đìa những tiếng lóng và năng lương điên rồ, phá phách của một kẻ cuồng loạn đang ngồi rèn gươm mài giáo giữa đống ngổn ngang sắt thép.

Chin, Chan, Inada và Wong đã mang hợp tuyển của họ tới cho một vài nhà xuất bản lớn. Một trong số đó trả lời rằng họ không thể phát hành những tác phẩm này, chỉ bởi tác giả của chúng là những người nửa Mỹ nửa Á. Và họ chỉ có thể giữ lại những phần mà chứa ít “Á tính” nhất, còn cả tuyển tập thì e rằng không đủ tiêu chuẩn. Số còn lại thì bày tỏ sự “có quan tâm” với một thái độ chiếu cố, châm chước. Cuối cùng, chính Reed là người tạo ra cơ hội để cho văn hóa Mỹ - Á có cơ hội được tiếp cận, xuất phát từ trải nghiệm bị miệt thị của chính anh và cộng đồng người da đen một thời. Anh đã cho in tuyển tập của “Tứ Kị Sĩ” trong cùng tuyển Yardbird của anh, và vào năm 1974, một người bạn của Reed, Charles Harris, người đứng đầu của nhà xuất bản Đại học Howard, đã cho phát hành cuốn Aiiieeeee! An Anthology of Asian-American Writers. Cuốn sáchmở đầu bằng lời tựa của nhóm Chin, Chan, Inada và Wong: “Những người Mỹ gốc Á lâu nay luôn bị gạt ra bên lề và tước quyền tham dự vào những hoạt động nghệ thuật – sáng tạo tại Mỹ; họ tổn thương, rầu rĩ và giận dữ, họ cất những chửi thề và luôn bị giày vò bởi những câu hỏi. Đây chính là tiếng kêu của họ: AIIIIEEEEE!!!” Đó là âm thanh “còn hơn cả một tiếng rên, một tiếng kêu hay một tiếng thét. Đó là toàn bộ tiếng nói trong suốt 50 năm của chúng tôi.”

Các hợp tuyển văn học cung cấp cho chúng ta một bản xem trước về cách mà xã hội đang thay đổi: một nhóm cộng đồng đang hình thành và dần được củng cố, một phong trào đã và đang kiến tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống. Rất có thể đội ngũ của những nhà văn đang ngày một lớn mạnh này chính là dấu hiệu của một làn sóng xã hội mới có tiềm năng gây những biến thiên. Cuốn sách của Alan Locke The New Negro: An Interpretation (Những người da đen mới: Một cách diễn giải) xuất bản năm 1925 đã tái hiện lại tất cả những điểm hấp dẫn, tiềm năng và tính phức tạp của phong trào Phục Hưng Harlem [3] bằng việc điểm lại lát cắt của tất cả những tác phẩm được sáng tác của các tác giả da màu thời kì này. Chỉ vài thập kỉ sau, phong trào Black Arts [4] của những nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi bùng nổ cùng với sự xuất hiện của văn tuyển Black Fire (Ngọn lửa đen) xuất bản năm 1968 được biên tập bởi Amiri Baraka và Larry Neal. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phong trào văn hóa thập niên sáu mươi, những nhà xuất bản bắt đầu nhạy bén và chú ý tới những hợp tuyển như vậy, bởi họ dần nhận ra đây là con đường có thể tiếp cận những độc giả mới và trẻ trung hơn. Bữa tiệc mà bốn chàng kị sĩ đã gặp nhau chính là buổi ra mắt cuốn sách của Reed 19 Necromancers from Now năm 1970, một tuyển tập những trích đoạn và truyện ngắn của những nhà văn nhóm da đen thiểu số đề cập đến những khía cạnh cơ bản và cốt lõi của vấn đề đa văn hóa.

Những hợp tuyển văn học như vậy là một lời khẳng định chắc nịch rằng: “Chúng tôi đang ở đây”. Chúng trao cho những nhóm cộng đồng đang trỗi dậy một hình dạng, một cái tên, một tư cách hiện diện có thể nhìn, đọc, cầm nắm và truyền tay nhau được. Thật khó để tưởng tượng về phong trào nữ quyền trong thời điểm hiện tại nếu không liếc qua những hợp tuyển bằng xương bằng thịt, như tập This Bridge Called My Back: Writings by Radical Women of Color được biên tập bởi Cherríe Moraga và Gloria Anzaldúa, hay tập Home Girls: A Black Feminist Anthology được tuyển chọn bởi Barbara Smith. Cả hai đều được ra mắt trong những năm đầu của thập niên tám mươi bởi nhà xuất bản Kitchen Table: Woman of Color. Những hợp tuyển có tiếng vang nhất thường kiến tạo được những hình dung về cộng đồng cho độc giả theo một cách tự nhiên nhất. Để có thể quay cận cảnh được chính xác một nhóm người, ta cũng cần phải xác định được những điểm, những người cần phải đưa ra ngoài khuôn hình. Vậy nên sự hiện diện của những hợp tuyển cũng đồng thời tuyên bố rằng: “Chúng tôi mới là những người bạn cần chú ý tới, không phải họ”. Ban đầu, dường như việc đặt được tên cho những cộng đồng mới sinh thành đã là đủ. Trước Aiiieeeee! Đã có những hợp tuyển khác như tuyển tập Các tác giả người Mỹ gốc Á năm 1972 của Kai-yu Hsu và Helen Palubinskas, hay Những di sản Mỹ-Á năm 1974 của David Hsin-fu Wand, chúng đều là những bộ tác phẩm làm công việc mô tả một cộng đồng gồm những người dung hòa trong mình được cả “những truyền thống Á châu của tổ tiên và những truyền thống của vùng đất Mỹ nơi đang dần trở thành quê hương mới của họ.”

Hình ảnh những người châu Á đọc cuốn Aiiieeeee! An Anthology of Asian-American Writers.

Aiiieeeee! cũng trích dẫn một số những tác giả từng xuất hiện trong những cuốn sách từng xuất bản. Nhưng hợp tuyển vang lên tiếng kêu này rõ ràng mang nội hàm chính trị sâu sắc hơn và tập trung vào khai thác những khía cạnh thuộc về ranh giới phân tách hơn là về những đặc điểm tương đồng trong văn hóa đã từng được đề cập trong một phạm vi an toàn nhiều lần trước kia. Những người biên tập Aiiieeeee! nhấn mạnh rằng, là một người Mỹ gốc Á tức là mang trong mình “sự nhạy cảm” đến mức ám ảnh. Đó là một điều xảy đến hoàn toàn tự nhiên khi bạn sinh và lớn lên trên đất Mỹ nhưng không có bất cứ một sợi dây liên kết nào với vùng đất châu Á quê hương của bạn, ngoại trừ những thứ bạn vô tình lượm lặt được “từ radio, trên những màn hình điện thoại, từ vô tuyến, trong những cuốn truyện tranh và thậm chí là từ những câu thoại hàng ngày của những người Mỹ da trắng.” Những người biên tập của Aiiieeeee! không thật sự quan tâm tới những cách diễn giải theo hướng nhân khẩu học, coi con người như những con số và dữ liệu có thể phân tách, đo đạc một cách thô bạo. Họ cũng thể hiện rõ sự khó chịu và coi thường những “gã khờ da vàng” luôn ôm lấy một suy nghĩ rằng mình thật vô hại trước những người da trắng chính thống. Họ giận dữ với cách nhìn về châu Á như một châu lục sở hữu một “nguồn lực tiềm ẩn”, bắt rễ từ những quan niệm cổ xưa từ cả ngàn đời ở phương Tây luôn coi phương Đông là một cõi huyền bí và mang một nền văn minh lâu đời. Đó là lí do tại sao những người Mỹ gốc Á ở phương Tây luôn được mô tả là một cộng đồng mang những tính cách hay di sản “kép”, là những kẻ vĩnh viễn lạc loài cho dù họ có sinh sống tại đây qua bao nhiêu thế hệ.

KIỀU CHINH dịch, theo Hua Hsu, tạp chí The New Yorker.


[1] Thuật ngữ ‘chính trị căn tính’ (politics of identity) xuất hiện chính thức vào năm 1977, trong bản tuyên ngôn của nhóm Combahee River Collective, một tổ chức nữ quyền da màu ở Boston, Mỹ. Họ nhấn mạnh: “Tuyên ngôn chính trị quan trọng nhất của chúng ta thời kỳ này là cam kết mạnh mẽ đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc, giới, giới tính và bóc lột giai cấp và coi đó như sứ mệnh đặc thù của chúng ta…”. Năm 1979, thuật ngữ lần đầu được sử dụng trong giới học thuật, với nghiên cứu của Renee R. Anspach (Đại học Michigan, Mỹ) về phong trào chính trị của người khuyết tật và những cựu bệnh nhân tâm lý.

[2] Lấy từ điển tích “Tứ kị sĩ Khải Huyền”,bốn sinh linh cưỡi trên bốn con ngựa màu trắng, đỏ, đen và xanh xám. Mặc dù có nhiều dị bản khác nhau, nhưng 4 kị sĩ thường được miêu tả như là biểu tượng của xâm lược (Conquest), chiến tranh (War), nạn đói (Famine) và chết chóc (Death). Cái nhìn của Khải Huyền Cơ Đốc giáo tin rằng 4 người kị sĩ này sẽ mang đến sự khải huyền thiêng liêng cho cả thế giới như là sứ giả của sự phán quyết cuối cùng.

[3] Phục hưng Harlem là một phong trào nghệ thuật, văn học và trí tuệ kéo dài trong những năm 1920 và 1930 nhưng những ý tưởng bắt nguồn từ phong trào này đã tồn tại trong một thời gian dài. Đây là một phong trào người Mỹ gốc Phi đã tạo ra một bản sắc văn hóa đen mới. Bản sắc mới này được tạo ra thông qua một miêu tả chân thực về người da đen trong tiểu thuyết, vở kịch, nghệ thuật thị giác, khiêu vũ và âm nhạc. Các chủ đề phổ biến của thời phục hưng Harlem bao gồm bản sắc của người da đen, tác động của chế độ nô lệ, hậu quả của phân biệt chủng tộc và thực tế của cuộc sống người da đen hiện đại.

[4] Phong trào Nghệ thuật Đen bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài đến những năm 1970. Phong trào được thành lập bởi Amiri Baraka (Leroi Jones) sau vụ ám sát Malcolm X năm 1965. Giống như thời Phục hưng Harlem, Phong trào Nghệ thuật Đen là một phong trào văn học và nghệ thuật quan trọng có ảnh hưởng đến tư tưởng người Mỹ gốc Phi. Trong thời gian này, một số công ty xuất bản, nhà hát, tạp chí, tạp chí và tổ chức người Mỹ gốc Phi đã được thành lập.