Chủ Nhật, 14/02/2021 00:22

Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh

Ở nơi biên giới, nhân dân có việc gì là gọi bộ đội biên phòng

Nơi biên giới Tây Nam này, 115 chốt, 16 trạm, 27 điểm cảnh giới của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh vẫn ngày đêm canh trực từ đại lộ tới đường mòn lối mở, kiểm soát tốt nhất đại dịch, giữ an toàn phên dậu quốc gia...

Quản lí 240km trong đó có 45,5km trên sông suối, gồm 109 mốc chính, 370 mốc phụ và 109 cọc dấu tiếp giáp với 22 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố của 3 tỉnh Tbông Khmum, Prây Veng và Svay Riêng của Campuchia với nhiều cửa khẩu trên con đường xuyên Á, trọng trách lớn lao luôn đặt lên đôi vai người chiến sĩ Biên phòng Tây Ninh.

Những ngày đại dịch Covid-19 và ngay trong lúc này đây, khi câu chuyện của chúng tôi với Đại tá Nguyễn Tài Sơn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh thì nơi biên giới Tây Nam này, 115 chốt, 16 trạm, 27 điểm cảnh giới của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh vẫn ngày đêm canh trực từ đại lộ tới đường mòn lối mở, kiểm soát tốt nhất đại dịch, giữ an toàn phên dậu quốc gia.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Có thể khẳng định, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày càng trưởng thành vững chắc một cách toàn diện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong hơn 40 năm qua, vượt qua nhiều gian truân, thử thách, những người lính Biên phòng Tây Ninh đã viết nên những trang vàng truyền thống, bám trụ kiên cường nơi vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc… Đồng chí có thể nói vài điều về những người lính Biên phòng Tây Ninh hôm qua và hôm nay…

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Hơn 40 năm qua, với chặng đường nhiều khó khăn thử thách và hi sinh nhưng cũng rất vẻ vang, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh luôn xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công xuất sắc. Những ngày đầu mới thành lập, mặc dù còn rất nhiều khó khăn vất vả, nhưng cán bộ chiến sĩ Biên phòng tỉnh đã đoàn kết một lòng, đồng cam cộng khổ, kiên quyết bám biên giới, bám địa bàn, bám dân, dũng cảm chiến đấu, đánh bại các đợt tấn công của địch, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hàng chục đồng chí đã anh dũng hi sinh, nhiều đồng chí bị thương là những đóng góp máu xương mà các thế hệ tiếp nối luôn trân trọng. Nét truyền thống tiêu biểu của Biên phòng Tây Ninh là luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh càng ý thức sâu sắc những thành tựu, chiến công mà quân và dân ta đã đạt được để từ đó luôn đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách mới, cùng với nhân dân làm tường đồng vách sắt vững chắc trên các tuyến biên giới.

PV: Hẳn đối với Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, những ngày phòng chống dịch, không ít tấm gương cán bộ chiến sĩ chịu thiệt thòi, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư để đảm bảo bình yên cuộc sống cho người dân nơi biên giới, cùng đơn vị giữ yên bờ cõi, có thể nói trong cơn đại dịch, sự vào cuộc kịp thời và kiên trì bền bỉ đã rèn luyện cho các đồng chí sự trưởng thành mới trong công tác?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Đúng vậy! Với trên 240km đường biên tiếp giáp biên giới Campuchia cùng nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn, lối mở thì việc phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của Biên phòng Tây Ninh, nhiệm vụ này hiện nay vẫn đang diễn ra âm thầm nhưng hết sức quyết liệt. Chúng tôi được nhân dân giúp đỡ toàn diện mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Biên phòng Tây Ninh còn được lực lượng biên phòng các tỉnh Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường quân số thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Xác định đây là việc lâu dài nên chúng tôi đã có kế hoạch luân chuyển bộ đội ba tháng đổi quân một lần. Đã xác định là người lính biên phòng tức là phải biết hi sinh những chuyện riêng tư để thực hiện nhiệm vụ. Có những anh em ba tháng, sáu tháng, hơn nửa năm chưa được về thăm gia đình là chuyện thường. Có đồng chí vợ đến kì sinh nở, biên phòng tỉnh phải cử hội phụ nữ đến giúp đỡ sinh con, còn bản thân đồng chí ấy vẫn ngày đêm trên chốt nơi biên giới. Cảnh làm cha mà chỉ được ngắm con qua điện thoại hẳn cũng không ít tâm tư. Nhưng anh em xác định rất tốt nhiệm vụ, chúng tôi coi sự hi sinh hạnh phúc cá nhân cũng là điều kiện rèn luyện để trưởng thành. Có thể kể ra vài trường hợp như các cặp vợ chồng Trung úy chuyên nghiệp Phạm Xuân Tường - Nguyễn Thị Vân Anh; vợ chồng Nguyễn Tấn Phát - Nguyễn Thị Bé Ba và cặp vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Công Thiết - Huỳnh Thị Huyền, khi vợ sinh con, các đồng chí ấy đều đang canh trực trên chốt. Hội Phụ nữ Biên phòng tỉnh đã trở thành chỗ dựa với những gia đình nhỏ biên phòng khi có thêm thành viên mới. Càng những lúc khó khăn thiếu thốn, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình đồng đội càng bền chặt. Vật chất có khi không lớn nhưng sự đùm bọc trong cuộc sống như dòng suối mát lành để cho nhau niềm tin. Trong ngôi nhà lớn Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã từ lâu có truyền thống anh em đồng chí luôn coi nhau như ruột thịt, đó cũng là thế mạnh của người chiến sĩ biên phòng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ bám biên giới, trực chiến tại các chốt chống dịch, sát cánh cùng bà con, canh gác trên toàn tuyến cũng là dịp để người chiến sĩ Biên phòng Tây Ninh thêm thấu hiểu đời sống mọi mặt của bà con nhân dân nơi biên giới sâu sát và cặn kẽ hơn.

Phòng Chính trị BĐBP Tây Ninh tổ chức tiếp nhận và chuyển quà của bà con nhân dân gửi tặng các điểm chốt dã chiến phòng chống dịch.

PV: Tây Ninh là một tỉnh nghèo, đời sống bà con nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hẳn điều này cũng không nằm ngoài sự quan tâm của các đồng chí trong công tác dân vận, quản lí địa bàn và đồng hành cùng bà con vùng biên trong việc xây dựng thế trận an ninh biên giới. Được biết các đồn biên phòng của Tây Ninh đang cưu mang 73 trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đồng chí có thể chia sẻ về câu chuyện này?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Bộ đội Biên phòng chúng tôi luôn xác định, hễ làm điều gì tốt cho dân đều không quản ngại. Việc an dân, đảm bảo an ninh, an toàn trên địa bàn đảm trách là mục tiêu lớn, Bộ đội Biên phòng đã cùng với chính quyền địa phương đồng hành, tham gia thực hiện. Vấn đề các cháu nhỏ do hoàn cảnh gia đình éo le bị bỏ rơi ngoài xã hội không phải là hiếm. Nhiều cháu đã phải sớm vào các trại mồ côi, nương tựa ở chùa chiền, việc học hành vô cùng khó khăn. Với đạo lí tương thân tương ái, vừa là thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng, hiện nay, các đồn biên phòng tỉnh Tây Ninh đang nuôi dưỡng ăn học cho 73 cháu có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 15 cháu là người Campuchia. Các cháu được nuôi từ khi mới vài ba tuổi, đến nay nhiều cháu đã học lên cấp hai, cấp ba. Các cháu cũng coi đồn là nhà mình, coi các chú, các bác bộ đội biên phòng như người thân ruột thịt. Nhiều câu chuyện cảm động lắm. Hoàn cảnh anh em ở đồn, nhất là ở đồn vùng sâu vùng xa cũng chẳng khấm khá gì, lương cán bộ cấp úy còn thấp, nhà lại ở xa, ở quê cũng mẹ già, con dại, hoàn cảnh lắm, nhưng không thể không cưu mang các cháu, vì đây là đạo lí truyền từ tổ tông nguồn cội. Chúng tôi rất mừng khi anh em không chỉ biết yêu thương nhau mà còn biết lo cho nhân dân, nhất là những trẻ em không còn chỗ nương tựa. Những mảnh đời thua thiệt ấy được các đồn biên phòng vun trồng, nâng niu để các em được ăn học, được lớn lên là người có ích cũng là góp một mầm xanh khỏe khoắn cho cuộc sống tương lai.

PV: Chúng tôi đi nhiều nơi, khắp các đồn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã thấy được công sức và ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng khi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, cho các em được ăn học. Hàng ngàn cháu đã từ đôi bàn tay, công sức và tình cảm của những người lính biên phòng mà lớn lên, trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Để làm được điều này chỉ tình cảm và quyết tâm thôi chưa đủ, bởi sẽ còn những vướng mắc khác…

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Vướng nhiều thứ lắm chứ! Ví dụ như vấn đề pháp lí, phải làm thủ tục cho - nhận con nuôi. Rồi việc khai báo lí lịch cho các cháu. Ai sẽ làm bố nuôi hợp pháp để các cháu hoàn thiện lí lịch? Có nhiều trường hợp cha mẹ các cháu còn sống thì xử lí ra sao? Đối với các cháu người Việt Nam đã vậy, các cháu người Campuchia càng khó hơn, vì đây thuộc vấn đề người nước ngoài. Nếu làm không khéo kẻ xấu sẽ lợi dụng, xuyên tạc thành ra câu chuyện khác phiền phức. Rồi tiêu chuẩn chế độ cho từng cháu. Vấn đề phối hợp với các cơ quan đoàn thể địa phương cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng. Nhưng chúng tôi đã gỡ từng vướng mắc một, vượt được qua tất cả với tấm lòng chân thành và đạo lí làm người. Chúng ta làm những việc đúng đắn, hữu ích thì không có gì phải ngại. Khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt được qua. Cứ nhìn các cháu cùng ăn, cùng ở, cùng học với anh em ở đồn là hạnh phúc lắm. Các cháu cũng thực hiện các chế độ như một quân nhân, từ tinh sương báo thức tới buổi tối đều sinh hoạt và học tập rất quy củ. Các cháu luôn tỏ ra phấn khởi, tự giác và tự thi đua trong học tập. Khi người thân và bà con xóm giềng tới đồn thăm, thấy được cuộc sống rèn luyện của mỗi cháu đều rất phấn khởi. Chúng tôi làm tất cả với mong muốn sau này các cháu sẽ trở thành những con người có ích. Trong số các cháu được cưu mang, nuôi dưỡng, không ít cháu ước muốn sau này trở thành bộ đội biên phòng.

PV: Với dân số trên một triệu người, trong đó có hàng nghìn hộ gia đình thuộc các xã biên giới còn nhiều khó khăn đã và đang đặt ra cho lãnh đạo tỉnh và lực lượng Biên phòng Tây Ninh những trọng trách. Xin đồng chí Chính ủy cho biết cần làm gì để góp phần giải quyết tốt hơn đời sống của bà con vùng biên giới, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng an ninh vùng biên vững mạnh?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Tây Ninh là một tỉnh nghèo. Đảng và Nhà nước rất quan tâm và luôn dành cho Tây Ninh những nguồn lực lớn để phát triển kinh tế xã hội. Người dân còn nghèo là do đâu? Chúng ta phải làm gì để dân tự thoát nghèo? Vai trò của lực lượng biên phòng với vấn đề này như thế nào? Các câu hỏi luôn vang lên với chúng tôi, những người chiến sĩ từng được nhân dân yêu thương, nhường cơm sẻ áo, hi sinh cả tính mạng trong các cuộc chiến tranh. Nhưng tại sao hòa bình bao nhiêu năm mà dân mình vẫn nghèo, vẫn đói? Nỗ lực nhiều lắm. Trăn trở nhiều lắm và cũng phải nói thẳng chúng ta cũng đã làm được nhiều. Nhân dân bây giờ đã được ăn no mặc ấm nhưng phấn đấu để giàu lên, học cao lên, có đời sống tiện nghi hơn phải là cả một quá trình. Bộ đội biên phòng luôn ở tuyến đầu, ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, chung vai sát cánh với bà con. Có những xã nơi biên giới tỉ lệ người dân tộc đông, đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn bộ đội biên phòng luôn có mặt đồng hành. Từ thực tiễn đã đặt ra nhiều cách thức để phát triển kinh tế của từng địa bàn, từng khu vực. Bài toán không dễ giải nhưng chúng tôi luôn xác định, dù khó đến mấy cũng phải từng bước nâng cao đời sống của bà con, nhất là bà con vùng biên. Làm được điều ấy cũng là chúng ta đang xây dựng thế trận an ninh biên giới.

PV: Từ chia sẻ của đồng chí, chúng tôi xin hỏi thêm, đối với các hộ dân nghèo, lực lượng Biên phòng Tây Ninh luôn sâu sát, nhiều trăn trở như thế, vậy đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng còn gặp nhiều khó khăn thì sao?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Đúng như các anh đặt vấn đề. Làm gì thì làm, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong chính lực lượng biên phòng phải được ấm no hạnh phúc mới có thể đảm đương tốt các nhiệm vụ được giao cũng như giúp đỡ bà con nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người lính quân hàm xanh. Anh khó có thể đi giúp đỡ người khác khi chính vợ con anh, gia đình anh nheo nhóc, túng thiếu. Vấn đề trên đã được các cấp lãnh đạo, chỉ huy đặt ra và giải quyết thấu tình đạt lí. Nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả với các nguồn lực đa dạng đã được khởi động và hoạt động rất tốt. Tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình quân nhân khó khăn. Chúng tôi đã lập các quỹ khuyến học để động viên các cháu học giỏi, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn là con em của cán bộ chiến sĩ biên phòng. Biên phòng tỉnh đã xây được một số nhà cho cán bộ, chiến sĩ gia đình khó khăn. Cách làm cũng đa dạng lắm. Mức hỗ trợ theo quy định chung nhưng nếu cán bộ chiến sĩ muốn góp thêm để ngôi nhà khang trang hơn cũng được đáp ứng. Rồi vấn đề hợp lí hóa gia đình, nơi công tác, học hành của vợ con quân nhân đều được quan tâm thấu đáo. Chúng tôi luôn nghĩ, có thể vật chất mình chưa lo được nhiều cho anh em nhưng những gì có thể được, nhất là vấn đề gia đình, môi trường, địa bàn công tác, học tập của vợ con người lính luôn được giải quyết ở mức độ cao nhất.

PV: Được biết trong những năm gần đây, cán bộ chiến sĩ Biên phòng Tây Ninh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thực hiện nghiêm Hiệp ước về biên giới và các mảng công tác khác. Nhiệm vụ này đã được Biên phòng tỉnh quan tâm triển khai như thế nào?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, những năm gần đây, biên phòng tỉnh đã tích cực chủ động, phối hợp với các ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác cắm mốc, phân giới trên tuyến biên giới của tỉnh. Biên phòng tỉnh cũng cử cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia đội phân giới cắm mốc của tỉnh và chỉ đạo các đồn biên phòng làm tốt công tác khảo sát, dẫn đường, bảo vệ, giúp đỡ các đội phân giới cắm mốc của ta và của bạn trong quá trình làm nhiệm vụ trên biên giới, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, trang bị, phương tiện, góp phần cơ bản hoàn thành việc phân giới, cắm mốc. Đây là cơ sở để ta và bạn phối hợp quản lí, bảo vệ tốt hơn nữa vùng biên giới hai nước.

Công tác quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ngày càng được tăng cường. Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát biên giới và khu vực biên giới. Trong 5 năm qua đã tổ chức hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp với các lực lượng tuần tra của bạn truy quét biên giới, địa bàn, kịp thời bắt giữ các vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản, hàng hóa trái phép, ngăn chặn người vượt biên qua Campuchia và từ Campuchia vào Việt Nam. Phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia tổ chức hội đàm cấp tỉnh, cấp đồn theo định kì, phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới, đảm bảo đường biên giới, các cột mốc quốc giới, cọc dấu đường phân giới được bảo vệ nguyên trạng, không để xảy ra các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Công tác quản lí, kiểm soát xuất nhập cảnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan ở cửa khẩu tiến hành kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu đúng nguyên tắc, thủ tục, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn cho hàng trăm nghìn lượt người. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, anh em biên phòng tỉnh đã phải rất cố gắng, nhiều khi không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, có đồng chí hàng năm không được nghỉ phép là chuyện bình thường.

PV: Mọi vấn đề rõ ràng như đường biên cột mốc, các quy chế, văn bản tuân thủ theo hiệp ước để hai bên có cơ sở thực thi đã góp phần để biên giới ngày càng vững chắc hơn. Từ tiền đề đó, công tác đối ngoại biên phòng ngày càng đi vào chiều sâu với những việc làm, quy chế cụ thể. Công tác này đã đóng góp vào việc giữ gìn sự ổn định biên giới thế nào thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Vấn đề đối ngoại biên phòng luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Sự ổn định hợp tác lâu dài phải được vun đắp hàng ngày, hàng giờ bằng những việc làm cụ thể. Biên phòng Tây Ninh thường xuyên trao đổi tình hình với lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia theo biên bản ghi nhớ ở các cấp của ta và bạn. Đối với tuyến biên giới Campuchia, trước, trong và sau các đợt bầu cử, ở bạn thường có biểu hiện phức tạp. Do nắm chắc địa bàn, nắm chắc dân nên chúng tôi chủ động tìm hiểu và nắm bắt tình hình, có những ứng xử phù hợp để mọi việc dần đi vào ổn định. Biên phòng Tây Ninh thường xuyên tổ chức kí kết nghĩa giữa các đồn với các lực lượng bảo vệ biên giới của bạn. Bạn có khó khăn, đề xuất gì, trong khả năng đáp ứng được, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh sẵn sàng giúp đỡ. Những điều này đã góp phần tạo không khí cởi mở, hợp tác giữa hai bên, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Nói như vậy không có nghĩa là không còn những thách thức mà Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phải đối mặt để tích cực góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên giới Tây Nam. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ý thức về những điều này như thế nào và có chỉ đạo tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ gì để hoàn thành trọng trách?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Đây là điều chúng tôi luôn trăn trở. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Ninh đang từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trong thời kì mới. Tuy nhiên, tình hình địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, đang còn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, trình độ dân trí thấp và những khó khăn về kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định địa phương. Mặt khác, do tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội vẫn chưa bị đẩy lùi đang là những thách thức không nhỏ với địa phương và những người lính biên phòng. Ý thức sâu sắc tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định, phải tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động và tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị đã thường xuyên nghiên cứu, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân vận của Đảng, Nhà nước; quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc; chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, xác định cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ công tác dân vận trong tình hình mới vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách hiện nay.

PV: Nói đến biên phòng không những thấy ngay sự xa xôi, cách trở, thiếu thốn. Bộ đội biên phòng cả nước luôn xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Với những tỉnh quản lí vùng biên dài rộng như Tây Ninh, trước khối lượng công việc rất lớn, các đồng chí đã phải quy hoạch thời gian, con người, cơ sở vật chất thế nào để làm được nhiều việc cùng một lúc như thế?

Đại tá Nguyễn Tài Sơn: Bộ đội biên phòng lúc nào cũng bận như con mọn. Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cũng thế thôi. Đã xác định với nhau như thế từ khi mặc bộ quân phục biên phòng nên anh em người nào việc ấy thành thạo và sáng tạo lắm. Cứ nhìn vào công việc, nhìn vào đời sống nhân dân, xu thế phát triển kinh tế của tỉnh, của đất nước mà làm việc, chủ động xử lí mọi công việc đã trở thành thương hiệu của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh. Từ việc tham mưu cho tỉnh, huyện đến những việc cụ thể, tỉ mỉ như khám chữa bệnh cho người dân nơi biên giới, xóa mù chữ, tặng sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu học sinh nghèo các đồn, trạm, tổ đội biên phòng đều làm rất tốt, làm thường xuyên năm này qua năm khác. Ở nơi biên giới, nhân dân có việc gì là gọi bộ đội biên phòng. Bộ đội biên phòng đến tham gia mọi việc cùng với nhân dân, từ trực tiếp làm cán bộ xã đến bắc cầu, mở đường, kéo điện, hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm… tất tần tật một cách rất tự nhiên. Vấn đề thời gian, con người, cơ sở vật chất luôn được đặt trong tổng hòa chung, không xa rời nguyên tắc nhưng cũng không cứng nhắc, chỉ biết phần việc của mình trên giấy. Thực tiễn rất sinh động. Chính thực tiễn đã điều tiết con người để mỗi việc làm, mỗi hành động của người chiến sĩ biên phòng hữu ích trước nhiệm vụ chung, hữu ích với đất nước, với nhân dân.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!