Thứ Năm, 22/07/2021 06:48

Paradise in Plain Sight: Bài học cuộc sống không ở nơi nào xa xôi

Trong cuốn sách mới của Karen Maezen Miller, Paradise in Plain Sight, khu vườn thiền mà cô khôi phục lại vẻ đẹp trước đây của nó đã trở thành một phép ẩn dụ cho cuộc sống.

Trong cuốn sách mới của Karen Maezen Miller, Paradise in Plain Sight, khu vườn thiền mà cô khôi phục lại vẻ đẹp trước đây của nó đã trở thành một phép ẩn dụ cho cuộc sống.

Khu vườn Thiền theo phong cách Nhật Bản.

Trong cuộc sống, việc sử dụng từ “Zen” (Thiền) đã bị lạm dụng một cách quá mức. Người ta dùng từ đó để mô tả mọi thứ. Chẳng hạn như nội thất Thiền, khoảnh khắc Thiền... Việc sử dụng bừa bãi khiến cho chúng ta cảm thấy các thuật ngữ, khái niệm đó không thực sự hợp lí, nhưng trong trường hợp của Miller, một tu sĩ Phật giáo tại Trung tâm Thiền Hazy Moon ở Los Angeles, đồng thời là giáo sư và người hướng dẫn Phật giáo được công nhận, thì có một ngoại lệ khi cô dùng từ Thiền trong tựa đề cũng như trong nội dung cuốn sách của mình.

Vào dịp gia đình cô đi tìm ở nhà ngoại ô Los Angeles, Miller và chồng đã tình cờ gặp được một khu đất, bên trong có một khu vườn Nhật Bản tồn tại từ năm 1916, được coi là khu vườn Nhật lâu đời nhất ở Nam California. Sự tìm kiếm và phát hiện này khiến cô cảm thán “Tôi đã đến đúng nơi mình thuộc về”, là cơ sở cho cuốn sách của cô sau đó Paradise in Plain Sight: Lessons from a Zen Garden. (tạm dịch: Thiên đàng ngay trước mắt: Bài học từ khu vườn Thiền.)

Những khu vườn được chăm sóc tốt có thể trông tự nhiên, nhưng chúng không tự nhiên mà trở nên như vậy. Khi lần đầu cô và chồng để mắt đến khu đất này, khu vườn đã bị bỏ hoang tự do phát triển, mặt đất hoang tàn bao phủ bởi cỏ dại và dây leo; nhiều không gian vốn đẹp đẽ gọn gàng trước đó giờ là nơi sinh sống của gấu trúc, chuột chũi và chồn hôn; cây cối thì phủ đầy mạng nhện, trên mặt đất đầy những hố mối mọt. Khu đất này đã được rao bán hai năm nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Khi người môi giới nói “Toàn bộ mọi thứ nơi này được xây dựng dành cho Thiền”, Miller đã kinh hãi, không tin nổi.

Cuốn sách gợi ý cho chúng ta kiếm tìm vẻ đẹp, tìm thiên đường ở ngay trước mắt.

Miller và chồng vẫn quyết định mua lại, dùng công sức để tái tạo sức sống cho khu đất, nuôi dưỡng khiến nó trở lại vẻ đẹp vốn có. Cho dù lúc ấy, hai vợ chồng cô đều chẳng hiểu chút nào về việc thiết kế cảnh quan, hay nói một cách đúng hơn cô không có kiến thức gì đối với việc làm vườn. Vì vậy, gia đình cô đã dành một thời gian để đắm chìm trong việc nghiên cứu cách xây dựng và chăm sóc một khu vườn Nhật Bản.

Cuốn sách của Miller đã miêu tả khu vườn mà cô phát hiện, thời gian và phương cách cô chăm sóc và khôi phục vẻ đẹp trước đây của khu vườn. Khu vườn đẹp đẽ của ngày hôm nay đã trở thành một phép ẩn dụ cho cuộc sống, một viễn cảnh về một thiên đường trần gian nằm trong tầm tay của mọi người. Chương đầu tiên của cuốn sách có tên là “cổng”, đề cập tới lối vào của khu vườn, biểu tượng cho lòng dũng cảm bước qua ngưỡng cửa. Nước trong ao tượng trưng cho sự tĩnh lặng của tâm trí; đá không còn là những khối vật chất trầm tích hay đá lửa vô danh, mà là những vật thể chuyển tải niềm tin.

Điểm chung với các tác phẩm về trí tuệ hấp dẫn khác, như Tâm kinh hay Túp lều hình vuông mười thước, sách là một văn bản ngắn gọn, thu hút. Miller kêu gọi độc giả đứng trước những dòng năng lượng năng động của những khu vườn, để cảm nhận khả năng tái tạo cuộc sống của chính họ, có thể tạo nên một không gian an toàn, hài hòa, tích hợp đầy đủ và cân bằng.

Ở cuối cuốn sách, Miller viết rằng, độc giả có thể nghĩ họ đang tiếp thu những lời của cô ấy, trong khi thực tế, họ đã biết tất cả. “Hai chúng tôi,” cô ấy viết về mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, “đã bước vào một sự thân mật sâu sắc, một trạng thái hòa hợp, trong hoàn toàn im lặng.” Đây là tâm thức tỉnh thức mà các thiền sư nói đến.

Những gì Miller đề xuất trong các bài học của cô ấy từ một khu vườn thiền, có lẽ gần với sự thay đổi tinh thần hơn là một cuộc đại tu trong suy nghĩ. Cô ủng hộ suy nghĩ rằng, mọi người đã đi lạc khỏi kiến ​​thức thiên bẩm về chính thế giới họ đang sống. Giống như Thiền, cuốn sách của cô cho người đọc thấy rằng thiên đường của riêng họ luôn ở ngay trước mắt.

BÌNH NGUYÊN dịch