Đề tài phim gần gũi

Đi xe Grab, bất ngờ khi cậu lái xe (sinh viên năm thứ 3) hỏi tôi:

- Chị có xem phim “Về nhà đi con” không?

- Em cũng quan tâm và xem phim đó à?

- Ôi em thích xem phim đó lắm!

- Vì sao?

- Vì câu chuyện rất nhẹ nhàng, gần gũi, ấm áp, nhất là các câu thoại rất hay, tự nhiên, phản ánh phù hợp cuộc sống hiện nay. Xem phim thấy như mình cũng có một phần trong đó, cũng có điều cần học hỏi, hoặc không nên làm… Em cũng thích các phim khác của Việt Nam như “Mê cung”, “Người phán xử”, “Gạo nếp gạo tẻ”… Các diễn viên đóng đạt, diễn cứ như thật.

Phim truyền hình Việt - Những dấu ấn mới
Cảnh trong phim truyền hình ăn khách “Về nhà đi con”. Ảnh: VFC

Có lẽ chưa bao giờ khán giả truyền hình lại có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm phim Việt như hiện nay. Sóng giờ “vàng” phim Việt các khung giờ từ 20 giờ 30 phút, 21 giờ trên các kênh VTV1, VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam liên tục trình chiếu các bộ phim, đề tài phong phú, sống động, phản ánh hơi thở cuộc sống. Ví như, bộ phim, “Về nhà đi con” của đạo diễn Danh Dũng ngay sau khi phát sóng đã tạo nên “cơn bão” từ chính khán giả. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về ông Sơn (nghệ sĩ Trung Anh)-người ít nói, lặng lẽ, góa vợ nhưng quyết định ở một mình chăm sóc 3 con gái (Huệ, Thư, Dương). Phim có nhiều khoảnh khắc xúc động và được nhận xét tích cực từ khán giả. Đa phần là ý kiến khen ngợi, không chỉ vì nội dung mà còn bởi diễn xuất ấn tượng từ nghệ sĩ Trung Anh cùng các diễn viên: Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân vai các cô con gái. Sức hấp dẫn của “Về nhà đi con” khiến cho từ 65 tập ban đầu công bố, ê kíp làm phim đã nối dài tới 85 tập, rồi sinh động hơn nữa là 5 tập ngoại truyện trình chiếu trên internet. Việc ê-kíp làm phim quyết định làm phần ngoại truyện để tri ân khán giả cũng là sự kiện mở ra tín hiệu vui của phim truyền hình Việt hiện nay.

Cùng thời gian này là phim “Mê cung”, bộ phim nằm trong series “Cảnh sát hình sự” mang đến những giây phút kịch tính đến nghẹt thở, những vụ án phức tạp với bước chuyển không thể lường trước, đưa đến cho người xem từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Góp vào thành công của phim là dàn diễn viên chuyên nghiệp: NSƯT Công Lý, NSƯT Hoàng Hải, Việt Anh, Hồng Đăng, Hoàng Thùy Linh…

Kế tiếp cho “Về nhà đi con” là phim “Hoa hồng trên ngực trái” (34 tập) mang đến cái nhìn đa chiều về người phụ nữ trong gia đình ở xã hội hiện đại. Có người chấp nhận cuộc sống nội trợ, có người tự tạo dựng sự nghiệp và chỗ đứng trong gia đình, có người quan hệ tốt với mẹ chồng, có người lại luôn mâu thuẫn, căng thẳng. Phim có nhiều cuộc chia tay, nhiều sự chấm hết, tuy nhiên, khi nhìn lại người ta thấy mọi sự kết thúc luôn là khởi điểm của những bắt đầu. Cái giá phải trả cho những mất mát sẽ luôn khiến ta biết trân trọng và gìn giữ hiện tại của mình hơn.

Đổi mới tư duy làm phim

Theo kết quả tìm kiếm trên Google cho thấy, danh sách những phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam có 10 cái tên trong tốp đầu đều là phim Việt. Phim Việt đã dần thay thế được phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc trên sóng truyền hình. Bên cạnh sự ưu ái của các nhà đài dành giờ “vàng” cho phim Việt thì yếu tố quyết định chính là chất lượng ngày càng tăng lên, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Theo đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC): Phim truyền hình Việt nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng, điều chỉnh hình thức thể hiện để hấp dẫn khán giả thì rất khó cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác. Vì vậy, thời gian qua, VFC đã có những thay đổi đáng kể trong tư duy làm phim. Để những bộ phim truyền hình Việt Nam tạo được sức hút với khán giả, đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm. Tiếp đến cần sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Sự nghiêm túc, đam mê của ekip, diễn viên sẽ tạo được sự thành công cho bộ phim. Có đặt công việc sản xuất phim trong một ekip chuyên nghiệp thì phim Việt vẫn là một trong những thể loại trong chương trình truyền hình được khán giả yêu thích.

Đạo diễn phim “Về nhà đi con”-Danh Dũng chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là phải đặt khán giả lên trên hết. Phim chỉ 25 phút, chúng tôi phải tính toán trong thời gian đó họ có gì để xem. Vì thế, tất cả những phân cảnh dẫn giải đều bỏ đi chỉ tập trung trực tiếp vào câu chuyện. Những tình huống như đi ra đi vào, ngồi trầm ngâm… rất ít. “Về nhà đi con” được quay bằng ba máy, có cảnh tâm lý phải đẩy lên 4 máy và quay một lần để tận dụng tối đa điểm rơi cảm xúc của diễn viên. Khâu hậu kỳ là một công đoạn sáng tạo quan trọng của mỗi bộ phim dựa trên những chất liệu mà đoàn làm phim quay được. Người dựng phim đòi hỏi phải tính toán để có mạch chuyện tốt, tiết tấu tốt và có đột biến trong câu chuyện. Tiết tấu, diễn biến câu chuyện phải nhanh, lượng thông tin chuyển đến cho khán giả phải liên tục, nối tiếp nhau”.

Thời gian vừa qua NSND Lan Hương góp mặt với khá nhiều bộ phim truyền hình ăn khách như “Sống chung với mẹ chồng”, hiện giờ là “Những nhân viên gương mẫu” cho rằng, những đề tài xoay quanh chuyện tình cảm gia đình muôn đời vẫn thế nhưng nếu chọn lát cắt hợp thời, “gãi đúng chỗ ngứa”, đáp ứng nhu cầu của khán giả thì vẫn hấp dẫn như thường. “Với nguồn lực diễn viên đông đảo, đa năng, ngoại hình sáng, cùng với công nghệ làm phim hiện đại, truyền hình Việt hoàn toàn có thể sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng, quan trọng là chúng ta sẽ làm gì để có những kịch bản hay, gần gũi với đời sống, thị hiếu của khán giả mà thôi”, NSND Lan Hương cho hay.

Nguồn: QĐND (Châu Xuyên)