Chủ Nhật, 20/12/2020 13:45

Phùng Thế Tài, vị tướng của những giai - huyền thoại

Những ứng xử “vô tiền khoáng hậu”, đã đi vào kí ức của nhiều người để mỗi khi nhớ về ông là nhớ về những giai – huyền thoại, theo cách gọi của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Nếu là từng là lính, đã từng ở các đơn vị trong Quân đội, đặc biệt là những đơn vị mà Thượng tướng Phùng Thế Tài – Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giữ cương vị chỉ huy hay có tiếp xúc với ai từng là cấp dưới của ông thì dứt khoát bạn đã từng ít nhất một lần nghe giai thoại về ông, trong cách cầm quân, trong tác phong chỉ huy, trong tính cách hay những xử sự độc đáo với cấp trên, cấp dưới, trong đó có những ứng xử “vô tiền khoáng hậu”, đã đi vào kí ức của nhiều người để mỗi khi nhớ về ông là nhớ về những giai – huyền thoại, theo cách gọi của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Hội thảo “Thượng tướng Phùng Thế Tài – Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp” do Hội Khoa học Lịch sử phối hợp với Hội đồng họ Phùng tổ chức tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân sáng 19/12/2020 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Tại hội thảo, rất nhiều các bài viết, các ý kiến phát biểu cũng là những kỉ niệm, cảm nhận về Thượng tướng Phùng Thế Tài đã được kể lại. Tuy ở những góc nhìn khác nhau nhưng tựu trung lại, các ý kiến đều thừa nhận Phùng Thế Tài là một vị tướng tài giỏi, cá tính và bản lĩnh.

Thượng tướng Phương Minh Hòa phát biểu tại hội thảo. 

Thượng tướng Phương Minh Hòa – Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân trong bài phát biểu của mình đã kể lại nhiều câu chuyện nhỏ thú vị về người tiền nhiệm từng giữ vị trí Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân trong chiến tranh chống Mĩ mà ông gọi là “vị tướng của tháng 12 lịch sử”. “Trong kỉ yếu hội thảo đã in đầy đủ bài tham luận của tôi, tôi xin không đọc lại mà sẽ kể một số kỉ niệm sâu sắc và vài cảm nhận của mình về người Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không – Không quân”, Thượng tướng Phương Minh Hòa nói. Những câu chuyện vừa dí dỏm vừa gần gũi thể hiện tính cách của Thượng tướng Phùng Thế Tài trong nhiều tình huống khác nhau khiến cử tọa vừa nghe vừa gật gù tán thưởng. Dẫn lời một cựu chiến binh nói “Cụ Phùng Thế Tài trông nghiêm nghị vậy nhưng cực kì hiền và rõ ràng”, Thượng tướng Phương Minh Hòa thừa nhận điều đó. Ông nói thêm: Đúng! Ông hiền từ vì ông được gần Bác Hồ, đi cùng Bác từ thời còn trai trẻ. Ông rõ ràng vì ông rất công bằng, có chính kiến, dám chịu trách nhiệm trước mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác giao…”.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 là người gắn bó với Thượng tướng Phùng Thế Tài từ những ngày còn là lính của Sư 320, cùng sinh hoạt trong Sư đoàn Đồng Bằng. Khi Khuất Duy Tiến là chiến sĩ, rồi trở thành cán bộ đại đội trong đội hình Đại đoàn 320 thì Phùng Thế Tài đã là Đại đoàn phó Tham mưu trưởng nổi tiếng cùng Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng chỉ huy Đại đoàn 320 chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông ấn tượng với Phùng Thế Tài bởi những cư xử rất đàn anh, luôn quan tâm đến đời sống bộ đội cũng như sự tỉ mỉ, sâu sát trong mỗi lời nói, việc làm. Những đức tính của Phùng Thế Tài đã ảnh hưởng rất nhiều với mỗi người lính Sư đoàn 320.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát sau trận thắng Mĩ ngày 5/8/1964. Ảnh: TL

Là cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, Phùng Thế Tài luôn nhớ kĩ những lời Bác dạy và thường dẫn lại với đồng đội và cấp dưới. Ông cũng thấm nhuần tư tưởng của Bác trong việc sử dụng cán bộ. Bên trong vẻ xù xì gai góc và mang tiếng hay “dọa” cấp dưới khiến nhiều người có những phen “khiếp vía” là một trái tim nhân từ, một cái tâm trong sáng. Trung tướng Khuất Duy Tiến đánh giá cao Thượng tướng Phùng Thế Tài ở cách dùng người: “Đã dùng cán bộ thì không được bỏ cán bộ, cán bộ chưa tốt thì phải giúp đỡ, không dùng vào việc này thì dùng vào việc khác sao cho phù hợp với điểm mạnh điểm yếu của họ”. Thượng tướng Phùng Thế Tài gắn với nhiều giai thoại trong suốt cuộc đời của ông, nhưng với Trung tướng Khuất Duy Tiến, bằng vào những việc làm trực tiếp, luôn cảm nhận ông là con người gần gũi, sâu sắc và mưu lược. “Với chúng tôi, Phùng Thế Tài, Văn Tiến Dũng là những người anh vô cùng quý trọng”, ông cho biết.

Ở tuổi chín mươi, bằng chất giọng khúc chiết xúc động, kết thúc bài phát biểu, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói: “Hôm nay, kỉ niệm 100 ngày sinh của Thượng tướng Phùng Thế Tài, tôi như thấy anh đang đứng đây với chúng tôi”.

Trung tướng Khuất Duy Tiến tại hội thảo.

Về những giai thoại của vị tướng “có một không hai” của Quân đội, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến nhớ lại giai thoại về biệt danh “Quan Năm đòn gánh” mà nhân dân đặt cho ông với những câu chuyện nghĩa hiệp của Thượng tướng Phùng Thế Tài trong thời gian giữ mặt trận Hà Nội. Phùng Thế Tài vốn rất giỏi võ, ông từng nhiều năm bảo vệ Hồ Chủ tịch nên chẳng những cầm quân đánh địch, đích thân ông còn nhiều phen khiến quân cướp nước khiếp vía kinh hồn. Có lần giữa chợ đông người, lính Tàu Tưởng cậy đông ức hiếp bà con. Phùng Thế Tài với chiếc đòn gánh tre của bà lão đi chợ đã đánh tơi bời khiến đám kia chạy bán sống bán chết. Bà con trong chợ thấy ông cao to đánh dạt bọn cướp ngày bèn gọi ông là Quan Năm đòn gánh. Có thể gia đình và những người quen nhìn các vị tướng theo hướng nghiêm ngắn không thực sự tán đồng khi nhiều người lại nhớ về người thân của mình với những câu chuyện “bên lề” như vậy, nhưng trong lòng những đồng đội và trong nhìn nhận của những nhân chứng lịch sử của một thời, những câu chuyện ấy đã gắn với Phùng Thế Tài, đã trở thành những giai thoại khó quên, góp phần làm nên cá tính đặc biệt của ông. Ngày ấy, có hai vị Tư lệnh dù nắm giữ trọng trách nhưng quân hàm mới chỉ Đại tá, đó là Phùng Thế Tài của Quân chủng Phòng không – Không quân và Đồng Sỹ Nguyên của Bộ Tư lệnh đường Trường Sơn. Cũng có ý kiến này nọ lên Cục Cán bộ, nhưng tướng Phạm Ngọc Mậu – Cục trưởng Cục Cán bộ khi ấy đã phán một câu nổi tiếng: Một năm lên quân hàm cũng chưa phải là nhanh mà mười năm mới lên quân hàm cũng chưa phải là chậm. Phản ứng trước việc này, tướng Đồng Sỹ Nguyên thì điềm đạm hơn, còn Phùng Thế Tài bị cho là “có thái độ” khi có lần ông đánh nguyên một chiếc xe Gát – loại xe chuyên dụng trong vận tải để đi họp tại Bộ Tổng Tham mưu.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu, tướng lĩnh Quân đội các thời kì tham dự. 

Buổi hội thảo tổ chức tại Quân chủng Phòng không – Không quân, cái nôi của Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đúng 48 năm về trước, với sự hiện diện của nhiều tướng lĩnh, cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng các thời kì. Những người lính Phòng không – Không quân có dịp ôn lại những ngày lịch sử bắt đầu của chiến dịch 12 ngày đêm Không quân Mĩ oanh tạc bầu trời Hà Nội, sự kiện gắn liền với tên tuổi vị Thượng tướng Phùng Thế Tài. Trong hồi kí, ông cũng từng viết, khi ông nhận cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Bác Hồ đã hỏi ông: Bây giờ chú đã là Tư lệnh Phòng không – Không quân rồi, chú đã biết gì về B52 chưa? Nếu chưa biết thì chú tìm hiểu dần đi, vì Đế quốc Mĩ sẽ thua tại Việt Nam, nhưng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. Tài dự đoán tình hình và cảnh báo sớm cho vị thủ lĩnh bộ đội Phòng không – Không quân của Bác đã giúp cho những người lính canh giữ bầu trời có sự chuẩn bị, tìm ra cách đối phó với không quân đối phương để không bị bất ngờ. Thực tế chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 đã cho thấy điều đó. Bộ đội Phòng không – Không quân đã lập chiến công oanh liệt, hạ gục pháo đài bay B52 dù địch đã dùng nhiều thủ đoạn để vô hiệu hóa hệ thống phòng không – không quân của ta. Sáng kiến đưa những tù binh phi công Mĩ từ Sơn Tây về Hỏa Lò giam giữ cũng là của Phùng Thế Tài, góp phần giữ cho Thủ đô bình yên. Hà Nội khi ấy có 6 vạn dân, ta đã sơ tán được 3 vạn đi tránh không quân Mĩ oanh tạc, vì thế mà tránh được nhiều tổn thất.

Có mặt tại hội thảo, PGS.TS, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy là một nhân vật khá hiếm hoi trong hàng hàng lớp lớp tướng lĩnh Quân đội. Ít ai nghĩ rằng Đỗ Lai Thúy cũng từng là một người lính Phòng không – Không quân giai đoạn những năm đầu 1970, khi Phùng Thế Tài ở vị trí Tư lệnh xa vời vợi với ông. Nhìn nhận về cuộc đời của vị Thượng tướng, Đỗ Lai Thúy cho rằng, cuộc đời của Phùng Thế Tài là vị tướng của những giai – huyền thoại. Khi còn là người lính trong Quân chủng Phòng không – Không quân, chính ông cũng từng nghe về những giai – huyền thoại đó. Nhìn nhận Thượng tướng Phùng Thế tài là một bản lĩnh, có cách ứng xử khác thường với khí chất, cá tính độc đáo, và có lẽ chính những cư xử có phần "suồng sã" của ông ít nhiều gây lầm tưởng về cái tầm của một người chỉ huy, nhưng cả cuộc đời ông đã cho thấy đó là một trí tuệ lớn. Nhiều chiến công thể hiện tài trí của ông mà điển hình trong đó được Đỗ Lai Thúy viện dẫn, đó là Hội nghị Đà Lạt giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tháng 5/1946. Trưởng đoàn là Nguyễn Trường Tam – Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam; Phó trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch Quân ủy hội kiêm Trưởng ban quân sự Phái đoàn, Bộ trưởng Nội vụ (1946), Quốc phòng kiêm tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ. Phùng Thế Tài đã thể hiện vai trò, là người kết nối trực tiếp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi diễn ra hội nghị, tạo tiền đề cho hội nghị điều đình chính thức giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đệ tứ Cộng hòa Pháp diễn ra tại Fontainebleau tháng 7 cùng năm đó. Sau này, ông viết trong hồi kí, nói lên cảm xúc của mình trước nhiệm vụ được giao ở Hội nghị Đà Lạt, rằng “chưa bao giờ tôi thấy nhiệm vụ của mình thiêng liêng đến thế”.

Trung tướng Phí Quốc Tuấn - Nguyên Tư lệnh BTL Thủ đô cho rằng, quá trình hoạt động của Thượng tướng Phùng Thế Tài gắn liền với những chiến công của quân và dân Hà Nội, từ mặt trận Hà Nội những năm đầu lập nước suốt từ 1944 đến 1950, và đỉnh cao sau này là chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Phùng Thế Tài là người trải qua nhiều cương vị quan trọng, có nhiều cương vị ông được giao trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng của Quân đội cũng là của đất nước. Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng dẫn tài liệu nói rằng, từ năm 1944 đến năm 1949 ông đã 6 lần được bổ nhiệm cương vị trung đoàn trưởng ở các trung đoàn khác nhau và cho rằng, ông là cán bộ cấp cao duy nhất của Quân đội được điều chuyển nhiều và liên tục như vậy.

“Hà Nội linh thiêng và hào hoa, nơi tụ khí của tinh hoa địa linh nhân kiệt với biết bao địa danh và nhân tài nổi tiếng. Nơi đây đã sinh ra những người con ưu tú của quê hương đất nước, và những người con ưu tú ấy đã góp phần làm rạng danh quê hương đất nước cũng như Thủ đô Hà Nội. Phùng Thế Tài là một trong những người con ưu tú ấy”, Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Phí Quốc Tuấn nói.

Trung tướng Phí Quốc Tuấn cũng kể lại câu chuyện, ngày Thượng tướng Phùng Thế Tài mất, 22/3/2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh giao cho Chánh Văn phòng điện cho ông thông báo tình hình. Lúc đó Đảng bộ Quân đội đã làm đề nghị tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho ông, nhưng vì ông vào TP Hồ Chí Minh không ở Hà Nội nên chưa tổ chức trao được thì ông đã mất tại đó, Trung tướng Phí Quốc Tuấn đã báo cáo Thành uỷ Hà Nội giải quyết cấp tốc việc này để trong lễ tang của ông sau đó là dòng chữ trang trọng: Vô cùng thương tiếc Thượng tướng Phùng Thế Tài - Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại hội thảo.

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nói: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng tài đồng thời là một nhân vật lịch sử. Cuộc đời ông luôn gắn liền với những giai đoạn, sự kiện lịch sử tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ông gắn bó rất sâu sắc với Hồ Chủ tịch và các sự kiện trọng đại trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam”. Quả là như vậy khi Phùng Thế Tài luôn được coi là “nhân vật đột phá” trong nhiều tình huống, nhiều hoàn cảnh lịch sử. Trong suốt cuộc đời mình, ông từng được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao đảm đương các trọng trách như: Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Phòng không, Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân và cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, ít ai nghĩ rằng ông còn kiêm nhiệm những công việc khá đặc thù như: Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương; Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam; Phó ban Phụ trách xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch…

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong phát biểu kết luận hội thảo đã nói: PhùngThế Tài là vị tướng được giáo dục và trưởng thành từ chiến sĩ. Tổng kết cuộc đời của Thượng tướng sẽ rút ra những bài học cực quý cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ta.

33 tham luận của các tướng lĩnh lãnh đạo Quân đội các thời kì, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo về Thượng tướng Phùng Thế Tài gửi tới hội thảo sẽ được biên tập và xuất bản thành sách trong thời gian tới.

Hội thảo có sự tham dự của tướng lĩnh các thời kì, đặc biệt là những người từng có thời gian cùng công tác với Thượng tướng Phùng Thế Tài ở các vị trí khác nhau. Trong ảnh, từ trái qua là Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - Nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Đào Duy Quát - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
Hội thảo diễn ra đúng dịp tháng 12 lịch sử khiến nhiều vị tướng của Phòng không - Không quân đã ôn lại những kỉ niệm đánh B52 của lực lượng Phòng không - Không quân tháng 12 năm 1972.

NGUYỄN XUÂN THỦY