Thứ Hai, 08/06/2020 10:48

Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Mở” quá sẽ khó quản lý

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế,...

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc “mở nhanh” như vậy có thể sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý đối với lĩnh vực phức tạp và khá nhạy cảm này.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương 31 điều, được xây dựng theo tinh thần kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và thể chế giải pháp thực hiện chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: (i) Trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu và lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; (ii) Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của tổ chức, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (iii) Quản lý hoạt động của cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; (iv) Quản lý các tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Trên tinh thần đó, dự thảo Nghị định có một số điểm mới nhằm thống nhất hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập còn tồn tại.

“Mở nhanh quá”

“Dự thảo Nghị định là tổng hợp các quy định trong Nghị định 79 và Nghị định 15, nhưng có vẻ mở nhanh quá” - Trưởng phòng Quản lý văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Văn Trực nhận xét. “Tôi đồng ý là phải thay đổi nhưng thay đổi nhanh quá, mở nhiều quá, có thể gây khó khăn cho công tác quản lý”. Như việc bổ sung “cá nhân” vào quy định chủ thể được tổ chức biểu diễn nghệ thuật, nghe thì “có vẻ tiến bộ”, nhưng ông Trực “rất phân vân”: “Cá nhân tổ chức triển lãm mỹ thuật hay nhiếp ảnh thì có thể được, nhưng với các chương trình nghệ thuật lớn trong thực tế có rất nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí xảy ra vấn đề liên quan đến pháp lý”. Hay về tổ chức thi người mẫu, người đẹp, không giới hạn số lượng cuộc thi trong năm, và cá nhân cũng được phép đứng ra tổ chức các cuộc thi, “liệu công tác quản lý, hậu kiểm có theo kịp không? Điều này cần hết sức cân nhắc”.

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông và giải trí Vietnam Show cũng băn khoăn về việc bổ sung “cá nhân” vào quy định chủ thể được tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Là người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực tổ chức nghệ thuật biểu diễn, trong đó có 12 năm làm việc tại một công ty người mẫu nổi tiếng, bà Hạnh cho rằng, chỉ nên cấp phép cho công ty, chứ cá nhân không thể đứng ra tổ chức một cuộc thi người đẹp, người mẫu. Bởi để tổ chức một chương trình nghệ thuật hay các cuộc thi người đẹp, người mẫu quy mô lớn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà cá nhân khó có thể đáp ứng.


Dự kiến sẽ không giới hạn số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu
Nguồn: ITN

Có lộ trình phù hợp

Soi chiếu với các quy định pháp luật liên quan, bà Trương Phương Lan, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư Pháp, nhận định, dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang theo hướng “mở hoàn toàn”. Đành rằng phải cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này, song “đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện cụ thể”. Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng dự thảo Nghị định chưa quy định các điều kiện đi kèm. Nhất là với quy định về tổ chức thi người đẹp, người mẫu đang bỏ ngỏ số lượng cuộc thi hàng năm, nếu không có điều kiện thì rất khó khăn cho cơ quan quản lý, bởi “không biết hậu kiểm như thế nào”.

Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước (hậu kiểm) được coi là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính, ngoài cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, còn có: Cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Ghi nhận sự tiến bộ này, song nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do lực lượng thanh tra mỏng, nghệ thuật biểu diễn lại là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, nên sẽ khó đủ sức để thực hiện hậu kiểm. Vì thế, cần tính toán có lộ trình mở với những điều kiện phù hợp, để vừa tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn hoạt động và phát triển, vừa thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Anh Minh)