Thứ Ba, 22/12/2020 06:01

Ra mắt tiểu thuyết viết về Thiếu tướng Trần Tử Bình

Xuất thân từ gia đình Công giáo, luôn mong muốn sống tốt đời đẹp đạo, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã gắn mình vào số phận lớn lao của quê hương, đất nước.

 Kỉ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020), sáng 21/12, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Văn học và Thư viện quốc gia Việt Nam ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử Người công giáo cộng sản của tác giả Trần Việt Trung. Nhân vật trung tâm của cuốn sách là Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng chính là cha đẻ của tác giả Trần Việt Trung.

Tác giả Trần Việt Trung viết cuốn sách dày hơn 600 trang này từ năm 2015 và hoàn thành năm 2017 nhưng thời gian ông dành cho việc tìm kiếm tư liệu, nhân chứng là rất lớn. Từ những tư liệu của gia đình, cũng như gia đình đồng chí của cha, Trần Việt Trung cũng dành nhiều tâm huyết tự mình đến những nơi mà thiếu tướng Trần Tử Bình đã kinh qua để cảm nhận, trải nghiệm và có những trang viết chân thực nhất.

Tác giả Trần Việt Trung (giữa) và các khách mời tại buổi ra mắt sách

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả nói: Người cầm bút phải có trách nhiệm với lịch sử và không được dễ dàng với lịch sử. Khi viết cuốn sách này, tôi có nhiều suy tư cùng với sự dẫn dắt vô hình. Dường như những trang viết tràn ra những dồn nén. Khi viết tôi đã cố gắng tách ra, không phải mình đang viết về cha mẹ mình, mà viết về nhân vật.

Nhân vật chính trong tác phẩm là một nhà cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên. Cuộc đời trải dài trên những vùng địa lí rộng lớn trong Nam, ngoài Bắc và cả nước ngoài. Xuất thân từ Công giáo, nhưng cuộc đời đã đưa ông sắm rất nhiều vai khác nhau: thầy giảng, phu đồn điền, thủ lĩnh phong trào, tù nhân, thầy thuốc, người thiết lập mạng lưới cách mạng, người ra quyết định khởi nghĩa, nhà tổ chức đào tạo quân sự, vị tướng trận, vị thanh tra, nhà ngoại giao... Đây là một đặc trưng của thế hệ cách mạng tiền bối, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao và phải hoàn thành bằng mọi giá.

Nhà thơ Hữu Việt bày tỏ: Cái tên của tiểu thuyết này mang rất nhiều ý nghĩa, có lẽ không đâu như ở nước ta, khi đất nước có chiến tranh thì tất cả các lực lượng yêu nước sẽ tập hợp và đồng lòng chiến đấu cho lí tưởng đẹp đẽ. Khi quá khứ đã lùi xa thì việc tái hiện quá khứ không dễ dàng chút nào. Tác giả Trần Việt Trung đã xử lí những kho tài liệu khổng lồ cũng như đọc rất nhiều sách lịch sử để có được những trang viết chân thực và ấn tượng như vậy. Điều này cho thấy lao động nghệ thuật đầy nghiêm túc của tác giả.

Xuất thân từ gia đình Công giáo, luôn mong muốn sống tốt đời đẹp đạo, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã gắn mình vào số phận lớn lao của quê hương, đất nước. Trong sự soi bóng của thời đại, ông đã sống và cống hiến, cùng với sự khúc xạ của hiện tại, cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về một thế hệ người Việt Nam chân chính đã đứng vững kiên cường trong sự khó khăn, gian khổ nhất.

Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình

Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967) là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1 năm 1948). Ông là người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930, một trong những cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tại cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của quân đội và Nhà nước như Phó Giám đốc Chính ủy trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó Bí thư Quân Ủy Trung ương (1947), Chính ủy trường Lục quân tại Trung Quốc (1950-1956), Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1959-1967). Sáu mươi năm cuộc đời oanh liệt của tướng Trần Tử Bình từ lúc được sinh ra ở Đồng Chuối cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì một cơn bạo bệnh đã được tái hiện thật sinh động, đậm nét và gần gũi trên trang sách.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Lịch sử là sự nối dài kí ức. Bảo lưu kí ức là cực kì quan trọng. Vấn đề nghiêm trọng nhất là lịch sử không có bóng dáng con người. Chúng ta phải làm sao để lịch sử có con người, sống động, sức mạnh lịch sử sẽ được trao truyền thông qua con người. Thông điệp của cuốn sách chính là lịch sử luôn hướng đến sự thật. Nhưng sức mạnh của nó không phải sự thật lịch sử mà là những bài học qua sự thật ấy. Chúng ta phải tôn trọng quá khứ. Lịch sử phải nói sự thật, chúng ta hướng đến những đều cao đẹp nhưng không được rời bỏ mảnh đất của sự thật. Cuốn sách đã làm rất tốt điều này.

Viết về người cha của mình và những người đồng đội, đồng chí của cha, những nhân cách lớn trong lịch sử, Trần Việt Trung đã dành cho lịch sử sự tôn trọng rất lớn. Bên cạnh những câu chuyện lịch sử, người đọc cũng nhận thấy rất rõ tình cảm, cảm xúc của người viết trên mỗi trang văn. Trần Việt Trung lay động người đọc bằng sự giản dị, chân thực và những câu văn đẹp, diễn tả đến tận cùng tâm lí, cảm xúc của các nhân vật. Qua đây, người đọc có thể hình dung rõ hơn về một thế hệ đầy tài năng và nhân cách, họ đã sống và chiến đấu như thế nào, họ đau nỗi đau đất nước lầm than, nỗi đau đồng đội, nỗi đau riêng tư ra sao, và họ đã ứng xử với những điều đó như thế nào…

Không thể thiếu yếu tố hư cấu trong một cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên tác giả cũng nhấn mạnh: cuộc đời của nhân vật vốn đã có quá nhiều yếu tố hấp dẫn, li kì và độc đáo mà người viết chưa thể đưa hết vào những trang văn, hư cấu chỉ là một phần nhỏ dựa trên sự thực mà thôi.

NGUYỄN SƠN