Chủ Nhật, 30/08/2020 09:59

Sách hay nên đẹp

Trong bối cảnh bản thảo đang ngày càng khó khăn, khan hiếm thì sự trở lại của sách kinh điển với minh họa mới là cần thiết và tích cực. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường sách cũng như kích thích tình yêu, đam mê với sách.

 Để đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với công chúng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà sách có xu hướng làm mới tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam qua các ấn phẩm được đầu tư công phu với minh họa tranh bìa cũng như minh họa cho nội dung tác phẩm.

Tọa đàm Vẽ minh hoạ - Làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam do Trạm Radio và Công ti sách Đông A thực hiện đã góp thêm những lời bàn về vấn đề hội họa trong văn chương, trong bối cảnh những cuốn sách phiên bản đặc biệt hay phiên bản giới hạn đang được giới yêu thích sách quan tâm và đã trở thành xu thế trong thời gian gần đây.

Không gian buổi tọa đàm

 

Minh họa văn chương

Minh họa trong văn chương là làm sáng lên và rõ nghĩa tác phẩm văn chương ấy qua con mắt hội họa. Họa sĩ đọc tác phẩm văn học và thấy được nó có ý nghĩa như thế nào thì sẽ thể hiện ý tưởng, suy nghĩ, cảm nhận đó qua hình khối, đường nét và màu sắc mà mình tạo tác.

Diễn giả, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn nhận định: Vẽ minh họa tác phẩm văn chương không phải là vẽ hoặc mô tả đúng nội dung của tác phẩm mà minh họa văn học phải có hai phẩm chất quan trọng. Một là người họa sĩ phải đọc và hiểu được lớp nghĩa của tác phẩm văn học; hai là phải có khả năng đồng sáng tạo. Vậy nên những tác phẩm minh họa văn chương là những tác phẩm sáng tạo thực sự, là sự đồng hành sáng tạo cùng văn chương chứ không phải là minh họa đi sau văn chương.

Nhìn lại quá trình hình thành và ra đời có thể thấy sự xuất hiện của minh họa văn chương ở Việt Nam gắn liền với xuất bản, in ấn và báo chí thời hiện đại. Bắt đầu từ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Có hai loại minh họa văn chương song song xuất hiện trong thời kì này, đó là minh họa văn chương trên báo và minh họa văn chương trên sách. Minh họa trên báo là một hình thức minh họa phổ biến, có nhiều biến đổi, nhiều thành tựu và rất đáng chú ý, kéo dài từ đầu thế kỉ 20 đến nay và vẫn đang được quan tâm, yêu thích. Minh họa trên sách cũng xuất hiện cùng thời điểm trên, và gần đây thì càng phát triển, nở rộ khi nhiều nhà sách đã cố gắng quan tâm hơn điều này.

Khảo sát trên hai tờ báo nổi tiếng trong thập niên 1930 là Phong hóaNgày nay. Nhiều tên tuổi đã tham gia vào việc vẽ bìa minh họa hoặc vẽ minh họa cho tác phẩm văn chương như: Nguyễn Gia Trí, Đông Sơn (Nhất Linh), Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung… Có thể thấy ngay từ thời báo chí và xuất bản hiện đại thì mối quan hệ giữa hội họa và văn chương đã rất chặt chẽ. Thời đó minh họa còn khá đơn giản theo hướng miêu tả chi tiết câu chuyện hay sự kiện, diễn biến của nhân vật, tuy nhiên chúng ta cũng thấy được sự mới mẻ mà những bức tranh mang lại tạo nên hứng thú cho bạn đọc. Có thể nhận thấy rõ, minh họa văn chương thời này là một hoạt động rất sôi nổi, mới mẻ và góp sức cho văn chương đến với độc giả nhiều hơn và hội họa cũng gần với công chúng hơn. Nếu có thêm nghiên cứu về những minh họa của các họa sư nổi tiếng đầu thế kỉ 20 đó là điều thú vị bổ sung cho lịch sử phát triển của hội họa Việt Nam.

Cùng nhìn nhận về vấn đề này, họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ thêm: Họa sĩ thời hiện đại ở Việt Nam đã thoát li khỏi hội họa phương Đông và hướng đến phương Tây. Cách vẽ trang phục hay vẽ nhân vật cũng có cảm xúc hơn, đặc biệt, các họa sĩ rất quan tâm đến cảm xúc nhân vật. Minh họa tác phẩm văn chương đăng báo làm cho tác phẩm hấp dẫn hơn. Họa sĩ sẽ đọc tác phẩm và chọn đoạn cảm thấy hay nhất, dễ vẽ nhất; mô tả lại khung cảnh đó, hoặc vẽ ý của truyện đó. Vẽ cho sách thì thường đầu tư vào bìa, chọn minh họa ruột phù hợp, cân đối những đoạn hấp dẫn. Mỗi họa sĩ sẽ cảm nhận và vẽ theo một cách khác nhau. Vẽ cho đối tượng nào thì chọn cách đến gần đối tượng đó.

 

Minh họa trong văn học kinh điển

Trong lịch sử văn học thế giới, những tác phẩm kinh điển được nhiều họa sĩ tài danh quan tâm và thể hiện bằng những tác phẩm minh họa của riêng mình. Những năm gần đây, ngành xuất bản, in ấn ở Việt Nam cũng chú trọng đến dòng văn học kinh điển bằng cách làm mới lại trong nhiều hình thức, nhưng đặc biệt và ấn tượng nhất là thể hiện điều đó qua tranh minh họa.

Có thể kể đến Lĩnh Nam chích quái của thế kỉ 15 được Nhà xuất bản Kim Đồng làm lại vào năm 2017 với minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long. Đó là một hướng đi mới của nhà xuất bản và họa sĩ. Để minh họa một tác phẩm mang màu sắc truyền kì là không dễ. Họa sĩ phải vẽ sao để bạn đọc hôm nay hiểu được tính chất của truyền kì với những yếu tố xa lạ, quái đản… và để làm được điều này thì họa sĩ không chỉ dựa vào tài năng mà phải có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực này. Cũng năm 2017, Đông A in lại Truyện Kiều với nhiều tranh minh họa, phụ bản do các họa sĩ đương đại thực hiện. Minh họa các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam là một thử thách lớn do sự cách xa về thời gian, văn hóa, lịch sử. Những minh họa được làm mới lại bởi họa sĩ hôm nay thường có nét vẽ sinh động, đa dạng hơn. Họa sĩ cần có góc nhìn hội họa và cách vẽ nào đó để đưa văn học trung đại đến gần hơn với độc giả hôm nay.

Một tranh minh họa trong tác phẩm Số đỏ

Gần đây, hai cuốn sách Số đỏTruyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng được Đông A tái bản. Sự đặc biệt trước hết đến từ chính giá trị văn học của văn bản. Số đỏ in lại bản in lần đầu năm 1938, đây là bản in đầy đủ và đặc sắc nhất. Họa sĩ Thành Phong là người vẽ minh họa cho cuốn sách này. Số đỏ rất khó minh họa bởi đã được chuyển thể qua nhiều thể loại và yếu tố trào phúng, châm biếm của tác phẩm cũng là điều khó khăn khi chuyển tải. Họa sĩ đã chuyển tải được tinh thần đó rất ấn tượng cũng như không gian xã hội mang tính Âu hóa. Cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng được đánh giá cao bởi sự công phu về văn bản và minh họa. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vốn rất thu hút các họa sĩ đương đại tên tuổi. Ở góc độ văn bản, Đông A dựa trên cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp in năm 2007. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: Minh họa cho cuốn sách này được xem như một thành tựu. Đó là sự liên tài của văn chương và hội họa. Sự có mặt của các tên tuổi họa sĩ đương đại làm nên sự đặc biệt cho cuốn sách này. Anh xúc động bởi sự liên tài và đối đãi giữa các văn nghệ sĩ cũng như việc nhà sách làm sách sang trọng, đẹp, xứng đáng với tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp.

Họa sĩ Kim Duẩn thì cho rằng, việc họa sĩ hiện tại vẽ lại sách cũ, qua độ lùi của thời gian sẽ có sự thú vị riêng. Với Số đỏ, cái khó là phải vẽ liên tục, dài hơi, phức tạp, theo sát nội dung của cuốn sách. Qua đây khẳng định được sự tâm huyết của họa sĩ. Với truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ông đã tạo dựng nên nhiều bức tranh cho tác phẩm của mình, các họa sĩ phải lựa chọn để minh họa theo góc nhìn và cảm nhận riêng.

Tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương trong Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Có thể khẳng định, xu hướng làm sách bản đặc biệt, giới hạn thể hiện qua tranh minh họa là một cách làm mới tạo cảm hứng cho độc giả cũng như là tạo sân chơi cho các họa sĩ và người làm sách. Trong bối cảnh bản thảo đang ngày càng khó khăn, khan hiếm thì sự trở lại của sách kinh điển với minh họa mới là cần thiết và tích cực. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường sách cũng như kích thích tình yêu, đam mê với sách. Sách hay nên đẹp và có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả.

Tuy nhiên, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cũng đặt ra sự phản biện, thế nào là sách đặc biệt? Trong xu thế hiện nay có lẽ người làm sách và công chúng cũng không nên quá dễ dãi trong quan niệm “bản đặc biệt”. Điều quan trọng hơn mà các nhà sách, các họa sĩ nên hướng đến đó là giá trị tự thân của văn chương; sự đồng sáng tạo, gợi mở của hội họa; sự cẩn trọng, nghiêm túc và chất lượng trong cách làm sách để cho các sản phẩm văn chương hoàn hảo hơn, tăng giá trị vật chất, giá trị văn hóa.

SƠN NGUYÊN