Thứ Sáu, 22/02/2019 11:23

Sách - niềm say mê mãnh liệt của “huyền thoại thời trang” Karl Lagerfeld

Ngoài tầm ảnh hưởng sâu rộng với thời trang thế giới, ông còn thu hút mọi người bởi tài năng và phong cách sống. Một trong số đó là niềm đam mê mãnh liệt với sách.

Ngày 19/2/2019, nhà thiết kế Karl Lagerfeld qua đời tại Paris, Pháp ở tuổi 85. Ngoài tầm ảnh hưởng sâu rộng với thời trang thế giới, ông còn thu hút mọi người bởi tài năng và phong cách sống. Một trong số đó là niềm đam mê mãnh liệt với sách.

Karl Lagerfeld với thư viện khổng lồ của mình.

Giám đốc sáng tạo của Chanel từng hài hước chia sẻ: “Tôi là nạn nhân của sách” hay "Một căn phòng mà không có sách không khác nào một căn phòng chết". Vượt trên các thứ hương thơm của nước hoa, lụa là mĩ phẩm, ông thích nhất mùi của những trang sách cũ: “Có lẽ tôi là một nạn nhân hạnh phúc".

Năm 2005, Karl Lagerfeld từng tiết lộ trong phỏng vấn với Vanity Fair rằng ông không thích trò giải trí nào, ngoại trừ sách. Ông đọc sách từ năm 5 tuổi và tiếp cận ngay với những tác phẩm đồ sộ như bộ Trường ca Nibelungen.

Lagerfeld còn kể ông học tiếng Pháp từ cuốn Beatrix của đại văn hào Balzac. Niềm đam mê với sách lớn dần khi ông tiếp cận những tiểu luận, thơ ca Đức - cái nôi triết học phương Tây.

Năm 2017, tờ Vogue, Pháp liệt kê danh sách dài những tác phẩm ưa thích nhất của Lagerfeld. Trong đó có những tác phẩm của triết gia Hà Lan gốc Do Thái Spinoza - một trong những triết gia duy lí vĩ đại nhất thế kỉ 17 với câu nói ảnh hưởng toàn diện đến cuộc đời ông: “Mọi quyết định đều là một sự khước từ". Ông cũng sở hữu và yêu thích mọi tác phẩm của triết gia người Đức Nietzsche, những vở kịch của nhà soạn kịch Jean Racine.

Những cuốn sách gối đầu giường của ông thường của những nhà văn, nhà thơ E. Dickinson (Mĩ), R. M. Rilke (Đức), Mallarmé, Madame de Stael (Pháp), Leopardi (Italy).

Không chỉ đọc, Lagerfeld còn có thú vui viết điểm sách. Đầu những năm 1970, ông từng viết bình luận sách cho tờ Vogue dưới bút danh Minouflet de Vermenou, trước khi trở thành giám đốc sáng tạo cho Chanel vào năm 1983.

Ông còn là tác giả của ít nhất 30 tác phẩm xuất bản rải rác thập niên 1980 đến nay, chủ yếu trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật, phê bình văn học...

Tại Paris, ông sở hữu tiệm sách 7L Bookshop, dù vậy vẫn là khách hàng trung thành với hiệu sách Galigmani - chuyên về lịch sử nghệ thuật. Ông là khách VIP của tiệm Galigmani và mang về 11% doanh số cho cửa hàng sách này.

Lagerfeld không thiết kế thư viện cầu kì như cách ông tạo dấu ấn trong làng thời trang mà đơn giản, song ấn tượng, sang trọng bởi hai gam màu trắng đen. Ông xếp đặt những cuốn sách theo hàng ngang để dễ dàng đọc tên tác phẩm.

Lagerfeld từng chia sẻ, dù ông sở hữu khối tài sản khổng lồ với những bộ sưu tập tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, thời trang... nhưng không có bộ sưu tập nào khổng lồ bằng sách.

Bộ sưu tập khổng lồ của ông là một thư viện đáng mơ ước tại Pháp với 300.000 cuốn sách thuộc các thể loại: thơ, tiểu thuyết, triết học, lịch sử, nghệ thuật…

Lagerfeld là người “tham công tiếc việc” khi mong muốn 48 giờ trong một ngày để ông sống với những đam mê và cống hiến của mình.

Dù nổi tiếng khắp thế giới, Paris vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời và di sản của Lagerfeld. Trước khi Lagerfeld qua đời, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói rằng, nhà thiết kế không chỉ là một hiện thân của Paris mà chính là Paris.

“Nghệ thuật của Lagerfeld mang lại màu sắc riêng cho tình yêu, với sự tinh tế đến kinh ngạc và tuyệt vời”, Anne Hidalgo viết bên cạnh những lời chia buồn của mọi người khi Lagerfeld qua đời.

BÌNH NGUYÊN dịch tổng hợp