Thứ Sáu, 13/03/2020 10:21

Sân khấu thời Covid-19: Hủy hợp đồng, dừng biểu diễn

Đã có không biết bao nhiêu hợp đồng biểu diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật bị hủy ngay trước ngày diễn; lịch diễn cả tháng, cả quý cũng được dừng lại, để góp phần phòng tránh dịch lây lan, bảo đảm an toàn cho cả nghệ sĩ và khán giả...

Đã có không biết bao nhiêu hợp đồng biểu diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật bị hủy ngay trước ngày diễn; lịch diễn cả tháng, cả quý cũng được dừng lại, để góp phần phòng tránh dịch lây lan, bảo đảm an toàn cho cả nghệ sĩ và khán giả...

Dừng biểu diễn cả trong và ngoài nước

Thông thường, ba tháng đầu năm là thời điểm diễn ra các lễ hội đầu xuân, các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống nhận được nhiều đặt hàng từ các cá nhân, tổ chức và địa phương. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 bùng phát bất thường và diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng tổ chức tất cả lễ hội trên phạm vi toàn quốc để tránh virus lây lan, nên các nhà hát liên tiếp phải hủy hợp đồng biểu diễn.


Nhiều buổi diễn nghệ thuật bị hủy vì dịch Covid-19

Nằm trong tình trạng chung do tác động của dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, hủy hợp đồng, dừng biểu diễn, nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Tuy vậy, các nghệ sĩ đều xác định “nghiệp diễn là lâu dài”, và “ngừng biểu diễn nhưng không ngừng làm việc”, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ công chúng ngay sau dịch bệnh đi qua.

Ông Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Đầu xuân đơn vị đã biểu diễn tại một số lễ hội như lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội kỷ niệm 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Mê Linh (Hà Nội), lễ hội thành Xương Giang (Bắc Giang)… “Tuy nhiên, ngay khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra các công điện về ứng phó với dịch Covid-19, chúng tôi đã dừng tất cả hợp đồng biểu diễn tại các lễ hội. Kế hoạch diễn hàng tuần tại rạp Hồng Hà và nhà cổ 87 Mã Mây cũng tạm dừng”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, Nhà hát cũng phải hủy hợp đồng diễn ở nhiều địa điểm tại các địa phương trong suốt tháng 2 đến đầu tháng 3; đồng thời dừng các buổi biểu diễn rối nước phục vụ khách du lịch thường xuyên tại 79 Hàng Trống, cùng nhiều địa điểm khác trong thành phố Hà Nội.

Đáng tiếc là kế hoạch tham dự Festival Văn hóa tại Pháp vào đầu tháng 4 của nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng bị hủy để bảo đảm an toàn. “Chuyến đi này, nước bạn mong muốn chúng tôi biểu diễn nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam phục vụ các cháu thiếu nhi, kế hoạch được lập chi tiết và đầy đủ, tuy nhiên vẫn phải nghiêm túc thực hiện khi có công văn điều chỉnh. Nghiệp diễn là lâu dài, thế nên với tình hình hiện nay, Nhà hát tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, bất cứ lúc nào có lệnh ngừng diễn là chúng tôi thực hiện ngay, mặc dù biết đó là khó khăn rất lớn cho nghệ sĩ”, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Chu Văn Lượng chia sẻ.

Nguồn thu sụt giảm

Việc dừng, hủy các buổi diễn, hợp đồng biểu diễn hàng tuần, hàng tháng, thậm chí cả quý đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các đơn vị nghệ thuật. Lao đao nhất có lẽ là Nhà hát Cải lương Việt Nam, vì không có nhà hát riêng nên đã ký hợp đồng biểu diễn suốt 3 tháng đầu năm với các đơn vị và địa phương. Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên ước tính, có tới 50% số buổi diễn trong chỉ tiêu hằng năm của Nhà hát trông chờ vào mùa lễ hội đầu năm, việc dừng biểu diễn đồng nghĩa với nỗi lo không đạt chỉ tiêu cho cả năm.

Đứng đầu một đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, NSƯT Chu Văn Lượng băn khoăn, từ khi có dịch, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chủ động giảm số lượng buổi diễn, từ 5 - 6 buổi giờ chỉ còn 2 buổi với tổng cộng khoảng 500 khách, kéo theo đó là sự sụt giảm về lượng vé bán ra trực tiếp mỗi ngày. Còn với Nhà hát Tuồng Việt Nam, theo thông lệ hàng năm, tính đến thời điểm này, Nhà hát đã có thể diễn từ 30 - 40 buổi, nguồn thu vì thế sẽ ổn định, nghệ sĩ cũng yên tâm công tác hơn. Song năm nay, hợp đồng diễn tại các lễ hội đều bị hủy, chuyển trả tiền đặt cọc”, ông Tạ Văn Sốp nói.

Ở phía Nam, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, NSND Hồng Vân quyết định ngưng diễn tại sân khấu kịch Hồng Vân - Phú Nhuận và Chợ Lớn ngay từ đầu tháng 2. Thực tế, doanh thu bán vé đã giảm mạnh những ngày sau Tết Nguyên đán, bởi vậy theo NSND Hồng Vân, việc ngưng diễn và tạm đóng cửa sân khấu cũng hợp lý, mặc dù đó là khó khăn lớn cho bộ phận nghệ sĩ “ăn theo nghiệp diễn”. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết thêm, một số show diễn mà nghệ sĩ xiếc đã ký hợp đồng phối hợp biểu diễn như “Ký ức Hội An” (tại Hội An, Quảng Nam) hay “Duca Show” (Du ca đất Việt, Nha Trang)… dừng phục vụ đã ảnh hưởng lớn tới thu nhập của nghệ sĩ.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)