Thứ Ba, 11/08/2020 00:08

Sarah M Broom: “Tôi đã sống trong ngôi nhà ma ám!"

Ngôi nhà màu vàng nói về những mối quan hệ ràng buộc trong một ngôi nhà, một gia đình và một thành phố. Nhưng rộng hơn cả là nói về nước Mĩ và những bất mãn bên trong: chủng tộc và giai cấp.

Nhà văn Sarah M Broom đã đoạt giải thưởng Sách quốc gia Mĩ cho cuốn hồi kí The Yellow House (tạm dịch: Ngôi nhà màu vàng). Cuốn sách nói về những mối quan hệ ràng buộc trong một ngôi nhà, một gia đình và một thành phố. Nhưng rộng hơn cả là nói về nước Mĩ và những bất mãn bên trong: chủng tộc và giai cấp.

Nhà văn Sarah M Broom.

Sarah M Broom sinh ra và lớn lên ở New Orleans, là con út trong gia đình có 12 người con. Những bài viết của cô được đăng tải trên các tờ báo: New Yorker, New York Times và Tạp chí Oprah. Năm 2016, cô nhận được tài trợ sáng tạo của Whiting, để cô hoàn thành The Yellow House (tạm dịch: Ngôi nhà màu vàng). Đây là cuốn hồi kí nhà văn viết về ngôi nhà, gia đình của mình.

Ngôi nhà ấy được mẹ của Sarah M. Broom mua đầu những năm 1960 ở New Orleans. Đó là bối cảnh cho tuổi thơ sôi nổi của anh chị em Broom và cũng là một nhu cầu cần thiết cho mẹ cô sau khi cha qua đời, mẹ cô lấy chồng mới. Họ sống trong ngôi nhà, cùng nhau trải qua những khốn khó khi cơn bão Katrina tới, nhưng cuối cùng cơn bão cũng cuốn trôi tất cả. Broom đã dùng ngôi nhà của gia đình như một nhân vật trung tâm trong hành trình khám phá lịch sử gia đình, một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn liên quan đến chủng tộc, giai cấp, quê hương, những yêu dấu, những hiểu lầm và sự biến đổi ở nước Mĩ. The Yellow House đã được tôn vinh trong hạng mục Phi hư cấu của Giải sách quốc gia Mĩ 2019. Sách được ban giám khảo ngợi khen “có sự đan xen khéo léo giữa phóng sự, lịch sử truyền miệng và phân tích chính trị sắc sảo”.

Bìa cuốn sách The Yellow House.

Ngôi nhà màu vàng nói về những mối quan hệ ràng buộc trong một ngôi nhà, một gia đình và một thành phố. Nhưng rộng hơn cả là nói về nước Mĩ và những bất mãn bên trong: chủng tộc và giai cấp. Xây dựng một cuốn sách có nhiều lớp nghĩa đan xen, có phải là một công việc rất khó khăn?

Việc tìm hiểu kết cấu cho một tác phẩm thật khó khăn, nhưng khi tôi bắt tay vào làm, nó trở nên dễ dàng hơn. Một cuốn sách giống như một ngôi nhà, cần tới sự hỗ trợ, những bước đệm, lối vào, lối ra, tất cả các lớp cấu trúc và hình thức. Trước đó, tôi thực sự ám ảnh khi rời ngôi nhà của mình từ New Orleans đến New York. Tôi cảm thấy sự khác biệt rõ ràng, sâu sắc giữa nơi mình đang ở và nơi mình đã sống, nơi mình đã xuất phát tới đây. Khi lần đầu tiên viết cuốn sách, tôi đã viết một câu thế này: "Tôi, Sarah M Broom, sống trong một ngôi nhà ma ám".

Ngôi nhà hiện diện khá nhiều trong suốt cuốn sách, gần như là một nhân vật?…

Chà, tôi đặt ra để trả lời câu hỏi: “Ngôi nhà chứa điều gì mà khiến tôi kích động đến vậy?”. Câu trả lời là cuốn sách. Tôi bắt đầu bằng cách ngẫm nghĩ về ngôi nhà mà tôi được sinh ra, được hình thành, lớn lên và thay đổi như thế nào. Khi tôi viết ngôi nhà đó, tôi ám ảnh bởi không gian, cấu trúc vật chất như cửa chính, cửa sổ, quang cảnh của nó. Và thêm nữa, tại sao ngôi nhà ấy lại có ý nghĩa nhiều hơn cả với mẹ của tôi, người đã mua căn nhà năm 1961, khi bà mới 19 tuổi.

Mẹ của bạn, Ivory Mae, là sự hiện diện lớn khác trong cuốn sách. Mối quan hệ của bà ấy với ngôi nhà, có thể nói là ít phức tạp nhất.

Đúng. Mẹ tôi đã và đang là một người phức tạp. Bà dạy chúng tôi rằng phần hồn cốt bên trong con người quan trọng hơn bất cứ thứ gì, vậy nhưng bà cũng coi trọng vẻ bề ngoài của mọi vật hơn cả chất liệu làm nên chúng. Bà bị ám ảnh bởi vẻ đẹp và cách trình bày. Bà tin rằng nếu ngôi nhà có sụp đổ, thì bà cũng như vậy. Ngôi nhà là một động lực phức tạp, càng ngày càng rõ ràng hơn bởi thực tế, bà không có đủ khả năng khiến nó đẹp và dễ thương như bà muốn.

Cha dượng của Sarah M Broom, Simon, với các anh chị em của cô bên ngoài ngôi nhà của họ tại 4121, Đại lộ Wilson vào năm 1977. Ảnh: Sarah M Broom.

Hoặc khả năng mua một căn nhà khác ở một vị trí ít bấp bênh hơn?

Đúng vậy. Là người da màu, lựa chọn của chúng tôi bị hạn chế. Cuối cùng, mẹ tôi chỉ có thể mua được một căn nhà ở New Orleans East, một khu phố rộng lớn liên tục bị bỏ quên và bị đe dọa bởi sụt lún, lũ lụt và những độc tính của đất. Ngôi nhà màu vàng là một câu chuyện của New Orleans, nhưng nó cũng là một câu chuyện của nước Mĩ. Nếu bạn là người da màu nghèo ở Mĩ, không ai chú ý đến khu phố, đường phố của bạn trông như thế nào, cho dù có bãi rác bên kia đường hay đường cao tốc bốn làn xe chia cắt bạn với những phần còn lại của thế giới thì cũng không mấy ai bận tâm. Đó là cảnh sống của chúng tôi.

Và vào năm 2005, cơn bão Katrina đã tàn phá New Orleans East, phá hủy ngôi nhà của bạn và khiến gia đình bạn tan hoang. Đột nhiên, ngôi nhà trở thành sự trống trải mất mát lớn ám ảnh phần còn lại của cuốn sách.

Cơn bão Katrina đã làm thay đổi tất thảy cuộc đời. Hãy suy nghĩ về nó: khi tất cả cảnh vật luôn thân quen đột nhiên trở nên xa lạ. Những cột mốc bị rụng rời và chìm dưới nước. Nước đã làm thay đổi mọi thứ. Nó thách thức những hình dung của bạn về các địa điểm. Và rõ ràng, có một thảm họa đang chực chờ xảy đến. Khi lớn lên, chúng tôi mới biết nước tràn vào nơi tôi sống vốn ở rất gần, đó là sông Mississippi và hồ Pontchartrain, cách nơi cửa sông đổ ra vịnh Mexico khoảng 100 dặm. Vị trí đó là một điều đáng ngại, thậm chí là đáng lo sợ. Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, một ngày nào đó mặt đất sẽ ăn thịt chúng tôi. Vì vậy, ngay cả khi còn là những đứa trẻ, chúng tôi đã hiểu một cách bản năng về những tổn thương vĩnh viễn trong cuộc đời mình.

Bạn lớn lên trong một gia đình 12 người; mẹ và anh chị em của bạn nghĩ gì về cuốn sách?

Thật không có cách nào dễ dàng để viết về gia đình mình. Tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn, tôi đã được hỏi những câu mà hầu hết các thành viên trong gia đình tôi không hỏi nhau. Mọi người đều rất đau khổ khi phải đối mặt với quá khứ. Nhưng không có gì trong những cuốn sách mà họ chưa chia sẻ với tôi. Tôi nghĩ rằng, cuối cùng tôi đã có một cảm giác nhẹ nhõm, phấn khởi khi câu chuyện của mỗi người được kể ra trong cuốn sách của mình.

Sống trong một gia đình lớn như vậy, bạn có đến với sách từ khi còn thơ bé?

Đúng vậy. Tình yêu với sách cũng đến từ mẹ của tôi nữa. Hồi nhỏ, chúng tôi được tổ chức các hội chợ sách giáo dục hàng năm ở trường và tôi được phát các cuốn sách nhỏ xinh có phần tựa đề và mô tả các cuốn sách trẻ em trên trang bìa. Đến nhà, chúng tôi sẽ mở ra, phấn khởi xem qua chúng và chọn ra vài cuốn sách cho mình. Tôi nhớ đến một lễ Giáng sinh của mình. Truyện ngụ ngôn của Aesop đem đến cho tôi ấn tượng lớn. Tôi sẽ ghi nhớ những câu thoại nhất định và đi xung quanh để “chống lại” lũ trẻ hàng xóm...

Những cuốn sách hoặc tác giả nào có ảnh hưởng đến bạn trong quá trình bạn viết The Yellow House?

The Diigrant (tạm dịch: Người di cư) của W G Sebald là một cuốn sách quan trọng giúp tôi ngẫm nghĩ về mất mát, về sự vắng mặt và lịch sử. Holy Land (tạm dịch: Thánh địa) của DJ Waldie, kể về quá trình lớn lên ở ngoại ô California - một vùng ngoại ô nguyên mẫu sau Thế chiến II ở Mĩ – đây là một cuốn sách thực sự hấp dẫn về lịch sử, về một địa danh với những ảnh hưởng đến sự hình thành của địa danh đó. Tôi cũng thích cuốn The Autobiography of My Mother (tạm dịch: Tự truyện về mẹ tôi) của Jamaica Kincaid và tôi cũng đọc rất nhiều sách về quy hoạch đô thị như cuốn Bienville's Dilemma của Richard Campanella ghi lại một cách xuất sắc về địa lí, lịch sử của New Orleans.

Bạn thích nhà văn đương đại nào?

Tôi vui và đón đợi khi một cuốn tiểu thuyết mới của Javier Marías ra mắt. Ông ấy khiến tôi ước mình có thể đọc được tiếng Tây Ban Nha. Tôi là một fan cuồng tiểu thuyết viễn tưởng của Nicole Krauss, đặc biệt là các cuốn The History of Love (tạm dịch: Lịch sử về tình yêu) và Great House (tạm dịch: Ngôi nhà vĩ đại). Tôi yêu các tác phầm của John Edgar Wideman. Tiểu thuyết của Kaitlyn Greenidge We Love You, Charlie Freeman (tạm dịch: Chúng tôi yêu bạn, Charlie Freeman) là một tác phẩm yêu thích gần đây của tôi. Kaitlyn là một nhà văn và nhà tư tưởng lớn.

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian