Thứ Bảy, 31/10/2020 09:49

"Ma trận" - Ám ảnh hội họa từ sự phát triển của công nghệ

Tranh của Nguyễn Sơn không bị rơi vào sự phản ánh cái gì đó, mà anh bị hút theo những gợi ý, những logic và cái thẩm mĩ của vật liệu chính, đó là các bo mạch điện tử.

 Ma trận là triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Sơn, khai mạc chiều 28/10/2020 tại Vicas art studio - Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia. Vốn là một kiến trúc sư, Nguyễn Sơn từng rất trăn trở, day dứt về sự phát triển của công nghệ tác động lên mọi mặt của đời sống, điều này đưa anh rơi vào ma trận của những biến đổi.

Con người có thể kiểm soát được quá trình phát triển của công nghệ do chính mình sáng tạo ra hay không? Trong bối cảnh này, ma trận - một thuật toán - chính là cơ sở cho việc phát triển đi đôi với kiểm soát các sáng tạo công nghệ mới. Tinh thần cơ bản của ma trận là tìm ra những quy luật của những lượng thông tin khổng lồ, rối loạn, nhiều tầng, nhiều chiều để tìm cách kiểm soát chúng, hướng chúng vào sự phát triển công nghệ số một cách bền vững và an toàn, phục vụ lợi ích của loài người. Một trong những tính chất đặc trưng của ma trận là sự kì ảo, luôn dịch chuyển và thay đổi. Trong thời đại 4.0 ma trận hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi một thay đổi nhỏ của lĩnh vực này sẽ tương tác và làm thay đổi đến lĩnh vực khác, khiến đời sống tinh thần của nhân loại ngày càng phong phú hơn nhưng cũng phức tạp hơn.

Mớ bòng bong 01, Acrylic, bảng mạch, dây xích trên ván gỗ, 81x120 cm, 2020

Xuất phát từ những thực tế ấy, Nguyễn Sơn đã không ngừng tìm kiếm cho mình lời giải để mọi thứ trở nên bền vững và hài hoà hơn. Ám ảnh về sự phát triển đi đôi với biến đổi nhưng hội hoạ đã khiến cho hoạ sĩ trở nên cân bằng, cho dẫu đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống là công nghệ số, nó tác động tích cực và cả tiêu cực đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong đó có cả lĩnh vực nghệ thuật.

Tiến sĩ Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio bày tỏ: Người nghệ sĩ cần đối diện trước thực tế ấy, không thể vờ như mình đang sống ở thời tiền công nghiệp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chẳng liên quan gì đến thời đại anh ta đang sống. Ma trận của Nguyễn Sơn trong sáng tạo nghệ thuật là kiểm soát những xung đột nội tâm bằng những cảm xúc tích cực.

TS Bùi Quang Thắng (trái) và họa sĩ Nguyễn Sơn tại triển lãm

Tranh của Nguyễn Sơn không bị rơi vào sự phản ánh cái gì đó, mà anh bị hút theo những gợi ý, những logic và cái thẩm mĩ của vật liệu chính, đó là các bo mạch điện tử. Từ một miếng bo mạch ngẫu nhiên, anh phát triển nó thành một hình thù nào đó và đổ màu lên đó sao cho có logic, hợp lí và thẩm mĩ theo tư duy và cảm xúc của anh. Cách làm nghệ thuật này thoát khỏi quan niệm truyền thống về chức năng nghệ thuật dựa vào cặp phạm trù “cái phản ánh và cái được phản ánh”, tức là nghệ sĩ chỉ quan tâm đến sự vận động nội tại của chính đối tượng anh ta đang tác động. Và tác phẩm, bản thân nó (cái phản ánh) đã tạo nghĩa, nó không nhất thiết phải phản ánh cái gì trong tự nhiên, trong cuộc sống. Đây là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật đương đại.

Vô đề 01, acrylic trên toan, 120x120 cm, 2019

Nói về Ma trận của mình, hoạ sĩ Nguyễn Sơn chia sẻ: Ý tưởng ban đầu thật đơn giản, anh thử nghiệm làm tranh với bảng bo, mạch với tư cách là rác thải của nền công nghệ số. Bảng mạch cứng và rất khó cắt chính xác theo hình mình muốn, để cắt được các chi tiết phức tạp ta lại áp dụng công nghệ số, vì vậy anh hạn chế tối đa việc cắt mà dựa vào hình một tấm mạch hạt nhân để phát triển nó. Cách làm này, có sức lôi cuốn mãnh liệt, hoạ sĩ không còn phải chú tâm vào việc tìm hình, tìm ý nữa mà chỉ mê mải kết nối các mảng bo mạch sao cho có logic. Sau đó, anh dùng màu acrylic để để tạo nghĩa mới cho các mảng bo mạch, hai chất liệu này, một mảng miếng cứng nhắc với khối hình lồi lõm, ngẫu nhiên, một mềm mại uyển chuyển như nước, được dùng theo phương pháp đổ màu, cũng rất ngẫu nhiên, chính tính ngẫu nhiên của chất liệu chất tạo nên sự tương phản lớn nhưng có tính thống nhất, vừa khắc vừa hoà và chính chúng là một ma trận.

Mọi việc diễn ra thật nhanh theo xu hướng ngẫu nhiên nhưng cũng chính trong quá trình đó xúc cảm của người nghệ sĩ xuất hiện. Chính ở quá trình làm các tác phẩm kiểu này, người nghệ sĩ nhận ra rằng mình vừa có thể thỏa chí sáng tạo, vừa có thể kiểm soát được sự hỗn loạn, vô trật tự của chất liệu, đã biến cái rác thải vô ích thành hữu ích. Đó chính là một phần quan trọng của ma trận: tìm ra phương cách khống chế và kiểm soát nó đi theo quỹ đạo và ý thức của người sáng tạo.

Một góc triển lãm Ma trận

Về phương diện nghệ thuật, có thể chia toàn bộ sáng tác của Nguyễn Sơn thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, anh vẽ sơn dầu hay acrylic trên toan. Tranh của anh có hơi hướng tân biểu hiện, đôi khi có pha siêu thực, đôi khi lấn sang chủ nghĩa vị lai. Dòng tranh này thể hiện trình hội họa của anh ở mức khá cao. Giai đoạn hiện nay, anh làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Dòng này chắc chắn là kén khán giả hơn nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.

Triển lãm Ma trận với 51 tác phẩm sẽ kéo dài đến ngày 15/11/2020 tại Vicas art studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM:

Cội nguồn sự sống, acrylic trên toan, 92x92 cm, 2019
Xoã 02, acrylic trên ván gỗ, 120x81 cm, 2020
Sự phân giải, acrylic trên toan, 161x112 cm, 2020
Người đàn bà, acrylic trên toan, 92x92 cm, 2019

TÙNG PHƯƠNG