Thứ Tư, 04/11/2020 14:27

Tác giả mắc bệnh tự kỉ đoạt giải của Hiệp hội Hoàng gia Anh

Với cuốn Explaining Humans, tiến sĩ Camilla Pang đã sử dụng những hiểu biết về khoa học để khám phá hành vi phức tạp của con người thông qua lăng kính chứng rối loạn phổ tự kỉ.

Với cuốn Explaining Humans, tiến sĩ Camilla Pang đã sử dụng những hiểu biết về khoa học để khám phá hành vi phức tạp của con người thông qua lăng kính chứng rối loạn phổ tự kỉ của mình. Cuốn sách đã nhận được giải sách khoa học của Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh.

Tác giả Camilla Pang.

Ở tuổi 28, nhà tiến sĩ, nhà khoa học Camilla Pang cũng là nhà văn da màu đầu tiên và trẻ tuổi nhất từng giành giải thưởng này. Giáo sư Anne Osbourn, chủ tịch ban giám khảo đã gọi cuốn sách của cô là “một cuộc điều tra thông minh và quyến rũ về cách chúng ta hiểu hành vi của con người, dựa trên siêu năng lực thần kinh của tác giả".

Chia sẻ với The Guardian, Pang nói, cô hi vọng cuốn sách của mình “là tiếng nói cho một cộng đồng mắc những rối loạn về thần kinh có thể hiểu về một thế giới mà đôi khi họ cảm thấy xa lạ, bởi vì họ đã được tạo ra theo một cách khác”.

Osbourn nhận định: “Pang có thể đã viết cuốn sách này như một cuốn cẩm nang để hiểu một thế giới mà đôi khi cảm thấy xa lạ với cô ấy, đồng thời cuốn sách cũng cho phép các nhà khoa học thần kinh nhìn thế giới từ một góc nhìn hoàn toàn mới. Đó là góc nhìn của tư duy và những thách thức của việc bị lệch lạc thần kinh trong một thế giới 'bình thường'”.

Camilla Pang có bằng tiến sĩ về hóa sinh tại UCL, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ khi 8 tuổi và rối loạn tăng động giảm chú ý ở tuổi 26. Cô viết Explaining Humans (tạm dịch: Lí giải về con người) “để tồn tại và xử lí suy nghĩ của tôi trở thành những cấu trúc mạnh lạc hơn” và tạo ra “sổ tay hướng dẫn cho con người” để xem xét những gì protein, máy học và hóa học phân tử có thể dạy chúng ta về hành vi của con người, từ đó có lựa chọn và ảnh hưởng đến các mối quan hệ và phép xã giao trong cuộc sống.

“Tôi nhận được thông tin từ mọi giác quan khác nhau, nhưng nếu thông tin thu nhận từ các giác quan ấy thật ồn ào, dữ dội mà bạn không có bộ lọc thì bạn có thể bị mắc kẹt trong mớ hỗn độn và phải cố gắng giải thích các tín hiệu khác nhau, cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra”, cô nói.

Camilla Pang viết cho chính mình, đồng thời cũng là viết cho mẹ và những người thân trong gia đình. “Đến tận khi tôi 16 tuổi, để nói về những khó khăn xảy ra với tôi thực sự khó. Tất cả những gì mẹ tôi muốn là hiểu về đứa con mà mẹ đã yêu thương và nuôi dưỡng. Vì vậy tôi đã viết cho mẹ, và thay mặt những đứa con khác viết cho những người mẹ khác ngoài kia, những cha mẹ, những người muốn hiểu hơn về người mà họ muốn hiểu. Giống như để giải mã câu hỏi “làm thế nào để tôi hiểu được con người này”, “làm thế nào có thể tác động đến họ”. Vì vậy cuốn sách là một bức thư tri ân mà tôi dành cho mẹ, cho người thân và cũng là bức thư tình dành cho khoa học, để thấy rằng, sự hiểu biết và hỗ trợ từ khoa học có thể thay đổi cuộc sống của một con người như thế nào, mở rộng và khuyến khích một con người như thế nào, trái ngược với những gì họ nên là, vốn là.”

Ngay khi hoàn thiện, Camilla Pang nhanh chóng kí kết một hợp đồng với Nhà xuất bản Penguin cho cuốn Explaining Humans của mình. Sách được phát hành trong đợt cách li xã hội đầu tiên.

Khi nhận được giải thưởng sách khoa học từ Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh, nhà văn đang phải sống cách li, không thể chia vui với gia đình của mình. Cô nói: “Vì xã hội cách li, nên khi nhận giải thưởng này, tôi không thể chia vui và không thể ôm những người thân của mình. Không thể ở cùng họ, nhìn thấy họ, tôi rất buồn, nhưng tôi động viên mình rằng sẽ không sao, vì những tình cảm đó sẽ không mất đi và dù ở xa, họ vẫn sẽ tự hào về tôi. Và giải thưởng sẽ luôn khích lệ, động viên những cố gắng của tôi.”

Camilla Pang chia sẻ thêm: “Đây là một vinh dự to lớn khi được đứng trên bục chiến thắng với những người tôi ngưỡng mộ. Tôi vui vì được công nhận mình có thể viết và nhận được sự cộng hưởng của nhiều người với cuốn sách, giống như tôi đã tìm thấy một phần kết nối luôn bị thiếu. Và kì lạ là, tìm thấy cái phần kết nối này, khiến tôi cảm nhận về con người rõ ràng hơn trong những chặng đường tiếp theo của mình.”

Giải thưởng Sách khoa học của Hiệp hội Hoàng gia Anh được thành lập từ năm 1988, nhằm “thúc đẩy khả năng tiếp cận và niềm vui của những cuốn sách khoa học phổ thông nổi bật cho công chúng từ khắp nơi trên thế giới”. Những nhà văn từng đoạt giải như: Stephen Hawking, Jared Diamond, Stephen Jay Gould và Bill Bryson…

BÌNH NGUYÊN theo The Guardian