Thứ Bảy, 17/07/2021 09:52

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 969 (cuối tháng 7/2021)

Những trang thơ dự thi ấn tượng bởi sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ

 Nguyễn Đình Minh Khuê sinh năm 1996 tại Cần Thơ, hiện công tác tại Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Dăm năm trở lại đây, tiếng nói phê bình có giọng, có chủ kiến và mẫn tuệ của anh gây chú ý trên văn đàn. Anh trở thành cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), từng được tạp chí trao Tặng thưởng năm 2018.

Hướng đến Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Đà Nẵng), VNQĐ số này trò chuyện cùng nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê, nhằm lắng nghe một tiếng nói trẻ, về những câu chuyện văn học không chỉ liên can đến người trẻ. Bài trò chuyện mang tên Phê bình cũng là một cách tự đối thoại với chính mình sẽ mở đầu tạp chí số này.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Tổ tam tam ngày xưa của Nguyễn Xuân Vinh, Sương còn giăng trắng núi của Hoàng Lệ Thuỷ, Vong nữ của Phan Đăng; bút kí Xuôi miệt Gành Hào của Trương Chí Hùng; kí ức chiến trường Chuyện của người đại đội trưởng trinh sát của Nguyễn Trọng Luân.

Tổ tam tam ngày xưa là truyện kí xúc động bởi tình đồng đội gắn bó sâu sắc, tình yêu thuỷ chung chân thành trong thời chiến tranh. Giữa đạn bom khói lửa, những người lính đã sẻ chia với nhau không chỉ tình cảm mà cả sự sống và cái chết. Đức đã chọn hi sinh để cho Mạnh được sống. Sự thiêng liêng và cao đẹp ấy là cơ duyên để cho Mạnh được gặp lại Huệ, người yêu của Đức ngày xưa…

Sương còn giăng trắng núi mang đến những éo le ngang trái trong chuyện tình yêu của hai chị em gái và một chàng trai. Câu chuyện buồn ấy bắt nguồn từ sự ép uổng duyên con của bậc làm cha mẹ. Nhân vật “tôi” đã chứng kiến và xa xót với sự khổ đau của chị gái khi chị đi lấy chồng, lấy người mà mình không yêu thương. Khi cô dần lớn lên, biết rung động biết tình yêu không ngờ đó cũng là lúc nỗi đau và sự bất hạnh âm thầm đến với cô. Cô sẽ chọn làm gì khi nhận ra cuộc tình đau đớn giữa ba người …

Vong nữ ấn tượng với bạn đọc bởi những hư hư thực thực. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những tưởng tượng, ảo giác chiếm hữu quá nhiều so với sự thực tế. Đó là một tất yếu khi mà người trẻ hôm nay thường lựa chọn sa vào đó hơn là sẻ chia, cảm nhận cuộc sống thực. Những niềm vui từ thế giới ảo là thứ mà con người kiếm tìm, và những hệ luỵ cũng từ đó mà sinh ra…

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Đặng Nguyệt Anh, Vũ Quang Trạch,Vũ Toàn, Lễ Nguyễn Yên Phong, Trần Đức Tín, Đinh Hương Giang, Hà Sương Thu, Nguyễn Khánh Duy, Lê Nhi.

Thơ số này là dấu ấn về những người lính trong chiến tranh và trong thời bình, dù trong thời đại nào hình tượng người lính cũng là cảm hứng bất tận cho thơ ca. Bên cạnh đó là những suy tư, trải nghiệm của các tác giả với các không gian vùng miền, văn hóa, những cảm xúc riêng tư với đời sống, con người.

Những trang thơ dự thi ấn tượng bởi sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Ban biên tập vẫn mong chờ đón nhận những tác phẩm mới gửi đến đóng góp vào “Cuộc thi Thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022”.

“Thơ trong những tập thơ” số này là bài viết Nhạc điệu của con người, kí ức của quê hương của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến giới thiệu về thi tập Mắt nhớ của tác giả Nguyễn Xuân Việt.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Chợ cá của nhà văn Mạc Ngôn. Truyện do dịch giả Châu Hải Đường chuyển ngữ.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Uông Triều, Phạm Thị Thanh Phượng, Lã Nguyên, Thu Hoài, Nguyễn Thị Huệ Ninh, Lữ Mai.

“Một trong những thất bại của một tác phẩm văn học là người ta đọc xong mà nó không đọng lại điều gì, không tác động hay ảnh hưởng đến anh ta. Nó vô âm hoặc người đọc không nghe được tiếng của nhà văn hoặc họ không hiểu, không cảm được, hoặc trí não, trái tim họ không mở đúng nhịp, đúng hướng người viết muốn nói. Hoặc sự thể hiện, diễn đạt trong tác phẩm không rõ ràng, tay nghề của người viết quá yếu, không tạo được hiệu quả.” - Bài viết Nhà văn nói với chúng ta điều gì? sẽ luận bàn xung quanh câu chuyện này.

“Giải Booker Quốc tế 2021 vừa được trao cho At Night All Blood is Black, một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của nhà văn Pháp David Diop, do Anna Moschovakis chuyển ngữ sang tiếng Anh. Đây là lần đầu tiên Pháp có nhà văn chiến thắng trong lịch sử 12 năm của giải thưởng văn chương danh giá này.” - Bài viết Booker quốc tế tôn vinh sự đa dạng văn chương thế giới sẽ có những phân tích sâu xa về giải thưởng này cũng như những liên hệ từ đó.

Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí VNQĐ số 969 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Hoàng Đăng Khoa

Nhà phê bình Nguyễn Đình Minh Khuê:

Phê bình cũng là một cách tự đối thoại với chính mình

Nguyễn Xuân Vinh

Tổ tam tam ngày xưa

Trương Chí Hùng

Xuôi miệt Gành Hào

Nguyễn Trọng Luân

Chuyện của người đại đội trưởng trinh sát

Hoàng Lệ Thủy

Sương còn giăng trắng núi

Phan Đăng

Vong nữ

 

Thơ

Đặng Nguyệt Anh

Một chuyến đi

Vũ Quang Trạch

Những bậc đá Đền Hùng; Gương mặt anh; Khu vườn

Vũ Toàn

Những đứa trẻ lớn lên từ võng nứa; Giấc mơ kì lạ

Lê Nguyễn Yên Phong

Vị Xuyên thức dậy tiếng gà; Làng

Trần Đức Tín

Về sự tận cùng của thơ hay người cũng được;

Hành hương

Đinh Hương Giang

Người chung chăn gió; Bài thơ cho đồng đội

Nguyễn Việt Chiến

Nhạc điệu của con người, kí ức của quê hương

(Đọc Mắt nhớ của Nguyễn Xuân Việt)

Hà Sương Thu

Hoa màu xanh nở giữa thung xanh;

Rung reng hoa mận đầu sàn

Nguyễn Khánh Duy

Dột; Trở về viễn xứ

Lê Nhi

Khúc mùa màng

Người Biên Tập

Những bài thơ tháng bảy

 

Văn học nước ngoài

Mạc Ngôn

Chợ cá (Châu Hải Đường dịch)

 

Bình luận văn nghệ

Uông Triều

Nhà văn nói với chúng ta điều gì?

Phạm Thị Thanh Phượng

Nhân vật từ điểm nhìn giới tính trong truyện ngắn nữ đương đại

Lã Nguyên

Thơ Trần Hoàng Phố và nỗi buồn sang trọng

Thu Hoài

Booker quốc tế tôn vinh sự đa dạng văn chương thế giới

Nguyễn Thị Huệ Ninh

Bộ phim Cậu Vàng dưới góc nhìn nghề nghiệp

Lữ Mai

Tiếng gọi Chư Tan Kra

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Trẻ em chơi ô ăn quan Tranh: Đỗ Phấn

Minh họa: Tô Chiêm, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng,

Phạm Minh Hải, Vũ Đình Tuấn, PV...