Thứ Hai, 02/08/2021 09:50

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 970 (đầu tháng 8/2021)

VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính uỷ Binh chủng Thông tin Liên lạc xoay quanh các hoạt động và truyền thống của những người lính luôn "Đi trước, về sau" ngay cả trong thời bình.

 Trong những ngày cả nước khẩn trương chống dịch Covid-19, các lực lượng quân đội càng khẩn trương, quyết liệt, luôn ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch. Có một lực lượng khá lặng thầm nhưng có vai trò quan trọng, vừa là cầu nối vừa trực tiếp đi đầu, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đã góp phần thực hiện nhiều hoạt động rộng khắp trong toàn quân. Đó là Bộ đội Thông tin Liên lạc, những chiến sĩ anh hùng trong thời chiến, thời bình; lực lượng đảm bảo thông suốt mọi thông tin dù có phải hi sinh xương máu; những chiến sĩ quả cảm, bình dị đang hàng ngày làm tốt công việc được giao. Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính uỷ Binh chủng xoay quanh các hoạt động và truyền thống của Bộ đội Thông tin Liên lạc.

Bài trò chuyện mang tên Thời bình vẫn “Đi trước, về sau” sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 970.

Truyện ngắn làm nên ấn tượng cho phần Văn xuôi số này với các tác phẩm: Xuống dòng của Hồ Anh Thái; Đường chợ gánh gồng của Phan Mai Hương; Bóng mưa của Hương Văn.

Xuống dòng khắc hoạ chân thật và sinh động những câu chuyện, tình huống xảy ra trong đại dịch Covid-19. Người giao hàng nhận đi giao cuốn sách của một dịch giả đến cho người đọc, nhưng chưa kịp giao thì anh đã bị bắt vào khu cách li do anh có mặt trong khu phố bị phong toả. Trong khu cách li, anh trải nghiệm một thế giới ngỡ như thu nhỏ nhưng vẫn không vắng mặt hơi thở của đời sống ngoài kia với muôn hình vạn trạng. Cuốn sách chưa kịp giao được anh mang theo, và cũng nhờ đó mà những câu chuyện được tiếp diễn theo cách nào đó…

Đường chợ gánh gồng là những vấn đề xoay quanh mối quan hệ trong tình cảm cũng như trong đời sống giữa mẹ chồng - nàng dâu. Có những hiểu lầm và khúc mắc mà cả một đời con người không thể bước qua, có phải vì những quan niệm đã ăn sâu cố hữu trong tiềm thức? Bạn đọc sẽ thấy sự quen thuộc đâu đó trong truyện ngắn này, đó có thể là câu chuyện của chính gia đình, người thân, hay chính bạn…

Bóng mưa ám ảnh người đọc bởi những mối tình nhiều khuất khúc và khó nói giữa ba người Hoàng - Loan - Cường. Hoàng và Cường là bạn thân từ thuở nhỏ. Cường thầm yêu Loan, một cô gái trong làng. Loan đem lòng ngưỡng mộ Hoàng bởi những bức tranh anh vẽ. Hoàng lựa chọn bỏ quê ra phố là cơ hội để Cường và Loan đến với nhau nhưng sự đời và tình yêu chưa bao giờ đơn giản như vậy. Hoàng đột ngột trở về bởi cái chết của ông ngoại. Những day dứt, hoài nghi được đẩy đến tận cùng để rồi sự thật được vỡ ra…

Bên cạnh đó phần văn còn có bút kí Truyện nhỏ của người anh hùng của Hồ Tĩnh Tâm, tản văn Hàng ranh hàng giậu hàng rào của Thu Trân.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Làng cuối dòng kinh của Dương Đức Khánh.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Thanh Thảo, Dương Kỳ Anh, Trần Kim Hoa, Đặng Bá Khanh, Hoàng Quốc Cảnh, P.N. Thường Đoan, Huỳnh Thuý Kiều, Hoàng Thuỵ Anh, Đỗ Thượng Thế, Vương Huy, Trương Công Tưởng, Lương Kim Phương, Nguyễn Văn Biên.

Thơ mở ra những không gian của lịch sử, văn hóa, cùng với đó là tình yêu quê hương, đất nước - một giá trị vĩnh hằng bất biến qua thời gian. Đời sống đương đại hôm nay với những vui buồn, trăn trở về tình yêu, thế sự, con người cũng được các tác giả đi sâu khai thác, khám phá để tìm ra những giá trị của đời sống và nghệ thuật qua các tác phẩm.

Cuộc thi thơ vẫn tiếp tục tạo được dấu ấn với những tác giả đã khẳng định được tên tuổi của mình cũng như những tác giả lần đầu tham gia.

“VNQĐ giới thiệu” số này giới thiệu chân dung tác giả Lương Đình Khoa cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Lưu Khánh Thơ, Trần Thị Hồng Hoa, Thái Phan Vàng Anh, Phan Việt Hùng, Hà Trang.

“Sự kiện Lê Hoa” gắn với tên tuổi của Triệu Lệ Hoa (赵丽华), một trong những nhà thơ đương đại được đánh giá là có tính định hướng, gây tranh cãi và thôi thúc khám phá nhất của nền thơ Trung Quốc trong thập niên đầu thế kỉ XXI. Bài viết Thơ đương đại Trung Quốc - nhìn từ “sự kiện Lê Hoa” sẽ có những góc nhìn sâu sắc, thấu đáo về vấn đề này.

Bài viết Mối tình Điện Biên - đóng góp của Lưu Quang Thuận với sân khấu chèo hiện đại sẽ nói rõ hơn về những đóng góp cho nghệ thuật của nhà viết kịch tài ba này.Trước khi đến với sân khấu, Lưu Quang Thuận đã là một nhà thơ. Ông mang hồn thơ ấy vào kịch thơ, vào chèo và để lại cho sân khấu những kịch bản giàu chất thơ với giá trị văn chương đáng quý. Số lượng kịch bản của ông không nhiều nhưng mỗi kịch bản đều xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu thuộc các giai đoạn phát triển của sân khấu chèo hiện đại.

Lịch sử thường được hình dung như những gì diễn ra từ lâu, cách rất xa hiện tại, với những điểm mờ hoặc đã được làm sáng tỏ hoặc đã được mặc định và huyền thoại hóa. Với cái nhìn như thế, các nhà tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại dường như ít quan tâm hơn đến “lịch sử gần”, đến những nhân vật mà cuộc đời, số phận của họ vẫn còn lẩn khuất trong hiện tại và chưa thực sự được “tổng kết”. Trong xu hướng ấy, nhà văn Nguyễn Hữu Nam tỏ ra mạnh dạn và táo bạo khi chọn tiểu thuyết hóa các vị vua ở giai đoạn cuối triều Nguyễn để làm khác tiểu thuyết lịch sử. Bài viết Nhọc nhằn cái án đế vương sẽ bàn về cuốn tiểu thuyết lịch sử Vua Thành Thái của Nguyễn Hữu Nam.

Bên cạnh đó còn có những bài viết là những nhìn nhận, luận bàn thú vị về các vấn đề của đời sống văn học, nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí VNQĐ số 970 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/8/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V

Thiếu tướng Trần Minh Tâm - Chính ủy Binh chủng

Thông tin Liên lạc: Thời bình vẫn “Đi trước, về sau”

Hồ Anh Thái

Xuống dòng

Hồ Tĩnh Tâm

Chuyện nhỏ của người anh hùng

Dương Đức Khánh

Làng cuối dòng kinh

Thu Trân

Hàng ranh hàng giậu hàng rào

Phan Mai Hương

Đường chợ gánh gồng

Hương Văn

Bóng mưa

 

Thơ

Thanh Thảo

Cảm giác mưa; Tôi là cây và anh là tôi;

Trăng ngoài rẫy cũ

Dương Kỳ Anh

Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình;

Với người thả diều trên quảng trường Thiên An Môn

Trần Kim Hoa

Sài Gòn bản đồ 2021; Miền yên tĩnh; Yêu dấu

Đặng Bá Khanh

Bạn quê; Ru người dưới cỏ

Hoàng Quốc Cảnh

Cô bé da nâu

P.N.Thường Đoan

Gió đỏ; Giãn cách biển; Gạch nối

Huỳnh Thúy Kiều

Chiều biên giới; Giấc mơ bay

Hoàng Thụy Anh

Bản chất; Bài học

VNQĐ giới thiệu thơ Lương Đình Khoa

Lâu lắm rồi con chưa ngủ cùng cha…; Trong giấc mơ;

Nắng xước môi phai

Đỗ Thượng Thế

Ô cửa nghiêng trên cát

Vương Huy

Màu hoa; Thị xã quạnh hiu

Trương Công Tưởng

Đàn bà; Giấc mơ bỏng; Na-An chiều thẳng đứng

Lương Kim Phương

Chiếc mủng giữa đầm sương; Gọi heo may

Nguyễn Văn Biên

Ngõ quê; Cơm tiềm thức

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Thơ đương đại Trung Quốc - nhìn từ “sự kiện Lê Hoa”

Lưu Khánh Thơ

Mối tình Điện Biên - đóng góp của Lưu Quang Thuận với

sân khấu chèo hiện đại

Trần Thị Hồng Hoa

Vai trò của báo chí truyền thông đối với hoạt động

phê bình văn học ngày nay

Thái Phan Vàng Anh

Nhọc nhằn cái án đế vương

Hà Trang

Nhân vật ni cô trong hai tác phẩm

của Khái Hưng và Nhất Linh

Phan Việt Hùng

Felicita - hạnh phúc

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thị Hòa

Minh họa: Lê Anh, Nguyễn Văn Đức, Ngô Xuân Khôi,

Phạm Hà Hải, Nguyễn Văn Minh, Vũ Đình Tuấn, PV...