Thứ Năm, 14/01/2021 16:28

Tết "nhâm nhi" sách: Món quà không chỉ cho trẻ em

Nếu như Kể chuyện Tết nguyên đán Đúng là Tết được tái bản trong dịp này thì Nhâm nhi TếtTân Sửu 2021 được tuyển chọn dành riêng cho Tết năm 2021.

Cuộc sống hiện đại có thể làm mất đi nhiều giá trị truyền thống nhưng Tết chắc chắn sẽ khó phai nhạt bởi giá trị đó được truyền tải trong bộ sách Tết mà Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt sáng 14/1 tại Hà Nội.

Các cuốn sách ra mắt dịp Tết Tân Sửu đã lên kệ.

Nếu như Kể chuyện Tết nguyên đán Đúng là Tết được tái bản trong dịp này thì Nhâm nhi TếtTân Sửu 2021 được tuyển chọn dành riêng cho Tết năm 2021. Bộ ba tác phẩm ra mắt hứa hẹn sẽ là món quà cho các em nhỏ để thưởng thức Tết thêm trọn vẹn.

Nhâm nhi Tết - Tân Sửu 2021 gồm những câu chuyện nhỏ được tuyển chọn của những nhà văn tên tuổi và cả những cây bút mới như: Tô Hoài, Huy Cận, Dương Thuấn, Huy Toàn, Lê Thắm, Phong Nhã,… Đó là một chút không khí xưa cũ hiện diện trong mâm ngũ quả trên ban thờ, câu đối đỏ, cặp bánh chưng bánh tét, cành đào cành mai, tà áo dài truyền thống,… hay một món ăn cầu kì tận dụng nguyên liệu của các bà nội trợ Hà thành – bún thang. Cùng một phong tục như gói bánh chưng, dựng cây nêu,… nhưng ở các làng quê đồng bằng, Tây Nguyên hay miền núi sẽ khác nhau như thế nào cũng được các tác giả miêu tả, minh họa đầy sắc màu.

Nếu như báo Tết đã trở nên quen thuộc trong văn hóa đọc của độc giả thì có vẻ sách Tết thưa vắng hơn. Cuốn sách Tết đầu tiên được ghi nhận ra đời năm Mậu Ngọ 1918 của tạp chí Nam Phong, kế tiếp là sách Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân thư quán. Năm 1959, Nhà xuất bản Kim Đồng có cuốn sách Tết đầu tiên và mãi cho đến 2019 mới quay lại làm ấn phẩm này hàng năm.

Một số tác giả góp mặt trong bộ sách Tết.

Nhà văn Hương Thị chia sẻ, việc được mời in trong ấn phẩm Nhâm Nhi Tết cũng là cơ duyên của chị bởi chị quen viết đề tài người lớn. Góp mặt trong cuốn sách là tác phẩm "Nghé con không muốn lớn" với giọng văn chị góp nhặt từ chính các con của chị. Việc được xuất bản lại cùng với minh họa riêng biệt khiến chị bất ngờ.

Còn nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả "Kể chuyện Tết nguyên đán" thì đặt ra câu hỏi, ngày nay liệu người lớn có áp đặt ý niệm của mình về Tết lên trẻ con không, và trong xã hội hiện đại, có còn tồn tại các “hủ tục”, còn giữ lại những phong tục Tết hay trẻ con chỉ thưởng thức Tết như một ngày nghỉ rồi cắm mặt vào màn hình điện thoại, máy tính bảng? "Tuy nhiên, qua việc tái bản cuốn sách của tôi và Kim Duẩn (họa sĩ Kim Duẩn - người vẽ minh họa sách Tết), tôi thấy Tết nguyên đán vẫn còn là một thành trì thiêng liêng của mọi người. Vẫn còn người trân trọng thì Tết vẫn là dịp đặc biệt của tất cả mọi người", anh nói.

Họa sĩ Kim Duẩn cho rằng minh họa riêng về chủ đề Tết rất khó, anh đã cùng tác giả tìm hiểu kĩ và sâu hơn để đưa ra các minh họa hợp lí. Có những hình ảnh khá quen thuộc như cây nêu, vẽ như thế nào, bố Tết có mặc complet không hay tà áo dài sẽ là tân thời hay truyền thống… cũng gây những khó khăn khi sáng tác.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng mong rằng, sách Tết sẽ trở thành sân chơi cho các tác giả, họa sĩ, cả những người chuyên nghiệp và cây bút mới được thể hiện tài năng, sáng tạo của mình. Bà cũng cho rằng việc giới thiệu những nét văn hóa Tết khắp mọi miền Tổ quốc sẽ mang đến các góc nhìn đa chiều, các khám phá mới cho các độc giả.

Giá trị tinh thần đến từ những trang sách cùng những khắc sâu của tinh hoa con chữ trong bộ ba sách Tết lần này của Nhà xuất bản Kim Đồng không chỉ là món quà cho trẻ nhỏ mà còn là những kí ức đẹp đẽ của những thế hệ 8X, 9X và nhiều lứa tuổi, nơi mọi người cùng chiêm nghiệm, chia sẻ những câu chuyện về tết.

THANH AN