Thứ Ba, 16/06/2020 09:44

Phát huy tốt lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình sẽ mang lại nhiều cơ hội

Đầu năm 2020, một tin rất vui đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, đó là, lần đầu tiên, một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã trúng tuyển vào làm việc trong một cơ quan chiến lược tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mĩ.

Với những cống hiến, đóng góp cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Cục Gìn giữ hòa bình; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. Cá nhân Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Đầu năm 2020, một tin rất vui đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, đó là, lần đầu tiên, một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã trúng tuyển vào làm việc trong một cơ quan chiến lược tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mĩ. Người trúng tuyển là Trung tá Lương Trường Vinh, anh đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan. Sự kiện này đã đánh dấu một trong những bước tiến dài của những người lính Việt Nam kể từ khi bước chân ra ngoài biên giới thực hiện sứ mệnh quốc tế. Chúng tôi đã có mặt tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, thuộc Bộ Quốc phòng để trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Bí thư Đảng ủy - Cục trưởng và nghe những chia sẻ của anh về lĩnh vực gìn giữ hòa bình cũng như công việc của những người lặng thầm đứng sau những người lính “mũ nồi xanh” của Việt Nam.

PV: Xin chào Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng! Đến bây giờ thì cả nước đã quen với một tổ chức của Quân đội mang tên Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Và qua truyền thông, hình ảnh những người lính của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trong đội quân “mũ nồi xanh” dù quen thuộc nhưng vẫn như một làn gió mới bên cạnh hình ảnh truyền thống của người chiến sĩ QĐND Việt Nam suốt hơn bảy mươi năm qua. Để chúng ta có thể bắt đầu tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, tỉ mỉ với đầy đủ những bước đệm âm thầm suốt nhiều năm tháng. Đồng chí hẳn là người hiểu về điều đó hơn cả…

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Ngày 28/11/2013, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lí ban đầu cho việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Cũng trong năm 2013, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ”. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La 12 đầu tháng 6/2013 và tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 28/9/2013 ở New York, Việt Nam chính thức công bố tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, chủ yếu trong 4 lĩnh vực: quan sát viên, tham mưu, công binh, quân y. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, không liên quan đến xung đột, tranh chấp, thể hiện tính chất nhân đạo, xây dựng. Quan điểm của Việt Nam là hoạt động gìn giữ hòa bình cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bảo đảm an toàn cho các nhân viên, bảo đảm công khai minh bạch và quản lí có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm kỉ luật của các binh sĩ cũng như hành vi ứng xử đúng mực của họ.

Khi xây dựng đề án, Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc và kĩ lưỡng các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đánh giá khách quan, toàn diện những tác động nếu Việt Nam tham gia. Từ năm 2005, Bộ Quốc phòng đã cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu, tham gia các khóa tập huấn quốc tế về gìn giữ hòa bình để chuẩn bị triển khai lực lượng. Tháng 6/2013, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn công tác do Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh (Tổ công tác liên ngành) đi Nam Sudan làm việc với lãnh đạo Phái bộ UNMISS và Chính phủ Nam Sudan để đánh giá các hoạt động thực tế của Phái bộ tại thực địa.

Lễ thượng cờ của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan - Ảnh: TL

Về việc thành lập cơ quan chỉ huy, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình, tháng 12/2012, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã thành lập Tổ năm người nhằm làm công tác bị cho việc thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, sau đó Trung tâm này đã chính thức ra mắt vào ngày 27/5/2014. Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ công tác, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, ra mắt vào tháng 1/2018, song song với việc tổ chức chuyển giao Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình LHQ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng.

Đó chỉ là một vài tóm lược, những sự kiện bề mặt và ví dụ nhỏ trong vô vàn những công tác chuẩn bị để chúng ta từng bước chủ động tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

PV: Vâng! Và thời điểm chúng ta tham gia có ý nghĩa như thế nào? Tại sao không phải là sớm hơn hay muộn hơn?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Là cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ LHQ, ra đời từ năm 1948, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ được thể hiện dưới hình thức các phái bộ triển khai tại các quốc gia đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình. Các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ những năm qua đã có đóng góp nhất định vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Các hoạt động chủ yếu là hỗ trợ nhân đạo, tái thiết sau chiến tranh hay xung đột tại khu vực, đảm bảo an ninh, hỗ trợ hậu cần, y tế, vận tải… Hiện tại Liên hợp quốc duy trì 15 sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên thế giới với lực lượng tổng cộng gần 91.000 người tham gia. Ngân sách hằng năm chi cho các hoạt động này ước tính gần 5 tỉ USD, chủ yếu do các nước đóng góp theo tỉ lệ tổng sản phẩm quốc nội.

Đối với Việt Nam, từ thập niên 90 của thế kỉ trước chúng ta đã bắt đầu thể hiện trách nhiệm đối với nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ thông qua việc đóng góp tài chính cho các hoạt động này.

Thời điểm chúng ta tham gia cũng khá đặc biệt, khi chỉ còn 3 quốc gia thuộc khối ASEAN chưa tham gia vào sứ mệnh này của LHQ là Lào, Mianma, và Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta cũng xác định, tham gia trong khuôn khổ và năng lực cho phép, không chạy đua, hay theo số lượng, thành tích…

PV: Chắc hẳn thời gian đầu triển khai thực hiện không tránh khỏi những luồng dư luận khác nhau theo hướng ủng hộ hoặc không ủng hộ. Những người trong cuộc đã làm gì giữa những luồng dư luận ấy để thực hiện nhiệm vụ?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thời kì đầu, những người làm công tác gìn giữ hòa bình đứng trước rất nhiều áp lực. Nhưng rồi chúng ta vẫn quyết định làm khi có chủ trương đúng đắn, khi có sự chuẩn bị chu đáo, khi chúng ta thận trọng từng bước đi.

Một trong những cơ sở để thực hiện là phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện khung pháp lí cho hoạt động gìn giữ hòa bình. Bộ Quốc phòng đã tham mưu soạn thảo và hoàn thiện từng bước hệ thống văn bản pháp lí về việc cử lực lượng quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Trong đó phải kể đến Nghị định 162/2016/NĐ-CP, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chế độ tiền lương, phụ cấp của các chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình để có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho anh em. Sau đó tiếp tục có Thông tư 156/2017/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 162. Bên cạnh đó là hoàn thiện Quy chế quản lí lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở nước ngoài. Mọi việc được các cơ quan ủng hộ, có một chính sách tốt cho các thành viên tham gia. Hiện tại chúng ta đang xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ để trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua vào kì họp thứ 10, dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay. Đây thực sự là những cơ sở pháp lí quan trọng để các lực lượng liên quan triển khai hoạt động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Quan trọng hơn cả, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ luôn được sự quan tâm sát sao và tạo điều kiện của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bộ trưởng. Dịp cuối năm âm lịch vừa qua, đồng chí Bộ trưởng đã tới Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chúc tết, gặp gỡ, động viên lực lượng chuẩn bị triển khai tới Phái bộ trong thời gian tới. Thủ trưởng Phan Văn Giang cũng đã 2 lần thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Thủ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành - Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ luôn chỉ đạo sát sao, nhiều lần trực tiếp đi khảo sát địa bàn Phái bộ (6/2013, 2/2019)… Các đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhiều lần đến Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Gần đây nhất, tháng 11/2019, đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã tới Nam Sudan và cùng Tư lệnh Quân sự Phái bộ UNMISS trao Huy chương Vì sự nghiệp hòa bình của LHQ cho cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của ta đang làm nhiệm vụ tại Bentiu.

PV: Đường hướng thì đã có, nhưng cụ thể hóa thành những tiêu chí cụ thể để thực hiện chắc hẳn cũng mất nhiều công sức… Khi chúng ta tham gia vào cuộc chơi, vào một hoạt động mang ý nghĩa chính trị, nhân đạo và không kém phần nhạy cảm này chắc hẳn phải có những nguyên tắc hoạt động và sự tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc ấy. Đồng chí có thể nói một chút về điều này?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Chúng ta phải thống nhất để đi đến những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Và sau đó phải thực sự tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc ấy. Trước khi đưa quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, chúng tôi đã phải đứng trước những câu hỏi, liệu chúng ta có bị LHQ điều khiển, mất đi chủ quyền quốc gia dân tộc, liệu có mâu thuẫn đường lối đối ngoại, mâu thuẫn văn hóa… Bởi vậy mọi vấn đề phải được tính toán, các nguyên tắc cũng đã được đưa ra. Thứ nhất, không phải chúng ta sẽ đưa quân đến bất kì đâu. Vì sao chúng ta chọn Nam Sudan? Đây là một đất nước thuộc Đông Phi, bị nội chiến chia tách thành 2 quốc gia, sau thời gian giao tranh đã ngồi vào kí một thỏa ước hòa bình, đề nghị LHQ thành lập phái bộ. Đất nước này không còn chiến tranh, chủ động mời LHQ vào. Đó là một sự minh bạch. Sau đó LHQ đã họp và quyết định lập phái bộ ở đó. Các lĩnh vực ta tham gia và triển khai ở đó, ta cũng được chủ động lựa chọn. Hình thức tham gia cũng do ta lựa chọn. Và khi lựa chọn tham gia rồi, nếu như việc gì đi ngược lại nguyên tắc, truyền thống của ta, ta cũng có quyền từ chối.

Nói vậy để thấy rằng ta luôn nắm quyền chủ động. Nhưng cũng rất may là trong suốt 6 năm qua, ta chưa phải từ chối một nhiệm vụ nào. Bên cạnh đó, ta luôn có quyền thực hiện chủ quyền, và quyền này bất khả xâm phạm.

PV: Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trong một khoảng thời gian rất ngắn - 5 năm. Chúng ta đã đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và có phần lạ lẫm này như thế nào? Mỗi người lính làm nhiệm vụ ngoài biên giới đã được trang bị những gì để nhập cuộc?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Giai đoạn chuẩn bị lực lượng tốn rất nhiều công sức. Tuyển chọn nhân sự vô cùng quan trọng. Công tác tuyển chọn rất khắt khe, phải chọn các đồng chí có khả năng tiếng Anh, có hiểu biết về đối ngoại quốc phòng, có ý chí khát vọng, và có một thể lực tốt..., trên hết nữa là vững vàng về chính trị, tư tưởng.

Chúng tôi đã rất chú trọng huấn luyện đào tạo. Về nghiệp vụ gìn giữ hòa bình LHQ và kể cả ngoại ngữ, chúng tôi kết hợp nhiều hình thức, từ việc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia đối tác để cử lực lượng tham gia các khóa huấn luyện tại nước ngoài, đến việc mở các khóa huấn luyện tại Việt Nam và mời các giảng viên quốc tế tới trao đổi, giảng dạy. Bên cạnh đó là bồi dưỡng các kiến thức khác, như đào tạo về phương pháp làm việc trong môi trường đa quốc gia, các quy định, nguyên tắc hoạt động của LHQ, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của nước sở tại…

Bên cạnh đó, chúng tôi còn huấn luyện về kĩ năng sinh tồn ở điều kiện khắc nghiệt: sĩ quan của ta có thể nhóm lửa, tìm rau rừng, làm giá đỗ, tự phục vụ cuộc sống. Những kĩ năng mềm của ta sau này cho thấy hơn hẳn quân của các nước khác. Điều này rất cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ tại vùng có điều kiện khắc nghiệt, có xung đột, đụng độ giữa các phe phái.

PV: Vâng! Chắc hẳn chúng ta cũng đề ra những mục đích khi tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đồng chí có thể tóm lược những mục đích ấy?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ chúng ta hướng đến 5 mục đích. Đầu tiên và quan trọng nhất, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình trên cương vị là một thành viên của LHQ, chung tay cùng LHQ thực hiện 1 trong 8 mục tiêu thiên niên kỉ về hòa bình. Thứ hai, Việt Nam đã qua giai đoạn chiến tranh nên việc tham gia gìn giữ hòa bình cũng là lẽ tự nhiên. Thứ ba, chủ trương tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ cũng thể hiện trong chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “…giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước...”. Thứ tư là để quân đội hội nhập, tham gia thực hiện các nhiệm vụ quốc tế trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, sắc tộc; phối hợp hoạt động đa chiều trên cấp độ toàn cầu, từ đó tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quốc phòng. Và cuối cùng, chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cũng là lời khẳng định Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, có kinh tế ổn định và hòa bình phát triển. Việt Nam có nguyện vọng giúp đỡ, hỗ trợ các quốc gia nghèo khác, hỗ trợ các quốc gia đã từng giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong những năm khó khăn. Chúng ta muốn cho thế giới thấy một Việt Nam nhân hậu, có trước có sau, đồng thời quảng bá văn hóa yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống, những mối đe dọa an ninh mang tính toàn cầu, tiềm ẩn nguy cơ xung đột từ tranh chấp lãnh thổ, vấn đề an ninh biển, cách hành xử đe dọa sử dụng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế…, thì việc tham gia đảm bảo hòa bình ổn định của khu vực lại càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

PV: Năm 2017, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ lần đầu tiên đã có một cô gái Việt Nam tham gia như một dấu son trong hoạt động đối ngoại quân sự và dấu ấn quân sự Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đưa nữ giới tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ chắc hẳn phải có kế hoạch, lộ trình? Và chắc hẳn việc này cũng đã được tính toán kĩ lưỡng…

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thực hiện nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã cử 3 sĩ quan nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo hình thức cá nhân. Năm 2018, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga (khi đó là Thiếu tá) là sĩ quan nữ đầu tiên của QĐND Việt Nam được xem xét, lựa chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ trên cương vị cá nhân. Chúng tôi đã dành thời gian dài huấn luyện, đào tạo tiếng Anh, đưa đi học các khóa quốc tế tại Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc trước khi lên đường. Đây là việc chưa có tiền lệ nên cần sự quyết đoán của cá nhân cùng sự ủng hộ của gia đình. Rất may là Trung tá Nga có sự ủng hộ mạnh mẽ của gia đình. Bố chồng Trung tá Nga là Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã động viên con dâu: “Con là nữ nhưng con cũng cần có sự nghiệp của con”. Điều này đã động viên khích lệ Trung tá Nga rất nhiều. Nữ đi làm nhiệm vụ trong môi trường quốc tế sẽ có những vất vả phải đối mặt. Nhiệt độ bên Nam Sudan lên tới trên 50, 60 độ, đối với nữ vô cùng bất tiện. Đấy là trong sinh hoạt, công tác. Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là khi phải làm việc bằng tiếng Anh, rồi phải trực tiếp lái xe 2 cầu được ở địa hình phức tạp... Nhưng Trung tá Nga đã vượt qua khó khăn, từng bước làm quen. Sau một năm được LHQ đánh giá cao, Trung tá Nga đã đạt loại đặc biệt xuất sắc trên các tiêu chí đánh giá của LHQ. Nên nhớ là tỉ lệ đạt xuất sắc của các quân nhân tại LHQ chỉ chiếm 1-2%. Sau đó thì như mọi người đã biết, chúng tôi đã triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan và mới đây là Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2. Một bệnh viện dã chiến ở phái bộ LHQ bình thường chỉ thu dung điều trị 200 ca, nhưng bệnh viện chúng ta một năm qua đã thu dung điều trị tới 2000 ca, gấp mười lần các quốc gia khác. Bệnh viện đóng cách thủ đô Juba của Nam Sudan 800 cây số nhưng có những người đã bay đến để được điều trị.

Về tỉ lệ nữ, bệnh viện dã chiến của chúng ta có 10/63 quân nhân nữ (chiếm 14,6%), trong khi các quân đội nhà nghề trung bình chỉ 5%. Chúng tôi đang chuẩn bị lực lượng công binh tham gia trong đó cũng có một tỉ lệ cao là nữ, dự kiến có 61 quân nhân nữ. LHQ luôn khuyến khích các quốc gia cử quân nhân nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, họ rất ưu tiên và tổ chức các hoạt động liên quan như bình đẳng giới, chống bạo lực, chống lạm dụng tình dục… Dự kiến tháng 8/2020, Việt Nam sẽ đồng chủ trì Hội nghị “Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ”. Việc nữ quân nhân của ta tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã thể hiện vai trò của phụ nữ Việt Nam trên những mặt trận mới.

PV: Như những gì đồng chí nói thì tôi thấy rất mừng khi những người lính của chúng ta đã không chỉ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mà còn có vai trò như một sứ giả của Việt Nam, một hoa tiêu cho đất nước. Có một tín hiệu nào, một câu chuyện nào để cho thấy chúng ta đã làm được những điều tốt đẹp cho đất nước, để thấy những cống hiến của chúng ta đã nở ra những bông hoa đẹp…

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Chắc hẳn các đồng chí còn nhớ, vào năm ngoái, ngày 7/6/2019 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Việt Nam được Đại hội đồng LHQ bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lần thứ hai với số phiếu cao kỉ lục 192/193 phiếu của 193 nước thành viên. Đây là một kỉ lục chưa bao giờ có, đó là sự ghi nhận quan trọng, sự đánh giá cao của các nước và cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực với những đóng góp vào công việc quốc tế, khu vực. Và những kết quả trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ cũng đã góp phần vào kết quả chung đó. Gần đây nhất, một tin vui nữa là lần đầu tiên, sĩ quan của chúng ta đã vượt qua nhiều ứng viên khác, ứng tuyển thành công vào vị trí sĩ quan kế hoạch tại trụ sở LHQ ở New York, Mĩ. Trung tá Lương Trường Vinh là một sĩ quan của chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ LHQ ở Nam Sudan, một người lính đã từng làm nhiệm vụ tại Trường Sa.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để lại ấn tượng trong lòng bạn bè năm châu.    Ảnh: TL

Trong một chuyến đi thực địa, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm trưởng đoàn đã tới thăm Nam Sudan và trình thư của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Nam Sudan để thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ cơ sở đó, tháng 2 năm 2019 Việt Nam và Nam Sudan đã chính thức thiết lập quan hệ. Từ việc chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan đã khiến Việt Nam và nước này xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Tại các buổi tiếp xúc, làm việc với các đoàn công tác của Việt Nam tại Nam Sudan, phía bạn đã đưa ra nhiều đề nghị song phương giữa Việt Nam và Sudan. Họ đề xuất Việt Nam cử thêm người sang, không chỉ quân đội mà cả chuyên gia để giúp họ về kĩ thuật khai thác tài nguyên khoáng sản, cùng với đó đề nghị hợp tác về các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, nông nghiệp, chế biến nông sản… Một vài ví dụ như vậy để thấy từ việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ chúng ta đã mở ra những cơ hội cho đất nước.

Những gì đã và đang làm của những người lính tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ không ngoài việc tạo ra diện mạo mới của Việt Nam trên trường quốc tế, để thế giới thấy một Việt Nam ngoài việc lo toan cho đất nước mình còn có trách nhiệm với các vấn đề của thế giới. Chúng tôi đã gặp bạn bè các nước châu Phi, họ đã kể lại kỉ niệm năm 1966 Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tanzania, khi đó họ đã huy động đóng góp 43.000 hộp thịt hộp và một triệu đô la cho miền Nam Việt Nam. Bây giờ, có điều kiện chúng ta nên trở lại những đất nước đó, làm gì đó cho họ. Đạo lí người Việt thường có trước có sau, cùng văn hóa yêu chuộng hòa bình. Thông qua hoạt động đa phương để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác quốc phòng; để các quốc gia hiểu thêm những phẩm chất tốt đẹp, nhân văn của bộ đội Việt Nam.

PV: Vâng! Có lẽ đó là những ví dụ sinh động và thực tế nhất. Thật tự hào khi những người lính là những người mở đường, qua đó càng thấy rõ hơn ý nghĩa của công việc mà những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam đang làm, chúng ta đã bắc những cây cầu để đưa đất nước đi xa… Được biết chính Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng có những chương trình hợp tác hiệu quả…

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thông qua hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài trợ không nhỏ để xây dựng năng lực. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 10 triệu USD do chính phủ các quốc gia đối tác như Úc, Mĩ, Nhật, Trung Quốc, Pháp, EU… hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, mua sắm trang bị cho triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2, vận chuyển lực lượng, trang bị của bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ và từ Phái bộ trở về; tài trợ thông qua các khóa huấn luyện tại Việt Nam và nước ngoài…

Trên cơ sở huấn luyện về gìn giữ hòa bình LHQ tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thời gian qua và qua kiểm tra thực tế, tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn trung tâm huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình đối tác 3 bên (Việt Nam, LHQ và một nước đối tác). Trong ba năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam đồng chủ trì với LHQ và Nhật Bản tổ chức ba khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng cho các lực lượng của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Việc Việt Nam được lựa chọn trở thành địa điểm huấn luyện các lực lượng gìn giữ hòa bình cho LHQ tại Đông Nam Á một lần nữa cho thấy đánh giá cao của LHQ đối với những cam kết và kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu - EU tháng 8/2018, EU chính thức mời Việt Nam cử cán bộ tham gia đội giảng viên huấn luyện cơ động tại một số trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình LHQ của EU tại Trung Phi, Somalia, Mali hoặc tại một số nước châu Âu.

Ngày 26/4/2019, tại Bangkok (Thái Lan), Việt Nam đã nhận bàn giao cương vị Chủ tịch Hiệp hội các trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC) năm 2020 từ nước chủ nhà Thái Lan trong khuôn khổ Hội thảo, Hội nghị thường niên AAPTC. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ năm 2014 và là một thành viên của AAPTC.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kí 9 bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác gìn giữ hòa bình LHQ với các nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Mĩ, và một bản ghi nhớ với LHQ về triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan; kí thành công Hiệp định khung Việt Nam và Liên minh châu Âu (FPA) liên quan đến các hoạt động quản lí khủng hoảng, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ trên các diễn đàn đa phương về việc đồng đăng cai các hội nghị quan trọng về gìn giữ hòa bình LHQ.

PV: Vậy chắc hẳn chúng ta cũng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng, cũng như tiếp tục lộ trình tham gia gìn giữ hòa bình LHQ đã được xác định. Xin đồng chí chia sẻ vài triển vọng về hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ lĩnh vực gìn giữ hòa bình thời gian tới.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, vừa rồi LHQ mời chúng ta tham gia thêm bằng các hình thức khác, về cá nhân cũng mở rộng lên 11, trong khi về cá nhân LHQ mời rất hạn chế. LHQ cũng đang xem xét mời cấp tướng của chúng ta giữ vị trí Chỉ huy vùng. Vị trí này thường là các nước trong Hội đồng bảo an đảm nhiệm. Chúng tôi cũng phấn đấu tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trong các nhiệm vụ, các khu vực của LHQ. Ngoài vị trí cán bộ kế hoạch tại trụ sở của LHQ chúng ta đã làm được, mới đây LHQ cần hai vị trí điều phối viên thì Việt Nam cũng được chọn một. Đồng chí Nguyễn Duy Quảng đã thi đỗ vào vị trí này. Đây cũng là một thành công, bởi ứng viên phải biết sử dụng hai thứ tiếng, giữ vai trò sĩ quan tham mưu điều phối viên giữa LHQ và chính quyền sở tại ở Trung Phi. Các vị trí đều phải thi nhiều vòng rất khó khăn nhưng sĩ quan của ta đã vượt qua.

Một điều đáng mừng nữa là có tới 16/63 số quân nhân thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 kết thúc nhiệm kì về nước nhưng đã làm đơn xin tiếp tục tham gia ở các thê đội tiếp theo. Tôi cho rằng cái được đầu tiên là sự trưởng thành của anh em, sau đó là uy tín với cộng đồng quốc tế. Đó chính là môi trường tốt để kiểm nghiệm kiến thức, kĩ năng đã học, đã tích lũy, kiểm nghiệm tính thực tế của những gì chúng ta đang dạy tại nhà trường quân đội. Đó cũng là cách chúng ta bảo vệ chủ quyền đất nước từ xa, nâng cao vị thế của dân tộc.

PV: Quân đội ta đi lên từ chiến tranh, chiến đấu mang lại hòa bình cho đất nước, bình an cho dân tộc, giờ đây, những bước chân người lính tiếp tục vươn ra ngoài biên giới quốc gia, thực hiện những sứ mệnh mới, đó là một hình ảnh rất đẹp và mới về Bộ đội Cụ Hồ hôm nay… Đồng chí có nghĩ như thế?

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Làm tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cũng là chúng ta đang làm theo nguyện vọng của Bác Hồ, người chỉ 4 tháng sau khi thành lập nước, 14/1/1946 đã gửi thư cho LHQ đề nghị công nhận nền độc lập của đất nước và mong muốn kết nạp Việt Nam là thành viên LHQ. Cũng là thực hiện mong muốn của Bác về hòa bình và hữu nghị cho mọi dân tộc trên thế giới. Điều đó cũng khẳng định chúng ta đã thực hiện thắng lợi đường lối đúng đắn của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11, 12. Chúng ta đã góp phần để thấy được ý nghĩa tốt đẹp mà LHQ đã làm để duy trì hòa bình trên thế giới. Phát huy tốt lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình chúng ta sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.

PV: Vâng! Và những cơ hội ấy sẽ góp phần tạo thêm thế và lực để Việt Nam hội nhập - phát triển. Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí Cục trưởng và chúc cho những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam dù đi đâu, dù làm gì, mãi giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành sứ mệnh mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, cũng như luôn có một Việt Nam ở trong tim

P.V

--------

Ảnh nhân vật: Thành Duy