Thứ Năm, 11/06/2020 09:00

Thơ Hà Nội, có một dòng chảy

Sáng 10/6, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước, với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô.

 Sáng 10/6, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước, với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô. Qua hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh về sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực của thơ ca Hà Nội sau khi đất nước thống nhất, hòa bình.

Sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975), cùng với sự chuyển biến của lịch sử đất nước, thơ ca cũng bước sang một trang mới. Thơ hậu chiến là một cuộc cách tân, đổi mới mạnh mẽ để vượt thoát ra khỏi dòng thơ tiền chiến và thơ kháng chiến. Cùng với đó, Hà Nội đã có một đội ngũ những nhà thơ tên tuổi, trưởng thành và khẳng định mình không chỉ với thơ ca Thủ đô mà với thơ ca đất nước như: Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu…

Nói về diện mạo thơ Hà Nội 45 năm qua, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: Cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh. Nhìn lại chặng đường thơ 45 năm qua với những thành tựu mới được công chúng văn học ghi nhận, chúng ta nhận ra rằng đội ngũ những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã chia vai “gánh vác” được một phần “gánh nặng” văn chương được nối tiếp “chuyển vai” từ thế hệ các nhà thơ đã hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975).

Không gian hội thảo

Những nhà thơ xuất hiện sau 1975 là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975. Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ 1975 đến 1990), đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai, các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn 1990 đến nay với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận.

Các tham luận trong hội thảo cũng chỉ ra, có một dòng chảy thơ về Hà Nội kéo dài cả nghìn năm và mang sức sống bền lâu. Đó là sợi dây xuyên suốt nối quá khứ - truyền thống với hiện tại - đương đại để thơ Hà Nội giữ được những gì vàng son vốn có cũng như phát huy, tiếp nối những giá trị lâu đời, nội tại.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phát biểu: Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, những tên gọi thiêng liêng và thân thương đó sẽ mãi mãi ngân nga trong trái tim mỗi chúng ta. Thơ ca viết về mảnh đất rồng bay huyền thoại từ xưa đến nay luôn thấm đẫm một sức sống diệu kỳ, mãnh liệt. Kế tiếp các bậc đàn anh, các nhà thơ trẻ hôm nay vẫn tràn đầy hào hứng khi viết về Thủ đô. Song, công bằng mà nói, các bài thơ thật hay và toát lên được hồn cốt Hà Nội chưa xuất hiện nhiều.

Lý giải về điều này, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho rằng, Hà Nội chưa được nhìn thật sự bằng con mắt thơ. Bởi vậy, thơ của các bạn trẻ có thể tươi mới đời sống hôm nay nhưng lại thiếu đi sự trầm mặc của thời gian và lịch sử.

Bên cạnh những tham luận nhìn lại dòng chảy của thơ Hà Nội 45 năm qua, các nhà thơ cũng trao đổi ý kiến về đổi mới cách tân thơ và thơ hay.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ, có một số người từng nhận xét: “Thơ của các tác giả sau 1975 có ít bài thơ hay đến mức độ độc đáo tuyệt tác như thời gian trước đây và các giọng thơ trẻ thường lẫn vào nhau”. Theo suy nghĩ của tôi, “thơ hay” và thơ “độc đáo” có thể là 2 phạm trù ngôn ngữ văn học khác nhau. Vì thơ có thể hay (hoặc rất hay) mà không độc đáo và ngược lại, thơ có thể rất độc đáo mà chưa chắc đã hay. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy một số thành tựu mới mà thơ sau 1975 đã vươn tới là có nhiều tìm tòi, nhiều thể nghiệm hơn trước, phong cách của các nhà thơ đa dạng hơn, thơ nhiều giọng điệu hơn, nhiều “gương mặt” thơ hơn và có thể nói đã xuất hiện không ít bài thơ độc đáo và rất hay. Mặt khác, để có thể giải được bài toán hóc búa về nghệ thuật thi ca nói trên (nghĩa là làm thế nào để có được những bài thơ vừa độc đáo lạ thường vừa hay đến độ tuyệt tác) thì chúng ta phải cần đến những thiên tài về thi ca.

Với việc đổi mới thơ, không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc hoạ được một hình ảnh để từ đó xây dựng nên một cách sáng rõ và nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống. Thơ ca là phương tiện để hiểu biết và chung sống giữa những con người thuộc các thế hệ khác nhau. Thơ ca không bao giờ hành trình đơn phương giữa những con người, mặc dù nó luôn phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo. Thơ ca phải là cuộc đối thoại của con người với thời đại của họ.

Nêu lên ý kiến của mình, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu quan niệm: Không ai có thể phủ nhận được thơ của các nhà thơ tiên phong tìm tòi và đổi mới thơ nếu thơ của họ hay, tạo ra sự khác biệt và có giá trị đích thực. Tìm tòi, đổi mới, tạo ra sự khác biệt và bứt phá thoát khỏi sức hút của nền thơ hết sức đông đảo vừa cuồn cuộn, mạnh mẽ vừa ngọt ngào, véo von hấp dẫn hiện nay không phải là chuyện đơn giản. Muốn làm được việc đó nhà thơ phải thực sự có nội lực, có vốn kiến văn dồi dào, có nghị lực phi thường và có bản lĩnh cao siêu. Không có bản lĩnh sẽ bỏ cuộc bởi sự phê phán của các nhà phê bình bình dân, bởi sự thờ ơ lạnh nhạt của độc giả…

Thơ Hà Nội vẫn đang đồng hành cùng thời đại, đời sống và con người. Và chính thời đại, đời sống, con người đang đem đến cảm hứng, đề tài lớn cho các nhà thơ. Vấn đề đặt ra cho các nhà thơ hôm nay vẫn là, họ phải viết như thế nào để góp phần kiến tạo nên một diện mạo mới cho thơ ca Thủ đô?

NGUYỄN SƠN