Thứ Bảy, 05/01/2019 00:16

Thời gian sẽ quyết định ai vào đội tuyển

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi; Cao điểm mùa hạ; Một chiều xa thành phố.

Nhà văn Lê Minh Khuê nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi; Cao điểm mùa hạ; Một chiều xa thành phố. Tác phẩm của Lê Minh Khuê đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc và xuất bản tại một số quốc gia. Bà cũng là nữ tác giả đầu tiên nhận giải thưởng văn học quốc tế mang tên nhà văn Hàn Quốc Byeong-ju Lee.

Hiện bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam và là thành viên Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Hà Nội.

 

- Nhiều ý kiến cho rằng văn học chiến tranh của chúng ta không có tác phẩm lớn, tác phẩm tầm cỡ, bà thấy thế nào?

+ Nhiều người cứ kêu la là không có tác phẩm xứng tầm. Tôi không nghĩ như thế. Ví dụ nguyên truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu cũng là một tác phẩm lớn thời ấy. Rồi thơ của các tác giả thời chống Mĩ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ… đều xứng với thời đại, rồi truyện ngắn của Đỗ Chu đã có thời kích động lòng yêu nước, người dân ngày ấy đọc thơ và truyện ngắn rất nhiều. Tôi rất phục các tác giả thời chống Mĩ, trong điều kiện sáng tác như thế, đóng khung hẹp như thế nhưng họ vẫn rất tài, nói lên được tâm thế của thời đại. Đó chính là những tác phẩm lớn. Thơ Phạm Tiến Duật như là tiếng kèn xung trận, một bài thơ có thể khích lệ hàng trăm hàng ngàn người lính… Bây giờ đọc lại vẫn thấy rất hay. Các nhà thơ chống Mĩ đã làm được một việc rất lớn là thúc đẩy một thế hệ tin tưởng trong sáng, thức dậy lòng quả cảm. Như thế là đã có tác phẩm lớn, tác phẩm xứng đáng với thời đại. Nhiều ông cứ kêu không có tác phẩm xứng đáng với thời đại, tôi không nghĩ như thế…

- Vâng! Ngày ấy những vần thơ như những binh đoàn…

+ Nếu so sánh với các vũ khí để chiến thắng trong thời ấy thì thơ chống Mĩ cũng là vũ khí không thể nào phủ nhận. Các nhà thơ Việt Nam thời chống Mĩ, nên đóng cho họ một cái dấu bằng vàng. Họ tài năng và chỉ sáng tác trong một khung nhất định, không được có dấu ấn riêng tư nhưng thơ tuyệt hay. Các nhà thơ miền Nam sống trong các đô thị cũng rất hay. Thơ của họ cũng để lại dư âm về khát vọng hòa bình có thể đọc cho tới mai sau.

- Theo bà như thế nào gọi là xứng đáng với thời đại?

+ Ghi được tâm thế xã hội, có sức sống, có sức lan tỏa… Thế thôi… Có người in đến hai ba trăm cuốn sách không ai nhớ, có người chỉ cần một bài thơ là người ta nhớ, có sức sống bền lâu. Lớn không cần lớn về dung lượng. Nhiều người viết cực nhiều, in cực nhiều mà không ai nhớ, chỉ một bài thơ như bài Cuộc chia li màu đỏ (của tác giả Nguyễn Mỹ - PV) thôi mà có sức sống lâu bền còn quý hơn. Nếu nó nói được tâm thế thời đại ấy, đọc nó người ta sống tốt hơn, khiến người ta chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh… thì như thế là xứng đáng với thời đại.

- Bà vừa nói, thời chiến người ta đọc truyện ngắn và thơ rất nhiều. Thế còn bây giờ thì sao? Người ta đọc gì, theo cảm nhận của bà?

+ Người ta hầu như không đọc gì. Văn học ngày nay chỉ là một cái gì rất nhỏ nhoi trong thế giới này thôi. Bây giờ nhiều thứ để quan tâm hơn văn chương. Tôi biết có những nghệ nhân dạy dân ca cho người trẻ. Quan họ chẳng hạn, chèo, ca trù... Những làn điệu khó ít người học, mà học cũng rất nhọc nhằn, không vô. Người ta chỉ học những cái dễ thôi. Đọc cũng đọc những cái dễ thôi. Khơi những cái dễ, ít đào sâu, tìm tòi. Nghiên cứu cũng thế, làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ họ cũng làm những cái dễ tiếp cận, những cái an toàn. Nên nhiều khi tác phẩm không được mổ xẻ, khai thác đến tận cùng, không đi sâu nghiên cứu thông điệp của tác giả…

- Là do đâu ạ?

+ Do cái đời sống tinh thần của người Việt ngày nay chăng, cũng chả biết nữa.

- Vậy thì chúng ta kì vọng điều gì ở văn chương?

+ Tôi chả kì vọng gì ở văn chương. Về giá trị vật chất có thể vài tác giả đạt đỉnh này đỉnh kia, thu nhập này nọ, nhưng về giá trị tinh thần nó đã chết từ lâu. Do tâm thế thời đại. Văn chương chả giúp được ai cái gì. Có thời điểm giúp ích được mọi người, nhưng rồi nó cũng chả đi đến đâu. Bây giờ người ta viết lách nhiều, in ấn nhiều, tự do viết. Nếu dũng cảm thì viết được rất nhiều, nhưng không giúp ích được ai về vấn đề tinh thần. Là bởi từ phía người đọc, họ thờ ơ. Văn chương không dội được vào họ, có dội cũng như nước dội lá khoai. Có thể rộ lên một vài hiện tượng, vài ngàn người đọc, mua một vài cuốn sách, nhưng rồi qua đi, họ đọc và quên, không có sự đồng cảm, không khích lệ, không nhớ... Cảm xúc bình thường của con người trước một tác phẩm cũng không có. Năm trước tôi sang Đức, đi đọc sách ở 8 thành phố. Người ta đến nghe mỗi buổi tầm 50 người, cũng có nơi như ở Hamburg bán 18 euro một vé. Có thể ở Đức khác ta. Có thể ai đó cũng nghĩ văn chương không làm gì, nhưng bạn đọc của họ vẫn đông. Họ chú ý đến văn học do cái không khí bình yên của đời sống cho phép họ được tận hưởng vẻ đẹp tinh thần. Nên ở đâu có sách là ở đó đông người đọc.

- Ở ta cũng đông đấy chứ. Đấy là chưa kể đến những hoạt động kích cầu sự đọc những năm qua tôi thấy được làm rất rầm rộ và các hội chợ sách thì rất đông người đến…

+ Chả tác dụng gì. Người ta đến nhưng người ta đọc hay không là chuyện khác.

- Thế thì người viết hôm nay phải giải quyết câu chuyện viết của mình thế nào?

+ Người viết bây giờ cô đơn hơn người viết ngày trước. Ngày trước tôi cũng có những khó khăn, tai nạn nghề nghiệp. Khi tôi in một truyện ở Tác phẩm mới bị đồn thổi là các ông Lê Đạt, Trần Dần viết hộ. Ngày ấy như thế rất khủng khiếp. Nhưng tôi không cô đơn. Vì người ta đọc của mình. Bây giờ không có những hứng khởi như ngày ấy. Tôi hoàn toàn không lạc quan gì về văn chương hôm nay. Nhưng mà cứ phải viết thôi. Mình thích thì mình viết thôi!

- Những tác phẩm viết về chiến tranh, từ những sáng tác theo âm hưởng một chiều rồi sau một độ lùi nhất định thì đa chiều hơn rồi đến những tác phẩm về hậu chiến và sau đó thì, gần đây, mảng phi hư cấu đã lên ngôi và được ghi nhận. Một loạt hồi kí, tự truyện được xuất bản, được đón nhận và tôn vinh tại các giải thưởng văn học như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn… Bà có nhìn nhận gì về những tác phẩm này?

+ Tôi rất phục những người viết những tác phẩm ấy. Các tác giả đã nhìn cuộc chiến qua lăng kính của ngày hôm nay. Người trong nghề đọc thấy xúc động. Những cuốn sách do người trong cuộc viết đạt đến độ chân thực và sâu sắc. Trong những cuốn sách ấy có tâm thế của một thời... và tôi biết những người lính đã từng tham chiến rất say mê đọc những tác phẩm ấy...

- Thế còn những tác phẩm hư cấu thì sao? Từ sau Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cũng đã có nhiều vận động, cũng phải có gì đó để nhắc chứ?

+ Phi hư cấu mạnh về tư liệu. Hư cấu cũng mạnh, các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh và một số người khác mạnh về khả năng khai thác tư liệu, họ có nhiều ý tưởng ấn tượng về cuộc chiến. Từ mốc Bảo Ninh trở về đây cũng có những thành tựu chứ không đến nỗi vắng vẻ. Cách viết cũng có những độc đáo. Nhiều tài năng mới...

“Có người in đến hai ba trăm cuốn sách không ai nhớ, có người chỉ cần một bài thơ là người ta nhớ, có sức sống bền lâu. Lớn không cần lớn về dung lượng. Nhiều người viết cực nhiều, in cực nhiều mà không ai nhớ, nhưng chỉ cần một bài thơ thôi mà sức sống lâu bền thì còn quý hơn. Nói được tâm thế thời đại ấy, đọc nó người ta sống tốt hơn, khiến người ta chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh… Tôi nghĩ như thế là xứng tầm thời đại.”

Nhà văn Lê Minh Khuê

- Người trẻ cũng tham gia vào đề tài chẳng dễ dàng này đấy chứ?

+ Người trẻ cũng viết nhưng tôi đọc được hơi ít.

- Tôi thấy cũng có những điểm sáng đấy chứ! Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần hay Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang chẳng hạn…

+ Tôi chưa kịp đọc hai cuốn này. Nhưng Thuần thì viết rất hay rồi, tôi tin Thuần viết về hậu chiến cũng sẽ hay.

- Chuyển sang vấn đề khác nhé. Có điều gì tác động khiến bà đi đến quyết định lớn trong cuộc đời?

+ Có. Năm 1964 tôi học lớp bảy, lớp tám gì đấy, còn bé tí. Có sự kiện Nguyễn Văn Trỗi hi sinh, báo Nhân Dân đưa ảnh ông ấy, cái chết rất đẹp. Vì hình tượng ấy tôi đã bỏ hết để đi thanh niên xung phong. Đó là cú huých rất lớn, bạn bè tôi nhiều người cũng bỏ học để đi…

- Bây giờ nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ có điều gì khiến bà nuối tiếc?

+ Có. Hơi phí thời gian. Ngày ấy tôi đi chiến trường suốt. Lẽ ra nên đi ít thôi…

- Tại sao?

+ Để đỡ phí thời gian, dành thời gian để viết, hoặc thu xếp đời sống. Đi nhiều quá cũng chẳng để làm gì. Có thời gian tôi đi lang thang hết nơi này đến nơi kia trong vùng chiến sự. Cứ vất vưởng mãi... Bởi tôi làm báo. Có thể cũng không nên đi nhiều thế làm gì. Nhưng được cái nhờ thế tất cả sự kiện lớn tôi đều biết, chiến dịch đường Chín Nam Lào, mặt trận Quảng Trị tôi đều có mặt, đường 20 Quyết Thắng tôi ở đấy hàng tháng, B52 ném Hà Nội tôi cũng chứng kiến… Và chứng kiến những ngày tháng 3 năm 1975 trên đường Trường Sơn. Rồi Đà Nẵng cuối tháng 3 năm 1975...

- Tôi thấy sau này bà vẫn hay đi đấy chứ, chỉ có điều thay vì đi chiến trường là đi… nước ngoài. Những chuyến đi ấy cho bà những chiêm nghiệm gì về nước mình, nước người, về cái sự viết và đọc của nước mình và nước người?

+ Vừa rồi tôi đi dự hội thảo sách quốc tế ở thành phố Paju, Hàn Quốc. Một thành phố độc nhất vô nhị đấy, tập trung gần 500 nhà xuất bản. Cây xanh. Nhà kiểu biệt thự yên tĩnh... và chỉ làm một việc là biên tập và xuất bản sách. Các nhà xuất bản không có tài trợ của nhà nước nhưng chắc kinh doanh được. Một thành phố trên đường chỉ lác đác xe qua. Người đi lại thong dong... Thành phố sách mà! Thụy Điển và Đức thì không có hoạt động rầm rộ về sách nhưng họ hay đọc sách, như một thói quen... Cái này thì rất giống ở ta, trên xe bus hay tàu điện ngầm ở Hàn Quốc, cứ mỗi người một cái điện thoại. Một chàng trai ngồi cạnh một cô gái đẹp nhưng chả nhìn cô ấy, chỉ cắm mặt vào điện thoại. Chả ai nhìn ai. Giống như văn chương vậy. Chả ai đọc ai. Đấy là nói tới các nhà văn Việt Nam.

- Trong những chuyến đi ấy bà thấy văn học Việt Nam trong mắt bạn bè thế nào? Và văn học viết về chiến tranh có vị trí như thế nào khi họ nhìn nhận về văn học Việt Nam?

+ Ít người quan tâm tới Việt Nam nói chung, trong đó có văn học.

- Vậy theo bà, các nền văn học khác, bạn đọc các nước khác cần biết đến văn học viết về chiến tranh của ta như thế nào khi từ cơ duyên của Nỗi buồn chiến tranh, được dịch và quan tâm khá tốt ở các nước, nhưng hình như cứ mãi dừng ở đấy. Ý tôi muốn nói đến những tác phẩm điểm sáng về sau này mà ta vừa kể…

+ Rất khó. Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm tốt và cũng may mắn gặp được dịch giả tốt. Phải có nhà văn ở nước sở tại đọc và tham gia vào bản dịch trước khi đến với bạn đọc thì mới có sản phẩm tốt được. Sách của tôi dịch ra nhưng cũng chả mấy ai quan tâm. Cần có chiến dịch đúng hướng mới mong họ biết đến chúng ta.

- Sau những chuyến đi, có khi nào quay về nước mình bà thấy thất vọng, thấy mệt mỏi trước hiện trạng đất nước bộn bề những vui buồn, mà đôi khi cái buồn lấn lướt cái vui, đặc biệt là với sự mẫn cảm của người sáng tác?

+ Tôi không ở trong số những người như thế. Đất nước mình nó thế thì mình phải sống thế thôi. Năm ngoái tôi đi đến một thành phố của Đức, gặp một cậu người Hải Dương đi lao động ở lại làm việc, đến chỗ đọc sách của tôi rất nghênh ngang bảo, em bảo mấy thằng Đức chỗ em thử đi Việt Nam xem thế nào, nó đi xong về bảo em mày xui dại tao, tao không bao giờ quay lại nữa, em nghĩ em cũng không bao giờ về nữa. Tôi bảo, chín mươi triệu người vẫn sống được tại sao em lại thấy khó thế, còn người thân, họ hàng của em thì sao. Người thân, họ hàng em cũng không về, cậu ấy nói. Cậu ấy dùng từ ghê tởm để nói về nơi mình đã sinh ra, lớn lên và ra đi. Hay khi tôi đi Thụy Điển, có đôi vợ chồng người Việt đến ăn tối, xong bảo “em vừa về, sang đến đây em mới thấy là em thoát”. Tôi cứ nghĩ đến những người ấy là lại thấy buồn. Người ta vẫn phải sống, vẫn thở và vẫn chịu đựng phi thường đấy thôi. Có phải chỗ nào cũng hoàn hảo, sung sướng đâu. Người viết cũng vậy, phải bình thản trước nhiều điều. Năm 1993 tôi sang Mĩ, rất sớm ở thời điểm ấy, nhưng cũng chả thấy có gì sốc cả.

- Bà thích tác phẩm nào của mình? Có khi nào bà đọc lại những tác phẩm mình viết trong thời chiến tranh?

+ Thực ra đề tài chiến tranh khó viết lắm. Có nhiều tiểu thuyết chỉ miêu tả trận đánh viết cũng đã khó, còn để gọi là tác phẩm văn học viết về chiến tranh lại càng khó. Tôi rất ít khi viết là vì thế. Truyện Những ngôi sao xa xôi tôi viết năm 19 tuổi, một thời gian dài tôi không thích truyện ấy, nhưng sau này đọc lại thì lại thấy ưng. Nó có hình ảnh của một thế hệ trong chiến tranh. Bây giờ có thể người ta nhìn khác, nhưng ngày ấy họ sống thế.

- Những sáng tác sau này của bà cũng tận cùng và khốc liệt hơn. Nhiệt đới gió mùa là một ví dụ, bà đã đưa ra một cái nhìn địa – văn hóa trong tác phẩm này. Và có vẻ như trong các tác phẩm bà luôn cố gắng bám vào chiếc phao tâm thế thời đại… có phải đó là bí quyết giữ chân bạn đọc đương đại?

+ Cũng có nhưng ít thôi, chả ai quan tâm đâu. Tôi viết cho ai đọc thì đọc thôi.

- Thời gian rất dài làm biên tập tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho bà điều gì?

+ Tôi làm biên tập sách văn học từ năm 1979 đến khi nghỉ hưu. Nó cho mình nhìn nhận sự công bằng với mỗi tác phẩm và sự cẩn trọng trong viết lách. Nhiều người cứ hỏi tôi làm biên tập đọc nhiều có bị ảnh hưởng không. Làm sao mà ảnh hưởng được, đọc một trăm tác phẩm, trong đấy có một vài dòng dừng lại để đọc lại đã thích rồi. Sao cứ làm biên tập là phải bị ảnh hưởng?

- Cho mình sự cẩn trọng trong viết lách. Có phải vì thế mà bà luôn tiết chế ngòi bút?

+ Tôi không thích viết nhiều quá. Viết nhiều người ta cũng chả đọc đâu mà.

- Cảm giác sức viết của bà cứ đều đều, từ ngày trẻ đến giờ vẫn thế?

+ Tôi cứ đều đều thế thôi…

- Và cũng đều đều ra tác phẩm. Sự đều đều ấy có thể hiểu là sức bền hay… sức ì?

+ Sức ì mà… Sức ì của tôi mạnh lắm. Tôi kệ, ai muốn làm gì thì làm. Mình thích gì mình viết. Thực ra văn chương là do mình thích thì mình viết thôi. Như tôi đã nói đấy, thời buổi này ai người ta đọc văn… Chín mươi triệu dân mấy người đọc văn. Tôi vẫn nói viết ra cái gì có chục người đọc là thích rồi. Thời đại nó thế. Sách best-seller có thể hàng mấy chục ngàn người đọc, đọc để giải trí thôi. Sách văn chương thì chỉ ngàn cuốn, in ngàn cuốn mà còn vật vã đấy. Một ca sĩ giải trí đến đâu khán giả cũng ồ ạt, nhưng ca sĩ hát thính phòng lại khác. Anh theo loại hình nào thì anh phải chấp nhận sức lan tỏa của loại hình ấy. Nhưng tôi vẫn tin vào văn học đích thực, ít người đọc nhưng đã đọc là chia sẻ thực sự. Chỉ cần mười người tâm huyết với mình, tôi vẫn viết.

- Bà tin vào sự sàng lọc của thời gian?

+ Tôi không thích những người suốt này kêu không có tác phẩm xứng đáng. Tôi nghĩ văn chương nó cũng như thể thao. Ví dụ như đá bóng. Nhiều người thích đá bóng nhưng có phải ai biết đá bóng cũng vào đội tuyển đâu. Đó cũng là sự sàng lọc chứ. Cả chín chục triệu dân chỉ có một đội bóng, mà còn đội một, đội dự bị... Thời gian sẽ quyết định ai vào đội tuyển.

- Cám ơn bà đã chia sẻ với VNQĐ!

NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện