Thứ Năm, 09/05/2019 14:56

Thông điệp nhân ái và hướng thiện

Câu chuyện về trẻ em thời chiến bao giờ cũng gây xúc động hơn cả, càng ẩn giấu sự tàn khốc, khổ đau, càng khao khát cất lên tiếng nói nhân ái vì con người…

Câu chuyện về trẻ em thời chiến bao giờ cũng gây xúc động hơn cả, càng ẩn giấu sự tàn khốc, khổ đau, càng khao khát cất lên tiếng nói nhân ái vì con người…

Những đứa trẻ trong Thế chiến II

Đã 74 năm sau Thế chiến II nhưng nỗi ám ảnh về sự tàn khốc của nó vẫn luôn hiện hữu. Các bên tham chiến đều chịu tổn thất nặng nề. Song còn rất nhiều “chương trình” tàn độc khác có thể không nhiều người biết đến nhưng không đo đếm được chấn động nó gây ra.

Đó là những đứa trẻ như Max mà Sarah Cohen-Scali xây dựng trong tác phẩm “Max - Bi kịch của chủng tộc thượng đẳng”, lấy cảm hứng từ sự kiện “Lebensborn”, còn gọi là Suối sinh, một trong những chương trình tàn bạo do Đức Quốc Xã tiến hành trong Thế chiến II. Cậu hội đủ các yếu tố của chủng tộc người thượng đẳng với mái tóc vàng, mắt xanh, thể chất “như được đúc bằng thép Krupp”, được đào tạo để có tinh thần và ý chí sắt đá, sớm thấm nhuần tư tưởng của Đế chế, trở thành một vũ khí tàn nhẫn từ khi còn nhỏ tuổi đến lúc là một thiếu sinh quân tại trường đào tạo sĩ quan Napola…


Con em công nhân Nhà máy In Tiến Bộ, Hà Nội, sơ tán về xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ năm 1967
Ảnh: Mầu Hoàng Thiế

Đó là những đứa trẻ như Hannah Janssen dưới ngòi bút của Kagawa Yoshiko trong “Cây vĩ cầm Ave Maria”, một thiếu nữ 14 tuổi người Do Thái là một thiên tài âm nhạc. Cô tình cờ đeo cây đàn violin trên vai nên thoát khỏi bị thảm sát và trở thành thành viên dàn nhạc Trại tập trung. Yêu âm nhạc bằng một tình yêu thành thiện và trong sáng nhưng Hannah buộc phải diễn tấu trước cái chết của đồng bào mình, dùng âm nhạc để che lấp tội ác diệt chủng trong những phòng hơi ngạt, dàn hỏa thiêu. Dù sống sót và được giải cứu sau chiến tranh nhưng cô không thể thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng trong quá khứ…

Những đứa trẻ không có ý niệm về gia đình, không biết cha mẹ mình là ai, hoặc bị tước đoạt khỏi gia đình mãi mãi. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình yêu thương, được nuôi dạy bằng sự thù hận, bằng kỷ luật “bẻ gãy mọi ý chí” để trở nên máu lạnh. Những đứa trẻ sống ở “địa ngục trần gian”, bị lao động đến kiệt sức, bị tra tấn, hành hạ, phải chứng kiến gia đình, đồng bào mình bị thảm sát, chịu nỗi đau mất mát, giày vò... Tất cả bi kịch gây ra bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa, mà “với một đứa trẻ, những năm tháng trong thời chiến được tính gấp đôi”, và rằng nước mắt trẻ thơ, dẫu chỉ một giọt thôi, cũng nặng hơn vô vàn lý lẽ chiến tranh.

Một bên là thông điệp về sức mạnh cứu rỗi con người của âm nhạc, sự tha thứ và giá trị của lịch sử, một bên khẳng định tình yêu thương giữa con người với con người sẽ tạo ra sức mạnh cảm hóa, kết thúc mọi khổ đau, mọi cuộc chiến tranh và để trẻ em được sống trong hòa bình. Bản năng khao khát yêu thương và hướng thiện của những đứa trẻ có khả năng đập tan mọi giả thuyết phi nhân tính.

Kiến tạo giá trị tinh thần

Dịch giả của “Cây vĩ cầm Ave Maria” Nguyễn Hồng Vân chia sẻ, lần đầu đọc tác phẩm từ nguyên bản tiếng Nhật, cuốn sách cho cảm giác như một bản nhạc, có khúc dạo đầu, có trường đoạn mạnh mẽ và kết thúc bằng vĩ thanh mang dư âm. Ấy là cảm xúc về số phận, về âm nhạc nghệ thuật, mở ra cách tiếp cận với lịch sử đầy mới mẻ, cho cái nhìn nhân ái về con người và bài học kiến tạo giá trị tinh thần. Thấm thía giá trị từ trải nghiệm cảm giác đau khổ, chia ly của chiến tranh để bước vào cuộc chiến khác, dài hơn và cũng mệt mỏi không kém, ấy là xoa dịu nỗi đau in hằn trong những đứa trẻ bước ra từ cuộc chiến.

Với người Việt Nam, 65 năm sau kháng chiến chống Pháp, 44 năm sau chống Mỹ, các cựu chiến binh ngày càng già, nhân chứng ngày càng ít theo quãng lùi lịch sử, nhưng hình như luôn có một kho cất giữ nỗi đau hoàn toàn tinh khôi, ấy là ký ức trẻ thơ. Người ta đã quen nghe nói về chiến tranh từ người lớn, nhưng chỉ những chuyện kể từ trẻ em mới có thể bộc lộ hết sự điên rồ của chiến tranh, sự hung bạo phi nhân tính không gì có thể biện bạch.

Những tác phẩm viết về chiến tranh qua đôi mắt trẻ em không khó để tìm đọc, có điều sẽ khó để người ta sẵn sàng đọc, vì những day dứt mà nó mang đến. Ở Việt Nam, đó là những số phận như cậu bé An trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi với hành trình lưu lạc sau khi lạc cha mẹ và đoàn thuyền quân lương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hay cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13 - 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân trong “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán)…

Mỗi câu chuyện dường như là lời bộc bạch, phủ mờ nỗi đau đớn, ám ảnh, để con người hướng tới tương lai. Như tác giả Hồng Vân chia sẻ khi viết “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” (tự truyện kể về những năm tháng rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán): Tôi kể lại những câu chuyện trong chiến tranh bằng chính những trải nghiệm của mình. Tôi viết cuốn sách này cho các con của tôi, để chúng biết được về quê hương, về những gì mà mẹ chúng đã trải qua. Cuốn sách có đạn bom, ám ảnh về cái đói, sự sợ hãi, nỗi nhớ, sự khốc liệt và tàn nhẫn, nhưng trên hết là tinh thần kiên cường, tự gắn kết của những đứa trẻ thời chiến và lòng tử tế gần như ở khắp nơi dang tay đón lũ trẻ lẫn những người tản cư…

Những câu chuyện được kể lại, vì vậy không phải xới lại nỗi đau mà là cách để nhận định về lịch sử bằng đôi mắt vị tha, để thời đại hôm nay không thờ ơ với quá khứ, cũng không nhìn nó cay đắng, hận thù.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hải Đường)