Việc bảo tồn DSVHPVT thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên ở một trường hợp nhận thức lệch lạc, hành động thái quá đòi hỏi cần khắc phục, cẩn trọng tìm hướng đi đúng.

Tiến bộ về nhận thức và hành động

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết năm 2018, tại 63 tỉnh, thành phố đã có 62.283 DSVHPVT được kiểm kê. Trong số đó 271 di sản đã đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia và 12 DSVHPVT được UNESCO ghi danh tại các danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại và DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp.

Khi các DSVHPVT được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế góp phần khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền và xã hội tham gia quá trình bảo tồn DSVHPVT. Cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi đã xem bảo tồn, phát huy DSVHPVT là nhiệm vụ chính trị, nên dồn tâm huyết, kinh phí để bảo tồn vốn cổ của cha ông. Nhiều địa phương có cách làm hiệu quả, điển hình như Phú Thọ đã khôi phục thành công hát xoan. Theo đó, năm 2017 UNESCO công nhận hát xoan là DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Tìm hướng đi đúng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Vào Hội Lim Bắc Ninh, nhiều gia đình mời các nghệ nhân đến nhà hát để người thân, bạn bè thưởng thức.

Không chỉ chính quyền mà nhiều cá nhân, tổ chức ở các địa phương hiện diện DSVHPVT đã tài trợ, cho ra đời nhiều câu lạc bộ, như: Đờn ca tài tử, hát ví giặm, quan họ, ca trù… thu hút người dân, nhất là lớp trẻ tham gia. PGS, TS Hoàng Cầm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Việc các DSVHPVT được kiểm kê, ghi danh làm thay đổi nhận thức và hành động của chính quyền, cũng như người dân, nhất là cộng đồng sở hữu di sản. Đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để bảo tồn, tránh nguy cơ mai một, thất truyền. DSVHPVT cũng được phát huy góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tăng sức hút về du lịch, quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè và cộng đồng quốc tế”.

Một số hồ sơ DSVHPVT như hát then, xòe Thái, nghề làm tranh Đông Hồ đã và đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện đề nghị UNESCO công nhận. Với giá trị độc đáo tự thân của di sản và kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ, thuyết trình, tin chắc các DSVHPVT nêu trên sẽ sớm được UNESCO xem xét, ghi danh.

Khắc phục những lệch lạc, biến tướng

Công ước bảo vệ DSVHPVT được UNESCO thông qua năm 2003, Việt Nam phê chuẩn năm 2005, đã nêu rõ các DSVHPVT không thuộc sở hữu của nhân loại hay quốc gia mà thuộc về cộng đồng dân cư đã sáng tạo và lưu truyền các di sản. Ví như chúng ta có thể hiểu di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản độc đáo được ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại, tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, chủ sở hữu là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. GS Frank Proschan, Trung tâm Đời sống dân gian và Di sản văn hóa Smithsonian (Mỹ), giảng viên thỉnh giảng Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Cần phải hiểu đúng chủ sở hữu DSVHPVT là cộng đồng dân cư. Cần xác định cộng đồng dân cư là chủ thể mới có nhận thức đúng đắn để bảo tồn và phát huy DSVHPVT bền vững”.

Chuyện lễ hội biến tướng, sân khấu hóa di sản, thương mại hóa quá đà… đã “nổi sóng” dư luận nhiều năm qua. Đó là những hệ quả không mong muốn khi các DSVHPVT được ghi danh, tôn vinh xuất phát từ nhận thức lệch lạc. Do không xác định lấy cộng đồng dân cư làm chủ thể, nhiều chính quyền địa phương tự cho mình có quyền sở hữu DSVHPVT nên có nơi đã tổ chức lễ hội theo hình thức sân khấu hóa thật hoành tráng với suy nghĩ như vậy mới xứng tầm với di sản được ghi danh; hoặc chỉ đầu tư bảo tồn, phát huy DSVHPVT nào được vinh danh mà bỏ quên các DSVHPVT khác. Xu hướng đáng báo động hơn là cộng đồng dân cư bị gạt ra ngoài lề, không được tham vấn, không được hưởng lợi từ các DSVHPVT. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất, chính quyền nên đóng vai trò kiến tạo tạo cơ sở tăng tính chủ động của người dân cùng tham gia các hoạt động giữ gìn các di sản có nguy cơ mai một, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm thủ công, tham gia tích cực các liên hoan nghệ thuật, tránh các hoạt động can thiệp, định hướng DSVHPVT đi quá xa so với truyền thống.

Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Văn hóa đã chỉ ra hiện tượng người dân có phần ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước. Một số nơi khi DSVHPVT được vinh danh đã vội vàng thành lập câu lạc bộ để trông chờ kinh phí hỗ trợ; đến khi không có thì giải tán câu lạc bộ và cho rằng không có tiền hỗ trợ thì việc DSVHPVT được vinh danh chẳng có giá trị. Một số câu lạc bộ đờn ca tài tử, quan họ được thành lập để lấy số lượng chứ chất lượng cần phải xem lại bởi người tham gia đông nhưng số người hát được, biểu diễn được những bài hát, làn điệu cổ thì không nhiều.

Những thách thức trong bảo tồn và phát huy DSVHPVT luôn tồn tại, có nhiều việc phải giải quyết trong khi nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Bảo tồn DSVHPVT là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó huy động sức dân bằng một chiến lược tuyên truyền mới để người dân hiểu đúng đắn, lành mạnh về giá trị thực sự của các DSVHPVT được ghi danh, tôn vinh, tránh những nhận thức và hành động lệch lạc.

Nguồn: QĐND (Hoàng Hoàng)