Thứ Tư, 15/05/2019 20:14

Trại viết truyện ngắn Tam Đảo: Phía sau của dấu chấm

Diễn ra trong bối cảnh cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đang vào chặng nước rút nên độ chín về cảm xúc cũng như sự nỗ lực của các nhà văn đều được thể hiện cao.

Sáng nay (15/5/2019), tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chính thức bế mạc. Với 15 trại viên đến từ mọi miền đất nước, trại viết là nơi quy tụ những cây bút giàu nội lực và nhiệt huyết. Sau 15 ngày tham dự trại, sự ra đời của các tác phẩm văn học cũng như những ý tưởng, cảm hứng từ trại đã cho thấy hiệu quả và nỗ lực của các nhà văn.

Phát biểu tại lễ bế mạc, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội bày tỏ: “Nhà văn là những người sống như mọi người và viết khác mọi người. Và có chịu những khó khăn, khuất khúc của đời sống, nhà văn mới biết đời sống thế nào, đời sống cần gì, thời đại của chúng ta đi về đâu. Trại viết là quãng thời gian cần thiết để các nhà văn bình tâm suy ngẫm và kiếm tìm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Giống như một câu văn, dù có hay, đẹp đến mấy thì cũng cần có dấu chấm. Dấu chấm ấy không đồng nghĩa với sự đoạn tuyệt. Sau dấu chấm sẽ là những câu văn khác xuất hiện. Và dấu chấm đặc biệt nhất, lạ lùng nhất là dấu chấm kết cho tác phẩm. Khi chúng ta chấm, kết thúc tác phẩm, thì độc giả là người đi tiếp, sống với tác phẩm của chúng ta, và là những người làm nên sức sống cho tác phẩm”.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại lễ bế mạc trại viết

Diễn ra trong bối cảnh cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018 - 2019) trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang vào chặng nước rút nên độ chín về cảm xúc cũng như sự nỗ lực của các nhà văn đều được thể hiện cao. Đã có khoảng 30 truyện ngắn được hoàn thành trong thời gian diễn ra trại viết với sự đa dạng về đề tài, bút pháp. Và có những tác phẩm được ban tổ chức đánh giá cao về chất lượng.

Có thể nói, vì đặc thù là tạp chí của những người lính nên chiến tranh cách mạng và người lính luôn là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt của Văn nghệ Quân đội với các tạp chí văn chương trong nước. Chính vì vậy, nhiều tác giả đã dành sự quan tâm cũng như cảm hứng với đề tài này. Các tác giả đã quan sát, tiếp cận đề tài từ góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay thông qua các di vật hoặc những nhân chứng sống đã đi qua chiến tranh để viết nên những bi kịch, mất mát hi sinh, không những của cuộc chiến đã qua mà cả biết bao vấn đề của nó vẫn đang hiện hữu, tồn tại trong đời sống hiện đại hôm nay.

Bên cạnh đó, những vấn đề của cuộc sống hôm nay cũng được các tác giả đề cập và khai thác một cách đa dạng với nhiều góc cạnh, từ đó đặt ra những vấn đề hoặc mang tính lớn lao của thời đại, hoặc những góc khuất cần đến sự tinh tế, nhạy cảm, bao dung... để soi chiếu và làm sáng tỏ. Mỗi tác phẩm là một thông điệp, một tư tưởng hay một ý nghĩa cho những nhận thức, ứng xử của chúng ta với con người và đời sống xung quanh mình.

Trong thời gian tham dự trại viết, nhiều trại viên đã bày tỏ sự thích thú với không khí văn chương mà trại viết đã tạo ra, từ đó tạo cảm hứng, kích hoạt tư duy sáng tạo rất lớn cho các nhà văn. Ngoài việc tập trung cho công việc sáng tác thì những cuộc thảo luận, trao đổi cũng được ban tổ chức và các trại viên chú trọng nhằm học hỏi cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn.

Sự gắn kết ấy cũng là những tình cảm tốt đẹp mà các trại viên đã dành cho nhau, là nguồn cảm xúc lâu dài nuôi dưỡng cho tâm hồn người viết. Như nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: “Tôi vui khi các nhà văn đã dành nhiều tình cảm cho Văn nghệ Quân đội, và vui hơn khi thấy mọi người có nhiều tình cảm tốt đẹp với nhau. Đó là sự thành công nhất của trại viết. Tình cảm là thứ quan trọng nhất với nhà văn, không có tình cảm thì không có tác phẩm, không có tri âm, tri kỉ. Không có tình cảm, chữ nghĩa chỉ là những kí tự xếp cạnh nhau. Có tình cảm chữ nghĩa sẽ là chỉnh thể cuốn hút, sinh động hấp dẫn...”.

Ban tổ chức và các trại viên chụp ảnh lưu niệm tại lễ bế mạc trại viết

Nói về văn chương và những sự lựa chọn, nhà văn Phạm Đình Hải bày tỏ, đây là lần đầu tiên anh chạm ngõ với Văn nghệ Quân đội. Là một người khép kín và lặng lẽ nhưng đến với trại viết anh đã có thể mở lòng mình với những người bạn viết, và hơn hết là với văn chương. Đã từng từ bỏ nhiều thứ để lựa chọn văn chương như một niềm đam mê nhưng anh cũng đã từng đánh mất đam mê ấy. Trại viết lần này đã cho anh tìm lại những điều tưởng như đã mất.

Nhà văn Lưu Thị Mười xúc động với những tình cảm chân thành mà ban tổ chức cũng như các trại viên đã dành cho nhau. Với chị, mỗi bạn viết đều để lại dấu ấn sâu đậm về văn chương cũng như con người. Đó là hành trang quý giá đã làm đầy thêm cảm xúc và cảm hứng với văn chương của chị.

Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới 2018 - 2019 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội kéo dài đến tháng 11/2019 hứa hẹn sẽ có thêm những tác phẩm đầy sức sống và sáng tạo. Đó cũng là điều mà ban tổ chức cuộc thi luôn mong đợi từ phía các nhà văn.

HOÀI PHƯƠNG