Thứ Năm, 25/06/2020 11:07

Tranh cổ động kể chuyện

Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại nói chung, ngành đồ họa nói riêng với thể loại tranh cổ động đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước...

Nhiều tác phẩm tranh cổ động không chỉ góp phần ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống, mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này. Qua đó, cung cấp cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam.
 

Phòng “Sưu tập tranh cổ động”
Nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại nói chung, ngành đồ họa nói riêng với thể loại tranh cổ động đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tranh cổ động Việt Nam không chỉ mang tính cổ động, tuyên truyền mà còn phát triển thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dày công sưu tầm và bảo quản được số lượng đáng kể các tác phẩm tranh cổ động đa dạng về đề tài, chất liệu, được sáng tác qua nhiều thời kỳ, phản ánh rõ các hoạt động của con người và xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.

Thăm quan phòng trưng bày
Khai trương phòng trưng bày "Sưu tập tranh cổ động" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Phòng trưng bày mang tên “Sưu tập tranh cổ động” được giới thiệu tới công chúng sáng 23.6 chính là dấu ấn đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dành cho tranh cổ động một không gian riêng, xứng tầm. 30 tác phẩm được sáng tác từ năm 1958 - 1986 cho góc nhìn đa dạng về thể loại tranh đã song hành cùng lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước. Nhiều tác phẩm không chỉ ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này.

Ở đó, công chúng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, sinh động, gắn với từng chủ đề tiêu biểu như: Cải tiến canh tác đẩy mạnh sản xuất của tác giả Minh Mỹ, sáng tác từ năm 1958; Trồng thêm thật nhiều rừng đước của tác giả Nguyễn Chi, 1977; Phát triển đồng cỏ chăn nuôi của tác giả Phan Trang, 1980; Bám biển sản xuất sẵn sàng chiến đấu của Quốc Thái, 1978; Cuộc đời có Đảng của tác giả Lê Sơn Hải, 1980…

Tranh “Ơn Đảng, ơn Bác người Mèo có chữ” của Quách Hùng
“Ơn Đảng, ơn Bác người Mèo có chữ” - tranh cổ động của Quách Hùng

 

“Chung tay xây dựng Tây Nguyên đẹp giàu” - tranh cổ động của Trần Duy Trúc
“Chung tay xây dựng Tây Nguyên đẹp giàu” - tranh cổ động của Trần Duy Trúc

Tranh cổ động thuộc thể loại đồ họa trong nghệ thuật tạo hình, mang những đặc trưng riêng về ngôn ngữ biểu đạt như hình tượng, màu sắc, đường nét, chữ được khái quát, tượng trưng hoặc điển hình hóa nhằm tuyên truyền về sự kiện, hoạt động xã hội xảy ra trong thời điểm nhất định. Trong mỗi tác phẩm, nghệ sĩ sử dụng những cú pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhận định: “Tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Để rồi, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu bộ tranh nhằm góp phần đem lại cái nhìn toàn diện về mỹ thuật tạo hình Việt Nam”.

Song hành với thời đại

Cùng với việc mở cửa trưng bày mới, ấn phẩm đặc biệt về tranh cổ động được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang tên “Khát vọng hòa bình” cũng được ra mắt dịp này. Cuốn sách giới thiệu 81 tác phẩm của nhiều tác giả, sáng tác trong giai đoạn 1958 - 1986. Đó là những tranh cổ động về đề tài kháng chiến, có nội dung bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình để gửi gắm ước muốn và khát vọng hòa bình của con người Việt Nam. Cuốn sách như một sự nối dài của không gian phòng trưng bày, để nói lên giá trị của tranh cổ động song hành với thời đại, dân tộc.

Cuốn
Cuốn "Khát vọng hòa bình" do NXB Hội Mỹ thuật ấn hành giới thiệu 81 tác phẩm tranh cổ động

Từ những ý chí quyết thắng Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của Xuân Hồng, Thừa thắng xông lên của Huỳnh Văn Gấm, Kẻ thù nào cũng đánh thắng của Cao Trọng Thiềm, Lên đường lập tiếp chiến công của Nguyễn Tiến Cảnh… các tác phẩm được sáng tác trong mọi hoàn cảnh khác nhau từng tràn ngập trên đường phố Hà Nội trong những cuộc xuống đường rực lửa đấu tranh, tố cáo tội ác của quân xâm lược. Các thế hệ họa sĩ không tiếc công sức, thời gian xây dựng các cụm pa - nô lớn ở quảng trường Nhà hát Lớn, nhà Bách hóa tổng hợp, ở nhà thông tin phố Đinh Tiên Hoàng, Vân Hồ và các công viên lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Tranh “Bám biển sản xuất sẵn sàng chiến đấu” của Quốc Thái
Tranh “Bám biển sản xuất sẵn sàng chiến đấu” của Quốc Thái

Chiến thắng mùa xuân năm 1975 mở ra trang sử mới cho dân tộc. Công việc của các họa sĩ vẽ tranh cổ động lại thêm trách nhiệm lớn lao là thể hiện sự nghiệp cả nước cùng bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Có thể kể đến tác phẩm như: Chung một ngọn cờ của Huỳnh Phương Đông, Mùa xuân vĩnh viễn của Lê Đức Lai, Việt Nam hòa bình thống nhất của Thục Phi… Những bức tranh gợi cho nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến suy ngẫm: Diện mạo của Tổ quốc Việt Nam: Thanh xuân - Cường thịnh - Độc lập - Tự chủ, tranh cổ động đã nói lên tất cả. Và việc sưu tầm, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm tiêu biểu trong số đó là cách để gợi mở ý thức trách nhiệm và thông điệp lịch sử hào hùng luôn đồng hành với con người Việt Nam trong muôn ngàn gian khó.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thái Minh)