Thứ Bảy, 04/04/2020 12:27

Trốn chạy số phận

Tôi tỉnh lại khi nghe tiếng súng và tiếng la khóc. Không gian mù mịt bụi tung lên từ những đống đổ nát như bóp nghẹt hai lá phổi. Khi tiếng la khóc đã lắng xuống thì tiếng súng ngày càng gần hơn. Có tiếng bước chân lạo xạo trên đống đổ nát bên ngoài tòa nhà tôi đang lẩn trốn. (Truyện ngắn của Skylar Rose Murphy, Syria)

. Truyện ngắn của Skylar Rose Murphy (Syria)

Tôi tỉnh lại khi nghe tiếng súng và tiếng la khóc. Không gian mù mịt bụi tung lên từ những đống đổ nát như bóp nghẹt hai lá phổi. Khi tiếng la khóc đã lắng xuống thì tiếng súng ngày càng gần hơn. Có tiếng bước chân lạo xạo trên đống đổ nát bên ngoài tòa nhà tôi đang lẩn trốn. Tôi hoảng sợ biết rằng những tay súng kia đang tới. Tôi phải tìm nơi ẩn nấp. Nhưng ở đâu bây giờ? Quanh tôi chỉ có đất đá và thi thể mẹ đang nằm đó. Phải thật nhanh!Chúng đang tới rất gần. Tôi vơ lấy một mảnh đá sắc, cứa ngang cổ mình, vừa đủ sâu để máu ứa ra, nhưng cũng không nguy hiểm tới tính mạng. Hy vọng vết thương trông đủ thật, bởi nếu không, chắc chắn tôi sẽ chết hoặc bị bắt làm nô lệ.

Tôi lựa thế nằm ngay trên thi thể mẹ, sao cho giống như bị ném sang một bên sau khi bị sát hại. Ngay khi đó, ba tay súng đạp cửa bước vào. Những kẻ khủng bố không cần ai tôn trọng cả. Chúng chỉ biết giết chóc, cướp bóc và hãm hiếp. Chúng làm tôi ghê tởm.

Một tên vẻ như là cầm đầu nói: “Lục soát tòa nhà. Không một ai được sống cả”.

Một tên tặc lưỡi tiếc rẻ: “Sếp ơi, có vẻ như kẻ nào đó đã tới trước chúng ta. Trời đất, kẻ nào lại giết một con bé xinh thế này và mẹ nó nữa. Thật uổng, lẽ ra chúng ta đã có thể bắt nó làm nô lệ”.

Tên cầm đầu cười: “Haha… Con bé này rất thích hợp làm nô lệ cho Mohammed - con trai tao! Nó cũng sắp tròn 18 tuổi!”.

Tên thứ ba bảo: “Tôi đã lên tầng trên. Không có ai trên đó, chỉ có gạch đá, bụi đất và những vệt máu khô”.

Tên cầm đầu bảo: “Thôi được, chúng ta đi thôi”.

Tên thứ hai vẫn lầm bầm, đưa mũi giày đá đá vào má tôi: “Thật uổng, con bé xinh thế này”. Tôi lập tức vờ lăn xuống khỏi người mẹ tôi như một cái xác thực thụ. Cuối cùng, gã nói: “OK. Tôi tới đây. Hình như có tiếng trẻ con khóc ở đâu đây”.

Tên cầm đầu cười. Lũ khủng bố khiến tôi ghê rợn khi nguồn vui của chúng chỉ là thảm sát.Nhưng tôi vẫn phải chiến đấu vì mạng sống của mình. Mẹ đã dạy tôi phải vờ chết thì mới có thể sống sót.

Thời gian trôi qua bao lâu tôi không biết nữa. Có lẽ là một tiếng, nhưng dài dằng dặc như cả ngày trời. Nằm bên thi thể mẹ, khiến tôi nhớ tới cái chết của bố. Ông đã chết từ lâu, lạnh cứng và chỉ sáng hôm sau mẹ tôi mới biết. Tôi cũng nhớ tới đứa em gái đã ra đi vì bệnh cúm ngay trên tay tôi. Tôi nhớ cơn ho bật máu của nó trước khi nhắm mắt từ biệt cõi đời. Những cái chết của người thân thay đổi con người chúng ta mãi mãi. Chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn nhưng trái tim chúng ta cũng mất đi những phần không thể bù đắp. Nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục bước đi cùng hi vọng. Hi vọng giúp chúng ta bước tiếp về phía trước, tìm kiếm tự do. Chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được nỗi đau mất đi người thân, mà chỉ học cách sống cùng với những hình ảnh của họ ở trong tim thay vì ở bên mình.

Ảnh minh họa.

Tiếng súng đã tắt, tiếng la khóc cũng không còn. Xung quanh chỉ còn lại một không gian im lặng, chết chóc. Tôi biết chắc những kẻ khủng bố đã đi xa. Trời đang sập tối. Tôi chậm chạp rời khỏi khu nhà đổ nát, quên đi vết thương nơi cổ và cơn đau đầu như búa bổ. Biết rằng mẹ sẽ không cần tới chiếc áo lông nữa, tôi vừa nhẹ nhàng cởi nó ra vừa nói: “Con yêu mẹ, mẹ à!” rồi rời khỏi tòa nhà gần như đã đổ sập hoàn toàn.

Với vết thương ở một bên chân và trái tim trĩu nặng, tôi khập khiễng đi về phía Tây. Mẹ bảo phía Tây là nơi cánh cửa mở ra, là nơi ta chạy tới với những điều tốt đẹp, hãy cứ đi về phía Tây. Đó là điều mẹ vẫn hằng ngày nhắc nhở tôi và em gái, đem lại cho chúng tôi hi vọng ĐƯỢC SỐNG. Cơn gió lạnh buổi tối quất mạnh lên mặt như muốn đẩy lùi tôi về phía sau – thứ không khí lạnh lẽo trái ngược hẳn với cái nóng như rang ban ngày. Ở Syria dường như chỉ có những thái cực, chưa bao giờ có cái gì là “phù hợp ở giữa” cả. Tôi tiếp tục loạng choạng đi qua bóng đêm với niềm hi vọng con tim mình sẽ dẫn đường.

Khi màn đêm qua đi, tôi đã tới bên bờ biển, kiệt sức. Ở đây có một nhóm người đang tìm đường tị nạn bằng một chiếc xuồng cao su. Họ rủ tôi đi cùng. Tôi đồng ý, bởi tôi còn gì để mất nữa đâu? Nếu ở lại, có thể tôi sẽ chẳng toàn mạng sống, nhưng nếu lên chiếc xuồng cao su đó, tôi có thể sẽ được sống. Và tôi sẵn lòng mạo hiểm.

Chúng tôi đợi thêm vài người nữa tới rồi cùng nhau dùng sức thổi phồng chiếc xuồng cao su. Nhìn những con sóng vỗ bờ, tôi đã thấy những điều đẹp đẽ thay vì những đống đổ nát hoang tàn và chết chóc. Tôi giật mình khi thấy một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi ngồi sau mình.

“Xin chào cô bé. Ổn chứ? Vết thương ghê gớm nơi cổ kia…?”.

Tôi thần người nhìn gã, nhưng giọng gã có vẻ rất quen. Gã lại hỏi: “Làm sao vết thương đó ngừng chảy máu được nhỉ?”.

Tôi trả lời hờ hững, nhìn thẳng vào mắt gã: “Một nửa chỗ máu đó không phải là của tôi”.

Gã tỏ ra ngạc nhiên: “Ồ… Chúng ta sẽ trở lại sớm thôi. Khi đó thì vết thương ở cổ có thể sẽ lành thôi, cô bé xinh đẹp ạ”. Gã rời đi với một nụ cười tự mãn.

Tôi băn khoăn, không hiểu sao gã lại nói từ “vết thương ở cổ” vẻ chế nhạo như vậy? Lẽ nào gã là tên đã nói rằng sẽ bắt tôi làm nô lệ nếu còn sống?

Dẫu sao thì tôi cũng vẫn bước lên chiếc xuồng cao su. Gã cố gắng tìm cách ngồi cạnh tôi, nhưng tôi không nghĩ gì nhiều đến việc đó. Chiếc xuồng khá chật, nhưng chưa đến độ có thể chìm. Tôi nhìn quanh và thấy những gương mặt như tôi. Tất cả đều trốn chạy khỏi một nơi, vì cùng một lí do. Một đứa bé chưa đến năm tuổi ngồi cạnh cứ ôm chặt lấy tôi, nhìn vào mắt tôi mà hỏi: “Có phải mẹ đấy không?”.

Thật đau lòng khi phải nói không. Chắc hẳn thằng bé đã mất mẹ. Đôi mắt nó ngây thơ đến nhói lòng. Cảm thông, tôi mong sao cả tôi và nó cùng sớm được an toàn. Chỉ nửa tiếng sau, quanh chúng tôi đã ra ngoài biển.

Gã đàn ông ngồi bên cạnh thì thầm vào tai tôi: “Thật là một cô bé thông minh”.

Tôi lắp bắp: “Ông định nói gì?”

Gã lặp lại: “Thông minh lắm. Giả vờ chết để được sống”.

Chính là hắn!

Gã tiếp tục thầm thì: “Phải nói là đóng kịch tốt lắm, giống xác chết thật lắm, nhưng trông vẫn vô cùng xinh đẹp”.

Tôi nghẹt thở, nhưng không thể nào thoát khỏi gã. Miệng khô khốc, tôi không nói lên lời.

Gã ISIS lại thì thầm vào tai tôi: “Tao đang tìm cách đánh chìm chiếc xuồng này, nhưng giờ có mày ở đây, trải nghiệm này sẽ hết sức thú vị”.

Tôi lắp bắp: “Ông nói đùa phải không? Xin đừng làm hại những người này!”.

Gã nói: “Quá muộn rồi!”.

Gã đứng dậy, vung lên lá cờ đen của ISIS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Tất cả mọi người trên xuồng òa khóc. Họ biết rằng sẽ chẳng ai sống sót trên chiếc xuồng này cả. Gã ISIS rút dao đâm thủng chiếc xuồng cao su. Tôi là người duy nhất thoát ra và cố gắng bơi thật nhanh, thật xa gã ISIS. Mẹ đã dạy tôi học bơi là thế. Nhưng gã đã đuổi kịp, tóm lấy tôi từ phía sau.

Tôi thở hắt ra: “Đừng, xin đừng. Hãy để tôi đi”.

Gã đáp: “Tao không nghĩ vậy đâu. Mày sẽ là một món quà đặc biệt cho con trai của sếp! Tao sẽ kiếm bộn nhờ mày!”.

Tôi bật khóc, xin gã thả cho tôi đi, nhưng gã chỉ cười lớn, rút ra một chiếc khăn tẩm thuốc mê, úp lên mặt tôi. Mọi thứ bỗng tối đen!

* * *

Tôi tỉnh dậy trong tiếng nhạc vui vẻ. Xung quanh không một ai tôi quen biết.

Có tiếng hát: “Happy Birthday dear Mohammed, Happy Birthday to you!”

Ôi, không…

ƯU ĐÀM (dịch)