Thứ Sáu, 18/12/2020 09:52

Trước kì nghỉ lễ

Mùa đông năm nay giống như một món quà: tuyết, bão và những cơn giá lạnh. Đã từ rất lâu, không có một mùa đông như vậy. Năm nay, nó còn đến sớm hơn nữa. Từ giữa tháng Mười một, khi tôi trên chuyến tàu rời khỏi Volgagrad, trời vẫn còn ấm.

. Truyện ngắn của Boris Ekimov, nước Nga

 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Mùa đông năm nay giống như một món quà: tuyết, bão và những cơn giá lạnh. Đã từ rất lâu, không có một mùa đông như vậy. Năm nay, nó còn đến sớm hơn nữa. Từ giữa tháng Mười một, khi tôi trên chuyến tàu rời khỏi Volgagrad, trời vẫn còn ấm. Buổi sáng, lúc thức giấc trong khoang tàu, từ cửa sổ nhìn ra là một Matxcova trắng xóa: những cánh đồng, cánh rừng nhỏ và những ngôi làng, tất cả đều được phủ kín bởi tuyết.

Tôi sống ở Peredelcine, cách trung tâm thành phố 20 phút đi tàu. Đó là một thế giới khác, với những hàng bạch dương già nua, những cây thông đến vài trăm tuổi, yên bình, tĩnh lặng ngay cả khi tuyết rơi. Tôi đã sống một đời sống vui vẻ ở đó.

Nhưng nếu chỉ có niềm vui thôi thì dường như chưa đủ. Năm nay tôi đã đến Moscow, không chỉ để sống mà còn để chữa bệnh, với một niềm hi vọng những bác sĩ ở thủ đô có thể giúp tôi dù chỉ là một chút nào đó.

Tờ mờ sáng tôi thức dậy, lê những bước chân nặng nhọc đến trạm tàu điện, bước lên khoang tàu chật ních người. Tiếp đến là sân ga nhầy nhụa bùn và dưới chân là những vũng nước bẩn thỉu. Khoảng thời gian sáng sớm của mùa đông thành phố thật khó chịu. Dòng người đông đúc cứ thế tự đẩy tôi vào cửa bến tàu điện ngầm. Cảnh chen chúc diễn ra ở mọi nơi, cửa ra vào, nơi soát vé, cửa thang máy và cả những bậc thang dẫn lên trên mặt đất. Dưới ánh đèn vàng, dòng người cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ đi.

Phía bên trên là những con đường của Moscow, cũng chẳng hề dễ chịu hơn là mấy. Dưới chân, những vỉa hè dính đầy bùn đất chẳng khác nào món cháo tuyết hổ lốn với phân nửa là muối.

Tiếp đến là hành lang của phòng khám, với một hàng dài đã chờ đợi từ rất lâu. Một cô nhân viên nói với một bệnh nhân: “Làm ơn hãy kiên nhẫn chờ đợi, ở đây không chỉ có mình anh đâu... hãy tiếp tục chờ đi… có thể là đến ngày mai hay thậm chí là cả tuần sau đấy… hãy nhìn xem, còn bao nhiêu người đây đây này?” Biết nói gì đây ngoài tiếng thở dài: Tốt nhất là đừng có ốm. Nhưng ở cái thời đại này thật khó để mà không phát ốm lên cho được.

Buổi chiều người ta nhìn, ngắm, nghe, mệt mỏi và bước những bước chân nặng nhọc. Lại tàu điện ngầm, lại hầm đi bộ. Lạy chúa trên cao, không hiểu sức mạnh nào đã lùa chúng tôi vào cái hang khó chịu này. Khi người ta thoát ra được khỏi nó, họ thở dài và chạy đến tàu điện, hòa tiếp vào đám chen chúc buổi chiều đấy rồi cùng cầu nguyện cho chuyến tàu sắp tới không bị chậm.

Cuộc sống ở chốn Moscow của tôi cứ trôi qua như vậy, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác. Thức dậy từ lúc trời còn tối rồi lại trở về nhà lúc trời tối. Chẳng có thứ gì khiến tôi vui vẻ, thậm chí cả mùa đông và tuyết trắng.

Tháng Mười hai rồi cũng đến, chuẩn bị một năm mới đến. Cuộc sống của tôi vẫn như một bản nhạc cũ, càng dài lại càng buồn.

Có một lần trong một buổi tối, tôi đã gặp may mắn đến tận hai lần: chuyến xe lửa không bị trễ và toa xe không rơi vào tình trạng quá đông như mọi khi. Tôi ngồi xuống, mở báo ra, vờ đọc như một trí thức. Mặc dù những thứ đọc được trong đó đều là những vụ giết người, những vụ nổ, cướp giật và thậm chí cả những vụ ẩu đả để đọ xem ai lấy trộm được nhiều hơn. Tuy vậy theo thói quen, tôi vẫn lấy một tờ báo hoặc một cuốn truyện trinh thám để khỏi phải nhìn đến ai và cũng chẳng ai động đến mình. Chuyến tàu buổi tối chở đầy những hành khách mệt mỏi, mùa đông, sự chật chội, rồi từ cửa ra vào, những cơn gió kéo theo khói bụi lùa vào, văng vẳng đâu đó tiếng càu nhàu rồi chửi bới.

Tôi gập tờ báo lại, đôi mắt dần dần sụp xuống, nhưng chưa kịp chợp mắt thì những cô gái trẻ bên cạnh bắt đầu bắt chuyện với nhau. Ơn Chúa là các cô không phải tuýt mở miệng ra là nói những tiếng chửi thề. Đó chỉ là những câu chuyện phiếm thường nghe thấy ở các cô gái: những bài giảng trên lớp bài thực hành, những bài kiểm tra giữa kì, chủ yếu là chuyện học hành. Rồi họ nhắc đến năm mới, chuyện mà chẳng mấy chốc nữa là sẽ tới.

- Đến lúc phải chuẩn bị quà rồi… - Một cô trong số họ thốt lên.

- Quà gì bây giờ nhỉ? Giờ cái gì cũng thật đắt đỏ.

- Cậu vẫn chưa chuẩn bị á? - Cô gái kiatỏ vẻ sửng sốt - Khi nào thì cậu định chuẩn bị đây? Phải mua rất nhiều cho tất cả mọi người đó!

- Thế còn cậu?…

- Tớ gần như đã chuẩn bị xong hết cả rồi. Tớ đã mua cho mẹ một đôi dép đi trong nhà bằng nỉ từ hồi mùa thu khi còn ở Kimra, một cụ già đã bán nó cho tớ. Đôi giày được may thủ công nhưng không hề đắt một chút nào. Chân mẹ tớ bị đau vì cao su nên đây tớ mua đôi giày nỉ đó. Nhìn chúng khá đơn giản thế nên tớ đã trang trí cho chúng: may thêm viền màu xanh, đính thêm một bông hoa nhỏ lên trên. Trông nó như một bức tranh đáng yêu vậy. Ôi, mẹ tớ chắc sẽ vui lắm ấy! – Giọng cô gái vang lên vui vẻ cứ như là ai đó tặng cho cô ấy cái gì đó rất đẹp vậy.

Tôi ngẩng đầu lên, liếc nhìn: một cô gái trẻ bình thường như những cô gái khác. Cô ấy đội một cái mũ lông, mái tóc vàng xõa xuống vai. Một khuôn mặt nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng tràn đấy sức sống.

- Và tớ đã mua quà cho ông ngay trên chuyến tàu này - Câu chuyện lại được tiếp tục. - Ông của tớ buồn cười lắm. Ông rất thích đọc về những tên tội phạm. Mặc dù ông rất tốt bụng, nhưng mà hễ đọc được gì về những vụ phạm tôi ông lại càu nhàu: “Ở thời Xô - viết sẽ chẳng bao giờ có những chuyện như thế này đâu…”. Tớ đã mua cho ông một bộ sách gồm hai cuốn, họ bán ở trên tàu mà không hề đắt một chút nào, tất cả chỉ hết có 30 rúp. Nó có tên là: Những tội ác thế kỉ.

Ông sẽ rất hài lòng và sung sướng! – Giọng nói và tiếng cười hạnh phúc của cô gái vang khắp cả toa tàu. - Sáng mai chúng tớ có tiết thực hành, ở gần đó có một cửa hàng dành cho những người mắc bệnh tiểu đường. Tớ đã tìm hiểu rất rõ về nó. Bà bị tiểu đường, nhưng lại rất thích những đồ ăn ngon. Tớ sẽ mua kẹo và bánh quy dành cho những người bị tiểu đường cho bà. Hộp của chúng rất đẹp. Ôi, bà ngoại đáng yêu của tớ! Bà chắc chắc sẽ rất vui cho mà xem.

Và tiếng cười hạnh phúc lại vang lên. Khuôn mặt của cô gái sáng bừng hạnh phúc, đôi mắt long lanh vẻ mãn nguyện.

- Còn cho bố. Bố tớ là một người chăm chỉ và tốt bụng. Ông không chịu ngồi yên một phút nào… nên tớ đã mua cho bố …

Không chỉ tôi và những người ngồi bên cạnh, mà không, tôi nghĩ là cả toa tàu đã lắng nghe hết câu chuyện hạnh phúc về những món quà năm mới của các cô gái. Những cuốn sách đang mở, những tờ báo được trải trên đầu gối đều được hạ xuống để lắng nghe câu chuyện của cô gái. Có lẽ, tất cả mọi người cũng như tôi, đã quên đi hết những muộn phiền của cả một ngày dài, những đắng cay và hình như, một thứ gì đó đang nhen lên trong lòng mỗi người: đúng là năm mới đã sắp đến rồi, tôi cũng sắp rời khỏi đây, vậy mà tôi cũng chưa mua một món quà nào từ Matxcova cho ai cả, thậm chí còn chưa từng ngó đến bất cứ cửa hàng nào. Nhưng mà dù sao đi chăng nữa, chẳng phải năm mới sắp đến rồi sao!

Đúng lúc đó, chẳng biết từ đâu, một người bán hàng rong mà có lẽ vừa bị công an đuổi xuất hiện! Anh ta đặt một cái túi lớn xuống đất và bắt đầu rao:

- Bà con chú ý! Khăn mùi xoa cho cả đàn ông lẫn đàn bà, khăn giấy để trong bàn ăn năm mới đây….

Anh ta chưa kịp rao hết câu thì vài người đã nhoài người ra:

- Ây, cho tôi xem nào…

-Bao nhiêu đấy?

Những món hàng được bán với tốc độ đáng kinh ngạc. Người ta mua mua những chiếc khăn tay mùi xoa nữ với những đường viền màu sắc sặc sỡ được may một cách tinh tế… Đó chẳng phải để làm quà thì còn làm gì chứ? Còn những chiếc khăn dành cho nam thì trông lịch sự, trang trọng nhưng cũng không kém phần dễ thương. Họ tranh nhau mua những gói giấy ăn có hình ông già tuyết và cây thông. Chẳng mấy chốc mà cái túi của anh bàn hàng rong đã hết.

- Thật là một toa tàu tuyệt vời – người bán hàng vui vẻ nói - Mọi người đã lựa chọn đúng đắn đó! Những sản phẩm này đều rất tốt. Tôi chẳng bao giờ bán hàng rởm cả. Ngày mai sẽ lại có hàng mọi người nhé!

Và đúng lúc đó thì tàu tới điểm của tôi. Có rất nhiều người bước xuống tàu. Họ thu gọn và cất những cuốn sách, những tờ báo chưa kịp đọc, bước đến lối ra và đi ngang qua những cô gái kia với nụ cười thân thiện trên môi, họ nhìn và đoán xem ai trong số họ đã kể câu chuyện vui vẻ đó. Người phụ nữ trẻ ngồi đối diện tôi trước khi rời đi còn nói với qua lối đi:

- Cảm ơn cô gái bé nhỏ ngọt ngào.

Cô gái không hiểu người phụ nữ đang nói về chuyện gì, mỉm cười gượng gạo: Vì chuyện gì ạ…?

Mà quả thật – là vì cái gì chứ?

Tôi thong thả bước ra khỏi xe, nhường đường cho những người đang vội vã, hối hả kia. Họ còn phải lên chuyến xe buýt đi tới cao tốc Borovkoye ở một quận mới. Còn tôi, con đường của tôi không còn xa mấy, chừng hai bước nữa là đến. Con đường thật tuyệt vời: những cây bạch dương, hàng thông hai bên đường như những người lính nghiêm trang đứng canh gác. Trời không quá lạnh, nhưng trong tâm hồn, trong trái tim tất cả đều ấm áp. Cảm ơn cô gái trên chuyến tàu đó. Và để giúp cô, hoàng hôn tím trong lành buông xuống trên những cây linh sam đen, dòng sông thì thầm dưới cây cầu gỗ mềm mại, tiếng nói vọng từ xa, tiếng cười trẻ nhỏ và đương nhiên, còn có cả niềm hy vọng nữa. Vì thế, hãy cứ bước đi thôi, anh bạn ạ…

 

NGỌC ANH - KIỀU CHINH dịch theo văn bản tiếng Nga.