Thứ Năm, 25/03/2021 10:59

Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta

Với văn chương Tự Lực văn đoàn, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được hiện diện một cách mạnh mẽ trong tư cách của những nhân vật chủ động.

 Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành là một công trình khảo cứu được biên soạn công phu bởi nhóm chuyên gia thuộc Viện Văn học Việt Nam. Cuốn sách tập hợp và tuyển chọn từ các bài báo đăng trên tờ báo nổi tiếng của nhóm Tự Lực văn đoàn là Phong hóa và sau là Ngày nay.

Trong buổi ra mắt cuốn sách này, (tối 24/3/2020 tại Hà Nội) nhà văn Trang Hạ đã ví von rằng, nếu coi thế kỉ XX là một người phụ nữ, thì đó là một người phụ nữ quá phức tạp, đầy mâu thuẫn, và ở mỗi độ tuổi cô ấy đã sống một cuộc đời khác nhau. Và việc cuốn sách ra đời giống như việc chúng ta đang vẽ lại một phần chân dung tâm hồn phụ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XX, giai đoạn mà người phụ nữ đã có những định hướng, góc nhìn mang tính cá nhân hoá. Đó chính là thời kì mà nhân quyền và nữ quyền được đề cao.

Đầu thế kỉ XX những thay đổi về chính trị xã hội diễn ra sâu sắc tại Việt Nam.Về cơ bản, chúng ta bị nền đô hộ thực dân áp bức, tuy nhiên cùng với đó thì nhà trường thực dân cũng cho chúng ta ý thức hơn về quyền làm người. Có những thuận lợi cho phụ nữ khi mà chữ quốc ngữ xuất hiện, Nho giáo không còn thống trị, phụ nữ được đi học, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Sau những cuộc đấu tranh bạo lực đầu thế kỉ thất bại, chúng ta chuyển sang đấu tranh phi bạo lực, và đây chính là cơ hội để người phụ nữ khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Không gian buổi ra mắt cuốn sách Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta tại Hà Nội

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, người có rất nhiều nghiên cứu về phụ nữ và nữ quyền những năm trước 1945 cho rằng: Cứ đọc Tự Lực văn đoàn chúng ta sẽ nhận thấy, phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX không phải mẫu ngoan hiền, đoan trang, cam chịu. Họ đầy sức sống, mạnh mẽ, quyết liệt trong việc đấu tranh đòi nữ quyền. Báo Phụ nữ Tân văn đã có bài viết phân tích rất sâu sắc gánh nặng của người phụ nữ, bên cạnh đó đem đến ý thức rằng họ có quyền và cần phải đấu tranh bảo vệ quyền của mình. Và phụ nữ đã tái sinh từ thập niên sôi động đó.

Vấn đề phụ nữ nổi lên như một chủ điểm quan trọng ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX, khi Việt Nam giao lưu tiếp xúc với thế giới phương Tây. Trong giai đoạn đó, Tự Lực văn đoàn nổi lên như như một tổ chức quan tâm và thảo luận về vấn đề phụ nữ. Sự thay đổi của đời sống văn hoá xã hội theo hướng Âu hoá ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã dẫn tới sự thay đổi tất yếu trong quan niệm và địa vị xã hội của người phụ nữ. Phụ nữ đã tự xác lập mình trong tư cách con người xã hội. Sự trỗi dậy ấy đã thu hút được Tự Lực văn đoàn viết về họ, cho dẫu ở giai đoạn khởi đầu vẫn còn có những định kiến về sự chóng vánh và thiếu kiểm soát của một bộ phận phụ nữ đô thị.

Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương - Viện Văn học đã có những nghiên cứu thấu đáo về Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta: Nhắc đến mối liên quan giữa Tự Lực văn đoàn với vấn đề nữ quyền, hẳn độc giả khó có thể không nhắc đến bộ tứ tiểu thuyết lừng danh Nửa chừng xuân (Khái Hưng), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Lạnh lùng (Nhất Linh), Thoát ly (Khái Hưng). Cho đến nay, bộ tứ này vẫn “đáng được xem là những tác phẩm tiêu biểu nhất, những tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhất, trong cuộc đấu tranh đòi các quyền phụ nữ và nữ quyền ở Việt Nam lúc bấy giờ. Những tác phẩm ấy đã vượt ra ngoài khuôn khổ của trang sách, của các thụ hưởng nghệ thuật, để tác động vào đời sống, động viên và cổ vũ những cô gái mới khẳng định giá trị cá nhân cá thể của mình, biết yêu quý trân trọng tuổi xuân, để “lạnh lùng” mà “đoạn tuyệt” và “thoát ly” chế độ và luân lí cũ, vốn chỉ bóp nghẹt tự do và giam hãm người phụ nữ vào trong không gian và sự chuyên chế của gia đình trưởng giả truyền thống.

Với văn chương Tự Lực văn đoàn, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được hiện diện một cách mạnh mẽ trong tư cách của những nhân vật chủ động. Qua các tiểu thuyết lãng mạn tiêu biểu như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa… Tự Lực văn đoàn đã dành sự quan tâm và tôn cao vị thế chủ động của người phụ nữ, xem đấy như dấu chỉ về cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, giữa con người cá nhân và chủ nghĩa đại gia đình, giữa tư tưởng tự do tiến bộ với nền luân lí Khổng giáo lỗi thời…

Trong văn chương và báo chí, Tự Lực văn đoàn đã giúp cho người phụ nữ có cái nhìn sâu sắc hơn về cái tôi bản thể, về tự do và bình đẳng. Sự ghi nhận đã được khẳng định khi mà bên cạnh những cuộc đấu tranh đòi nhân quyền nổ ra lúc bấy giờ là các cuộc đấu tranh đòi nữ quyền. Tuy vậy, hầu như các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn đều là nam giới viết về phụ nữ cho nên đó chưa hẳn là sự thành công về mọi khía cạnh đối với phong trào nữ quyền lúc bấy giờ.

Trong buổi trò chuyện về cuốn sách, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng đưa ra một nhận định hết sức thú vị và đáng suy ngẫm: Phụ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XX đã có những phong trào mạnh mẽ như vậy để thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận của chính mình. Nhưng so sánh với người phụ nữ đương đại hôm nay, dường như chúng ta chưa đi xa được bao nhiêu… Phụ nữ ngày nay vẫn đang gánh những quan niệm như công, dung, ngôn, hạnh; giỏi việc nước đảm việc nhà; thiên chức phụ nữ… chính những điều này dường như đã hạn chế người phụ nữ rất nhiều trong việc phát triển bản thân và tự do của mình.

NGUYỄN SƠN