Thứ Năm, 16/09/2021 20:50

Văn học thiếu nhi đương đại Nga và Việt Nam có những tương đồng

Trong khuôn khổ các hoạt động trước thềm Festival “Văn học Nga và văn học khu vực Thái Bình Dương” lần thứ 4, Ban tổ chức sự kiện tiến hành chuỗi giao lưu văn học trực tuyến.

Trong khuôn khổ các hoạt động trước thềm Festival “Văn học Nga và văn học khu vực Thái Bình Dương” lần thứ 4 diễn ra vào 25 - 27/9/2021 tại thành phố Vladivostok (Nga), Ban tổ chức sự kiện tiến hành chuỗi giao lưu văn học trực tuyến, trong đó có buổi giao lưu giữa các nhà văn Liên bang Nga và Việt Nam.

Với chủ đề Văn học hướng tới đối tượng người đọc trẻ tuổi - thiếu nhi, thanh thiếu niên ở Việt Nam và Nga: vấn đề mâu thuẫn giữa các thế hệ và việc chuyển tải mã văn hóa thông qua văn học, chiều 15/9/2021 buổi toạ đàm đã diễn ra bằng hình thức online. Các khách mời đến từ hai nước đã có buổi trò chuyện cởi mở, thân thiện và chuyên sâu về thực trạng văn học dành cho lứa tuổi này.

Ban tổ chức lựa chọn chủ đề được cho là đang rất được quan tâm ở Nga cũng như ở Việt Nam. Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày càng làm nên sự khác biệt giữa các thế hệ nói chung. Đối với nghệ thuật cũng có những sự khác biệt ấy, trong đó có văn học. Cuộc toạ đàm hướng các nhà văn đến những trao đổi, đưa ra quan điểm, góc nhìn về vấn đề này.

Ông Vyacheslav Konovalov tại buổi tọa đàm. Ảnh: Chụp màn hình.

Ông Vyacheslav Konovalov, Chủ tịch Festival Văn học Nga Thái Bình Dương cho rằng: Cái chúng ta cần quan tâm chính là mã văn hoá giữa các thế hệ. Đã có sự khác biệt rất lớn giữa các thế hệ. Để giải quyết sự khác biệt này chúng ta cần có một số công cụ, trong đó văn học đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì đó là ngôn ngữ. Ngôn ngữ sẽ giải quyết được vấn đề trao truyền văn hoá giữa các thế hệ. Đó là sợi dây liên kết, nối giữ các thế hệ với nhau. Buổi toạ đàm, gặp gỡ này sẽ đem lại cho chúng ta những kết quả cũng như mở ra một hướng đi mới để các nhà văn tiếp cận, giải quyết vấn đề này.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên rất được quan tâm. Đặc biệt, mới đây Ban Chấp hành Hội Nhà văn đã rất khuyến khích các nhà văn ở mảng này bằng việc thành lập Giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm, với mong muốn sẽ thúc đẩy, tạo cảm hứng để có những tác phẩm xứng tầm.

Trao đổi tại buổi toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi bày tỏ: Đây là một toạ đàm chứa đựng tinh thần sứ mệnh lớn lao. Sau hàng chục năm, Hội Nhà văn Việt Nam lại đặt văn học thiếu nhi vào chiến lược lâu dài, lập Hội đồng văn học thiếu nhi, lần đầu tiên mở cuộc vận động kéo dài, kêu gọi các nhà văn Việt Nam sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Trong cuộc họp mới đây giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước khẳng định sẽ làm những gì có thể để văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Buổi toạ đàm hôm nay là khởi động vô cùng tốt đẹp cho văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển trong tương lai. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn mời các nhà văn viết cho thiếu nhi của Nga đến Hà Nội làm toạ đàm quốc tế về văn học thiếu nhi khi hết dịch Covid-19.

Các nhà văn Nga tham gia tọa đàm. Ảnh: Chụp màn hình

Trong lần đầu tiên giao lưu, gặp gỡ các nhà văn Việt Nam, nhà văn Andrei Ghelasimov, tác giả của Giải thưởng sách Nga bán chạy nhất năm 2019 cho tiểu thuyết Các vị thần thảo nguyên đã cho rằng, chúng ta còn biết quá ít ỏi về nhau, cần phải gặp nhau, để thúc đẩy sự phát triển của văn học hai nước. Các nhà văn Nga chờ đợi các tác phẩm Việt Nam được dịch sang tiếng Nga.

Theo ông, hiện nay, các nhà văn lớn của Nga ít người viết cho thiếu nhi. Trong quá khứ, Nga đã từng có những nhà văn lớn, có tác phẩm để đời ở mảng này, làm nên một nền văn học thiếu nhi Nga kinh điển, nhưng bây giờ đã khác. Giải thích cho điều này, nhà văn Andrei Ghelasimov nói: “Hiện nay các nhà văn quá bận rộn để suy ngẫm về các vấn đề của người lớn mà không viết cho trẻ em nữa. Bản thân tôi 20 năm trước có viết một cuốn sách cho trẻ em, nhưng cũng đã 20 năm rồi. Tôi nghĩ vấn đề do độ tuổi. Ví dụ thời Tolstoy, ở tuổi 40 con người đã trở thành ông bà già. Hiện nay, tuổi đời con người kéo dài ra, 40 tuổi còn rất trẻ. Vậy nên xảy ra tình trạng mất giá trị của người 20 tuổi, 20 tuổi vẫn được coi là trẻ em. Sự dịch chuyển lứa tuổi gây nên vấn đề chúng tôi thiếu tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên. Trẻ em bây giờ luôn thể hiện vấn đề mang tính cấp tiến, chúng tôi cho rằng do hooc môn lứa tuổi, rồi nó sẽ qua đi. Sự thật là nó sẽ qua đi nhưng những người đang sống trong giai đoạn này sẽ trải nghiệm điều này như là bi kịch của bản thân vậy. Những người lớn bận rộn nên quên đi vấn đề của mình lúc thiếu niên”.

Nhà văn Srgei Lukianenko, một tác giả kì ảo của Nga với tác phẩm "Tuần đêm" được dịch giả Thụy Anh dịch ra tiếng Việt.  Ảnh: TL

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ - Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh không nghĩ đó là sự mâu thuẫn thế hệ: “Tôi thấy đó là sự khác biệt thế hệ nhiều hơn. Như một sự vận động tất yếu. Mỗi thế hệ người viết họ sẽ kể câu chuyện của thế hệ họ. Ví dụ, các nhà văn trải qua chiến tranh sẽ kể câu chuyện của họ trong chiến tranh, đến thời bao cấp họ viết về câu chuyện thời bao cấp …, trẻ em hôm nay có câu chuyện của hôm nay. Có những tác giả chuyên nghiệp lựa chọn viết cho thiếu nhi từ khi còn trẻ đến khi cao tuổi vẫn viết một cách ổn định và lâu dài. Điều đó rất đáng quý và cần thiết với một người viết chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trải nghiệm cá nhân cũng đem đến cảm hứng sáng tác tức thời, thú vị. Một người chưa từng viết cho trẻ em nhưng khi làm bố làm mẹ họ sẽ có động lực thôi thúc viết cho thiếu nhi. Có những người sẽ viết để kể lại năm tháng ấu thơ, học trò. Những người lớn tuổi rồi sẽ viết với sự trải nghiệm, hồi tưởng, rất đáng đọc. Tôi nghĩ rằng cùng sự vận động chung của văn học, mỗi người viết sẽ có sự vận động riêng”.

Ở lĩnh vực in ấn, xuất bản, những năm trở lại đây, các tác phẩm viết cho độ tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên cũng xuất hiện rất nhiều. Số lượng các tác giả viết nhiều hơn, nhu cầu bạn đọc cũng tăng lên. Nhà văn Văn Thành Lê - Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: Mỗi năm, ở Việt Nam khoảng hơn 250 tác phẩm văn học thiếu nhi được xuất bản, trong đó khoảng 100 tác phẩm là sách mới. So với các mảng khác thì sách văn học thiếu nhi chiếm một tỉ lệ không phải là nhỏ. Vài năm trở lại đây, các nhà xuất bản làm sách cho độ tuổi này xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, xuất hiện một số dòng sách văn học thiếu nhi mới, kết hợp với kĩ năng, kiến thức... Mười năm trở lại đây thiếu nhi quan tâm nhiều đến văn học kì ảo nhưng chủ yếu từ sách dịch.

Có thể nói, trong nhiều thập kỉ qua cho đến hiện nay, văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam đều là những tác phẩm kinh điển thời Xô-viết được in lại. Vậy văn học thiếu nhi Nga đương đại đang diễn ra như thế nào?

Tổng biên tập Nhà xuất bản Cận vệ trẻ của Nga nhận định, có thể nói diện mạo của văn học thiếu nhi Việt Nam và Nga đương đại có nhiều điểm tương đồng. Ở Nga, văn học thiếu nhi là văn học dịch rất nhiều, thiếu nhi cũng quan tâm đến dòng văn học kì ảo, viễn tưởng, còn sách thiếu nhi trong nước chủ yếu là sách kinh điển của thời kì Xô-viết. “Chúng tôi có sự hỗ trợ với xuất bản nhưng chúng tôi cũng đang mất dần một thế hệ độc giả trẻ nên cần đưa ra những chiến lược để thu hút hơn. Nhà nước ủng hộ xuất bản nhưng đó mới là một mặt của vấn đề, các nhà xuất bản cần nỗ lực rất nhiều”.

Câu chuyện thế hệ trong lực lượng sáng tác cũng là một vấn đề mà các nhà văn quan tâm thảo luận. Việc trao chuyền văn hoá giữa các thế hệ được tiến hành bằng sự tiếp nối của những người viết. Gần đây,sự xuất hiện của một cây bút nhí, viết cho lứa tuổi của mình, đó là tín hiệu rất vui và đáng được khích lệ.

Nhà văn Phong Điệp - Báo Nhân dân chia sẻ: văn học thiếu nhi chia ra hai mảng (người lớn viết, thiếu nhi viết). Sự góp mặt của đông đảo thế hệ, mỗi thế hệ một cách viết tạo nên sự đa dạng cho mảng này. Thiếu nhi viết tạo nên dòng chảy liên tục cho văn học. Việt Nam rất quan tâm đến việc bồi dưỡng thế hệ viết kế cận tương lai. Nhiều hình thức tìm kiếm, cuộc thi viết, trại sáng tác… được tổ chức dành cho thiếu nhi. Những nhà văn thành danh cũng thường được mời để bồi dưỡng, trao đổi với thế hệ trẻ. Đây là hình thức trao chuyền đam mê nhiệt huyết giữa các thế hệ. Còn các nhà văn thế hệ trước khi viết cho thiếu nhi sẽ viết bằng kinh nghiệm, và họ cố gắng nhập vai để viết.

Một số nhà văn Việt Nam tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Chụp màn hình

Tương tự như vậy, các nhà văn Nga cho biết, ở Nga có chương trình giúp đỡ hỗ trợ nhà văn trẻ của nhà nước. Với những tài năng, nhà nước sẽ liên tục hỗ trợ họ được in ấn, xuất bản.

Buổi toạ đàm khép lại với ý kiến của ông Aleksandr Zubritski, giám đốc Quỹ Thế giới Nga, ông cho rằng, vấn đề trao truyền mã văn hoá rất quan trọng trong tình hình thế giới rất nhiều nhiễu động. Sự phi đạo đức trắng trợn của con người khiến chúng ta không ngừng suy ngẫm. Hiện nay các nhà văn không mấy quan tâm đến vấn đề của trẻ con. Tuy nhiên, chúng ta phải để ý đến quy trình ngược lại, chính trẻ em là người hỗ trợ bảo vệ chúng ta. Chúng trao truyền cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm, tôi nhận được mã văn hoá từ chúng. Đó là trải nghiệm thú vị, chúng ta cần đến văn học để chuyển tải và lí giải người lớn sẽ học được gì từ trẻ con. “Vì thế tôi có cái nhìn khá lạc quan với tương lai”, ông Aleksandr Zubritski khẳng định.

HOÀI PHƯƠNG