Thứ Sáu, 15/03/2019 20:28

Vì một nền báo chí của dân tộc

Triển lãm mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa đối với người xem, đặc biệt là với những người làm báo, về truyền thống và sức sống của báo chí cách mạng

Sáng 15/3/2019 tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm kỉ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và 20 năm thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Triển lãm nằm trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019.

Đến dự lễ kỉ niệm có ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Nguyễn Tuấn Phong - Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo đại diện Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được ra đời từ tháng 4/1949, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày đầu, Giám đốc nhà trường là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc là nhà báo Xuân Thủy và ủy viên là các nhà báo: Như Phong, Đỗ Phồn, Tú Mỡ. Một đội ngũ giảng viên hùng hậu đã tham gia công tác đào tạo, gồm các nhà báo, nhà văn, chính trị gia nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…

Tại lễ khai mạc, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, đây là lần đầu tiên có một triển lãm chuyên đề về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng nước ta và duy nhất trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Thông qua những nhân chứng lịch sử, những tư liệu, hiện vật..., triển lãm sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn sâu rộng và đầy đủ hơn về thế hệ những người làm báo tiên phong.

Nhắc đến ngôi trường mang tên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là nhắc tới dấu son và niềm tự hào của bao thế hệ làm báo trong nhiều thập kỉ qua. Trong vòng 3 tháng (từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949), trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo đặc biệt cho 42 học viên, trong đó hầu hết là cán bộ, phóng viên báo chí lúc bấy giờ đang công tác trong các cơ quan báo chí, văn chương, nghệ thuật từ mọi miền đất nước. Nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo, nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ nổi tiếng, có nhiều đóng góp được ghi nhận.

Một số tư liệu trưng bày tại triển lãm

Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của nước ta ra đời trong khói súng và gian khổ. Lễ kỉ niệm nhằm tôn vinh những đóng góp vào công cuộc đào tạo cán bộ cho báo chí cách mạng, với những người thầy, những học viên uy tín và ưu tú của 70 năm trước. Đây cũng là dịp để những người làm báo hôm nay thấu hiểu, tiếp thu và phát huy tinh thần báo chí cách mạng của những người đi trước.

Trong bức thư đề ngày 9/6/1949 gửi nhà trường, Bác Hồ viết: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu Tất cả để chiến thắng”.

Nối tiếp truyền thống của nhà trường, 20 năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo một cách xuất sắc.

Triển lãm mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa đối với người xem, đặc biệt là những người làm báo, về truyền thống và sức sống của báo chí cách mạng, một nền báo chí ra đời trong kháng chiến, từ nhân dân, vì nhân dân và dân tộc mà phát triển và vẻ vang.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 17/3/2019 tại Bảo tàng Hà Nội.

P.V