Thứ Hai, 11/03/2019 14:50

Vị ngọt sô cô la

Không phải lúc nào tôi cũng ăn sô cô la. Nếu ăn vặt, tôi thường dùng món mặn như đậu phộng hoặc xoài xanh với muối và hạt tiêu. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi cha tôi qua đời. (Truyện ngắn của Ingrid Persaud, Anh)

Ingrid Persaud sinh ra ở Trinidad, hiện sống tại London, là một nhà văn, học giả, một nghệ sĩ thị giác. Cô đến với văn chương ngay khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Trường cao đẳng luật King, London. Tiểu thuyết đầu tiên của cô mang tên “If I Never Went Home” (Nếu tôi không bao giờ về nhà) xuất bản năm 2013. Ingrid từng giành chiến thắng chung cuộc Giải thưởng truyện ngắn khối Thịnh Vượng Chung năm 2017 với tác phẩm “The Sweet Sop” (Vị ngọt sô cô la).
Ban giám khảo đánh giá, truyện của cô thuyết phục bởi cốt truyện và nhân vật ý nghĩa, miêu tả tâm lí nhân vật xuất sắc. Câu chuyện vừa dịu dàng, sôi nổi, vừa đau lòng lại đầy hài hước, ẩn chứa nhiều giá trị.

. Truyện ngắn

Không phải lúc nào tôi cũng ăn sô cô la. Nếu ăn vặt, tôi thường dùng món mặn như đậu phộng hoặc xoài xanh với muối và hạt tiêu. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi cha tôi qua đời. Bây giờ tôi hầu như chỉ ăn bánh mì lát chấm mứt hạt phỉ. Mẹ nghĩ rằng chắc tôi bị điên. Mà có lẽ tôi đang điên thật. Nhưng điều không thể phủ nhận là tôi đang béo lên, rất nhiều.


Tôi làm việc trên máy tính nên không cần rời khỏi nhà. Phần lớn, những người tôi hợp tác cũng làm việc tương tự chứ không trong văn phòng. Từ khi bắt tay làm việc, tôi đã biến nhà để xe thành nhà xưởng để tôi và mẹ có không gian riêng. Tôi có nhà vệ sinh và phòng tắm riêng, một nhà bếp nhỏ với một tủ lạnh. Tôi không phải loại đàn ông nốc hai hay ba chai rượu mỗi ngày nhưng lạy chúa, khi mẹ tôi bắt đầu lẩm nhẩm ngu ngốc, tôi chỉ muốn vớ lấy một chai rượu rum mà uống. Điển hình mỗi khi mẹ càm ràm: “Victor, thứ bánh mì và sô cô la này là lỗi của cha con, chúa cứu rỗi linh hồn ông ấy. Trước đó con còn là một gã trai trẻ đẹp, ngay sau gặp ông ấy, như có một con quỷ vô lại ngồi trên đầu con. Bây giờ con hãy nhìn chính mình. Một gã to lớn. Con quên đường đi tới phòng tập thể dục rồi à? Mẹ không hiểu điều gì xảy ra với con. Không đi ra ngoài. Con chỉ có ngồi nhà ăn bánh mì và sô cô la vào buổi sáng, buổi trưa và tối. Sô cô la và bánh mì, bánh mì và sô cô la, sô cô la và bánh mì. Trái tim của con không thể mang kích thước này. Nếu cứ tiếp tục như vậy, con sẽ sớm có một mảnh đất trong Nghĩa trang Thiên đường trước mẹ đó”.


Trên phương diện nào đó mẹ có phần đúng. Từ khi cha qua đời thì mọi thứ trở nên thật đáng sợ. Bác sĩ nói bệnh bạch cầu đã đưa ông đi. Đó là một phần của sự thật. Tôi biết phần còn lại. Sự thật trong đêm cha qua đời là điều tôi sẽ mang theo xuống mồ.


Tôi không biết nhiều về cha cho đến một năm trước khi cha qua đời. Trước đó, tôi luôn xưng cháu và gọi cha là chú Reggie. Tôi có thể đếm trong lòng bàn tay số lần tôi gặp ông. Bằng cách nào đó ông biết được những việc trọng đại diễn ra trong cuộc sống của tôi và xuất hiện. Ví như lần tôi thi tuyển sinh phổ thông, ông tới trường và đưa cho tôi một tờ giấy bạc màu xanh - một trăm đô la. Ông đứng dưới bóng cây nên tôi không nhận ra. Sau đó ông đã nói lớn: “Ê, ê, Victor, sao con lại không nhận ra cha chứ?”. Tôi nhớ cả lớp có thể đã nghe thấy tiếng ông ấy và biết hết chuyện của tôi.


Lần khác ông đến nhà tôi sau khi tôi nhận được sự giúp đỡ từ Nhà thờ Đức Bà. Giáo đường không phải là nơi tôi sùng bái nhưng mẹ nói khi tôi sống ở đó Chúa sẽ che chở cho tôi và tôi sẽ học được sự công bằng. Mẹ đã nhận ra cha trước cổng nhà. Bà hét lên để tôi đi và xem cha tôi muốn gì vì bà không muốn ông đặt chân vào nhà. Sau đó, bà nói oang oang lên rằng cha là loại đàn ông tệ bạc để khiến ông bỏ đi. Nhưng tôi đã không xua đuổi. Tôi không đủ dũng cảm hay ngu ngốc để làm như vậy. Cha chắc chắn đã nghe thấy lời bà ấy nhưng ông vẫn gặp tôi. Ông cho tôi hai trăm đô la và hỏi thăm việc học hành của tôi. Ông nói, gia đình ông có tư chất nhạy bén trong kinh doanh nhưng lại không thông minh trong học vấn, ông muốn tôi sẽ có được những gì ông bỏ lỡ. Có thể cha hi vọng tôi sẽ trở thành một luật sư hay bác sĩ lớn.


Từ đó, tôi đã phải chờ đợi gần sáu năm sau mới biết được tin tức về ông. Mẹ đã tìm cách ngăn cản từ xa khi nào ông muốn tiếp cận. Có vẻ lần này ông bị bệnh nặng và muốn gặp tôi. “Rửa chân và đi vào nhà nếu con muốn thấy mẹ, còn đối với ông ta, mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho con điếm lái buôn của ông ta và những gì ông ta đã làm. Ông ta đã ra đi khi con mới ba tháng tuổi. Ba tháng. Và bây giờ Chúa gọi ông ta trở về. Ông ta muốn dành thời gian bên con ư? Thật xấu hổ”, mẹ nói.


Gia đình tôi tan vỡ kể từ khi chuyện cha ngoại tình bung bét ra ngoài. Dì tôi không kín mồm kín miệng khiến mẹ phát hiện cha và con gái người hàng xóm lén lút qua lại. Bà đuổi ông ra ngoài từ đó. Sau đó, mẹ, người phụ nữ đến từ Tobago, không nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía gia đình để vượt qua tình cảnh khó khăn này. Quan hệ của cha tôi và con gái ông hàng xóm cũng không kéo dài. Sau này, cô ta kết hôn rồi chấm dứt với ông Louchoo và đó là cách để cô ta có được hiệu bánh mì. Còn cha, ông kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp tên Kim. Kim là người quản lí tòa nhà màu xanh Cross Crossing, tòa nhà nằm tầng dưới đi qua hiệu sách Kenny Khan.


Chính dì, người đánh dấu bước ngoặt đổi thay cho gia đình tôi lại là người khuyên tôi đừng bận tâm đến mẹ mà hãy đi gặp cha lúc ông bệnh. Nếu không đi, thì khi ông qua đời tôi có thể mãi mãi ân hận.


Cha quá đỗi vui mừng khi tôi tới. Ông đang nằm trên đi văng. Cha từng là một người đàn ông to lớn nhưng giờ có thể nhìn thấy tất cả xương của ông nhô ra. Chân ông mỏng như hai cây bút chì và khuôn mặt lõm sâu. Tôi nói với ông rằng, tôi biết ông đã không dùng bất kì biện pháp điều trị gì nữa.


“Ta còn điều trị làm gì nữa? Cơ thể ta có đủ các chất độc”.


“Nhưng nó có thể làm cho chú tốt hơn”.


Ông phải dừng nói và hít thở thật sâu. “Ta đã làm tất cả ở bệnh viện rồi. Họ thậm chí còn không chắc có thể giúp gì cho ta. Nếu ta điều trị cái đó, có thể ta sẽ gặp nhiều rắc rối hơn”.


Kim thật tuyệt. Trông cô trẻ hơn cha nhiều. Tôi không biết cô nhìn thấy gì bên trong người đàn ông đã luống tuổi kia. Cô nói cô luôn nhắn cha mời tôi về nhà. Cha nhìn tôi nhưng không nói được nhiều. Tôi cố gắng hỏi ông cảm thấy thế nào và tôi có thể giúp gì cho ông. Đáp lại chỉ là những tiếng lẩm bẩm không rõ. Một lúc sau, ông hoàn toàn phớt lờ tôi và bật kênh thể thao. Tôi ở lại và xem tivi với ông rồi sau đó xin phép trở về nhà trước khi trời quá tối. Kim đưa cho tôi ổ bánh ngọt vừa ra lò. Cô bảo: “Hãy nói với mẹ của cháu là cô Kim gửi bởi hai chúng ta không có bất hòa gì”. Tôi bước ra cửa thì nghe câu nói:


“Vậy khi nào con lại đến thăm ta?”.


“Có thể qua tuần tới cháu sẽ đến”.


“Đừng có không chắc chắn như thế. Ta sắp chết rồi. Hãy chắc chắn đi. Ta đợi”.


Nếu cô Kim không có mặt ở đó, tôi nghĩ tôi sẽ buông ra những từ tệ bạc.

 

Minh họa: Chiết Tô


Cha đã quyết định dành thời gian cho mình để nguôi ngoai. Tôi sẽ đến thăm ông vào các thứ bảy. Nếu tôi không đến, ông sẽ nhờ cô Kim gọi. Họ không có nhiều sự giúp đỡ. Tội nghiệp. Cô Kim vừa phải làm việc vừa phải chăm sóc ông mà không có nổi năm phút rảnh rỗi. Cha có vẻ chỉ thích việc có tôi và ông. Chắc hẳn kiếp trước ông từng là một tướng quân.


“Victor, mang nước ép”.


“Cháu sẽ mang nước ép”.


“Chúa ơi, thứ này lạnh quá”.


Ông rất mau đói. Cô Kim luôn để lại thứ gì đó trên bếp lò, một ít thịt gà hầm hoặc súp bắp ngon.


“Ta không quan tâm cô ấy nấu gì. Ta muốn một quả trứng luộc và một miếng bánh mì. Con có thể luộc trứng không? Đừng làm nó cứng quá”.


Tất nhiên trứng luôn mềm quá hoặc cứng quá. Không dưới một lần, sau khi tôi đặt trứng lên đĩa, ông lại đẩy nó sang một bên rồi than rằng ông quá mệt mỏi nên không ăn được. Không phải do mệt mỏi. Ông rất thích tôi chờ đợi như thể ông là vua của Trinidad vậy. Một sở thích nữa là ông đòi tôi mang nước và không cần biết có bao nhiêu nước trong li, chắc chắn ông sẽ phàn nàn và bắt tôi cất đi. “Con muốn dìm ta trong đó à? Hãy cho ta một nửa số đó thôi”. Hoặc: “Ta chưa bao giờ thấy cốc nước nào nhiều thế này...”.


Người đàn ông đó trông thật tội nghiệp. Ông không nghỉ ngơi và luôn cảm thấy đau đớn. Ông cứ đi lên đi xuống từ phòng khách đến nhà bếp rồi ra ngoài sân. Tôi không biết mình nên ở đâu. Với ông, tôi luôn ở sai vị trí. Giống như ngày nọ, tôi ngồi cạnh ông, ông đang xem trận đấu giao hữu giữa Pakistan và Tây Ấn. Tôi nghiêng về phía trước để lướt xem tờ báo thì ông lại kêu ca. Lần khác, ông nổi cáu vì chiếc vòng tay tôi đeo. Ông nhìn chằm chằm vào chiếc vòng và quả quyết rằng nó dành cho phụ nữ.


“Ta không ngờ con lại là một gã khùng”.


Tôi cắn chặt môi và cố giữ bình tĩnh. “Mọi người vẫn đeo vòng tay như thế này. Nó là thời trang”.


“Vâng, khỉ thấy, khỉ làm”.


Trong suốt sáu tháng, cha đóng vai như một tướng quân giáng những mệnh lệnh ngay cả khi ông trở nên yếu đuối. Tôi không thể nói lần cuối cùng ông ra khỏi căn nhà đó là khi nào. Ông luôn đấu tranh tư tưởng, bằng cách chỉ ngón tay xương xẩu của mình vào mặt tôi và nói: “Tất cả những thứ bạn có thể làm là phải chờ đợi. Chẳng lẽ chưa đến lúc ở nhà tang lễ Mahadeo sao?”. Tôi tự hỏi ông sẽ kéo dài tình cảnh này bao lâu nữa và tại sao tôi lại dại dột lôi mình vào như vậy.


Thứ bảy nọ, ông sai tôi mua sô cô la. Ông thèm sô cô la hoa quả và sô cô la hạt. Bây giờ, ông đang ở giai đoạn bốn của căn bệnh ung thư, áp huyết cao và thậm chí lượng đường còn cao hơn. Tôi biết cô Kim không giữ bất cứ thứ gì như bánh quy ngọt hay sô cô la trong nhà.


“Victor, ta sắp chết. Con nghe chứ? Ta phải ăn thứ bánh do Quỷ sứ làm. Một thanh sô cô la là tất cả những gì ta cầu xin”.


Tôi phải làm gì khi nhìn thấy cách ông ấy liếm thanh sô cô la đó. Một nửa thanh lớn đã biến mất trước khi ông dừng lại để thở.


“Mẹ của con thế nào?”.


Tôi gật đầu và ra hiệu rằng bà vẫn khỏe.


“Mẹ của con không dễ, đúng vậy. Bà ấy có bao giờ học nấu ăn không?”.


Tốt nhất là tôi nên ngậm miệng lại.


“Con có muốn ta nói cho con biết điều gì đã xảy ra giữa mẹ và ta không?”.


Tôi khẽ nhìn lên. Ông đang chăm chú nhìn tôi. Rồi ông kể lại sự trái ngược tính cách của ông và mẹ tôi.


Tôi nuốt nước bọt và nhìn xuống đôi giày thể thao của mình. “Hai con chuột không thể sống trong một cái lỗ. Đó là sự thật”.


Ông nhai cả một khối sô cô la nhưng chỉ vì cái miệng đã quá đầy nên không thể ngăn nổi nó chảy ra. Ông nhét lại vỏ bọc sô cô la màu tím và đưa nó cho tôi. “Mang theo bên mình khi con đi. Kim sẽ tức giận nếu cô ấy biết con cho ta ăn sô cô la”.


Lúc đó, tôi đã ước ông mau chóng chết đi. Tôi bất đắc dĩ trở thành môi giới sô cô la của ông. Có lần ông gọi cho tôi và thì thầm: “Hai Kit Kat” và gác máy. Nơi ẩn nấp ưa thích của ông là phòng tắm. Tôi có thể nghe thấy tiếng nước chảy xuống nền và giọng ông rít lên: “Snickers. Cỡ lớn”. Vài tuần sau đó ông nói rằng ông đang giảm bớt lượng đường vì chỉ muốn sô cô la Bournville Dark. Hai ngày sau ông xin tôi mang theo một thanh sô cô la Galaxy caramen. Sau đó, ông lại lo lắng về các thành phần hóa học trong sô cô la và nói tôi nên mang đồ hữu cơ. Tôi không biết chắc chắn liệu rằng hữu cơ có tốt hơn không vì ông cũng chẳng sống bao lâu nữa.


Sô cô la là bí mật của chúng tôi. Thứ bí mật tội lỗi liên quan đến đồ ngọt. Trong những khoảnh khắc tội lỗi, cha yếu đuối, quên đi căn bệnh ung thư và nỗi đau liên tục của mình. Ông thậm chí còn quên chiến đấu với tôi. Có thứ gì đó khác lạ đã xảy ra. Ông ăn một thanh sô cô la Bounty hay “Những nụ hôn của Hershey” và bắt đầu kể về cuộc đời của mình. Ông trưởng thành ở miền quê và từng rời trường lớp khi mới hoàn thành được vài môn học. Cha mẹ ông nghĩ ông là một gã kém thông minh và ông đã tin họ. Ông nói trong nhiều năm liền ông cảm thấy mình như đã đánh mất tâm hồn. Một người chú đã đón nhận ông và gửi vào một trường kĩ thuật ở San Fernando. Ông nói đó là một món nợ mà ông không bao giờ có thể hoàn trả. Ông còn nói với tôi về việc gặp mẹ - một câu chuyện mà bà chưa bao giờ kể với tôi. Ngày đó, mẹ là nhân viên lễ tân trong một văn phòng ông đang mắc dây điện.


“Những ngày đó, người ta không kinh doanh móc nối Tinder giống như những gì các bạn trẻ đang làm”. Ông cười nhạo khi tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Cha thường đứng chờ mẹ ở bến xe buýt cho đến khi mẹ tan tầm lúc 4 giờ chiều. Họ thường dừng trước cửa hàng Dairy Queen để mua kem, vị va ni cho bà và vị sô cô la cho ông. Cha sẽ tận dụng cơ hội để nắm lấy tay bà hoặc đụng chân dưới bàn. Nhưng ông nói lẽ ra họ không nên kết hôn. Đáng ra có ai đó cần khuyên can bởi họ còn quá trẻ.


“Victor, thứ đó giống như là vị ngọt của tình yêu nhưng là vị chua trong sự lừa dối. Một phút trước tình yêu đẹp như chim bồ câu, nhưng khi quay lại hai lần tiếp theo, bọn ta đã sẵn sàng giết nhau”. Tôi đứng dậy và hỏi liệu ông có muốn một chút nước để đổ vào thanh sô cô la Mars hay không nhưng ông đã ở rất xa.


“Reggie, cháu phải đi bây giờ”.


Ông ngước nhìn lên, khuôn mặt hốc hác nhăn nhó vì đau.


“Con biết là con có thể gọi ta là cha mà”. Tôi thở dài. Reggie nhìn vào bờ tường đằng sau lưng tôi.


“Tại sao mẹ con lại không tái hôn nữa?”.


“Có lẽ đối với bà bây giờ là quá muộn rồi”.


“Bà ấy vẫn đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật chứ?”.


“Vâng”.


Lúc này tôi giúp Reggie tắm, cắt thức ăn cho ông và mang cho ông thanh sô cô la. Tôi kể với ông về những gì tôi đã làm và tôi thích làm ông chủ đến nhường nào. Ông động viên tôi: “Victor, sẽ không có vấn đề gì dù là con đi quét đường hay làm thủ tướng khi con nói rằng con đang làm hết sức mình. Một khi con nói như vậy có nghĩa là con là người đàn ông hạnh phúc”.


Một hôm, khi đang ở nhà ăn bánh macaroni và gà nướng thì cô Kim gọi. Bác sĩ nói với cha rằng ông nên ở trong bệnh viện nếu không ông sẽ chết nhanh chóng trong sự đau đớn. Cha phản ứng bằng cách ném cho bác sĩ hai từ “nguyền rủa”. Ông không nhúc nhích. Kim khóc nức nở và cầu xin tôi nói chuyện với ông. Tôi hiểu rằng đây là một khoảnh khắc cần trở nên mạnh mẽ. Đây là một khoảnh khắc của sô cô la Lindt. Chắc chắn sự cứng cỏi, khôn ngoan của ông cũng sẽ tan chảy với loại sô cô la Thụy Sĩ này. Nhưng ngay cả thanh sô cô la Lindt mà cha cũng từ chối, tôi biết ông đã sẵn sàng nhắm mắt.


“Reggie, chú không biết những gì mình còn thiếu”.


Cha nhắm chặt mắt như thể cố gắng ghìm tiếng khóc.


“Tại sao con chưa bao giờ gọi ta là Dada hay Daddy hoặc đại loại như vậy?”.


Tôi cảm giác như ai đó đánh một quả bóng thẳng vào đầu và gục ngã. Tôi phải nói gì? Tôi có nên nói dối để ông được yên nghỉ? Còn tôi, tâm hồn tôi có yên nghỉ không?


Sau lần đó, Reggie xuống dốc rất nhanh. Tôi thử đút cho ông chút bơ Nestle nhưng ông từ chối. Tôi cho ông bánh sô cô la Crunchie, điều tương tự xảy ra. Tôi thử bẻ một thanh Oh Henry hay cả Smarties, Milky Way, Aero Bar, Rolo, Charles Chocoloco, Twin và một số loại khác nữa. Bất cứ thứ sô cô la đặc biệt nào người ta bán, tôi sẽ mua ngay, nhưng chẳng loại nào trong số đó khiến Reggie nở một nụ cười.


Những ngày cuối cùng của cuộc đời ông, tôi đã sống trong ngôi nhà nhỏ của họ và ngủ trên đi văng. Ông đã nói rất nhiều. Câu chuyện ông bị bắt quả tang khi đang ăn trộm xoài Julie của nhà hàng. Hay cái lần ông bị đòn vì lấy xe đạp của bố và đi tới bữa tiệc mà lẽ ra ông phải ở nhà ngủ. Hay chuyện tôi tò mò làm sao ông có được tấm hình duy nhất của tôi - một đứa bé đầu trọc trong trang phục thủy thủ và việc tấm hình luôn kẹp trong ví tiền của ông trong hai mươi bốn năm qua.


Một vài lần ông nói về cái chết. Ông nói ông không thể nói chuyện với Kim vì cô ấy vẫn hi vọng ông sẽ sống để tận hưởng Giáng sinh và mùa Pa Rang. Ông nài nỉ để biết về cái chết, khi sắp chết liệu có đau đớn hơn không. Tôi đã cố gắng nói dối. Tôi luôn ở phía sau ông để giúp ông vượt qua nỗi đau:


“Chú có muốn dùng thêm thuốc giảm đau không, Reggie?”.


“Ta muốn con nghiền nát tất cả và cho ta một ít nước”.


“Chú không thể nuốt được sao?”.


“Không”.


“Cháu không thể cho chú uống quá liều”.


“Tại sao? Ta xin con. Hãy để ta đi trong bình yên”. Nước mắt bắt đầu chảy xuống má ông.


“Chú sẽ ra đi trong bình yên”, tôi đã nói dối ông như vậy.


Chứng kiến Reggie đang dần chậm yếu và nhiều đau đớn, tôi cảm thấy mình bị bệnh. Ông đang hấp hối nhưng ông không chết và tôi không biết điều này có thể kéo dài bao lâu. Cả ngày, cả đêm ông ấy bồn chồn và khóc. Bạn có biết cảm giác thế nào khi nghe một người đàn ông lớn tuổi kêu rên mọi lúc?


Tuy nhiên, trong những ngày khó khăn cuối cùng, ông cố nói: “Con trai, Victor”. Tôi cúi xuống gần. “Ta cảm thấy mình là người tiếp theo đối mặt với tử thần. Con nghĩ sao?”. Ông nở một nụ cười yếu ớt.


Một đêm, khi tôi đang ngủ trên chiếc ghế cạnh giường thì Reggie bắt đầu chọc vào chân tôi. “Nước”, ông lắc đầu và thì thầm. “Ta đang mơ về lễ hội”. “Chú đang chơi?”. “Không. Ta không nghĩ là như vậy. Ta đã nghe thấy một con chim sẻ”. “Con nào?”. Ông bắt đầu ngân nga. “Tất cả bọn họ Tobago”, rồi ông ho. “Ngọt ngào ngọt ngào ngọt ngào như một quả bơ. La la la la la”. Tôi cũng hát theo.


Tôi siết chặt tay ông. Đang là giữa đêm, ông khẽ khóc. Tôi thức dậy, dường như đang đi vào bếp, giống như bị sai khiến. Tôi thấy mình nghiền nát mọi loại thuốc giảm đau có thể tìm thấy bằng một chiếc đinh ghim. Tôi trộn bột trắng với mứt hạt phỉ cho vào cốc.


Ông vẫn khóc khi tôi vào phòng ngủ.


“Có một ít mứt hạt phỉ”, tôi nói.


Ông lắc đầu. Tôi nắm tay ông và nhìn thẳng vào mắt:


“Ăn một ít sô cô la nhé?”.


Ông đã không di chuyển.


“Cha ơi, đây là những gì con muốn”.


Đôi mắt ông mở to và tôi cảm thấy bàn tay ông siết chặt lấy tôi.


“Cám ơn con trai”.


Cha chớp mắt và nhiều giọt nước mắt chảy tràn trên má.


“Hãy ngủ một giấc trên đi văng, Victor. Ngày dài nhất đã kết thúc rồi”.


Tôi quay lại cửa nhìn lần cuối, cha liếm chút sô cô la từ chiếc thìa mang lại sự thoải mái cho ông và cả cho tôi, thật đúng lúc, ông từ từ nhắm mắt…


NGỌC HIÊN dịch từ nguyên bản tiếng Anh