Thứ Năm, 12/11/2020 22:27

Vì sao độc giả trinh thám say mê tiểu thuyết tội phạm?

Các độc giả trinh thám say mê với tiểu thuyết tội phạm, dẫn đến cảm thức tiếp nhận có phần nghiêng về các chủ đề đen tối.

Xoay quanh cuộc tọa đàm về tiểu thuyết trinh thám “Siêu trộm hào hoa” của đại văn hào Pháp Maurice Leblanc, một số tác giả trinh thám Việt đã đưa ra những nhìn nhận mới về độc giả Việt trong tiếp nhận dòng sách văn học trinh thám tội phạm. Các ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm “Kẻ phản diện quyến rũ - Tại sao chúng ta yêu thích những tội phạm tài tử?”, tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội mới đây

"Siêu trộm hào hoa" - Từ chỗ được đón nhận nồng nhiệt

Các tác giả - diễn giả Kim Tam Long (tác giả “Ẩn Ức Trắng”, “Mặt Nạ Trắng”) và Đức Anh (tác giả “Thiên thần mù sương”, “Đảo Bạo Bệnh”) cùng Hà Trang (người sáng lập kênh văn học Trạm Radio) đã làm rõ vai trò của Maurice Leblanc trong lịch sử trinh thám thế giới: tạo ra một hình mẫu truyện trinh thám độc đáo, khác hẳn với lối đi truyền thống của Conan Doyle.

Bộ sách Arsene Lupin – Siêu trộm hào hoa với năm tập. Ảnh: Trần Cẩm Tú 

Vào đầu những năm 1900, Maurice Leblanc nhận được lời đề nghị tạo ra một nhân vật đủ hấp dẫn để sánh ngang với thám tử Sherlock Holmes, nhằm làm rạng ngời nền tiểu thuyết trinh thám Pháp, sau nhiều thời gian thử nghiệm, Maurice Leblanc đã chọn một nhân vật phản diện, có biệt tài trộm cắp, làm những việc không chính đáng nhưng lại cực kì hào hoa và lịch lãm có tên Arsène Lupin. Cuộc phiêu lưu của Lupin chủ yếu xoay quanh các vụ trộm cùng một vài vụ án mà hắn dính líu. Arsène Lupin là nhân vật đặc biệt, thoắt ẩn thoắt hiện trong tác phẩm, có tài giả trang, và tâm tính hắn đứng giữa tà và chính.

Sự thành công của nhân vật Arsène Lupin khiến cho tác phẩm kéo dài đến 25 tập, chinh phục một lượng rất lớn độc giả Châu Âu, và vẫn còn được phóng tác ngay cả khi Maurice Leblanc qua đời. Bộ sách Arsène Lupin từng được chuyển ngữ một cách rải rác ở Việt Nam, và đến năm 2020 mới được thực hiện dưới dạng Box-set đồng bộ do công ti sách Đinh Tị liên kết với Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Chỉ sau hơn một tháng phát hành, bộ sách này đã in nối bản đến ba lần.

Trinh thám của Maurice Leblanc nhấn mạnh vào những cú lừa, đặt trọng tâm tác phẩm vào tính hành động cao, tình tiết li kì, cài cắm khôn khéo… Có thể nói, mặc dù sáng tác đầu thế kỷ XX nhưng Maurice Leblanc đã đi thẳng đến trinh thám hiện đại.

Nhìn về "gu đọc" trinh thám của độc giả Việt gần đây

Gần đây, dòng sách trinh thám một lần nữa nở rộ tại Việt Nam. Nhiều bộ sách thuộc dòng sách thriller có đề tài về các thiên tài tội phạm rất được đón nhận như: Series 4MK – “Cái chết thứ năm” – “Đứa trẻ thứ sáu” của J.D Baker, bộ tác phẩm “Quý ngài Tài năng” của Patricia Highsmith… Các độc giả trinh thám say mê với tiểu thuyết tội phạm, dẫn đến cảm thức tiếp nhận có phần nghiêng về các chủ đề đen tối.

Các diễn giả Hà Trang, Kim Tam Long và Đức Anh tại tọa đàm. Ảnh: Hạnh Nguyên

Lí giải về tâm lí yêu chuộng các thiên tài tội phạm, tác giả Đức Anh cho biết: “Trước hết các nhân vật phản diện được yêu mến bởi khả năng thiên bẩm. Cái thiên bẩm bao giờ cũng hấp dẫn. Sau cùng, họ được yêu thích vì họ rất đời nữa. Vả chăng, trong chúng ta cũng có một niềm hứng thú kì lạ với sự phá rào. Và các nhân vật tội phạm làm được điều đó. Tuy nhiên, tôi từng đọc được câu “văn chương giống như vắc-xin”, trước hết nó viết về cái ác. Và sau đó nó giúp chúng ta ngừa cái ác trong chính mình. Và đó mới là giá trị tự thân của sách trinh thám”.

Tác giả Kim Tam Long thì chia sẻ, anh học được nhiều điều từ các nhà văn nước ngoài. “Việc các nhà văn xây dựng nhân vật phản diện đôi khi lại quan trọng hơn nhân vật thám tử. Chính từ Arsène Lupin tôi mới nhận thấy việc tạo nên các tình tiết li kì cuốn hút xoay quanh cái xấu xa mới là điểm nhấn của văn học trinh thám. Nhưng không vì thế mà văn học trinh thám là văn học ba xu mà tính nhân văn thông qua việc đi sâu vào ngõ tối trong tâm hồn con người ta mới là điều tôi hướng đến”, anh nói.

Maurice Leblanc (1864 - 1941) là một tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Pháp, được biết đến chủ yếu là tác giả của nhân vật hư cấu Arsène Lupin. Đây là nhân vật một thiên tài đạo chích, từng được so sánh là đối trọng với nhân vật thám tử Sherlock Holmes của tác gia người Anh Conan Doyle.


HẠNH NGUYÊN