Thứ Bảy, 26/05/2018 03:41

Vinh quang con đứng bên Người...

Trong một ngày Tháng 5 lịch sử, các nhà văn quân đội đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bỏ lại những ồn ào náo nhiệt ngoài phố, bước vào một không gian yên tĩnh lạ lùng, rất ngăn nắp, nền nếp, chính quy, bất cứ ai cũng đều có cảm giác tĩnh tâm, thư thái, và cũng thật trang trọng thiêng liêng.
Trong một ngày Tháng 5 lịch sử, các nhà văn quân đội đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bỏ lại những ồn ào náo nhiệt ngoài phố, bước vào một không gian yên tĩnh lạ lùng, rất ngăn nắp, nền nếp, chính quy, bất cứ ai cũng đều có cảm giác tĩnh tâm, thư thái, và cũng thật trang trọng thiêng liêng. Đây chính là nơi lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Bộ Tư lệnh Lăng thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội giữ yên giấc ngủ của Người và đón tiếp đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế đến viếng một Con Người vĩ đại của dân tộc và nhân loại. Trong tâm thế ấy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Tư lệnh và đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội nhiều thế hệ rất gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong bài thơ Trăng lên sáng tác về người chiến sĩ bảo vệ Lăng đã có những dòng thơ hết sức xúc động: Trăng lên, kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ôi vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông và thiêng liêng/.../ Trong Lăng, Bác chợp nghỉ/ Như sau mỗi việc làm/ Trăng ơi, trăng biết thế/ Nên trăng bước nhẹ nhàng… thì sự dung dị của vầng trăng cũng chính là tấm lòng người chiến sĩ với Bác Hồ, Bác Hồ với người chiến sĩ. Nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19 Tháng 5, xin đồng chí Tư lệnh chia sẻ những tâm sự về Người và những nét khái quát về truyền thống vẻ vang của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh?

 
nguyen van cuong
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương
Tư lệnh Nguyễn Văn Cương: Trước tiên, tôi thay mặt cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn những sẻ chia, đồng cảm, nhất là những sáng tác về Bác Hồ, về người chiến sĩ Bảo vệ Lăng của các nhà văn, nhà thơ quân đội. Chúng ta ai cũng thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại thiên tài của Đảng ta, nhân dân ta và  dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Người là biểu tượng cho tinh hoa dân tộc Việt Nam, cho những giá trị thời đại cao đẹp nhất, cho tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam. Người là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân.
Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài và xây dựng Lăng của Người. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua 49 năm, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Công trình Lăng được xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, được duy tu tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại, đón tiếp đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng.
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, được Đảng, Nhà nước, Quân đội mà trực tiếp là Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo và chỉ đạo. Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với một ý thức trách nhiệm cao, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã qua 43 năm xây dựng, trưởng thành, đơn vị đã không ngừng phát huy truyền thống bản chất cách mạng của Quân đội, xây đắp truyền thống vẻ vang: Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo. Truyền thống có thể khái quát bằng chữ nghĩa, nhưng phải thấy thêm rằng, tình cảm của mỗi cán bộ chiến sĩ làm công tác đặc biệt ở đây đối với Bác Hồ là vô hạn. Có những chuyện không thể kể ra bằng lời mà chỉ cảm nhận từ trái tim. Các thế hệ ở đây đều chung một tấm lòng thành kính hướng về Người theo mỗi cách riêng của mình, giản dị và thiết thực nhất.

PV: Gần nửa thế kỉ đã qua, khoảng thời gian đã dài kể từ ngày Bác đi xa, nhưng dường như mỗi chúng ta vẫn cảm thấy Bác luôn bên cạnh, trong từng suy nghĩ, trong mỗi việc làm, nhất là đối với các thế hệ cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Đồng chí Chính uỷ chia sẻ nét đặc trưng, phẩm chất cao quý trong nhiệm vụ trung tâm của cán bộ chiến sĩ ở đây?

 
cao dinh kiem
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm
Chính uỷ Cao Đình Kiếm: Luôn được ở cạnh Người, luôn được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đặc biệt là luôn được sự chăm sóc, tin tưởng của nhân dân đã vun đắp nên truyền thống Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình Lăng của Người, phục vụ chu đáo, tận tình đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác. Đây là một trong những nét đẹp tiêu biểu của người chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đề xuất những chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả, làm cơ sở cho việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Ở mọi vị trí công tác, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ luôn thể hiện ý chí trách nhiệm chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ đã kế tiếp nhau mang hết tin thần trách nhiệm, chịu đựng bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trong những điều kiện hết sức đặc biệt: Giữ gìn tuyệt đối bí mật công việc, cán bộ, nhân viên y tế, kĩ thuật chuyên cần lao động, làm việc trong môi trường tiếp xúc với hoá chất, tiếng ồn trong công trình ngầm; cán bộ, chiến sĩ tiêu binh luân phiên đứng gác trang nghiêm hàng giờ liền... Có những cán bộ trong điều kiện yêu cầu rất cao về chuyên môn kĩ thuật đã hết lòng vì nhiệm vụ. Sự tận tâm, tận lực với công việc của họ đã không để xảy ra dù một sai sót nhỏ. Nhiệm vụ tiêu binh danh dự, bảo đảm an ninh lễ viếng Bác luôn thực sự trang nghiêm, mẫu mực, an toàn tuyệt đối và tận tình chu đáo, văn minh lịch sự. Là người gắn bó nhiều năm với công tác đặc biệt trên, đồng chí Tư lệnh sẽ chia sẻ đậm nét hơn những nét vàng truyền thống với các nhà văn.
Tư lệnh Nguyễn Văn Cương: Tôi xin được tiếp lời đồng chí Chính uỷ. Một trong những nét đẹp truyền thống tiêu biểu, đó là Đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm nhiệm vụ tại Lăng Bác. Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn cán bộ Đảng viên: Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Các thế hệ cán bộ chiến sĩ ở đây đều ý thức sâu sắc lời Bác dạy. Trong mỗi lời nói, việc làm, tư duy, tác phong, đều để hướng đến sự đoàn kết bền vững từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên với cái tâm trong sáng nhất. Các lực lượng trong Ban Quản lí Lăng, Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình và các cơ quan, đơn vị bạn luôn luôn hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn khu vực Lăng, đón tiếp, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và các lễ hội lớn diễn ra trên khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Bộ đội Bảo vệ Lăng luôn nhận được sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Những hình ảnh các cụ già, em nhỏ, các đồng chí thương binh nặng đến viếng Bác được cán bộ, chiến sĩ ân cần hướng dẫn, giúp đỡ, khiêng xe đẩy; nhặt được của rơi trả lại người mất... đã để lại những ấn tượng và tình cảm hết sức tốt đẹp. Mặt khác, đơn vị luôn được đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương chăm lo giúp đỡ bảo vệ; phối hợp xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, bảo đảm cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Tinh thần đoàn kết hữu nghị và hợp tác với chuyên gia Liên Xô trước đây và chuyên gia Liên bang Nga ngày nay luôn được củng cố và phát triển. Chính nhờ có tình nghĩa cao cả và quý báu đó mà chúng ta đã đón nhận được sự giúp đỡ to lớn và rất hiệu quả của bạn. Cũng phải thấy được rằng, vẻ đẹp của tình đoàn kết Việt Nam - Liên Xô là vô cùng đặc biệt. Sự chia sẻ, giúp đỡ đã trở thành điều thiêng liêng trong trái tim của hàng chục triệu người. Bạn tin tưởng ta, chia sẻ mọi kinh nghiệm với ta. Lòng tin là cốt lõi của tình hữu nghị. Hiện nay, phía bạn đã hoàn toàn tin tưởng khi Việt Nam chúng ta đã đảm đương tốt công tác bảo vệ, gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người bạn lớn của nhân dân Nga.

PV: Từ thực tiễn nhiệm vụ, có thể khẳng định việc “Nêu cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không ngừng vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người” đã được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc, triệt để. Các anh đã từng bước làm chủ nhiệm vụ như thế nào?
Chính uỷ Cao Đình Kiếm: Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh đã đề ra chủ trương đúng, bước đi phù hợp để vươn lên làm chủ khoa học công nghệ. Quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ kĩ thuật có trình độ chuyên môn sâu, đầu tư cơ sở nghiên cứu thực nghiệm từng bước tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình làm việc với bạn đã tranh thủ học tập, nghiên cứu, nắm bắt những vấn đề cơ bản nhất về khoa học công nghệ giữ gìn thi hài Bác. Trong công tác bảo đảm kĩ thuật đã phát huy nội lực của đội ngũ cán bộ, công nhân kĩ thuật vươn lên tự đảm nhiệm hoàn toàn việc vận hành, khai thác, thay thế lắp đặt các hệ thống thiết bị Công trình Lăng. Điều đó còn thể hiện ở các đề tài nghiên cứu được ứng dụng có ý nghĩa thiết thực. Nổi bật nhất là từ năm 1992 đến nay các bác sĩ, kĩ thuật viên Viện 69 đã thay thế hoàn toàn chuyên gia Nga thực hiện công việc làm thuốc thường xuyên, làm thuốc lớn bảo vệ thi hài Bác an toàn tuyệt đối. Từ năm 2004 đến nay, đơn vị đã kết hợp với chuyên gia Nga pha chế thành công dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hiệu quả. Các chuyên gia đầu ngành về y tế luôn tham gia và có những đóng góp thiết thực về công tác chuyên môn đã mở ra những nền tảng mới, vững chắc với công tác giữ gìn an toàn, lâu dài thi hài Bác. Khoa học công nghệ phát triển từng ngày, thậm chí từng giờ nên việc nắm bắt, nghiên cứu, ứng dụng vào nhiệm vụ trung tâm đối với chúng tôi là hết sức quan trọng. Viện 69 - Đơn vị tiêu biểu của Bộ Tư lệnh không chỉ là địa chỉ nghiên cứu y học chuyên sâu mà còn là một trong những Viện khoa học rất có uy tín trong nước về công nghệ ướp bảo quản thi thể. Với mục tiêu vươn lên làm chủ vững chắc tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ gìn giữ lâu dài, an toàn thi hài Bác đang được mỗi cán bộ chiến sĩ ở đây đặt ra là động lực thi đua, phấn đấu của mình.

 
tu lenh lang
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng với quyết tâm cao đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ canh giấc ngủ của người - Ảnh: TL

PV: Qua tìm hiểu các nguồn tư liệu, qua truyền thống của người chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà văn thấy cán bộ chiến sĩ ở đây luôn “Chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”. Các đồng chí có thể cho một vài minh chứng về điều đó?
Tư lệnh Nguyễn Văn Cương: Trong những năm chiến tranh ác liệt, lũ lụt lớn xảy ra trên miền Bắc, đơn vị đã triển khai nhiều phương án di chuyển, nhiều thiết bị phương tiện được cải tiến bảo đảm cho nhiệm vụ hành quân bí mật, an toàn tuyệt đối. Từ khi đưa thi hài Bác về Lăng, để bảo đảm cho thiết bị hoạt động an toàn, tiết kiệm, tăng hệ số dự phòng, kiến trúc công trình khang trang sạch đẹp, hạn chế sự xuống cấp, đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật mang lại hiệu quả kinh tế kĩ thuật cao. Điển hình là đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hợp lí hoá chế độ nhiệt, ẩm trong Công trình Lăng”, từ đó đề xuất phương án lắp đặt bổ sung hệ thống điều hoà cục bộ K5 phục vụ chạy bảo quản khi không tổ chức lễ viếng, vừa tiết kiệm điện năng, vừa tăng hệ số dự phòng của thiết bị khi có sự cố đặc biệt. Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình thuộc Ban Quản lí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm kinh phí trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và xây dựng đơn vị.
Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền đã chủ động đề xuất với cấp trên, phối hợp với các Bộ, Ban ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội để tổ chức cho nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác ngày càng thuận tiện, chu đáo, phát huy được ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng. Mặc dù nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác đông nhưng đều được bảo đảm an toàn, chu đáo, không để xảy ra sai sót; việc tổ chức đưa đón các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách ở các địa phương về Lăng viếng Bác được tiến hành thường xuyên, chu đáo. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đơn vị đã tích cực chuẩn bị mọi mặt để tổ chức cho nhân dân và khách quốc tế tới tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 kể từ dịp sinh nhật Bác năm 2016.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, trong dịp ngày sinh Bác, có lẽ chúng ta cùng nhớ lại những ngày đầu thành lập, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cố gắng vượt bậc như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt?
Chính uỷ Cao Đình Kiếm: Nói về những ngày đầu thành lập, phải nói tới nhiệm vụ của Đoàn 69. Tháng 5 năm 1967, sau kỉ niệm lần thứ 77 ngày sinh của Bác Hồ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp phiên bất thường bàn việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho Bác. Bộ Chính trị cử các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương trực tiếp, thường xuyên theo dõi và chăm lo sức khoẻ của Người và quyết định chuẩn bị tổ chức giữ gìn thi hài khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cử Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp điều hành mọi mặt công tác chuẩn bị.
Được sự giúp đỡ của Đảng và Chính phủ Liên Xô, Ban Tổ chức Trung ương đã xem xét và quyết định triệu tập Thiếu tá Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh lí Bệnh viên Trung ương Quân đội 108; Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và Bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô lên Văn phòng Trung ương Đảng nhận nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm Tổ trưởng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1967, Đoàn bí mật lên đường. Sau 7 tháng miệt mài học tập, các cán bộ trong Đoàn đã nắm vững những kiến thức chuyên môn thiết yếu. Tháng 4 năm 1968, khoá học kết thúc, Đoàn trở về Tổ quốc.
Tháng 6 năm 1968, theo đề nghị của Quân uỷ Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương Đảng quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y Viện 108 và điều động các đồng chí Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào Quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt. Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng một công trình (mang mật danh 75A) ở phía sau nhà tang lễ Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Công trình được xây dựng xong vào cuối năm 1968. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức Lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi bảo quản thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng trong những ngày Quốc tang. Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết và thi công công trình này với mật danh 75B.
Ngày 28 tháng 8 năm 1969, Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô do Viện sĩ X.X Đê-bốp làm Trưởng đoàn đã đến Hà Nội. Sau khi nghe Tổ y tế đặc biệt báo cáo tình hình công tác chuẩn bị và kiểm tra tỉ mỉ ở hai công trình 75A và 75B, Bạn rất hài lòng về công tác chuẩn bị và kết luận: Đã có đủ điều kiện để tiến hành công tác giữ gìn thi hài Bác giai đoạn đầu, phục vụ Lễ viếng và Lễ tang Bác.
Lịch sử mãi mãi ghi nhớ 9 giờ 47 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác đi vào “thế giới người Hiền”.
Theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Bệnh viên Trung ương Quân đội 108. Công tác giữ gìn lâu dài thi hài Bác có nhiều việc phải làm, trong đó có việc chỉnh hình giữ vai trò rất quan trọng. Bằng cách làm khoa học, tỉ mỉ, thận trọng, với tinh thần trách nhiệm rất cao, những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác vẫn được giữ đúng như khi Người còn sống.
Thành công trên của các chuyên gia y tế Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt có ý nghĩa cực kì quan trọng, là tiền đề, là cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

PV: Và ngay sau đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, phải tổ chức những cuộc hành quân di chuyển bảo đảm giữ gìn bí mật và tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Chắc hẳn đó cũng là những năm tháng không thể nào quên...
Tư lệnh Nguyễn Văn Cương: Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đế quốc Mĩ tiếp tục ném bom trở lại miền Bắc với quy mô ác liệt hơn. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định vừa tiếp tục xây dựng công trình 75A, mặt khác cần xây dựng một công trình khác ở xa Hà Nội, bí mật yên tĩnh (mang mật danh K9). Đó là một khu đồi thông ở hữu ngạn sông Đà. Sau hơn ba tháng thi công, ngày 15 tháng 12 năm 1969 công trình K9 hoàn thành và để giữ bí mật, công trình K9 được đổi tên thành K84.
Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84. Đúng 23 giờ ngày 23 tháng 12 năm 1969, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Sau hơn bốn giờ hành quân, thi hài Bác lần đầu tiên di chuyển xa đã đến K84 an toàn. Từ đó K84 thay thế 75A làm công tác giữ gìn thi hài Bác.
Để thuận lợi cho công tác quản lí thống nhất, chặt chẽ, ngày 16 tháng 2 năm 1970, theo đề nghị của Ban chỉ đạo, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Đoàn 69 (đồng chí Nguyễn Gia Quyền làm Đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hanh làm Chính uỷ) trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đầu năm 1970 máy bay Mĩ tăng cường các hoạt động do thám khu vực Hà Nội, Hải Phòng và đánh phá ác liệt các tỉnh thuộc Quân khu 4. Đặc biệt, đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 11 năm 1970 chúng đã liều lĩnh tổ chức một cuộc tập kích bất ngờ bằng đường không vào một trại giam giặc lái Mĩ ở ven thị xã Sơn Tây. Trước tình hình đó, để bảo đảm tuyệt đối an toàn, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển Bác về lại Hà Nội. Đêm ngày 3 tháng 12 đoàn xe lặng lẽ rời căn cứ K84, đến 3 giờ sáng ngày 4 tháng 12 đoàn xe về đến 75A, lần thứ hai thi hài Bác được di chuyển tuyệt đối an toàn.
Mùa Thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn dữ dội, mực nước sông Hồng lên cao, Thủ đô Hà Nội bị đe dọa ngập lụt. Trưa ngày 18 tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác trở lại căn cứ K84. Trưa ngày 19 tháng 8 năm 1971, đoàn xe được lệnh rời 75A. Cuộc di chuyển lần này diễn ra vào ban ngày, dù cho trời mưa, đường trơn lầy, ngập nước rất khó đi, nhưng với tinh thần quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần thứ ba đưa thi hài Bác đi xa.
Từ ngày 30 tháng 3 năm 1972, Mĩ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội. K84 mặc dù ở xa nhưng lại nằm trên đường bay của không quân Mĩ khi chúng bay vào đánh phá Hà Nội. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới mang mật danh H21. Sau một thời gian chuẩn bị, 21 giờ ngày 11 tháng 7 năm 1972, đoàn xe rời khỏi K84 đến H21 lúc 0 giờ 15 phút ngày 12 tháng 7. Cuộc hành quân diễn ra suôn sẻ, thi hài Bác di chuyển lần thứ tư bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trong lúc mọi cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 đang cố gắng phấn đấu, xác định trách nhiệm phục vụ lâu dài ở H21 (mật danh K2) thì trận “Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của Mĩ bằng B52 vào Hà Nội. Mĩ phải kí Hiệp định Pa-ri. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đưa thi hài Bác trở lại K84. 21 giờ ngày 8 tháng 2 năm 1973 (mùng 4 Tết) đoàn xe được lệnh xuất phát đưa Bác về lại K84. Đây là lần thứ năm, cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 15 tháng 5 năm 1973, lần đầu tiên Đoàn 69 mở Hội nghị Khoa học về những vấn đề liên quan đến việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng mở ra những định hướng cho công tác nghiên cứu sau này.
Ngày 2 tháng 9 năm 1973, Công trình Lăng Bác được khởi công, sau hai năm đã hoàn thành. Ngày 26 tháng 5 năm 1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón Bác về Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18 tháng 7, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. 20 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1975, đoàn xe về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã chờ đón thi hài Bác vào Lăng. Giờ phút thật trang nghiêm, xúc động mãi đi vào lịch sử. Đoàn 69 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác lần thứ sáu, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

PV: Sáu lần di chuyển an toàn thi hài Bác trong chiến tranh. Đúng là câu chuyện vô cùng xúc động. Trong thời bình hiện nay, chắc hẳn việc thực hiện nhiệm vụ cũng có những khó khăn riêng. Cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết những khó khăn đó trên các nhiệm vụ chính như thế nào?
Chính uỷ Cao Đình Kiếm: Căn cứ vào nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt bốn nhiệm vụ chính trị thường xuyên là: nhiệm vụ y tế giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác; quản lí vận hành hệ thống thiết bị kĩ thuật, an ninh, nghi lễ tiêu binh danh dự và nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền.
Nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác được xác định là nhiệm vụ trung tâm số một, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động của đơn vị. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải tiến hành theo một quy trình nghiêm ngặt, không được phép để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào. Các bác sĩ, kĩ thuật viên Viện 69 đã phối hợp với chuyên gia Liên Xô, chuyên gia Liên bang Nga ngày nay, thực hiện nghiêm ngặt quy trình làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác trong các dịp tu bổ định kì và hợp tác nghiên cứu khoa học y dược, hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ quản lí vận hành thiết bị kĩ thuật thường xuyên bảo đảm các thông số đúng quy định, không để xảy ra sự cố kĩ thuật do chủ quan gây ra và có hệ số dự phòng cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đơn vị phát động phong trào Phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật thu hút được nhiều cán bộ, công nhân viên của Phòng Kĩ thuật và của các Đoàn 195, 595, Viện 69 tham gia, với nhiều sáng kiến có giá trị. Từ năm 1976 đến năm 1983 đã có 78 sáng kiến được xét khen thưởng các cấp.
Nhiệm vụ an ninh, nghi lễ, tiêu binh danh dự đòi hỏi phải thuần thục các động tác, vừa tạo sự trang nghiêm của nghi lễ quốc gia, dân tộc, vừa thể hiện đúng điều lệnh, kỉ luật của Quân đội và bảo đảm sự tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự.
Chúng tôi cũng đã triển khai và áp dụng có hiệu quả nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kĩ thuật hợp lí hoá quy trình vận hành nên đã triệt để khai thác có hiệu quả công suất của thiết bị, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng, kéo dài tuổi thọ, tăng cường độ dự phòng và sẵn sàng phục vụ tốt những tình huống úng ngập, mất điện. Cùng với đó, việc tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác thiết bị hiện có, đơn vị tập trung xây dựng và triển khai chương trình đổi mới, thay thế thiết bị tổng thể hợp lí, bảo đảm bền vững, lâu dài phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm các hoạt động của Công trình Lăng.
Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền thường xuyên được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng cả nội dung, hình thức, đặc biệt trong việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đồng bào mỗi khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PV: Hôm nay, khi mà chúng ta đã và đang thực hiện đúng đắn những lời Bác Hồ đã dạy, thực hiện nguyện vọng của Người xây dựng một đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã và đang ngày càng khẳng định vững chắc. Mỗi chiến sĩ trong Quân đội có thể tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào những thành tựu chung của đất nước, nhưng với riêng những chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh còn có những niềm tự hào riêng...
Tư lệnh Nguyễn Văn Cương: Rất vinh dự và xúc động mỗi khi chúng ta nghĩ về Bác Hồ. Mỗi buổi sáng tinh sương, tôi đều nghe văng vẳng lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước: Nghiêm trang trong nắng Ba Đình/ Hoa thơm ngát trời Thủ đô/ Chúng con nguyện hứa với Người/ Sắt son vì Tổ quốc hi sinh, bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi. Là những người hàng ngày bên Bác, mỗi cán bộ chiến sĩ ở đây không chỉ ý thức trách nhiệm thiêng liêng mà cái cao hơn chính là tình cảm từ trái tim, từ lẽ sống mà toàn bộ cuộc đời của Người đã thấm sang mỗi người chiến sĩ. Nhìn từng dòng người đủ các sắc tộc, màu da tới thăm viếng Người, cho chúng tôi những bài học vô cùng quý giá về đạo lí làm người của một con người giản dị mà vĩ đại. Những bước chân trở về bên Người, những bước chân bồi hồi xao xuyến trong ánh nắng, trong tiếng chim xôn xao cành lá càng làm cho chúng ta thấy yêu hơn Tổ quốc mình, nhân dân mình.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Tư lệnh và đồng chí Chính ủy! 

PV