Phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần nâng cao dân trí, tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam. Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đẩy mạng xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành thư viện.

Hội thảo các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc do Bộ VHTTD tổ chức chiều 20-9, tại Hà Nội là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý tìm ra giải pháp thích hợp thúc đẩy xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Xã hội hóa văn hóa đọc
Trưng bày và giới thiệu sách phục vụ bộ đội.


Hiện đại hóa thư viện quân đội trong toàn quân

Trong quân đội, thư viện, phòng đọc sách báo, tủ sách được coi là thiết chế, công cụ của cơ quan chính trị các cấp. Công tác thư viện sách báo trở thành bộ phận khăng khít của công tác Đảng – công tác chính trị, huấn luyện đào tạo và là thành tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tá Mạc Thùy Dương, Phó giám đốc Thư viện Quân đội nhấn mạnh: Trong những năm qua, hệ thống Thư viện quân đội đã triển khai có hiệu quả những chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong hoạt động thư viện; tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới trong thư viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, học viên, chiến sĩ trong toàn quân.

Về công tác xã hội hóa, các thư viện trong Quân đội cũng đã và đang được đẩy mạnh với các hoạt động như: Luân chuyển sách cho các thư viện trong hệ thống, phát động phong trào tặng sách của các tổ chức, cá nhân cho các thư viện trong hệ thống thư viện Quân đội; phục vụ lưu động; kết hợp trưng bày sách chuyên đề tại mỗi cuộc hội thảo, hội nghị, giao lưu, tọa đàm để thu hút cán bộ, học viên chiến sĩ trong toàn quân tìm đọc sách, báo, tài liệu.

Xã hội hóa văn hóa đọc
Thư viện Quân đội giới thiệu sách phục vụ độc giả trong và ngoài quân đội.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019, Thư viện Quân đội đã phối hợp với một số thư viện đơn vị như: Trường Sĩ quan Chính trị, Thư viện Công an nhân dân, Nhà xuất bản Phụ nữ, Công ty Xunhasaba... tổ chức Tuần lễ văn hóa đọc với một chuỗi các hoạt động như: Triển lãm sách với chủ đề “Hành trang người chiến sĩ”; giao lưu tác giả, bạn đọc với chủ đề “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong những cuốn sách” và phát động phong trào tặng sách, nhận sách tặng của các tổ chức, cá nhân... Tuần lễ văn hóa đọc của Thư viện Quân đội đã thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc là cán bộ, học viên, chiến sĩ, sinh viên, học sinh trên địa bàn đến tham quan triển lãm và tham dự giao lưu, tọa đàm... Những hoạt động này đã góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn quân.

Nói về công tác xã hội hóa thư viện trong quân đội, Trung tá Mạc Thùy Dương nhấn mạnh: Công tác thư viện sách báo trong quân đội có vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng kiến thức toàn diện, nâng cao trí tuệ cho bộ đội, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Xã hội hóa thư viện trong quân đội để sách báo tới được mọi cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng mọi nhu cầu về sách báo tài liệu cho họ và phải tham gia tích cực vào việc phục vụ cả cán bộ và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân. Các thư viện trong hệ thống thư viện quân đội cần thiết phải mở rộng sự phối hợp với các thư viện công cộng; tăng cường kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đơn vị; thay đổi, làm mới nội dung và hình thức hoạt động, hiện đại hóa các hoạt động thư viện, tăng cường sự thu hút cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến với thư viện. Là một lĩnh vực của văn hóa tinh thần, thư viện sách báo có vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, chống lại những khuynh hướng, quan điểm lệch lạc trong xã hội, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu và khả năng công tác cho bộ đội. Chính vì vậy, công tác thư viện trong quân đội phải đổi mới sâu sắc trên tất cả các mặt mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới và của xã hội.

Xã hội hóa chưa đến được với đồng bào vùng sâu, vùng xa

Theo Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Phạm Hồng Thái, những năm qua, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện đã bước đầu đạt được kết quả nhất định. Hệ thống thư viện của thành phố Đà Nẵng đã huy động được các nguồn lực, sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần thông qua các hình thức như tài trợ, tặng, biếu sách...và các dự án liên quan đến công viên cà phê sách nhằm góp phần củng cố, phát triển văn hóa đọc trong thành phố. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa chưa lan tỏa sâu rộng trong toàn thành phố. Đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa trung tâm chưa thực sự được các tổ chức, cá nhân quan tâm nên đã làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho thư viện...

Xã hội hóa văn hóa đọc
Sách thu hút nhiều sinh viên trong Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019.

Theo báo cáo của đại diện Thư viện Quốc gia, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc phải gồm các nội dung: Xã hội hóa trong truyền thông, quảng bá thư viện, tổ chức chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng chuyên môn, nguồn lực thông tin...

Để thực hiện được những nội dung trên, các thư viện trong cả nước phải tăng cường công tác truyền thông; vận động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thư viện.

Thư viện là ngôi trường thứ hai rèn luyện văn hóa đọc cho sinh viên sau giảng đường. Xã hội hóa trong hoạt động thư viện là một trong những giải pháp tối ưu hỗ trợ thư viện phát triển đa dạng nguồn tài liệu, đào tạo nguồn nhân lực hay đầu tư trang thiết bị ngoài nguồn kinh phí từ nhà trường. Nhiều thư viện thực hiện xã hội hóa trong chuyển giao chuyên môn thông qua các hình thức tự đào tạo lẫn nhau qua các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo...Trung tâm Học liệu (Trường Đại học Cần Thơ) hàng năm đều cử cán bộ học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các thư viện liên kết như Thư viện Đại học Songkla (Thái Lan), thư viện Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Song song đó, Trung tâm Học liệu cũng tiếp nhận cán bộ từ các thư viện nước ngoài đến tìm hiểu về các hoạt động chuyên môn tại Trường Đại học Cần Thơ.

Đại diện cho Thư viện Hà Nội, bà Phạm Thu Hạnh cho biết: Những năm qua, hệ thống thư viện Hà Nội thường xuyên được củng cố và phát triển mới (Hà Nội hiện có khoảng hơn 1 nghìn thư viện, tủ sách cơ sở). Mỗi thư viện khi mới thành lập đều được Thư viện Hà Nội hỗ trợ sách và các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Thư viện Hà Nội thường xuyên mở các đợt khảo sát, kiểm tra hoạt động của các thư viện để có sự điều chỉnh kịp thời, đồng thời qua đó nắm được tình hình hoạt động của mỗi thư viện để có những định hướng phát triển cụ thể.

Xã hội hóa trong hoạt động thư viện là nhu cầu tất yếu, khách quan của quy luật phát triển xã hội đồng thời là chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập. Vì vậy để công tác xã hội hóa thư viện đạt kết quả tốt cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội thì sách mới đến được với đông đảo độc giả.

Nguồn: QĐND (Khánh Huyền)