Thứ Bảy, 09/05/2020 00:45

Xin đừng coi văn học châu Phi là một thể loại!

Cũng giống như cách kể chuyện, các tác giả châu Phi có rất nhiều phong cách viết khác nhau, nhưng tất cả các tác phẩm của họ lại luôn bị sắp xếp một cách giản lược tới mức cơ bản nhất ở các hiệu sách bằng một cụm từ “Văn học châu Phi”.

. Tiểu luận của Lebogang Maragelo (Nam Phi)

 

Châu Phi ư, không phải một đất nước

Cũng không phải một khái niệm,

Tạo nên trong tâm trí mỗi chúng ta

Từng người, từng người một

Để che giấu đi những nỗi sợ hãi riêng,

Để mơ những giấc mơ riêng

                                                - Abiodeh Nicol - Nhà thơ Sierra Leonean

Sau rốt, phải thú nhận rằng nỗi sợ lớn hãi nhất trong tôi là việc tan biến đi không còn lại một dấu vết nào.

Cái ý nghĩ rằng dấu chân mình trên trái đất này và tất cả những con người trên hành tinh này một ngày nào đó sẽ bị xóa nhòa bởi thời gian, bởi những mất mát và những cái mới khiến tôi lo sợ. Nỗi lo sợ đó lớn đến độ mỗi ngày qua đi, tôi đều tìm kiếm phương cách để mình lưu lại được trên Trái Đất này lâu hơn chút ít so với những gì số phận cho phép. Sự thật là thời gian sẽ chẳng hề ngừng trôi và khóc thương cho bất cứ ai. Nó chỉ tiến về phía trước, cho tới khi con người và mọi sự kiện đều chỉ là những ý nghĩ vụt thoáng trôi qua và cuối cùng chẳng còn lại gì cả. Đối với tôi, phương cách để tồn tại là VIẾT. Viết là vẽ nên một chân dung để người khác ghi nhớ bằng những ngôn từ đơn giản mà chạm tới những cũng bậc cảm xúc sâu thẳm nhất trong trái tim mỗi người.

Viết là hành động phản kháng bởi bản thân nó là một sự cứu rỗi - là ân huệ đảm bảo cho tôi còn được ghi nhớ sau khi rời khỏi hành tinh này mà không cách nào tránh được. Thế nhưng, ân huệ đó chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta biết chắc rằng những gì viết ra được lưu lại ở một nơi nào đó được chăm chút, chứ không phải là một thứ lưu trữ đã chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng tâm lí gây ra bởi những gì nó phải mang nặng trên vai mà lẽ ra không đáng phải vậy.

Ảnh minh họa (Nguồn: The Guardian).

Nếu có thứ gì đó dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để tin tưởng rằng nó là thứ vật đó, thì nó sẽ sống mãi như chính nó tin tưởng thế, dù rằng nó vốn không phải vậy. Xin được giải thích rõ hơn: Nếu các tác phẩm của các tác giả châu Phi luôn bị “ném” vào một mục có tên là “Văn học châu Phi” và không ai chịu cố gắng phân loại lĩnh vực cho tác phẩm đó, thì chúng ta đang đứng trước một nguy cơ xem cả một bộ sưu tập tác phẩm khổng lồ là một hạng mục nhỏ trong khi trên thực tế nó bao trùm tất cả các thể loại văn học vốn có.

Cũng giống như cách kể chuyện, các tác giả châu Phi có rất nhiều phong cách viết khác nhau, nhưng tất cả các tác phẩm của họ lại luôn bị sắp xếp một cách giản lược tới mức cơ bản nhất ở các hiệu sách bằng một cụm từ “Văn học châu Phi”. Điều này rút cục có nghĩa là gì? Nghĩa là đã có sự mất mát lớn về chuyên môn rất có giá trị chỉ đơn giản bởi các tác phẩm của họ bị túm cả vào một mục trong khi lẽ ra phải được phân loại vào các mục như kinh tế, chính trị, y tế... như thực tế nó phải vậy.

Châu Phi không phải là nơi nào lạ lẫm mà lại trở thành nạn nhân của chủ nghĩa giản hóa luận như vậy. Ngôn ngữ của châu Phi, văn hóa của châu Phi, lịch sử của châu Phi, và cả sự tồn tại của châu Phi đã luôn bị tối giản thành một thứ chung chung như vậy. Đầu tiên, châu Phi bị coi là hoang dã, man rợ, rồi sau đó người châu Phi bị mua đi bán lại như những món hàng. Tới khi không còn bị coi là một món hàng mua bán trực tiếp nữa thì người châu Phi vẫn là đối tượng gián tiếp phải chịu sự phân biệt xem có thể sử dụng được không hay đáng bỏ đi. Sau đó là thời kì người châu Phi bị coi như những con người xa lạ, những kẻ khủng bố ngay trên mảnh đất của chính mình và cuối cùng thì bị coi là những con người nhưng không “đủ là người” để được sống như những người da trắng.

Thật không may nền văn học châu Phi lại phải đối mặt với cùng một một cảnh ngộ đó. Nó bị coi là một thể loại dù nó cũng bao gồm tất cả tác phẩm thuộc tất cả thể loại khác nhau đại diện cho các dòng văn kể chuyện của châu Phi. Giống như các dòng văn học khác, như văn học phương Tây đại diện cho nền văn hóa châu Âu và Bắc Mỹ chẳng hạn, đã vẽ nên chân dung rộng lớn của một châu lục bằng việc dung nạp các thể loại nhỏ như tiểu thuyết, văn xuôi phi hư cấu, tôn giáo, triết học chính trị... Vậy nhưng, nếu các tác phẩm xuất xứ từ châu Phi nên chúng bị tối giản hóa thành chỉ một thể loại thay vì được phân ra một tổ tập rộng lớn gồm nhiều thể loại lớn nhỏ khác nhau.

Điều này có nghĩa, nếu có ai đó tìm kiếm thông tin về một tiểu thuyết lãng mạn của một tác giả châu Phi thì sẽ ngay lập tức được đưa tới khu vực văn học châu Phi. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra cho những ai tìm sách về lịch sử thể thao của Zambia hay triết học chính trị... Tại sao lại như vậy? Thế có nghĩa là thế giới của người châu Phi sẽ không bao giờ tồn tại đúng nghĩa là của người châu Phi khi chúng ta bước chân vào các thư viện, hiệu sách hay trung tâm lưu trữ để tìm kiếm thông tin và sẽ được hướng dẫn rằng chúng ta phải tìm tới một vị trí ở đâu đó phía sau, hay ở một cái giá sách riêng nào đó, hoặc trước đôi ba hàng sách bố trí riêng cho châu Phi mà những cuốn sách không bao giờ có mặt ở tất cả các nơi trong hiệu sách hay trung tâm lưu trữ đó. Đó là bởi các hiệu sách và trung tâm đó vẫn còn thuộc về những con người đã từng xóa bỏ châu Phi khỏi lịch sử và tối giản hóa châu Phi.

Chúng ta cần phải đạt đến được nơi mà chúng ta bước vào hiệu sách và có thể hỏi người bán hàng xem mình có thể tìm một cuốn tiểu thuyết kì bí, một cuốn tự truyện, và một cuốn sách trẻ em của tác giả một nước châu Phi nào đó và tự tin vào một điều rằng ba cuốn sách đó sẽ nằm ở ba nơi khác nhau trong hiệu sách, chứ không phải là bị gộp vào một chiếc giá phía sau hiệu sách. Văn học châu Phi không phải là một thể loại, mà là cả một tổng tập các tác phẩm trong đó có nhiều thể loại khác nhau.

Các nhà văn châu Phi cần phải có một ngôi nhà văn học châu Phi và ngôi nhà đó không nên bị coi chỉ là một căn phòng nơi tất cả mọi người đều chui vào đến nghẹt thở. Nó cần phải được coi là một tòa nhà to lớn như nó vốn thế, một tòa nhà có nhiều phòng, mỗi phòng phù hợp với từng nhà văn với văn phong và lối kể chuyện của riêng mình.

HỮU DƯƠNG dịch theo dailymaverick.co.za