Dòng chảy  Văn nghệ

Người yêu tiếng Việt trọn đời

Thứ Năm, 11/10/2018 09:48
chu phoong arial moi copy - Người yêu tiếng Việt trọn đời là cuốn sách nằm trong bộ Lời người Man di hiện đại, tập hợp những bài viết tiêu biểu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt 30 năm làm báo (1907-1936). Nhân dịp ra mắt cuốn sách, chiều 10/10 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Tri thức phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức buổi Hội thảo Lời người Man di hiện đại - Người yêu tiếng Việt trọn đời. Hội thảo có sự tham gia của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và tác giả Nguyễn Lân Bình.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), quê gốc ở Hà Đông, là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX.  Với 30 năm lao động và sáng tạo Nguyễn Văn Vĩnh đã để lại một khối lượng khổng lồ các di cảo, các bản dịch, bút tích liên quan đến việc xây dựng một nền văn học mới, nền văn học chữ Quốc ngữ.

 
Các diễn giả trong buổi Hội thảo
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và tác giả Nguyễn Lân Bình tại hội thảo

Người yêu tiếng Việt trọn đời được tác giả Nguyễn Lân Bình là cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh sưu tầm và biên soạn. Theo tác giả thì: Đây là một công việc đầy khó khăn, thách thức bởi thời gian trôi qua việc tìm lại những văn bản, tư liệu gốc không hề dễ dàng. Nhưng ông và những người tâm huyết vẫn muốn khôi phục lại những tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh với mong muốn làm sáng tỏ thêm tiến trình dân tộc ta tiếp cận và tiếp nhận chữ Quốc ngữ như thế nào ở giai đoạn đầu tiên ấy. Cuốn sách sẽ cho chúng ta biết nhiều điều về chữ viết của dân tộc mình.

Nguyễn Văn Vĩnh là một trí thức yêu nước nồng nàn và có tư tưởng tiến bộ. Ông quan tâm đến rất nhiều vấn đề văn hóa, xã hội của đất nước. Và bằng trí tuệ, tâm sức của mình ông đã theo đuổi đến cùng mục đích làm sao để đồng bào của ông, dân tộc của ông dùng chữ Quốc ngữ. Qua cuốn sách Người yêu tiếng Việt trọn đời độc giả sẽ cảm nhận được khát vọng ấy. Ông đã đứng trong nhóm người tiên phong ít ỏi chứng minh tính ưu việt của chữ Quốc ngữ trước Hán văn đã được sử dụng lâu đời hay Pháp văn đang được nhiều trí thức thời bấy giờ yêu thích. Ước muốn của Nguyễn Văn Vĩnh cùng với những người yêu chữ Quốc ngữ thời ấy là, làm sao để chữ Quốc ngữ trở thành Quốc tự.

 
Tiếng Việt


Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Từ những năm 90 của thế kỉ trước bạn đọc ở Việt Nam mới được tiếp cận với Nguyễn Văn Vĩnh qua một số hội thảo hay bài nghiên cứu, sưu tầm. Ông là người làm báo, viết báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội và là người góp phần to lớn làm nên văn phong tiếng Việt, cách viết tiếng Việt và tạo ra lối văn kể chuyện.

Người yêu tiếng Việt trọn đời là cuốn sách với những bài viết phù hợp với người đọc bình dân. Từ đó cho thấy phần nào những nỗ lực của Nguyễn Văn Vĩnh thời ấy khi ông cố gắng để bộ phận công chúng đông đảo là những người bình dân tiếp cận được. Là một trí thức tiến bộ theo kiểu Tây học nhưng Nguyễn Văn Vĩnh chính là người dùng ngôn ngữ tiếng Việt để mô tả những câu chuyện Pháp rất tài tình. Qua đó mở ra những hiểu biết cũng như khẳng định giá trị của chữ Quốc ngữ.

Cuốn sách ra đời trong thời điểm hiện tại mở ra nhiều suy nghĩ về việc cải tiến tiếng Việt. Cải tiến thế nào để dân tộc ta thích nghi và phù hợp nhất, nhưng cũng không làm mất đi giá trị, vẻ đẹp của tiếng Việt mà những người đi trước đã dày công kiến tạo. Người yêu tiếng Việt trọn đời là cuốn sách thứ ba trong bộ 14 cuốn mà tác giả Nguyễn Lân Bình dự định sẽ thực hiện. Trước đó, hai cuốn sách đã được xuất bản là Phong tục và thiết chế của người An-Nam (NXB Tri thứcNhời đàn bà (NXB Phụ nữ).
 
KIM NHUNG
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)