Thứ Năm, 18/10/2012 00:00

Bài thơ "Lượm" từ A đến Z


Bài thơ Lượm trong tập thơ Việt Bắc được đưa vào Sách giáo khoa nhiều năm nay, đã rất quen thuộc với giáo viên và học sinh trường phổ thông. Văn bản bài thơ này in trong cuốn Thơ Tố Hữu – Nhà xuất bản giáo dục -1995 trang 240 được Tố Hữu ghi rõ là viết năm 1949. Trong hồi kí Nhớ lại một thời, ở cả hai lần in- Nxb Hội nhà văn – năm 2000 trang 260, NxbVHTT năm 2002 trang 200, Tố Hữu lại cho biết: ông viết bài thơ này vào năm 1952 khi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 3 ngày 21 tháng 1 năm 1952 “ Chính trong Hội nghị Trung ương lần thứ 3 này một đồng chí ở Thừa Thiên ra kể cho tôi nghe về những tấm gương chiến đấu dũng cảm ở quê nhà và cho tôi biết tin về cháu Lượm”

Nhưng có lẽ ít người biết rằng trên đặc san báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh tháng 5 năm 1948 có in bài thơ Lượm của Tố Hữu. Căn cứ vào thời điểm xuất hiện của văn bản này, được in kèm theo đây có thể xem đây là bản in sớm nhất.




Cũng trong cuốn hồi kí Nhớ lại một thời, khi kể về quá trình thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và ra mắt Tạp chí Văn nghệ số 1, Tố Hữu cho biết để “có thể gọi là đóng góp chút gì cho những số báo tới”ông đã đọc bài Cá nước, Bà mẹ Việt Bắc để Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Kim Lân cùng nghe và nói thêm “còn mấy bài còn phải dọn dẹp thêm. Trước mắt Cá nước đã, để chào mừng chiến thắng Việt Bắc và ca ngợi tình quân dân” (Nhớ lại một thời-NxbVHTT năm 2002 trang 164 – 165 -166). Có lẽ trong số những bài thơ mà nhà thơ muốn sửa chữa có bài thơ Lượm.

Có thể có mấy nhận xét bước đầu về quá trình Tố Hữu sửa chữa để hoàn chỉnh bài thơ Lượm.

- Tố Hữu đã lược bỏ hoàn toàn lời đề từ “ Thương yêu gửi tất cả các em”.

- Văn bản tác phẩm: Bản A in năm 1948 có 65 dòng thơ. Bản Z quen thuộc với bạn đọc chỉ còn 57 dòng thơ.

- Tác giả cũng đã lược bỏ hoàn toàn những dòng thơ nói về gia đình chú bé Lượm. Ở văn bản A người đọc được biết Lượm có một người cha vì “sợ”, không dám tham gia kháng chiến nên “Ba chẳng chịu ra/ Ba làm cho nó”. Chú bé Lượm không phải là không thương ba nhưng đã có một sự lựa chọn- theo ông nội vì ông nội tích cực tham gia kháng chiến “Cháu theo ông nội / Chạy lên Xuân Trường/ Ông theo bộ đội/ Ông nội, cháu thương”

Vì sao Tố Hữu lại lược bỏ những dòng thơ này? Có thể, với định hướng viết một bài thơ trong cảm hứng ngợi ca những em nhỏ Việt Nam tham gia kháng chiến “ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”, nhà thơ đã không muốn đi sâu vào hoàn cảnh gia đình chú bé Lượm. Trận tuyến kháng chiến đã diễn ra ngay trong một gia đình với những lựa chọn khác nhau. Một hoàn cảnh như thế sẽ hàm chứa nhiều trữ lượng nghệ thuật cho thể loại tự sự hoặc trường ca. Nhưng với một bài thơ ngắn Tố Hữu có lẽ muốn có những sáng rõ dứt khoát trong định hướng thể hiện và định hướng tiếp nhận. Có thể xem đây là một dẫn chứng về một đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Tố Hữu không đặt trọng tâm sáng tạo vào thể tài đời tư, hay thế sự mà muốn hướng đến những tình cảm chính trị, cảm hứng sử thi. Thơ Tố Hữu có thể nói đến những con người có thực như Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, chị Trần Thị Lí, anh Hồ Giáo nhưng tất cả đều được nhìn nhận thể hiện với những tình cảm mang tính chất cộng đồng, ở tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã tập trung thể hiện tình cảm của mỗi con người với kháng chiến. Lượm là chú “ đồng chí nhỏ”, “Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà”.

Tố Hữu cũng đã lược bỏ sửa chữa những câu thơ cận cảnh, đi sâu thể hiện cái chết của em bé liên lạc. So với câu thơ Chú ngã: ruột phèo ở bản A thì câu thơ Sợ chi hiểm nghèo đạt những hiệu quả thẩm mĩ cao hơn, gợi mở những cách cảm nhận khác nhau. Có thể, đó là ý nghĩ của Lượm khi chuyển bức thư “thượng khẩn”, cũng có thể đó là cảm xúc của nhân vật trữ tình sau khi được nghe kể về Lượm “ Đến nay tháng sáu/ Chợt nghe tin nhà”.

Đọc văn bản bài thơ Lượm in năm 1948, cũng như văn bản năm 1949, người đọc khó đồng thuận với cảm nhận của Hoàng Cầm “ Lượm là người thân yêu khi bị giặc bắn chết mà người còn sống lại thấy cái chết ấy đẹp và nhẹ… Chú Lượm chết không khác gì một con chim trúng đạn chết ở giữa đồng lúa. Rồi cái chết ấy thoáng đi, trên đường vắng lại có những con chim chích khác”.(Tư liệu thảo luận năm 1955 về tập thơ Việt Bắc- Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn. NxbVHTT năm 2005 trang 124 -125). Cần phải thấy điều mà Tố Hữu muốn thể hiện:“ Sau loạt đạn của quân thù Lượm ngã xuống,vẫn nguyên vẻ ngây thơ của chú thiếu niên: Cháu nằm trên lúa/ Tay nắm chặt bông/ Lúa thơm mùi sữa/ Hồn bay giữa đồng. Không! Những anh hùng dù nhỏ tuổi như cháu không bao giờ chết. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có rất nhiều dũng sĩ thiếu niên như cháu Lượm, càng ngày càng nhiều không thể nào đếm xuể, không thể nào biết hết. Có lẽ đó cũng là một đặc trưng, một niềm tự hào lớn của dân tộc ta vốn có truyền thống lâu đời như Trần Quốc Toản ngày xưa vậy” ( Nhớ lại một thời-NxbVHTT năm 2002 trang 201- 202).

Về bài thơ Lượm, có thể nói như Nguyễn Đình Thi về những câu thơ “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ …Ca lô đội lệch/ Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng”. “ Có những câu thơ trong suốt, mới nhìn không thấy gì lạ, cũng như khi ta nhìn vào một giòng suối. Nhưng đọc rồi nhớ mãi, cái ngọt của nước suối ấy uống không chán” ”.(Tư liệu thảo luận năm 1955 về tập thơ Việt Bắc- Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn. NxbVHTT năm 2005 trang 359)

TRẦN DUY THANH

Nguồn: Văn học và tuổi trẻ