Thứ Hai, 11/06/2012 09:15

Khởi nghiệp từ tờ báo “Sinh Hoạt Văn Nghệ” (LƯƠNG HIỀN)

Năm 1956 tôi có dịp cùng đoàn cán bộ tham mưu của Quân khu Tây Bắc đi khảo sát tuyến biên giới để làm quy hoạch phòng thủ suốt cả biên giới Việt Lào và Việt Trung. Đoàn chúng tôi dừng ở những đồn biên phòng chủ chốt để làm việc, đo vẽ bản đồ và lên kế hoạch phòng thủ.

Năm 1956 tôi có dịp cùng đoàn cán bộ tham mưu của Quân khu Tây Bắc đi khảo sát tuyến biên giới để làm quy hoạch phòng thủ suốt cả biên giới Việt Lào và Việt Trung. Đoàn chúng tôi dừng ở những đồn biên phòng chủ chốt để làm việc, đo vẽ bản đồ và lên kế hoạch phòng thủ. Ở đây, suốt dọc tuyến biên giới tôi được trực tiếp sinh hoạt và hòa mình với các chiến sĩ biên phòng. Đặc biệt ở đồn Mường Lạn, tôi có anh bạn là Nguyễn Quang Hân làm đồn trưởng. Cả hai cùng trèo đèo lội suối đi tuần tra dọc đường biên, cùng nổ súng đánh bọn thổ phỉ bên kia biên giới sang ta cướp bóc, cùng cưỡi ngựa đi săn bắn, cùng lao động cuốc đất làm nương trồng ngô trồng sắn, cùng vun xới luống rau và vườn hoa cây cảnh. Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, cả hai lại cùng xuống bản uống rượu, tay nắm tay những cô gái Thái múa xòe theo tiếng khèn. Tại đây thấm thía, cảm động với nỗi nguy hiểm, khó khăn gian khổ và sự lạc quan yêu đời của những chiến sĩ biên phòng, tôi cảm xúc viết một số bài báo, rồi mạnh dạn gửi về số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội. Khoảng 1 tháng sau, tôi không ngờ lại nhận được báo biếu, trong đó có đăng bài của mình. Đó là tờ Sinh hoạt Văn nghệ Quân đội (tiền thân của tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày nay) ở số 1 hoặc số 2 gì đó. Tôi nhớ tôi được đăng hai mẩu bài. Một bài nói về những người lính biên phòng thu dọn lại những bức tường ở một ngôi thành cổ để xây dựng đồn biên phòng ngày nay. Họ vừa làm vừa kể chuyện ôn lại truyền thống của cha ông xưa ở ngôi thành cổ này để bảo vệ tổ quốc. Một bài nói về phong trào tăng gia cải thiện của các đồn biên phòng: phát nương trồng khoai sắn, rau, hoa, chăn nuôi gà, lợn, đi săn bắn, câu cá…Tất cả nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội (lúc đó bộ đội biên phòng chỉ được tiếp tế chủ yếu là mắm khô và cá mắm)

Phấn khởi với thành công ban đầu, tôi liền viết tiếp một bài tùy bút dài hơn rồi tự đánh máy và gửi đi. Dạo đó máy chữ lấy được chiến lợi phẩm từ Pháp, không có dấu. Tôi phải đánh dấu bằng bút mực thêm vào cho dễ đọc. Khoảng nửa tháng sau, bài viết đó được đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam. Tứ đó, thuận đà tôi bắt đầu đi vào viết văn. Tôi viết về mối tình trên đường chiến dịch Điên Biên của tôi và cô gái phá bom nổ chậm trên đèo Lũng Lô (là vợ tôi sau này). Nhưng đang viết thì phải bỏ dở vì tôi được lệnh đi học lớp công trình vừa học vừa làm, nhằm gấp rút xây dựng tuyến phòng thủ miền Bắc, sẵn sàng chiến đấu với bọn Mĩ Diệm đang hô hào Bắc tiến. Đó là công việc rất khẩn trương và thuộc bí mật quốc gia nên mọi chuyện tiếp xúc rộng và viết văn viết báo đều bị cấm, chúng tôi chỉ được phép lao vào kỹ thuật công trình.

Mãi sau khi nước nhà thống nhất, tôi mới cầm bút trở lại. Riêng về mối tình Điên Biên, tôi vẫn canh cánh trong lòng, chưa viết được. Nhân kỉ niệm 30 năm Điện Biên Phủ, Văn nghệ Quân đội phối hợp với Quân khu 3 phát động 1 đợt viết về Điện Biên. Ở trại viết Đồ Sơn, chỉ trong vòng 1 đêm tôi đã viết xong truyện ngắn Vĩnh biệt đèo Lũng Cú. Ngay buổi sáng hôm sau, cả trại quây lại nghe tôi đọc và góp ý kiến. Sau đó anh Lê Lựu đem về và in ngay.

Sau đó tôi viết tiếp một số truyện ngắn và kỉ niệm sâu sắc đăng và được giải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và các báo khác như: Tiếng bom hòa bình Giải A –VNQĐ năm 1984 , Chiều sâu một bức tranh giải nhất kỉ niệm sâu sắc, Gia tài của mẹ, Đường qua bãi mìn giải nhì kỉ niệm sâu sắc …

Có thể nói sự nghiệp viết văn của tôi được khơi dậy và bắt đầu từ tờ báo Sinh hoat văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những nhà văn đi trước và những bạn bè đồng đội của tôi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội là những người thầy luôn luôn gắn bó và giúp đỡ tôi suốt cuộc đời quân ngũ.

LƯƠNG HIỀN



 
 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn