Thứ Ba, 05/06/2012 10:04

Người đó là nhà văn Văn Phác, là tướng Tám Trần

Tôi không viết về ông – một ủy viên trung ương Đảng (khóa V, khóaVI), một nghị sĩ Quốc hội (khóa 8, 9, 10), một Bộ Trưởng Bộ Văn hóa (1977-1981)… mà viết về ông trong tư cách một nhà anh của “nhà số 4” chúng tôi. Đó là nhà văn Văn Phác, Chủ nhiệm (Tông biên tập) đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tôi không viết về ông – một ủy viên trung ương Đảng (khóa V, khóa VI), một nghị sĩ Quốc hội (khóa 8, 9, 10), một Bộ Trưởng Bộ Văn hóa (1977-1981)… mà viết về ông trong tư cách một người anh của “nhà số 4” chúng tôi. Đó là nhà văn Văn Phác, Chủ nhiệm (Tổng biên tập) đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Sáng nào trên con đường đến cơ quan; qua cổng khu tập thể 16A –Lý Nam Đế (Hà Nội), tôi cũng gặp ông đi tập thể dục buổi sáng về. Và lần nào gặp, ông cũng hỏi chuyện về tờ tạp chí mới in, về việc viết lách của anh em trong tòa soạn. Ông tỏ ra rất vui khi được biết ai đó trong cánh đàn em ở Nhà số 4 mới ra sách, mới nhận giải thưởng văn học hoặc mới được bổ nhiệm, đề bạt cương vị mới, quân hàm mới. Thì ra, “xa” tạp chí Văn nghệ Quân đội đã hơn 40 năm, trải nhiều trọng trách, ông vẫn giữ trọn tình yêu, niềm tự hào, tin tưởng ở đội ngũ những người cầm bút viết văn, làm báo trong quân đội, vẫn giữ nguyên trong lòng những kỉ niệm về những ngày đầu làm tờ tạp chí văn nghệ duy nhất của các lực lượng vũ trang.

Ông mới in cuốn sách Từ ngôi nhà số 4 (NXB Quân Đội Nhân Dân -2005), trong đó ông dành rất nhiều trang để kể về tạp chí Văn nghệ Quân đội những ngày đầu. Ông nhớ rất rõ những nhiệm vụ mà Tổng cục Chính trị giao cho tạp chí, nhớ cả việc ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm (Tổng biên tập) đầu tiên ra làm sao. Rồi nhà thơ Thanh Tịnh được cử làm thư ký tòa soạn, nhà văn Từ Bích Hoàng – phụ trách tổ văn, nhà văn Vũ Cao – phụ trách tổ thơ như thế nào…Chuyện Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ …"hạ phóng” xuống đơn vị, xuống cơ sở ra làm sao, viết lách được những gì, ông nhớ hết. Ông kể nhiều hơn về những chuyến đi chiến trường, đi B của những nhà văn áo lính. Ông viết: “Đã có nhiều cuộc tiễn đưa kín đáo và cảm động diễn ra ở ngay trong tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội như với nhà văn Thanh Giang, Thu Bồn được đi B trước chúng tôi. Có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được cái đêm đưa tiễn các anh Nguyên Ngọc và Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) cùng một số diễn viên văn công quân đội lên đường. Đây là nhóm đi chiến trường đầu tiên của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đêm đó, trăng tỏa khắp vùng đồi Xuân Mai vắng lặng. Tôi và anh Chính Hữu ngồi với các bạn rất lâu, rất khuya dưới chân đồi trước giờ chia tay. Các bạn thương tôi mệt nên cứ giục tôi về …” Và sau đó mấy tháng, chính ông cũng bí mật vượt biển vào chiến trường bằng con đường mòn trên biển (Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông). Chuyện chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội, chuyện tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân “biến mất” khỏi phố nhà binh đã được Văn Phác kể lại rất cảm động trong hồi ký Vượt biển vào Nam. Ông vào Nam, bí mật đi B để nhận những trọng trách mới: Chánh văn phòng Quân ủy Miền, bí thư riêng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh rồi Chủ nhiệm cục Chính trị Quân giải phóng, Chính ủy quân đoàn 232…Thời kỳ ở B, ông đã cùng (thực ra là chỉ đạo) các nhà văn Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Thanh Giang, Minh Khoa, Nguyễn Trọng Oánh … làm tờ Văn nghệ Quân giải phóng – một nhánh của Văn nghệ Quân đội, một nhánh nữa là Văn nghệ Quân giải phóng khu V do các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Lưu Trùng Dương cũng là người của nhà số 4 - Hà Nội thực hiện .

Từ ngôi nhà số 4 là cuốn sách mới nhất của Văn Phác. Trước đó khi tuổi 20 (năm 1947) ông đã có tập truyện và ký đầu tay nhan đề Trong khói lửa do Liên khu 3 xuất bản với lời tựa của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Tiếp đó mặc dù bận bịu nhiều công việc (chiến đấu chỉ huy lãnh đạo) ông vẫn lần lượt cho xuất bản các tập Không còn con đường nào khác (1957) với bút danh Trần Hương Nam, Từ mùa thu ấy (1981), Một mùa xuân rực rỡ (1985), Còn mãi với thời gian (1999) … Ngoài ra, trong cương vị người đứng đầu ngành văn hóa, ông còn có các tập tiểu luận có giá trị như: Mấy vấn đề cấp bách về văn hóa nghệ thuật (1985), Mấy vấn đề về công tác tư tưởng văn hóa trong các lực lượng võ trang (1983), Sự nghiệp văn hóa trong chặng đường trước mắt (1987) và rất nhiều tập hồi ức, kỷ niệm in chung khác .

Văn nghiệp của Văn Phác không đồ sộ nhưng có nhiều trang cảm động, mang đậm dấu ấn một thời cũng như dấu ấn riêng của ông – một cán bộ chính trị, một vị tướng.

Viết về ông, tôi cũng không viết về một viên tướng đã tham gia Tây Tiến, từng có mặt ở Điện Biên Phủ, từng vượt biển, ở rừng và trực tiếp chỉ huy một cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Đó là công việc của những nhà sử học quân sự )mà tôi viết về một con người trẻ tuổi quê Yên Mỹ, Hưng Yên “xếp bút nghiên tòng quân”, rồi vừa cầm súng vừa cầm bút viết báo, viết văn suốt 60 năm không nghỉ, một người chỉ huy Ban biên tập đầu tiên của một tờ tạp chí văn chương anh hùng và có văn hiệu với những tên tuổi: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Mai Văn Hiến, Phùng Quán, Đỗ Nhuận, Huy Toàn …Và tôi cũng viết về một đức tính bền bỉ, bền bỉ trong công việc, trong sinh hoạt, luyện tập. Hàng ngày, những người khách qua các con đường Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương vẫn thấy một ông già tầm thước có mái tóc dày lốm đốm bạc đi bách bộ với những bước đi dứt khoát. Người đó là nhà văn Văn Phác, là tướng Tám Trần. Năm nay, năm 2006 nay ông lên lão 80, và cái tờ tạp chí văn chương có tên Văn nghệ Quân đội mà ông là tổng biên tập đầu tiên cũng sắp bước vào tuổi 50, sắp đến ngày vui ngũ tuần đại khánh! Tôi viết những dòng này là để mừng tạp chí Văn nghệ Quân đội sắp kỷ niệm nửa thế kỷ ra mắt bạn đọc, và cũng là để mừng thọ ông.

NGÔ VĨNH BÌNH

 
 

 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn