Thứ Tư, 14/12/2011 05:00

Nho nhỏ chuyện gửi bài cộng tác

Các nhà thơ vốn là người có “cái tôi” rất lớn, trong từng dòng, từng đoạn, luôn thấy “cái tôi” của họ. Các nhà thơ cũng là những người rất cẩn trọng, kỹ càng trong từng câu, từng chữ. Ấy vậy mà đôi lúc, có lẽ do bản tính lãng đãng, mà các nhà thơ lại bỏ qua những điều rất sơ đẳng trong công đoạn gửi bài tới tòa soạn.
Các nhà thơ vốn là người có “cái tôi” rất lớn, trong từng dòng, từng đoạn, luôn thấy “cái tôi” của họ. Các nhà thơ cũng là những người rất cẩn trọng, kỹ càng trong từng câu, từng chữ. Ấy vậy mà đôi lúc, có lẽ do bản tính lãng đãng, mà các nhà thơ lại bỏ qua những điều rất sơ đẳng trong công đoạn gửi bài tới tòa soạn. Người Biên Tập muốn nhắc tới hai trường hợp thường gặp khi nhận bài của các nhà thơ.

Trường hợp thứ nhất: nhà thơ quên béng mất tên của mình.

Là nói quên tên theo nghĩa đen luôn, tuyệt không phải nghĩa bóng nghĩa biếc gì. Tức là nhiều tác giả gửi bài tới nhưng không đề tên trong bản thảo, gửi qua đường bưu điện thì chỉ ghi tên mình ở ngoài phong bì thư, còn bên trong chỉ có tên bài thơ và nội dung bài thơ. Một số tác giả gửi bài qua email cũng “mắc lỗi” như vậy, tức là trong file đính kèm chẳng thấy tên tác giả đâu, địa chỉ cũng không nốt.

Hàng ngày Người Biên Tập luôn nhận được lượng bài vở kha khá của cộng tác viên gửi về, cho nên việc lần tìm lại địa chỉ ở phong bì hoặc ở email rồi viết thư hỏi tên tác giả, địa chỉ tác giả là khá phức tạp, nhiêu khê. Vì vậy, Người Biên Tập xin nhắc lại rằng khi gửi bài, dù qua đường bưu điện hay qua email thì các bạn nên nhớ ghi tên mình ở trên, hoặc dưới mỗi bài thơ, kèm theo địa chỉ cụ thể để Người Biên Tập và tòa soạn còn tiện liên lạc, trao đổi.

Còn nữa, khi các bạn dùng bút danh thì nên ghi tên thật của mình ở phần địa chỉ để tránh tình trạng tòa soạn gửi báo biếu và nhuận bút tới mà bưu điện không cho các bạn nhận vì bút danh không có trên chứng minh thư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác.

Riêng với các tác giả gửi bài qua email, Người Biên Tập muốn lưu ý thêm điều này: rất nhiều bạn đã đổ nội dung thẳng vào thư mà không có đính file kèm, việc ấy cũng gây khó khăn cho Người Biên Tập khi nhận bài, vì Người Biên Tập phải tạo file mới và coppy nội dung của các bạn vào đó. Người Biên Tập không ngại thao tác này, nhưng việc tạo file mới và coppy vào đấy, lại không có tên tác giả thì dễ dẫn tới sự nhầm lẫn đáng tiếc, chưa nói tới việc phải định dạng lại cách trình bày cho mỗi bài thơ, có thể sẽ không đúng với ý tác giả. Tốt nhất là các bạn gửi theo tệp tin đính kèm.

Trường hợp thứ hai: gửi đi gửi lại nhiều lần.

Người Biên Tập hay gặp trường hợp một số bạn gửi bài hôm trước, hôm sau gửi lại vì có chữa vài câu, vài chữ, hôm sau nữa lại gửi tiếp cũng vì lý do tiếp tục chữa thêm. Có bạn gửi đi gửi lại tới lần thứ sáu, khiến Người Biên Tập thật sự hoang mang là không biết đây đã phải lần cuối chưa, chính vì thế cũng chưa dám nghĩ đến việc sử dụng vì sợ khi báo in ra rồi tác giả vẫn còn “xin đổi bản thảo”.

Điều đầu tiên cần nói, là Người Biên Tập vô cùng hoan nghênh, kính trọng việc chữa bài vì nó cho thấy tác giả rất kỹ trong nghề. Kỹ ở lĩnh vực nào thì còn phải xem, riêng văn chương mà kỹ thì đáng ca ngợi. Ngọc càng mài càng sáng, văn chương càng chữa càng có thể hay lên. Nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng của Trung Quốc là Viên Mai có viết trong Tùy Viên Thi Thoại thế này: “Chữa thơ khó hơn làm thơ, sao vậy? Là vì lúc làm thơ, ý hứng phát sinh trong đầu óc, dễ dàng mà làm nên bài, còn khi chữa thơ thì ý hứng đã qua rồi, đại cục đã xong rồi, chỉ còn một vài chữ không xong...”

Nhưng chính Viên Mai cũng viết: “Thơ không thể không chữa mà cũng không thể chữa nhiều, sao cho vừa đúng là điều rất khó”. Người Biên Tập không bàn luận sâu vào hành động chữa thơ, ở đây chỉ xin nói một chút về việc gửi rồi lại chữa, rồi lại gửi, lại chữa. Cứ gửi rồi chữa rồi gửi như thế, nó cho thấy bạn là người cầu toàn nhưng lại cũng là người khá... nôn nóng. Vẫn biết tâm lý chung là khi mới viết xong một tác phẩm tác giả thường nghĩ nó đã hoàn chỉnh và muốn gửi đi in ngay.

Nhưng trừ một vài trường hợp đặc biệt, viết là hoàn chỉnh ngay tắp lự, còn lại phần lớn các tác phẩm đều ẩn chứa “một vài chữ không xong” sau khi viết lần đầu và “một vài chữ không xong” này chỉ được phát hiện khi tác giả đọc lại. Cho nên Người Biên Tập rụt rè đề nghị thế này: khi viết xong, các bạn hãy cất sang một bên, để vài ngày sau, thậm chí vài tuần sau đọc lại, khi đó hẳn sẽ bình tĩnh, tỉnh táo hơn để biết tác phẩm có “một vài chữ không xong” không, nếu có thì sửa tiếp, nếu không thì khi đó mới ung dung gửi đi cũng chẳng muộn mằn gì.

Việc chữa đi chữa lại nhiều lần trước mặt người khác, dù là Người Biên Tập, cũng dễ làm cho tác phẩm phần nào giảm đi cái sự thiêng. Nhà thơ càng hạn chế để người khác thấy công việc bếp núc thơ của mình càng tốt. Người Biên Tập nghĩ, thời gian sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm chính là cấp số nhân của thời gian tồn tại tác phẩm. Và thời gian đó phụ thuộc vào sự điềm tĩnh của tác giả.

Và, người làm thơ dường như cũng giống người đi câu. Người đi câu nhiều kinh nghiệm khi thấy phao nhấm nháy nửa chừng sẽ chẳng bao giờ vội vàng giật, mà chờ phao chìm lút xuống mới giật, khi đó chắc chắn là được cá.

Người Biên Tập