Thứ Hai, 24/02/2014 08:41

"QUÊ HƯƠNG" - KỈ NIỆM CỦA MỘT THỜI

Kỷ niệm càng đẹp, con người càng ngây thơ, trong sáng thì sự mất mát càng lớn. Ở đây là cô gái với mối tình trong sáng, nụ cười khúc khích, đôi mắt đen tròn, tin ở con người, tin ở tình yêu. Thế mà trong phút chốc trở thành nạn nhân của sự trả thù của địch vì cô ấy đã tham gia kháng chiến (Nhà thơ GIANG NAM)

. Nhà thơ GIANG NAM

Hầu như trong các lần tiếp xúc với bạn đọc, một câu hỏi luôn được đặt ra với tôi: Cô gái trong bài thơ Quê hương là ai? Câu chuyện trong bài thơ là có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng? Sự quan tâm của bạn đọc là chính đáng và theo suy nghĩ của tôi, bắt nguồn từ lòng yêu mến bài thơ - một trong những bài thơ tình hiếm hoi ra đời ngay trong những năm tháng ác liệt sau hiệp định Giơnevơ năm 1954. Xin phép bạn đọc cho tôi được “dông dài” một chút.

Dạo ấy là những năm 1959-1960, nghị quyết 15 của Trung ương vừa ra đời với phương châm đấu tranh chính trị và võ trang song song, tạo cơ sở cho một bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng miền Nam. Nhưng lực lượng địch vẫn còn rất mạnh, chính sách “chống cộng” ngày càng dã man, tàn ác (với luật 10/59 chúng đã đưa máy chém lên Tây Ninh xử tử hình anh Hoàng Lệ Kha, bí thư tỉnh ủy lúc bấy giờ). Nhằm chuẩn bị cho tình hình mới, củng cố lực lượng và bước vào đấu tranh võ trang, tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định rút một số cán bộ trước đây được bố trí đổi vùng “ra công khai” trở về. Đang hoạt động ở vùng ven Sài Gòn (Biên Hóa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Xuân Lộc…) tôi được một cô giao liên “hợp pháp” từ Nha Trang vào bắt liên lạc mang thư của đồng chí bí thư tỉnh ủy và bàn kế hoạch tổ chức chuyến đi của tôi.

Tôi rời thị xã Biên Hòa vào tháng 4-1960 trong vai một công chức trí thức cùng một đồng chí dẫn đường đóng giả làm người buôn bán, để lại nơi thành phố còn lạ lẫm gia đình nhỏ của mình gồm hai người: Vợ tôi (cũng là đảng viên, bị lộ phải đổi vùng) và con gái tôi (lúc này cháu mới sinh được 5 tháng). Buổi chia tay thật xót xa: Một bên là nhiệm vụ cách mạng, là tiếng gọi của Đảng, một bên là gia đình, hai mẹ con ốm yếu, không nơi nương tựa. Không phải lúc đầu tôi không có ý định hoãn chuyến đi của mình. Nhưng bức thư của đồng chí bí thư tỉnh ủy đã dặn dò: Tình hình đang khó khăn, cơ sở công khai bị lộ, địch theo dõi gắt gao… nếu không đi được chuyến này thì chưa biết lúc nào mới móc nối lại được.

Tôi về chiến khu công tác hơn 6 tháng thì được tin cơ sở báo lên: Vợ tôi và cháu đã bị bắt ở Thủ Đức và bị đưa về Sài Gòn giam ở nhà lao Chí Hòa. Con gái tôi còn bú cũng bị bắt theo mẹ.

Những ngày sau đó là những ngày dài lo lắng, thương nhớ khôn nguôi. Vụ tàn sát Phú Lợi năm trước (1958), luật 10/59 vừa mới ra đời, những cuộc lùng sục, càn quét của địch vào các vùng căn cứ kháng chiến cũ của ta, hằng ngày tin đồng chí, bạn bè hy sinh bay về dồn dập… mà lối ra thì vẫn còn mờ mịt. Không biết có phải đó là tâm trạng bi quan, mất lòng tin không nhưng thật tình hồi đó trước sức mạnh vật chất áp đảo của địch, một số cán bộ đảng viên chúng tôi thường nghĩ: Mình chiến đấu đây là cho đồng bào, cho con cháu chứ chắc khó sống đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Riêng tôi thì luôn tự dặn mình: Đã chấp nhận làm cách mạng, đi theo Đảng là chấp nhận hy sinh, không bao giờ đầu hàng, phản bội nhân dân, phản bội đồng chí của mình. Nếu rủi bị địch phục kích thì kiên quyết không để chúng bắt sống, cứ chạy cho chúng bắn… Mỗi tuần có chuyến thư từ thành phố lên, qua nhiều trạm giao liên heo hút giữa rừng, địch càn hoặc mưa lũ bị đứt đường một hai tuần lễ là thường. Tôi luôn sống trong chờ đợi, khắc khoải từng chuyến thư về. Cho đến buổi chiều hôm ấy…

Đó là một trong những buổi chiều vắng vẻ ở cơ quan tỉnh ủy Khánh Hòa. Gọi là “cơ quan” nhưng thực ra chỉ là mấy dãy gộp đá hiểm trở tựa lưng vào Hòn Du, một ngọn núi khá cao của huyện Diên Khánh, nằm về phía tây thành phố Nha Trang. Cơ quan chỉ có 8 người lại luân phiên đi công tác nên có lúc chỉ có 1, 2 đồng chí ở nhà, cả ngày không nghe một tiếng cười. Đêm dồn lại một gộp đá, nghe say mê Đài tiếng nói Việt Nam đến mức thuộc cả chương trình ngày thường, ngày chủ nhật, thuộc cả từng tên anh chị xướng ngôn viên. Tiếng vượn hú, tiếng suối reo đều đều càng nhắc tôi nhớ đến thành phố, nhớ vợ con, bạn bè đang bị tù đày, tra tấn. Chiều hôm ấy ăn cơm xong, tôi về gộp đá của mình. Vừa đốt đèn chuẩn bị ngồi vào bàn viết thì đồng chí phó bí thư tỉnh ủy đến (đồng chí bí thư đang vào công tác trong thành phố). Sau vài câu chuyện mở đầu, giọng anh bỗng trầm xuống:

- Tình hình dưới đó gay lắm anh Tư ạ. Hôm nay giao liên về có một số tin không vui.

Tôi linh cảm có điều chẳng lành. Thông thường anh xởi lởi, thật thà không rào trước, đón sau, nói vòng quanh như thế. Quả nhiên anh nói tiếp:

- Thư các anh Nha Trang cho biết cơ sở nội thành của ta đã tìm khắp các nhà tù nhưng vẫn không có tin tức gì về chị và cháu. Anh em e ngại điều xấu nhất đã xảy ra. Dù có thế nào mong anh hãy vững vàng. Chúng mình là đảng viên, đã quyết tâm ở lại…

Nhà thơ Giang Nam đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam năm 2013 (Ảnh: ST)

Tôi không còn nghe gì nữa. Cám ơn anh đã thông cảm, động viên tôi nhưng bằng kinh nghiệm của riêng mình, tôi nghĩ: Như thế là tôi đã mất hai người thân yêu nhất của mình, một phần của đời tôi, cuộc sống của tôi. Trong giây lát vụt hiện ra những ngày ngắn ngủi sống bên nhau, buổi đầu gặp gỡ ở chiến khu, tình yêu chớm nở. Và những ngày hoạt động trong thành phố bị lộ tung tích mỗi đứa chạy một nơi. Tôi vào Phan Thiết, Biên Hòa, Sài Gòn sống lẫn lộn với anh chị em thợ da, dân cao su. Cô ấy đi Mỹ Tho, Sóc Trăng buôn gánh bán bưng. Ở gần nhau nhưng không hề biết tin nhau vì nguyên tắc bí mật. Rồi những ngày gặp lại nhau và sống trong ngõ hẻm lầy lồi đường Trịnh Hoài Đức, Biên Hòa giữa đám mật vụ, công an ngày đêm lùng sục, bao đồng chí bị bắt, bị giết. Hy vọng được sống mãi mãi bên nhau như thế là vĩnh viễn mất đi. Nước mắt tôi trào ra.

Đồng chí phó bí thư đi rồi, tôi ngồi lại bên bàn ghép bằng cây rừng và bắt đầu viết bài thơ chưa có tên về nỗi mất mát của mình… Từng chữ, từng câu, từng hình ảnh ùa đến sống động, day dứt… hầu như không phải tìm tòi, suy nghĩ nhiều, có lẽ đó một trong ba bài thơ tôi viết nhanh nhất và không hề có chuẩn bị. Cái gì đã quyết định cho bài thơ ra đời? Theo tôi, đó là giây phút choáng váng nhận được tin buồn đột ngột. Nó là giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc cốc tình cảm nhớ thương và chờ đợi của tôi. Nỗi đau đã đến độ bật ra thành thơ.

Về mặt nghệ thuật, có lẽ có hai điều tôi muốn tâm sự với bạn đọc. Kỷ niệm càng đẹp, con người càng ngây thơ, trong sáng thì sự mất mát càng lớn. Ở đây là cô gái với mối tình trong sáng, nụ cười khúc khích, đôi mắt đen tròn, tin ở con người, tin ở tình yêu. Thế mà trong phút chốc trở thành nạn nhân của sự trả thù của địch vì cô ấy đã tham gia kháng chiến, đã là du kích… Theo hiệp định Giơnevơ địch không được quyền trả thù, nhưng chúng vẫn “tố cộng”, vẫn giết hại người kháng chiến trong đó có người anh ruột tôi. Bài thơ đã miêu tả cô gái, kể chuyện tình yêu của cô với những gì tốt đẹp nhất. Chính vì thế sự mất mát càng đau, càng xót vào lòng.

Điều thứ hai tôi lưu ý bạn đọc là trên 3/4 bài thơ (26 câu) đã tập trung miêu tả niềm vui, hạnh phúc của tuổi trẻ và tình yêu, không có gì báo hiệu nỗi mất mát sẽ đến. Đến câu thứ 27, đột ngột giông tố nổi lên.

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích em ơi

Đau xé lòng anh chết nữa con người

Nỗi đau đột ngột đến mức không tin là sự thật, chính nỗi đau như vậy ập xuống đầu chúng ta. Và hầu như nó cũng dừng đột ngột. Tiếng kêu đau thương không kéo dài trong bài thơ nhưng là để tiếp tục kéo dài, đè nặng lên cuộc sống của chúng ta.

Kết thúc bài viết này tôi muốn nhắc lại một kỷ niệm nhỏ. Bài thơ Quê hương ra Hà Nội năm 1960 và năm 1961 được giải nhì tạp chí Văn nghệ. Nhưng bài Quê hương thật sự phổ biến rộng ở miền Nam là vào những năm 1969-1970 giữa phong trào chống Mỹ sục sôi trong các thành thị miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn. Bài thơ được chép tay, truyền tay trong học sinh, sinh viên, được làm tài liệu trong các cuộc đấu tranh. Tôi nhớ mãi lời tâm sự của một sinh viên Sài Gòn, người Bắc, di cư đã tham gia phong trào. Khi biết tôi là tác giả bài thơ, anh ấy đã xúc động nói:

- Em đã thuộc bài thơ này từ lâu, nhưng em không bao giờ nghĩ đó là bài thơ của một người cộng sản. Khi được bạn cho biết Giang Nam là nhà thơ, hiện ở chiến khu và là đảng viên cộng sản, em như bị choáng váng. Người cộng sản mà cũng có tình yêu, thậm chí một tình yêu cảm động, xót xa đến thế ư? Em hiểu là em có thể đứng cùng trận tuyến với các anh chống Mỹ và bọn tay sai. Và em đã tham gia phong trào. Em mơ ước được gặp anh.

Tôi vô cùng xúc động, chỉ biết khẳng định với người bạn trẻ từng bị kẻ địch lừa dối về người cộng sản nhiều năm rồi:

- Nếu có người dân nào yêu nước nhất, chịu hy sinh đau khổ nhiều nhất thì đó chính là người cộng sản. Quê hương là một phần của cuộc đời tôi, và có lẽ là của nhiều bạn bè tôi, em ạ.

G.N

QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

*

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

*

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi


1960