Thứ Hai, 16/09/2013 09:37

“Quyền sư” – Xôn xao văn đàn, võ đàn

Gần đây, văn đàn và võ đàn Việt Nam đang xôn xao bởi một tác phẩm văn học phi hư cấu viết về các nhân vật là huyền thoại một thời trong giới võ thuật Việt Nam: Quyền sư (NXB Trẻ, 2013) của tác giả - võ sư Trần Việt Trung.

Gần đây, văn đàn và võ đàn Việt Nam đang xôn xao bởi một tác phẩm văn học phi hư cấu viết về các nhân vật là huyền thoại một thời trong giới võ thuật Việt Nam: Quyền sư (NXB Trẻ, 2013) của tác giả - võ sư Trần Việt Trung.

Hàng trăm trang sách không hề dụng công, nhưng lại hấp dẫn bởi sự tinh gọn trong bố cục, trong từng câu chuyện kể, được võ sư Trần Việt Trung chia sẻ một cách khiêm nhường và giản dị.

Ông nói: “Tôi không có ý định viết một cuốn tiểu thuyết vì mình không phải là người viết chuyên nghiệp mà khi viết thường sẽ phải tưởng tượng, hư cấu nhiều chi tiết. Tôi cũng không có ý định viết dưới dạng nhật ký vì dễ làm người đọc phải tiếp nhận nhiều điều riêng tư của những cá nhân mà họ không biết”.

Tác giả Trần Việt Trung và bìa cuốn sách.

Những đấng bậc hiếm có

Quyền sư - một cuốn sách nói về hai nhân vật, hai thế hệ kế tiếp nhau, hai đại biểu để lại dấu ấn sâu đậm trong phái võ Vịnh Xuân Quyền. Đó là cụ Tế Công - người sáng lập ra võ phái Vịnh Xuân Quyền ở Việt Nam và một học trò xuất sắc của cụ là võ sư Ngô Sỹ Quý.

Trong cuốn sách của mình, được khởi thảo từ tháng 9/2012, tác giả Trần Việt Trung đã dày công tái hiện hai nhân vật, một thầy - một trò, một già - một trẻ, một Hoa - một Việt với biết bao biến động, thăng trầm cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử vô cùng đặc biệt, mà giữa họ lại có những nét tương đồng kỳ lạ về tình cảm, tính cách và số phận.

Những mong muốn viết ra những điều đã được nghe từ người thầy của mình không chỉ là việc hiếu kính với các bậc tiền bối, mà đó chính là các bài học cuộc sống. Trong đó, tác giả Trần Việt Trung đã dành những tình cảm đặc biệt của mình cho Ngô Sỹ Quý – thầy của mình. Người đã xuất hiện trong câu ca hết sức thú vị được lưu truyền rộng trong võ giới: “Tiển tròn, Phùng mộc, Vũ bay/ Ngô hình, Hương y bắt tay thành tài/ Ra đi ngày hãy còn dài/ Bẻ cành mai trắng viết vài câu thơ”, mà trong đó “Ngô hình” chính là Ngô Sỹ Quý ở Cầu Giấy, được sở đắc ngũ hình quyền của tôn sư Tế Công và ông cũng là một trong những người có công truyền bá Vĩnh Xuân mạnh mẽ ở Hà Nội.

Nhà văn Đỗ Chu nhận xét “Trần Việt Trung kể chuyện những bậc thầy mình trong môn phái võ Vịnh Xuân mà anh theo đuổi. Với tất cả sự kính yêu của một học trò, anh tôn họ là Quyền sư. Những trang văn mộc mạc sâu đọng càng đọc càng lôi cuốn, chuyện võ mà cũng là chuyện đời. Không thể có nổi cuốn sách này nếu người viết thiếu văn tài và ít am hiểu võ nghệ. Đọc xong gấp sách không khỏi bâng khuâng, Quyền sư ở đây quả là những đấng bậc hiếm có, họ từng là những vẻ đẹp Hà Thành một thủa và hình như, liệu có phải trong sự lặng lẽ khiêm nhường nhưng tác giả cuốn sách cũng là một quyền sư?”.

Đọc để sống nhiều hơn

Người viết bài này từng học võ Thiếu Lâm nhiều năm, sau chuyển sang võ cổ truyền Việt Nam, không có cơ duyên với Vịnh Xuân Quyền. Một buổi trưa mát cách đây mấy ngày, khi Ban Nhà văn trẻ nhóm họp để bàn về những chuyến đi thực tế của các nhà văn trẻ, nhiều người đã được TS giáo dục Thụy Anh tặng cho cuốn Quyền sư tại CLB Đọc sách cùng con của chị với lời nhắn “nếu đang sống ít, đọc đi để sống nhiều hơn”.

Gần 200 trang sách võ – y đồng đạo, Quyền sư đầy ắp ứ những tình bạn, lòng tự hào người Việt, những đúc kết tinh túy, ứng xử, những bài học tiên trách kỷ, không chặn miếng cơm của người khác, không cạnh tranh, không dạy kẻ ác… đã là những cẩm nang, hành trang bỏ túi gọn gàng, đầy ý nghĩa đối với mỗi người. Đọc sách, đó chẳng phải là may mắn được hội ngộ cùng thầy Ngô Sỹ Quý qua Quyền sư đó sao, để thấm thía những bài học đạo làm người từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới qua từng trang sách “học võ không phải để đánh người mà để người không đánh mình” và “dạy người ta biết thua, biết thua thì không chết”.

Nhà thơ Hữu Việt, một trong những học trò của thầy Ngô Sỹ Quý cho biết: “Bằng hình thức chương hồi, với ngôn từ giản dị nhưng biến hóa linh hoạt và giàu hình ảnh, Quyền sư kể cho chúng ta nghe những câu chuyện khác thường, đặc biệt hấp dẫn, mang những thông điệp bất biến về đời sống, tư tưởng và võ đạo, khiến người đọc cảm giác tiếc nuối khi gấp cuốn sách lại. Đó là câu chuyện có thực được truyền tải qua ngôn ngữ văn học, Quyền sư mang giá trị học thuật, đem đến những tư liệu quý về tình cảm, đạo nghĩa thầy trò”.

Quyền sư hơn cả một quyển sách, mà đó là một bảo tàng của của ký ức, của tấm lòng mà khi mỗi khi chạm vào lại rung lên những nhớ thương và để thấu hiểu, cùng “tơ đồng” với người xưa như trong lời mở của Quyền sư: “Nhạn đáo hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm bất lưu ảnh/ Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh” (Nhạn bay đến đầm lạnh, nhạn bay đi đầm không lưu lại ảnh/ Gió lay thân trúc/ gió tắt trúc không còn âm thanh – Tô Đông Pha).

Mà suy cho cùng, việc võ cũng như việc đời, vốn vô cùng, chỉ có những bài học, lòng tự hào, giá trị sống, đạo nghĩa là không ngừng chiếu rọi và bền vững trên hành trình thiên lý võ thuật trước vòng quay vô tình của bánh xe thời gian.

LÃNG MA

Nguồn: TTVH