Thứ Tư, 15/10/2014 08:53

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 807 (cuối tháng 10/2014)

Phần Văn xuôi số này giới thiệu bút kí Biên cương hình bóng quê nhà của Hùng Dũng, truyện ngắn ngắn Bến cập xuồng của Nguyễn Mạnh Thắng và các truyện ngắn dự thi: Đường qua bản của Dương Giao Linh, Giấc mơ đá vỡ và Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Nhân kỉ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị (31/10/1949 – 31/10/2014), Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 807 (cuối tháng 10/2014) mở đầu bằng bài đối thoại giữa phóng viên tạp chí với Thiếu tướng Hồ Trọng Đào – Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị, Cục trưởng Cục Chính trị.

Phần Văn xuôi số này giới thiệu bút kí Biên cương hình bóng quê nhà của Hùng Dũng, truyện ngắn ngắn Bến cập xuồng của Nguyễn Mạnh Thắng và các truyện ngắn dự thi: Đường qua bản của Dương Giao Linh, Giấc mơ đá vỡ Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Đường qua bản dẫn dắt người đọc đến với một không gian bản làng xa ngái, còn bị bủa phủ bởi lớp sương mờ nhận thức, nơi có câu chuyện khó tin, buồn như khói mùa đốt nương về số phận của những cô gái đẹp không hiểu từ đâu, tại làm sao lại bị cho là… “ma cà rồng”. Sau cuối, họ vùng dậy tự giải phóng số phận bằng tất cả nội lực sống, nội lực yêu nén tụ của mình. Hoa ban vào mùa nở rộ, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng cười theo gió lả lơi bay.

Giấc mơ đá vỡ là câu chuyện ma mị, ám ảnh về chiến tranh. Bộ mặt của một cuộc chiến không biết ngày kết thúc dẫu đã được ảo hóa, mờ hóa bởi giấc mơ đàn bướm nhưng vẫn hiện ra tàn khốc, hãi hùng như nó vốn dĩ. Nước mắt tuôn trên những lặng phắc nghìn năm của núi đá, những rì rào muôn đời của biển, những biến động xoay vần của thời cuộc, của những phận người.

Đỉnh khói là một nỗ lực dấn thân nhận diện bộ mặt của chiến tranh, từ một điểm nhìn, lăng kính khác. Câu chuyện xoay quanh những bất lực run rẩy của một người con gái lầm đường lạc lối mất hút đường về. Những mảng kí ức cứ lung linh thức giữa nồng nặc mùi khói, giữa nhàu nhò ê hề. Gò ngực đứa gái hành nghề phấn son có ai ngờ lại là nơi hứng bao tiếng thở dài, bao tiếng khóc của những người đàn ông thuộc “phía bên kia”, những cánh thiêu thân đã lao vào cuộc chiến.

Phần Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Trí thông minh của nhà văn Frank Brennan (Anh) do Thái An dịch.

Phần Thơ chủ yếu là những thi phẩm viết về không gian lịch sử - văn hóa, về muôn mặt đời thường.

“Thơ trong những tập thơ” số này là tác phẩm Nỗi buồn pha lê (thơ lục bát) của Trương Nam Chi và chùm bài tiêu biểu do nhà thơ Văn Lê chọn và giới thiệu.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, phê bình Lê Xuân Đức, Bùi Thanh Truyền, Phong Lê, Doãn Nho…

Mục “Từ nguyên mẫu đến nhân vật” số này là những chia sẻ thú vị của nhà văn Hữu Phương về những mảnh vụn nguyên mẫu làm nên thế giới nhân vật của truyện ngắn Ba người trên sân ga.

Mục “Bạn đọc với truyện ngắn dự thi” là cảm nhận của Thái Ngọc về tác phẩm Chuyện Nguyên Phong của Doãn Dũng trên VNQĐ số 805.

Khách mời Quán văn kì này là tác giả Trần Trọng Vũ; người trực quán là nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Phần Mĩ thuật là những tranh, minh họa ấn tượng của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Thành Chương, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Nguyễn Nghĩa Phương, Duy Quang…

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 807 (cuối tháng 10/2014) dày 120 trang dự kiến phát hành ngày 20/10/2014. Mời quý vị đón đọc.

Văn

PV

Cục Chính trị – Tổng cục Chính trị: Phát huy truyền thống 65 năm, tích cực, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện

Dương Giao Linh

Đường qua bản

Hùng Dũng

Biên cương hình bóng quê nhà

Nguyễn Mạnh Thắng

Bến cập xuồng

Nguyễn Thị Kim Hòa

Giấc mơ đá vỡ

Đỉnh khói

Thơ

Lê Thiếu Nhơn

Heo may

Nguyễn Hồng Công

Một lần

Nguyễn Ngọc Tân

Thư người lính biển

Phạm Duy Nghĩa

Cảm hứng; Ngọn đuốc

Hoàng Liên Sơn

Ngôi nhà

Nguyễn Su Tu

Bóng

Nguyễn Khắc Huyền

Hạt sương trên lá; Những tấm bia Văn Miếu

Hồng Thủy Tiên

Trong căn phòng bừa bộn của em; Bài ca mùa hè

Trần Thị Huyền Trang

Ngu ngơ; Đề từ

Nguyễn Ngọc Đạt

Dặn con

Nguyễn Đình Minh

Khúc ấu thơ; Con tò he

Hải Đường

Với danh họa Mô-nê; Chợ đồ cũ Pari

Bình Nguyên

Ông Tố; Những hòn than

Vũ Thiên Kiều

Giọt tuyết tinh khôi hóa đá; Sen thở chuyến tàu đêm

Trương Nam Chi

Tự ru; Họa mi vẫn hót; Nỗi buồn pha lê

Văn học nước ngoài

Frank Brennan (Anh)

Trí thông minh (Thái An dịch)

Bình luận văn nghệ

Lê Xuân Đức

Bản di chúc sống

Bùi Thanh Truyền

Dòng chảy kì ảo trong tiến trình văn học Việt Nam

Phong Lê

Nhớ Đặng Thai Mai – bậc thầy lớn của thế hệ chúng tôi

Doãn Nho

Âm nhạc Việt Nam - đôi điều suy ngẫm

Hữu Phương

“Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”

Thái Ngọc

Chuyện Nguyên Phong - chuyện đương thời

Quán văn

Trần Trọng Vũ: Giữa bình thường và bất thường, tôi chọn cái thứ hai (Nguyễn Xuân Thủy thực hiện)