PHÍA NÚI những vần thơ thấm đẫm tình người
(Tập thơ Phía núi của Tú Anh, Nxb Văn hoá Dân tộc, 2014)
Đọc tập thơ Phía núi của Tú Anh ta cùng trải nghiệm về những mảnh phận người, những giá trị văn hoá tộc người. Phía núi đã hé ra những điểm nhìn, góc quan sát khá tinh tế, gợi mở.
Xuyên suốt tập thơ hiện lên chân dung nhiều khía cạnh của một phụ nữ đa cảm, đầy lòng trắc ẩn đang run lên trước những số phận người mà chị bắt gặp hàng ngày, hàng giờ. Đâu đó trong cái chung-riêng, là kí ức về cái nghèo: Mùa khói đắng bát cơm nâu màu củ/ Mái sàn nghiêng tháng gió bần hàn; Cha nhóm lửa hong khô ngày lũ/ Chiếc dậu no bếp ngủ vùi/ Mẹ đong nắng ắp “hông” cơm độn/ Lũ con hau háu mắt phơi(Ngày của ngày sau).
Ở Phía núi, khi nút thắt được cởi đến biên độ cao, sự run rẩy đầy thảng thốt khiến người đọc thắt lòng: Mẹ theo chồng không đám cưới/ Cuộc tình nửa chuyến mối mai (Đò chiều); Mẹ về vai quảy hoàng hôn/ Áo sờn xước sợi nắng hờn ngày phai (Chiều của Mẹ); Mẹ ta thưa sợi tóc xanh/ Thay cho ta chiếc áo lành mùa đông (Thiếp trong tay mẹ tóc vừa chạm phai); Thương lắm hai hàng cúc khuyết/ Khạo khờ mẹ để lệch đôi (Chuyện của cánh đồng)…
Trong nhịp sống tưởng chừng nặng nề ấy con người vẫn hiện lên tươi tắn, đằm thắm trong câu Đang - câu Xường, như một điểm tựa để vin vào giãi bày mọi cung bậc tình cảm. Những hình ảnh chín đằm, khơi gợi đã nhuần nhụy hiện ra trong Phía núi: Cha buộc câu Xường vào tay mẹ/ Dắt nhau cùng đi qua tuổi mình (Ngày của ngày sau); Trái tim biết hát lời cỏ/ Mơn mơn xanh rối lưng nương/ Đôi mắt biết thêu sắc đỏ/ Hẹn đoá bông trăng thổn thức câu Xường (Viết cho tháng mười)…
Với trải nghiệm của người cầm bút, những mảnh ghép cuộc sống được tác giả Phía núi vun đầy, tìm sự cảm thông từ gian khó của kiếp người. Phải chăng, trong gian khó, những nốt nhạc sẽ cất lên, những vần thơ bắt đầu từ đời sống, từ thân phận sẽ mang giá trị xúc cảm cao hơn, thuần hậu và chia sẻ nhiều hơn.
Trong một không gian không rộng, nhưng tác giả Phía núi luôn ý thức vượt qua sự dễ dãi về ngôn từ, câu thơ có sức gợi, nhiều nỗi trắc ẩn đánh thức người đọc:
Tóc em vẫn còn thơm mùi suối
Những đêm trăng tím vạt đồi
Còn thêu vẫn xanh ngày hội
Mà em giờ ngủ bên người
(Câu Xường ngày cũ)
Và, điều đáng trân trọng nhất trong Phía núi là tình người luôn thấm đẫm trong mỗi câu thơ.
LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu.
Lời trên phiến đá
Có chiếc áo không cúc phơi trên phiến đá
Vào một chiều trở đông
Con suối chảy cạn mùa nước bạc
Nàng thả tuổi mình trôi phía mưa giông
Có tiếng trẻ khóc nhú mầm trên phiến đá
Ngày thu lồng sắc cỏ xanh trời
Nàng thôi giận những sợi mưa luống tuổi
Ngả ngớn trên cây cầu đơn côi
Có lời hẹn rêu trên phiến đá
Bạc phếch những mùa hoa lau
Nàng vẫn chải tóc bên vũng nước nhỏ
Chờ ngày suối lũ tràn qua nhau
Có cơn mưa vẽ mình trên phiến đá
Ngày nàng ngủ quên mùa
Thu phơi nước mắt lên câu hẹn
Phiến đá vùi mình thiếp trắng lời ru.

Thiếp trong tay mẹ
tóc vừa chạm phai
Cho những đôi chân, những bàn tay
không còn vẹn như ngày trời sinh
Ta mơ thấy vẹn bàn tay
Bàn tay mẹ đã cho ngày trời sinh
Hái mây về cột tóc mình
Vuốt ve cỏ rối yên bình giấc êm
Ầu ầu tuổi rụng qua thềm
Lá gianh mùn mục lại mềm mái gianh
Mẹ ta thưa sợi tóc xanh
Thay cho ta chiếc áo lành ngày đông
Ầu ầu thương dậu trầu không
Tay mơ têm miếng vôi nồng bỏng môi
Còn bao xa một kiếp người
Thương bàn chân chẳng theo đôi lạc mình
Bấm bùn trơn dốc chênh vênh
Lưng còng mẹ cõng chòng chành giấc mơ
Ầu ầu con cuốc gọi trưa
Thiếp trong tay mẹ tóc vừa chạm phai...

Viết cho tháng mười
Tặng đôi chân tuổi cỏ
Tháng mười sinh ra trên ngọn gió
Cha chất đầy gùi về hong mắt mưa
Mẹ trở dạ cũng vào chiều bếp ướt
Tháng mười sinh em sau lọn gió lạc mùa
Những tháng mười đi qua
Trái tim biết hát lời cỏ
Mơn mơn xanh rối lưng nương
Đôi mắt biết thêu sắc đỏ
Hẹn đoá bông trăng thổn thức câu Xường
Những tháng mười rất thương
Những tháng mười cứ vỡ nhoà trong gió
Em mang vẹn nguyên hình hài thiếu nữ
như ngày tuổi mẹ theo cha
Những tháng mười vẫn qua
Cha thương lắm đôi chân mang tuổi cỏ
Nên cõng em đi theo hun hút câu Xường
Mẹ hái từng mùa bông trăng trên nương
Về thêu chật chiếc khăn màu nước mắt
Ngọn gió lạc mùa từ đâu lại về hát
Tháng mười ơi. Em đừng khóc
Còn tôi!