Thứ Năm, 27/06/2013 14:08

Tiểu thuyết Mùi chồng của Nguyễn Hiệp

Ở cuộc đời thực, khi giá trị đạo đức bị đảo lộn, bị xem thường, tình người cũng bộc lộ đầy đủ những góc cạnh của nó. Đọc Mùi chồng khiến người ta phải đau đớn, phải nén lại tiếng thở dài về một hiện thực nhân thế, nhìn về quá khứ và ngẫm nghĩ thật nhiều ở đời sống hiện tại.

Viết về chiến tranh là một trong những đề tài thu hút đông đảo lực lượng sáng tác văn học từ trước đến nay. Chính vì vậy đối với mảng đề tài này, các tác giả đã đào sâu ở các vỉa tầng khác nhau, nhìn chung có hai mảng được khai thác: thứ nhất là viết trực diện về cuộc chiến, và mảng thứ hai là văn học hậu chiến. Trong quá trình xuyên suốt nửa thập kỷ qua, ở mảng đề tài phản ánh trực diện đã được các nhà văn, nhà thơ xây dựng nên một diện mạo đồ sộ, rạng rỡ với nhiều tác phẩm có giá trị.

Hiện nay viết về đề tài chiến tranh đa số các cây bút tập trung viết về đề tài hậu chiến, đi sâu khai thác về cuộc sống, chân dung, những vỉa tầng cảm xúc của người lính khi bước ra từ chiến tranh, ở đấy con người tưởng chừng tách được ra cái ranh giới sống – chết nhưng thực chất họ lại không vượt qua được, bị mắc kẹt giữa quá khứ với những hồ nghi, hoang tưởng. Họ trở nên lạc loài giữa hiện tại.

Tiểu thuyết Mùi chồng của tác giả Nguyễn Hiệp là một tác phẩm như thế. Một tác phẩm khi đọc xong người ta thấy nhưng nhức trong lòng một nỗi đau thời đại, nỗi buồn quá khứ, và sự lạc loài thân phận, sự tráo trở trắng đen… Truyện xoay quanh cuộc đời của bốn nhân vật: Thu, Sa, vợ chồng ông Hai

Ngay từ những dòng đầu tiên, người đọc đã bị cuốn hút bởi cách đặt tên của cuốn tiểu thuyết. “Mùi chồng”. Tại sao lại là mùi chồng? Đó là cách đặt tên truyện rất gợi và thu hút sự chú ý của độc giả.

Tiểu thuyết Mùi chồng viết về cuộc đời của những người lính bước ra từ cuộc chiến, chạm mặt với những đổi thay của con người. Khi người ta bước ra được ranh giới của cái sống và cái chết, những khó khăn thời chiến tranh, giá trị con người, niềm tin, tình cảm, kỷ niệm cũng chuyển sang một cung bậc khác, không còn thuần khiết mà bị xáo trộn tới mức đổi thay, không còn thanh thản mà bị đè nén tới mức trầm uất, không còn đắm say mà bị bất an, cay đắng tới sợ hãi, tê dại. Qua dòng hồi ức của nhân vật Thu, quá khứ cứ lặp đi lặp lại đầy ám ảnh với những chiều kích cảm xúc da diết, hòa quyện và hiến dâng. Tình yêu của Thu và Sa trong chiến tranh gian khổ thật cảm động. Khi hòa bình Sa đã ở một vị trí khác, có chức có quyền và bị cuốn theo dòng xoáy của danh lợi, anh bất chấp bất kỳ thủ đoạn nào để mưu lợi cho bản thân. Thậm chí chà đạp lên cả những người thân, những chiến hữu đã vào sinh ra tử với mình một thời. Niềm tin tan vỡ, Thu sống gần như giam mình trong nhà, trong cái quá khứ xa vời vợi mà thỉnh thoảng lại dội lên. Gia đình ông bà Hai là điển hình cho những con người bất hạnh, một thế hệ phải chịu hậu quả của chất độc da cam, những đứa con của ông Hai mang những cái tên đầy day dứt, đau đớn: Phạm Thị Vô Lý, Phạm Thượng. Như một dấu hỏi cay nghiệt giữa cuộc đời. Đây chính là một nhân chứng tố cáo tội ác chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc, con đường hạnh phúc, tương lai của những con người đã tồn tại mà không bước qua được lời nguyền cay nghiệt.

Ở cuộc đời thực, khi giá trị đạo đức bị đảo lộn, bị xem thường, tình người cũng bộc lộ đầy đủ những góc cạnh của nó. Đọc Mùi chồng khiến người ta phải đau đớn, phải nén lại tiếng thở dài về một hiện thực nhân thế, nhìn về quá khứ và ngẫm nghĩ thật nhiều ở đời sống hiện tại.

Tiểu thuyết Mùi chồng là một cuốn tiểu thuyết có giá trị hiện thực sâu sắc, giàu tính nhân bản, đánh thức ký ức của một thời quá khứ, soi rọi vào đó nhiều điểm nhìn về niềm tin và dục vọng, về phúc lạc và đau đớn, về sự cô đơn và những nhận chân sâu kín của cuộc đời. Giữa hai chiều quá khứ và hiện tại, tác giả đã làm nổi bật lên, tái hiện sống động sự xung đột của trạng thái phân hai - tình yêu và những chuyển hóa khó lường của con người.

Thông tin sách:

Tên sách: Mùi chồng

Thể loại: Tiểu thuyết

Tác giả: Nguyễn Hiệp

Khổ sách: 13 x 20,5 cm

Số trang: 246 trang

Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ

Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn học, 2013

H.T