Thứ Ba, 03/09/2013 15:15

VỀ NHỮNG NHÂN VẬT CỦA TIỂU THUYẾT "MÙI CHỒNG"

Lại một lần đi sửa máy vi tính cho cô học trò, tôi đã vô tình nghe được những bí mật về chuyện làm ăn đất cát ghê gớm từ một bàn nhậu sau nhà. Tôi sửa xong máy, cài đặt lại chương trình, cho máy khởi động lần cuối cũng là lúc phát thảo truyện ngắn Mùi Chồng hoàn tất trong đầu (Nhà văn NGUYỄN HIỆP)

. Nhà văn NGUYỄN HIỆP

Tôi có điều kiện thuận lợi hơn các nhà văn ở thành phố là cuộc mưu sinh của tôi cực nhọc hơn, lăn lộn, bầm dập hơn, tiếp xúc nhiều hạng người hơn. Tôi viết hoàn toàn vào ban đêm, còn 12 giờ, từ sáng sớm tới chạng vạng tối, với tôi, đều là những “chuyến đi thực tế” sinh động, hấp dẫn. Cho đến giờ này, tôi làm qua bảy nghề cả thảy để kiếm sống, rất dễ trở thành “bá láp” nếu như không có niềm đam mê văn chương, chính nhu cầu quan sát, ghi nhận, chạm được cuộc sống đã giúp tôi xem cả những điều tồi tệ nhất mà mình buộc bị nếm mùi cũng là những giá trị. Nói vậy để dễ hiểu là nhân vật trong tác phẩm của tôi luôn là kết quả phép cộng của nhiều lát cắt, nhiều khoảnh khắc, nhiều con người khác nhau. Mùi Chồng không phải là ngoại lệ.

Có lần đến quay phim cho nhà một cựu chiến binh, trong khi chờ đợi, chủ nhà đã mời tôi uống trà. Tôi tranh thủ hỏi về đời sống thời chiến của những người trong mật khu, khi câu chuyện dài dòng với những chi tiết thường thường sắp cạn, tôi cũng đã vơi dần sự kiên nhẫn, định đứng dậy, chợt ông lặng hồi lâu và bật ra câu chuyện tắm lửa của những du kích năm xưa. Tôi nuốt lấy từng lời, “bức ký họa” phân nửa nhân vật Thu (nữ du kích thời chiến tranh) ra đời ngay đêm đó.

Bẵng đi thời gian khá lâu, tôi lại chụp hình tân gia cho một tay cán bộ địa chính, đám tân gia to nhất, người ngập sân, xe nghẹt đường nhưng cũng không để lại ấn tượng gì trong tôi. Theo yêu cầu của chị chủ nhà, tôi phải chụp bức hình chị đứng trước một lò sưởi bằng đá, chạm khắc cầu kỳ, chắc tốn rất nhiều tiền bạc, công sức. Tôi cứ luôn thắc mắc cái lò sưởi chẳng biết để làm gì giữa xứ sở sa mạc nắng nóng cùng cực này. Chợt tôi nóng ran cả người, không phải vì ai đó đốt lò sưởi lên mà vì câu chuyện tắm lửa phác thảo ngày nào trong laptop của tôi đã rùng rùng sống dậy, nối kết, kể tiếp phần còn lại. Nửa sau của nhân vật Thu (thời hậu chiến) đã hiện ra trong sự mường tượng của tôi.

Lại một lần đi sửa máy vi tính cho cô học trò, tôi đã vô tình nghe được những bí mật về chuyện làm ăn đất cát ghê gớm từ một bàn nhậu sau nhà. Tôi sửa xong máy, cài đặt lại chương trình, cho máy khởi động lần cuối cũng là lúc phát thảo truyện ngắn Mùi Chồng hoàn tất trong đầu. Nhân vật Sa, chồng Thu đã xuất hiện với đầy đủ diện mạo của một tay cán bộ tha hóa (gần giống tay ngồi nhậu sau nhà hôm ấy).

Nhưng ngay khi truyện ngắn này được đăng trên báo văn, tôi cũng còn thấy tiếc vì thật sự là chưa viết hết ý mình. Cả khi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đề nghị tôi viết thành kịch bản phim, tôi cũng chưa hình dung mình phát triển như thế nào. Bỗng tôi nhận được giấy mời đi dự Hội thảo văn học thiếu nhi ở Đồng Nai. Trong giờ nghỉ, mấy nhà văn, nhà thơ chủ nhà đã rủ rê, hẹn tôi đến quán cà phê có một cây đa búp đỏ khổng lồ, rất nhiều rễ cây to như cột nhà phủ trùm lên cả góc quán, nhiều rễ xòa ra, thắt lại với một cấu trúc lạ lùng. Ngồi uống cà phê, tôi tranh thủ mượn cấu trúc bộ rễ lạ kỳ này cố mường tượng, ép cấu trúc kịch bản phim của mình thắt nhả, giao cắt, phình to, chày trườn y như vậy. Đó là trò chơi âm thầm trong đầu nhưng không ngờ về tới phòng mình tôi còn vẽ lại được, nó mê hoặc tôi mất mấy ngày và một số nhân vật trong truyện dài Mùi Chồng cũng ra đời “từ những rễ cây” trong quán cà phê này. Về lại nhà, tôi chỉ việc viết lại, phát triển thêm để có được Mùi Chồng như đã in thành sách hôm nay.

Hơi lòng thòng, bếp núc một chút, hầu mọi người câu chuyện viết văn, lẽ ra không nên tiết lộ.

Trích tiểu thuyết Mùi chồng

Chương Một

I.

Rừng Mật khu A2. Đêm. Pháo nổ rất gần xới tung đất đá. Tiếng súng dữ dội, rồi thưa dần. Trên bầu trời chỉ còn xoẹt đùng mấy đường đạn lửa thưa thớt. Cả cánh rừng chìm vào im ắng. Du kích bò ra khỏi hầm. Chiếc bi đông nhôm méo mó chuyền tay nhau, họ chỉ ngửa cổ chạm vào miệng bi đông, thấm liếm làn môi nứt nẻ, không có giọt nước nào. Những khẩu súng AK đầu gắn lưỡi lê đặt chụm lại theo hình tháp. Những khúc củi khô cũng đặt chụm đồng dạng. Họ đốt lửa ngay giữa lòng suối khô.

Tắm lửa. Những ánh vàng ánh đỏ lay đêm trong cuộc tắm lửa của những du kích ở Mật khu A2. Tiếng người thì thào đứt quãng, tiếng củi lửa lép bép. Những du kích nữ cởi hết quần áo ngồi chồm chồm quanh đống lửa. Mặt nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Đứng lên. Xoay vòng. Chầm chậm ưỡn người. Chầm chậm vặn vẹo. Tiếng khúc khích lan ra một thoáng, những nét mặt lại nhanh chóng giãn mềm, lại chăm chú xoay trở, lộn vòng cho cơ thể nóng đều. Càng lúc họ càng áp gần lửa hơn. Mắt bắt đầu hực say. Đường cong bắt đầu lượn say. Da thịt bắt đầu căng say. Say lửa. Một cơn say nóng ran trong những cơ thể thanh tân, những trái chín căng mộng. Lửa hừng hực từ bên ngoài. Lửa hừng hực từ bên trong. Mồ hôi tuôn túa. Họ bắt đầu kì cọ. Khuôn mặt. Tay chân. Bụng ngực… Họ quay thành từng cặp, kì cọ cho nhau. Những bàn tay mơn trớn. Những cơ thể áp lưng vào nhau uốn lượn, chà xát lên xuống, xuống lên. Mồ hôi, đất bụi quện quyện trườn chảy thành dòng trên da thịt. Trong ánh lửa bập bùng, thân hình những người đàn bà vàng bóng nhuễ nhại trông như những khối đồng đang nóng chảy.

Họ lau khô cho nhau bằng chiếc khăn rằn quấn cổ hàng ngày. Đồng chí Hai, người đàn bà trung niên hít ngửi da thịt mơn mởn của Thu,một nữ du kích trẻ, rồi quay đi, giọt nước mắt lăn dài trên má, bà bối rối chùi cũng bằng chiếc khăn rằn rồi quấn mái tóc dài như suối của mình lại, búi thành khối tròn sau ót, bà choàng vội áo bà ba và chiếc radio có quai đeo lên người. Những khối da thịt ửng hồng, ráo hoảnh lại được che nhanh bằng những chiếc áo bà ba rách vá lem luốc đất cát. Và những bàn tay lại nối nhau nhanh chóng cầm lấy súng từ tháp súng tạo thành một vết nhòe trong đêm.

II:

Đó là thứ kiến trúc chắp vá nửa Tây nửa Tàu rất thịnh ở các phố làng Việt Nam đầu thế kỷ XXI, những khối bo tròn và những khối tam giác rời rạc chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng móc mứu lấy nhau tạo nên một không gian sống của những trưởng giả lên đời. Những bồn hoa đúc bê tông dán gạch trang trí nhô ra đủ dạng như những cục thịt thừa trên cái tổng thể vốn đã làm hoa mắt, không chỉ bởi màu tường xanh đọt non lá chuối, mà nhìn chung nó lòe loẹt với rất nhiều thứ vật liệu sặc sỡ đắt tiền. Cái cổng to lớn quá khổ mang một khối bê tông tam giác dán ngói xám bên trên, cũng quá khổ.

Đó là kết quả những ngày tìm tòi không biết mệt mỏi của Sa, thấy ở đâu có tấm lịch in hình biệt thự là Sa xin về, các tay chân thấy vậy săn lùng tom góp cho sếp, cuối cùng một tên đàn em cắt ghép những phần Sa thích lại thành một bản vẽ kiến trúc thiết kế kiểu cắt dán tả pí lù. Ngôi biệt thự nổi lên giữa thị trấn nhanh chóng trở thành thứ biểu tượng mới, biểu tượng của thói thờ tiền, thờ sự nổi trội vốn xa lạ của vùng quê hiền hòa này. Thứ biểu tượng loa lóa, anh ánh, đủ sức để những con thiêu thân mù quáng dẹp hết các loại giá trị khác qua một bên mà lao như điên như dại vào đó, mong sẽ sánh với, sẽ được như… Biết bao nhiêu người run chân khi đi qua cánh cổng đúc chim cò hoa lá có gắn hệ thống điều khiển đóng mở tự động ấy, họ háo hức muốn tiếp xúc cái làn da bàn chân chai vàng dày cui vì chưa quen giày dép của mình lên những viên gạch rộng cả mét vuông, mát lạnh, bóng lộn của ngôi biệt thự, họ vừa sợ sệt vừa mê đắm trước những thứ lạ lẫm. Nhưng cũng có những người lắc đầu, thở ra, quay gót, quay mặt. Và cũng không sao tránh khỏi có người ngang qua đã muốn nôn ọe vì nó. Tất cả, từ góc sân vườn sáng đèn, đến ban công làm bằng những cây inox chói sáng, từng chi tiết ít phô trương nhất của ngôi biệt thự cũng đều quá khổ.

Trước ngôi biệt thự. Lề đường. Đồng Chí Hai ngồi chồm hổm, dáng xơ rơ xác rác, mái tóc ngắn cũn cỡn, nhiều nếp nhăn co dồn về đuôi mắt như một chiếc đuôi cá già nua xác xơ. Bà vẫn mũ tai bèo, vẫn một cái radio nhỏ có quai luôn đeo trên người, bà đang ngồi cạnh ông lão vá xe râu trắng. Mỗi khi ngang qua ngôi biệt thự này bao giờ người bà cũng trầm xuống, bà cứ nhớ những buổi tắm lửa ở Mật khu A2 ngày nào. Ông lão đang nhấn từng khúc ruột xe đạp vào thau nước để tìm chỗ thủng. Người đàn bà trung niên ấy chợt thở hắt ra một hơi dài, nhìn xa xăm về phía con đường. Một bên là dãy chùa chiền mới tô lòe loẹt, mái cong vút liền nhau, bên kia vòng dài qua con thác Thơm. Đồng Chí Hai hơi xoay người chỉ cho ông già ngôi biệt thự và nói ngập ngừng:

-Đây là… “tổ ấm” của người đồng chí, đồng đội đã từng bắt cặp tắm lửa ngày xưa…

-Tắm lửa là sao?

-Nghĩa là thay vì tắm nước, tắm hơi, thì đây tắm bằng lửa.

Ông lão vá xe dừng tay, căng mắt, căng tai lắng nghe rồi lắc đầu:

-Vẫn chưa hiểu. Cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi nghe tắm lửa lần đầu.

Đồng chí Hai nhấn giọng:

-Ông ơi, cực chẳng đã, bị bao vây nhiều ngày, giọt nước giọt vàng, uống còn chẳng có. Tắm lửa là lấy nước từ mình ra mà tắm, lửa làm nóng cơ thể, mồ hôi tuôn ra có cái mà kỳ cọ.

-À, ra vậy!

-Sau này, cô ấy còn tắm nhiều lần nữa nhưng với người yêu, với chồng của mình, bất chấp lệnh “Ba khoan” của tổ chức…

Giọng nói của người đàn bà có vẻ buồn buồn, hờn dỗi. Quay mặt đi một thoáng, bà lại nhiệt tình, sôi nổi trở lại:

Tôi nhớ hồi chồng đi học tận Hà Nội, cô ấy có khoe với tôi về gói bưu phẩm đặc biệt vừa nhận được. Chồng gửi cho vợ một chiếc áo thun mặc lót hàng ngày…

Minh họa của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI

Mắt đồng chí Hai chìm vào xa xăm, bà kể chuyện người khác mà cứ như là chuyện của chính mình:

… Cổng nhà, Thu nhận từ tay người đưa thư gói bưu phẩm bọc bằng một loại giấy vàng nâu, góc trái bên trên ghi rõ: Người gởi: “Nguyễn Huỳnh Sa – Trường Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội”. Nụ cười Thu rạng rỡ, không kềm chế được mình, sau khi chỉ chỉ tay vài cái chỗ ghi địa chỉ gửi đầy tự hào đó, Thu đã hôn hôn hít hít lên gói bưu phẩm làm cho người bưu tá cũng lây niềm vui mà cười theo. Thu vừa đi vào nhà vừa mở gói bưu phẩm, đôi mắt long lanh, bước chân cứ như nhảy cẫng lên, cả người cứ như muốn bay lên. Tiếng hát từ nỗi vui sướng cất lên ríu rít như tiếng chim sáo: “Có một bài ca không bao giờ quên!...” Vào nhà, Thu ôm chầm chiếc áo thun của chồng gửi về, hít một hơi thật sâu,ngước cổ lên trời, mắt nhắm lại, làn mi cong rậm chớp chớp, rồi từ “cánh rừng” tuyệt đẹp ấy ứa ra một giọt nước mắt, một giọt nữa, rồi ràn rụa tựa như nước mắt đã đầy tràn trong hồn, phả tràn bờ mi, không cầm giữ được. Thu lộn trái chiếc áo, hôn quýnh hôn quíu hôn cuồng hôn dại, hôn từ trái qua phải, hôn từ phải qua trái, hôn từ trên xuống dưới, hôn từ dưới lên trên. Thu ôm, siết, hôn trong nước mắt ràn rụa, những giọt nước mắt nhớ nhung, những giọt nước mắt yêu thương, hạnh phúc. Đêm, nằm khỏa thân trên giường, hai bàn chân tréo lại với nhau, Thu áp chiếc áo ấy lần lượt vào mặt vào bụng, áp thật lâu từng vùng trên cơ thể mình, đôi mắt nhắm nghiền lại trong cơn mê đắm. Thu một mình mê muội với cái mùi ấy, lăn lộn trên giường cho đến khi thiếp đi, nụ cười còn đọng trên môi…

-Đàn bà chúng tôi là vậy mà! Đồng chí Hai vừa nói vừa cười cười bẽn lẽn, hai má ưng ửng hồng.

-Lúc trước chắc bà và cô Thu đây thường gặp nhau?

Đồng chí Hai chợt cười chua chát:

-Chỉ lúc trước thôi, sau này ngạch cửa nhà họ cao quá và cũng tại tôi sợ con chó to lớn đó.

Ông già râu trắng ậm ừ, gật gật.

Đồng chí Hai ngoái nhìn sang ngôi chùa cạnh bên.

-Có phải vì gần chùa chiềng nhang khói nhiều mà thác này gọi là thác Thơm không hở ông?

Ông lão đưa miếng dán đã trét keo lên môi thổi nhẹ rồi áp vào chiếc ruột xe, vừa dùng hai khúc cây tròn vỗ ép cộc cộc ông vừa nói:

-Nhiều người lầm tưởng vậy. Ai cũng nhìn hàng lư to lớn đủ dạng dát vàng, dát đồng, sơn xanh, sơn đỏ mà nghĩ như vậy. Thác có tên Thơm nhờ một loại cỏ phát hương mọc ven bờ nước… Tôi rõ vì là người sửa xe đạp lâu năm ở đây. Không khí trời đất nơi này thoang thoảng mùi hương suốt ngày đêm nên cả cái miền này gọi là Miền Thơm. Bây giờ thì… Quên đi… lấy cái tinh thần!

Ông lão vá xe lại cụp mặt xuống với công việc. Đồng Chí Hai trả tiền rồi dắt xe đi. Vắng khách, ông lão hết ngồi nhìn thác nước trắng xoá đổ miên man lại nhìn tượng Phật Bà Quan Âm bất động với bình nước cam lồ trên tay trong ngôi chùa. Yên lặng. Ông lão râu trắng ngồi bó gối như con ốc cúc hoá thạch với cái ống bơm và thùng đồ nghề sửa xe đạp màu rêu tưởng cũng đã hoá đất hoá đá hoá bụi hoá bờ, cả hai cái dáng, dáng người cong vòng và dáng thùng lù lù vuông vức, không thay đổi, không cử động.

Tất cả đều bất động, cả khi chiếc Benz E300 màu đen sang trọng từ cổng ngôi biệt thự trườn êm ra ngoài.

III.

Trong ngôi biệt thự. Thu giờ đã trở thành một mệnh phụ sang trọng đang trong bộ đồ ngủ bằng lụa mỏng, đôi mắt luôn u buồn. Một khung cửa sổ lớn bằng gỗ quý chạm khắc cầu kì, bên phải treo chiếc lồng chim bằng tre vàng ánh, một con cưỡng bông đang nghiêng đầu nhìn Thu. Thu đứng ngắm mưa qua khung cửa sổ ấy, có mấy cành hồng rũ xuống từ góc trái bên trên, một đóa hồng phấn mãn khai, màu đã nhạt quằn quại bởi những giọt mưa xiên mạnh, vài cánh nặng nước rã ra từ từ rớt xuống. Chầm chậm quay vào, Thu đi đi lại lại trên nền đá lát bóng lộn, rồi ngồi xuống, đưa bàn tay bâng quơ sửa mấy cánh hoa trắng muốt từ giò lan trên bàn, lại chống cằm, mắt nhìn bức chân dung trắng đen của vợ chồng mình thời trẻ, Thu mũ tai bèo, áo bà ba, khăn rằn quấn cổ, nụ cười rất tươi, Sa cũng mũ tai bèo nhưng kiểu cười có vẻ ngường ngượng, lên gân. Thu ngắm một thoáng rồi lắc đầu đứng dậy. Thu đi qua buồng tắm, hờ hững nhìn bóng mình soi trong những chiếc gương lớn có khớp xoay, ngang lò sưởi trống hoác, Thu dừng lại nhìn vào cái vòm xám tối lạnh lẽo ấy giây lâu. Con chó becgie nằm nơi góc nhà lim dim mắt nhìn theo, đuôi khẽ ngoe nguẩy.

Thu lại đến ngồi đối diện chiếc laptop. Trên màn hình hiện ra trang blog có tên MÙA THU với dòng chữ bên dưới: “Kí ức ơi, xin ngủ yên!” , một entry đang viết dở dang có dấu chuột nhấp nháy. Bàn tay bà đặt trên bàn phím lưỡng lự, định gõ gì đó lại thôi. Bà thở thườn thượt, ngước nhìn lên góc nhà. Hình ảnh đứa con gái của Thu độ chừng 20 tuổi chợt hiện ra trong đầu, lời nói thì thầm của nó nghe như của một bà cụ non nào đó: “Má viết tất cả ra trang blog này! Má không cần đọc lại. Chỉ đơn giản là má gõ bàn phím để chữa bệnh. Nghĩ gì viết nấy nghen má!”.

Thu đặt tay lên bàn phím, khó nhọc nhấn từng phím bằng ngón trỏ phải. Những dòng chữ nối nhau cứ dài ra, dài ra mãi thành một vết đen nhòe nhoẹt. Trên má Thu, những giọt nước mắt cũng nhòe nhoẹt lăn tràn.

Thu gõ từng chữ chầm chậm như những tiếng nấc nghẹn: Rỗng. Lạnh. Từ ngày anh biết nguyên nhân của những “cơn mưa rào qua nhanh” là do thiếu lửa thì ngay lập tức anh đã cho người xây thêm cái lò sưởi thật lớn, thật đẹp này, nhưng… cũng từ lúc ấy, chưa một lần lửa được nhóm lên. Ai cũng tưởng lò sưởi được xây chỉ để mục đích trang trí, bởi xứ này nóng nực quanh năm và lò sưởi lại xây trong buồng tắm, chỉ có mình và anh là hiểu xây nó để làm gì. Và thật ra nó chẳng để làm gì cả! Ngày trước, nhà cũ chật hẹp nhưng anh cứ nhất định phải nhóm lửa lên, anh nói: “Đã quen với những ngày tắm lửa trong rừng, giờ không có lửa, không có mùi nhau, anh không có những phút giây tột đỉnh hứng khởi”. Mình cũng thèm như vậy nhưng không nói ra. Mỗi khi thấy ngọn lửa bập bùng là mình cứ rạo rực, sự thèm khát mùi anh, da thịt anh, cơ thể anh, vốn kín đáo từ đâu trong người mình, chợt dâng lên, dâng lên. Cơ thể mình bỗng trở thành ngọn lửa cháy bùng trong đam mê, trong đòi hỏi tột cùng. Khi anh ôm mình trong ánh lửa bập bùng, nhập nhòa vàng đỏ ấy, môi lưỡi anh lướt khắp cơ thể mình, tay chân, da thịt anh bóp, nắn, cạ, xoa không xót nơi nào trên cơ thể thì da thịt mình cũng cuộn trào những cơn sóng mạnh mẽ, dường như máu cũng đang réo sôi, thịt cũng đang hừng hực than đỏ. Mình cuồng lên, chồm lên, quằn quại trên anh, bật ngửa trên anh, dập người điên dại trên anh. Và khi mình hất mái tóc ngược lên chuẩn bị cho hồn phiêu bay chạm đến thiên đường đê mê ấy thì mình không kềm được, tiếng hú hét cứ tuôn ra như một thứ bọt sóng mãn nguyện khi đã vượt vạn dặm đại dương để vào được bờ, để được là một với bờ, để được cuộn trộn, nhập quyện cùng bờ, ở trong bờ. Chính những giây phút thần tiên ấy làm cho mình ngầm ủng hộ anh xây lò sưởi giữa xứ nóng nực này, dẫu biết rằng đây là việc làm điên rồ, dở hơi nhất trong con mắt người dân quanh vùng. Giờ thì cái lò sưởi ấy chỉ là dấu vết của một câu chuyện cổ tích…

Mình tỉnh ngủ giữa khuya và bắt gặp ánh mắt êm ái căng thẳng của chồng. Khép hờ chờ đợi. Bàn tay anh ấy vòng sang. Mình khẽ hít thật sâu, cố tìm lại hơi hướm của chồng ngày nào. Mình nhắm mắt cố tưởng tượng trong đầu hình ảnh một ngọn lửa nhưng chỉ vô ích. Vẫn một mùi xa lạ. Mùi người đàn bà nào nó thấm đẫm trong da thịt anh ấy đã làm cho mình tự dưng dị ứng. Cơ thể mình khép lại, cứng đơ, lạnh lẽo. Có gì lan ra ươn ướt hai khóe mắt. Ước gì mình khóc nấc lên được, mình gào thét lên được, mình quăng quật chính mình cho bầm dập, tan nát, rã rời như mưa gió điên dại ngoài kia…